|
|
|
Thịt
kho dừa
Hôm nay, nhìn đĩa thịt kho dừa.
Món ăn này có đến 25 năm mới được ăn lại. Về khía cạnh vật lý miếng dừa trông
cũng thường. Đứa cháu tôi ăn, nó bảo "xương" và lè ra. Nhìn miếng dừa mà vợ tôi
đã cẩn thận thái mỏng để có thể nhai. Gắp lên một miếng, lật qua lật lại như lật
cả một quá khứ thân yêu....
Ngày ấy, mỗi lần kho thịt, mẹ
cũng kho chung với dừa. Những miếng dừa để độn cho đủ ăn hay để tăng thêm hương
vị? Dù thế nào đi nữa cũng qua được một bữa. Của không ngon nhà đông con cũng
hết.
Buổi trưa, sau một giấc ngủ. Mẹ
sai một đứa con đi mua vài cái bánh tráng nướng của bà Tốn hàng xóm. Chia ra cho
mỗi đứa con, cùng với miếng cùi dừa không kho hết. Như một món ăn giữa bữa thay
cho món quà vặt.
Tôi nhớ mẹ tôi!
Khi về chợ. Thường mang vài nải
chuối hương, có thể vì chuối rẻ, cũng có thể vì muốn giúp bạn hàng ế ẩm, như một
nghĩa cử tương trợ lẫn nhau...
Tôi nhớ mẹ tôi!
Khi nào muối dưa cải, lá dưa
chưa kịp vàng đã hết. Nước dưa còn lại để muối lần hai cho mau chua. Cũng có khi
mẹ mang về ký cá bạc má hoặc cá nục. Kho chung với nước dưa chua, vài miếng lá
dưa còn sót lại được trải phía dưới, đổ nước dưa cho ngập cá, một ít nước mầu,
mắm, muối, đường, bột ngọt. Cứ thế kho cho cạn. Nhìn miếng cá khô lại, săn chắc,
phảng phất mùi dưa chua. Mỗi lần như thế, nồi cơm chẳng mấy khi thừa.
Tôi nhớ mẹ tôi!
Thỉnh thoảng mang về một trái
dưa gang bở. Gọt vỏ bỏ hột, quậy chung với đường và đá . Sau bữa ăn trưa chia
đều cho mỗi người một chén... ăn xong còn thèm. Nhưng nhà đông con chỉ được
thế...
Tôi nhớ mẹ tôi!
Mỗi lần cơm nguội còn thừa. Bà
đem phơi khô, giữ vào trong hộp kín. Những ngày mưa gió, không có hàng rong, lấy
ra rang dòn rồi trộn chung với đường. Nhai cộp cộp ngổi ngắm mưa rơi. Những lần
như thế mẹ lo nghĩ nhiều. Ngày mai không đi bán được vì mưa, kinh tế gia đình
chỉ trông vào có mẹ....
Tôi nhớ mẹ tôi!
Hôm nào đi chợ, trời giông bão
không có cá để bán. Đi không lại về không. Nhìn mẹ thật buồn. Mẹ cũng chẳng yên.
Hôm sau rủ mấy người bạn đi chợ "Nam Vang" Tôi nghe và biết thế nhưng chẳng biết
ở đâu? Hình như là chợ biên giới Campuchia. Mua hàng về bán. Kiếm được đồng nào
hay đồng ấy. Chờ hết giông bão, lại tiếp tục nghề cá của mẹ. Thường thì mẹ đi từ
sáng đến tối. Tôi cứ ngóng mẹ mà lo lắng bâng quơ, thời buổi chiến tranh cứ đi
xa là sợ. Tôi nghe hàng xóm nhỏ to như vậy!
Tôi nhớ mẹ tôi!
Nhà gần phi trường "Tân sơn
Nhất" việt cộng từ bên "An phú Đông" đêm đêm pháo kích vào phi trường. Cả nhà
đều chạy chui xuống hầm tránh đạn lạc. Cái hầm được đào chìm dưới đất bên trong
nhà. Mẹ tôi không bao giờ chạy vào. Không phải vì bà không sợ, mà có lẽ cái hầm
không đủ chỗ cho mọi người!
Tôi nhớ mẹ tôi!
Mỗi lần nhà làm thịt được con
gà. Bao giờ bà cũng xí cái đầu. Không biết vì ngon hay muốn nhường cho các con
phần thịt?!!
Tôi nhớ mẹ tôi!
Có lần được mời ăn giỗ, biết mẹ
đi chợ về trễ, nhưng không ai chờ cơm. Điều đó cũng đúng, không thể để mọi người
chờ một người. Nhưng khi mẹ đến họ chỉ mâm cơm ăn dở. Mẹ lấy cớ ở chợ đã ăn quà,
không đụng đũa. Nghèo thì nghèo, chứ không để ai khinh. Muốn mẹ ăn phải để phần
trước khi ăn. Chứ không phải ăn thừa rồi để cho mẹ. Mẹ không kiêu, nhưng cần
cách cư sử tôn trọng dù vai nhỏ.
Tôi nhớ mẹ tôi!
Ngày xưa, bà ngoại tôi mất sớm.
Ông ngoại phải gởi mẹ cho một người bác, phụ buôn bán lặt vặt. Sau ngày di cư
vào Nam mẹ vẫn giữ lễ nghĩa, mỗi lần tết đến mẹ đưa các con đến thăm bác. Nhà
bác giầu, có tiệm vàng ngó ra cửa Bắc chợ Bến Thành. Ngày tết lần nào cũng vậy,
tôi thấy bác chưng một cây quýt thật đẹp chi chít trái, trong khi những nhà quen
khác chỉ có vài chậu Vạn Thọ. Một lần Bác nói "đến gì sớm vậy" hay đại
loại một câu nào đó. Mẹ buồn, từ đó không bao giờ chúng tôi có dịp đến nữa. Mẹ
trọng nhân nghĩa chứ không lụy sự giầu sang.
