Hồi trước, ở Nữu Ước, lúc
nào rảnh, tôi thường qua sông East River để phiếm đàm vài giờ thú vị với
S Parkes Cadman ở Brooklyn. Ông là một trong những người nổi danh nhất ở
Mỹ. Ông giảng đạo trong nhiều năm và là một người tiền phong về phát
thanh.
Nếu bạn cho rằng bạn làm không kịp thở thì xin bạn nghe tôi kể những công
việc thường ngày của ông.
Bảy giờ sáng ông dậy, trả lời hai chục hoặc ba chục bức thư, viết một ngàn
rưỡi chữ cho tờ báo của ông, soạn một bài thuyết giáo, hoặc viết tiếp một cuốn
sách, đi thăm năm hay sáu tín đồ, trở về nhà, đọc trọn một cuốn sách mới xuất
bản, vậy là xong việc trong ngày đó, và đi ngủ vào khoảng hai giờ sáng.
Theo chương trình đó trong bốn mươi tám giờ thì tôi sẽ tối tăm mặt mũi lại,
vậy mà ông giữ đúng được hàng tháng, hàng năm! Bạn thử tưởng tượng xem! Có lần
tôi hỏi ông làm cách nào. Ông đáp là dễ lắm, chỉ việc dự tính trước công việc.
Ông bảo không đọc thư cho thư ký đánh máy mà đọc trước một máy ghi âm, như
vậy mỗi ngày tiết kiệm được một giờ. Ông lại nói chính Gladstone đã cho ông một
bài học quý giá về cách làm việc. Khi điều khiển chính sự nước Anh, Gladstone kê
bốn cái bàn trong phòng làm việc: một bàn cho các công việc văn học, một bàn cho
thư từ, một bàn cho các việc chính trị và một bàn cho những việc nghiên cứu
riêng. Gladstone nghĩ rằng thay đổi công việc thì làm việc được nhiều hơn, nên
làm ở bàn này một lúc rồi qua bàn khác. Ông Cadman cũng theo đúng vậy, thay đổi
công việc luôn và theo ông thì nhờ vậy óc ông được minh mẫn.
Ông thay đổi cả sách đọc. Nếu bạn tưởng rằng học giả Cadman chỉ đọc những
sách về thần học, thì bạn lầm lớn. Ông cho rằng phải đổi sách đọc cũng như đổi
món ăn. Vì vậy mỗi tuần ông đọc hai ba cuốn tiểu thuyết trinh thám. Ông thích
Sherlock Holmes và cho truyện The hound of the Baskervilles là truyện trinh thám
hay nhất từ trước tới nay.
Ngày tôi lại thăm ông, tôi thấy bốn cuốn sách trên bàn. Một cuốn giảng cách
lựa thức ăn hàng ngày của bác sĩ Hay; một cuốn nhan đề là The Romance of
Labrador (loại tiểu thuyết phiêu lưu), một cuốn hồi ký về triều đình vua Louis
XIV, và một truyện trinh thám mới xuất bản.
Theo tôi cái điều lạ lùng nhất trong con người lạ lùng đó là ông làm phu
trong mỏ than ở quê ông, ông mới mười một tuổi, và trong mười năm đằng đẳng ông
tiếp tục làm dưới mỏ tám giờ mỗi ngày để nuôi một bầy em dại.
Bấy giờ ai mà chẳng nghĩ rằng ông không làm sao thành người có học được. Vậy
mà sau này ông thành một người học rộng nhất châu Mỹ. Ông bảo tôi rằng bất kỳ về
ngành nào trong văn học Anh, ông cũng biết được kha khá. Hồi ông làm mỏ, luôn
luôn phải đợi một hoặc hai phút để người ta trút hết than trong xe ông đẩy,
trong lúc đợi, ông rút trong túi ra một cuốn sách. Bạn biết rằng trong mỏ than
tối tăm đến nỗi đưa bàn tay ra cũng khó thấy được, vậy mà ông ránh đọc sách nhờ
ánh sáng mù mù của chiếc đèn cũ. Bạn lại nhớ mỗi lần ông được nhiều lắm là được
một trăm hai mươi giây song ông vẫn mang sách theo. Ông bảo rằng thà không đem
cơm theo chứ không chịu không đem sách theo.
Vì ông biết chỉ có mỗi một cách thoát được cảnh ngục trong mỏ là đọc sách.
Cho nên trong mười năm làm phu mỏ, mượn hay xin được cuốn sách nào trong làng
bên cạnh là ông cũng đọc, trước sau hơn một ngàn cuốn. Vậy thì sau ông thành
công, có gì lạ đâu. Một người như ông thì không có sức gì làm cho phải ngừng
bước mà không tiến nữa. Mười năm sau sức học của ông đã kha khá, ông thi đậu một
cách vẻ vang và được học bổng vào trường đại học Richmond.
Mỗi chủ nhật ông giảng đạo cho trên năm triệu tín đồ. Ông là một nhà thuyết
giáo nổi danh nhất. Khắp thế giới đều được nghe giọng ông. Một lần đề đốc Byrd
đánh vô tuyến điện tín từ Litte American cho ông để tỏ nỗi vui của bọn thám hiểm
khi bắt được tiếng ông ở một nơi chân trời, gần Nam Cực. Vậy mà khi Cadman mới
tới châu Mỹ, ông chỉ xin được việc thuyết giáo trong một nhà thờ, cho một trăm
rưỡi tín đồ ở Millbrook, tiểu bang Nữu Ước. Họ định trả ông mỗi năm một trăm hai
mươi Anh kim, nhưng không đủ tiền, đành trả ông bằng heo, gà, trái bom, khoai
tây. Có người tặng ông một đống rơm.