Tôi nhớ mẹ tôi!
Dáng người nhỏ thó. Mỗi khi về
chợ, mẹ mang cái cần xé to đùng. To hơn mẹ, trong đựng ít thức ăn. Ở nhà nấu sẵn
nồi cơm chờ mẹ, khi mẹ về mới nấu món ăn. Hôm nào bán ế về trễ, cả nhà nôn nóng.
Bữa cơm thường không vui, vì vội, cho kịp vài đứa đi học chiều. Trong đó có tôi.
Là học trò nhưng khg sách cầm
tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ
(thơ Đinh Hùng)
Tôi có đến trường, nhưng nào có
học.
Tôi nhớ mẹ tôi!
Mẹ thường nói "Trong buôn
bán, chữ tín quan trọng, tiền bạc thì phải sòng phẳng". Có như thế, tình cảm
mới không sứt mẻ và bền lâu. Bởi vậy, sau ngày đổi tiền mẹ vẫn có cá bán. Dù
không có đủ vốn để mua, các chủ vựa cá, ai cũng dành cho mẹ nhiều ưu ái.
Tôi nhớ mẹ tôi!
Mẹ thường ngủ sớm. Nhà có cái
đồng hồ báo thức vặn bằng tay, chuyển vận bằng dây cót. Hôm nào đi ngủ mà không
lên dây cót, mẹ ngủ quên. Bác cycle máy chờ mãi không thấy mẹ, bác vào gọi. Vì
không biết chính xác căn nhà, bác réo từ đầu ngõ "cô Yến à! Dậy đi chợ"
hàng xóm cũng dễ chẳng ai cằn nhằn.Trong giao tế mẹ luôn luôn nhường nhịn, láng
giềng có ai ghét mẹ đâu!
Làm việc chăm chỉ, dành được ít
tiền, thì lại chuẩn bị ở nhà để đẻ con. Mẹ không có dư tiền bạc nhưng có nhiều
con .Hơn 40 năm bán buôn vất vả, không ngày nghỉ phép, nuôi một đàn con nên
người. Những đứa con không đứa nào giỏi để mẹ hãnh diện, nhưng được cái quý
trọng mẹ và thương yêu mẹ hết lòng.
Trong xóm, mẹ tôi dễ với con
cái nhất, sau bữa cơm chiều, đứa nào muốn đi đâu thì đi, tôi rong chơi đầu trên
xóm dưới, lang thang suốt đêm. Cũng may nhà sống trong xứ đạo, những câu kinh
đọc ở nhà thờ, những dòm ngó thóc mách của hàng xóm. Đã giữ tôi gần sát biên
giới của sa đoạ, hư đốn.
Tôi nhớ mẹ tôi!
Hai lần khóc con. Đứa thứ nhất
về phép vui Noel với gia đình, 26 đi 27 được tin tử trận. Mẹ buồn khóc ngất. Đứa
thứ hai đi thanh niên xung phong. Không phải vì lý tưởng, mà vì ngày ấy không có
việc làm để mưu sinh. Cả nước đói vì sự ngu đần của người cộng sản. Thằng em đi
thanh niên xung phong để tránh những bữa cơm không vui trong gia đình.Tội nghiệp
nó và thương cho mẹ,
Tôi nhớ mẹ tôi!
Gọi phone về thăm, mẹ không còn
đi ra ngoài được nữa. Chắc buồn lắm! mẹ hỏi thăm thằng Tí giờ đã mấy con, cái
thằng mà ngày xưa cứ căn me mẹ về chợ. Lần nào cũng vậy, mẹ dừng lại cho cháu
quà, còn cháu thì nhẩy lên, nhảy lên mà không biết hỏi thăm nội. Rồi mẹ hỏi con
Ti mấy con? Tường Vi mấy con? Chưa được 3 phút mà hỏi đi hỏi lại mấy lần. Trí
nhớ không còn nhiều. Giọng mẹ nhỏ, run run, gẫy khúc!
Tôi nhớ mẹ tôi!
Tôi muốn về. Nhưng sợ phải nhìn
thấy mẹ trong dáng dấp đào thải khắc nghiệt của thời gian. Tôi muốn giữ mãi hình
ảnh mẹ mà lần trước về thăm. Mẹ còn khoẻ, sau bữa cơm chiều mẹ mở ti vi coi phim
Hàn Quốc. Phe phẩy cái quạt, dáng nhàn hạ vô tư. Nhìn bàn tay mẹ, những vết nhăn
sần sùi. Bàn tay mà hơn 40 năm. Sáng sớm tinh mơ, đã sục tay vào lớp đá lạnh, để
sắp xếp những con cá cho gọn gàng. Không bao giờ có được đôi bao tay. Con nhìn
đôi tay mà biết công lao mẹ đã lo cho chúng con quý dường bao.
Tôi nhớ mẹ tôi!
Nhai miếng dừa kho mà nghẹn
ngào. Miếng dừa ẩn chứa tình mẹ bao la, tôi nhai chậm rãi từ từ. Xác dừa nát tan
như sữa mà nghĩ đến giòng sữa mẹ ngày nào nuôi tôi.
Con nhớ mẹ! Mẹ ơi!
Dương Nhi |
|
|