Hình
: Đạm Tuyết - Hoa Quỳnh
Thượng Đế ban cho loài người hai nguồn ánh sáng khác nhau do hai nhà
máy phát ánh sáng khác nhau. Nhà máy phát ánh sáng ban ngày là mặt trời.
Nhà máy phát ánh sáng ban đêm là mặt trăng. Không biết hai cái máy vĩ đại
này chạy bằng nguyên liệu gì mà từ trước đến giờ không nghe nói nó bị ‘sự cố kỹ
thuật’. Cũng không biết, nếu chúng trục trặc, ai sửa chúng?
Nhà nông thích ánh sáng mặt trời để trồng trọt và được sự ấm áp. Thi nhân
thích ánh sáng mát dịu của mặt trăng sau ngày dài lao động dưới ánh nắng gay gắt
của mặt trời. Theo Hán- Việt thì trăng là Nguyệt. Trong ngôn từ Việt
Nam có cụm từ:
- Nguyệt Hạ Lão Ông: Đó là ông Tơ ngồi dưới ánh sáng
trăng. Ông là vị Tiên đặc trách hôn sự cho nam- nữ trên trần thế.
Ông cầm một cuốn sổ và một cuộn chỉ ngồi dưới bóng trăng xem người nam và nữ nào
hợp nhau đúng theo sổ sách đã định để cột họ lại để họ trở thành vợ chồng.
- Nguyệt Hạ Hoa Tiên: tình yêu giữa nam- nữ dưới trăng nôm na
là trăng hoa.
- Nguyệt (trăng) là Thái Âm (-) đối lại với Thái Dương (Dương)
(+) ám chỉ ban đêm
Trên quốc kỳ của các nước Hồi Giáo thường có hình trăng lưỡi liềm. Các
nước Hồi Giáo không chấp nhận chữ Thập Đỏ của Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế vì chữ
thập gợi lại hình ảnh cây thánh giá của đạo Christ (Thiên Chúa, Tin Lành, Chính
Thống Giáo và Anh Quốc Giáo).
Trong âm lịch có tháng chẳn và tháng lẻ. Tháng chẳn có 30 ngày.
Tháng lẻ có 29 ngày. Mặc cho tháng chẳn hay tháng lẻ cứ đến ngày 15 âm
lịch thì trăng tròn. Sự vận hành của mặt trăng ảnh hưởng đến thủy triều
với cảnh trăng thanh gió mát. Cơ thể con người cũng chịu ảnh hưởng
của tuần trăng vì có 80% nước. Chữ Nguyệt cũng có nghĩa là tháng trong chu
kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Nhà thơ Hàn Mạc Tử bị lại chứng (1).
Khi trăng tròn ông bị đau nhức khó chịu. Ngày trăng tròn cũng ảnh hưởng
đến vài bịnh tật của loài người như đau khớp xương, bịnh Lyme, bịnh Alzheimer,
chứng động kinh v.v. Bịnh Lyme do bọ chét nai cắn truyền ký sinh trùng
Borrelia burgdorferi vào cơ thể. Người bịnh bị nóng, lạnh bất thường.
Da bị lở. Dần dần các khớp xương bị đau nhức. Chu kỳ trăng tròn là
29.53 ngày. Chu kỳ sinh sản của trùng
Borrelia burgdorferi xê dịch từ 28- 30 ngày. Hiện tượng trăng tròn
cũng ảnh hưởng đến tánh tình, tình trạng giảm giấc ngủ của con người vì kích
thích tố
melatonin kiểm soát giờ giấc ngủ và thức bị sút giảm.
Thảo mộc cần ánh sáng của mặt trời để tăng trưởng và đồng hóa diệp lục tố.
Đa số các loài hoa đều nở ban ngày khi mặt trời mọc. Cũng có một số loài
hoa nở chiều, tối và tỏa hương thơm vào buổi tối như dạ lý hương, hoa thiên lý,
quỳnh hoa, hoa thanh long, hoa sứ, hoa bưởi...mà chúng ta đã có dịp đọc qua.
Trong thực vật học Việt Nam có vài loại thảo mộc mang tên mặt trăng như:
- nguyệt bạch Artemisia vulgaris,
- nguyệt quế Murraray paniculata.
Thực vật có chữ Moon (nguyệt- trăng) trong tiếng Anh có:
- nguyệt hoa (moonflower) hay nguyệt đằng (moon vine)
Calonyction aculeatum giống như dây rau muống, hoa rất thơm
- nguyệt đằng (moon creeper) tức dây nhựa không lá
Sarcostemma viminale
- nguyệt phong lan (moon orchid) Phalaenopsis
amabilis v.v.
Trong bài này chúng tôi sẽ đề cập đến những loài hoa thơm nở vào buổi chiều hay
buổi tối và tỏa hương thơm sau khi mặt trời lặn, vào buổi tối hay những đêm sáng
trăng. Vài loài hoa trong số này có thể xa lạ với người Việt Nam
nhưng rất quen thuộc với những người làm vườn ở Hoa Kỳ.
HOA HUỆ CASABLANCA
Casablanca (2) là tên một thành phố ở Morocco. Hoa huệ Casablanca được
người Anh gọi là Casablanca lily hay Oriental lily (hoa huệ Đông
Phương).
Tên khoa học của huệ Casablanca là Lilium casablanca
thuộc gia đình Liliaceae. Cây hoa cao từ 1 đến 1.50 m; lá dài; hoa
06 cánh (hoa huệ luôn luôn có 06 cánh) màu trắng; nhụy màu hung đỏ. Hoa
được trồng bằng củ. Thường thường người ta trồng vào mùa Xuân hay mùa Thu.
Hoa nở vào mùa Hạ. Hoa huệ Casablanca hữu sắc và hữu hương. Hương
thơm tỏa ra vào buổi chiều và tối.
Hoa huệ Casablanca được thấy trong bó hoa cưới hay trong bình hoa của các nhà
cắm hoa nghệ thuật Ikebana Nhật Bản.
Hoa huệ Casablanca được mệnh danh là Nữ Hoàng của các loài hoa. Đó là cách
nhìn riêng của các nhà thực vật học hay nhà trồng tỉa Tây Phương. Vì hoa
gừng (khương hoa) (3) Zingiber officinale cũng được các nhà thực vật học
khác xem là Nữ Hoàng của các loài hoa! Nên rất khó so sánh vẻ đẹp của hai
nữ hoàng của các loài hoa này.
HOÀNG HÔN ANH THẢO
Anh thảo hay hoa báo xuân (primrose) là một loài hoa màu vàng (hoàng hoa
anh thảo). Hoa rất thơm và nở vào buổi chiều. Đến sáng thì hoa khép
lại. Đó là lý do tại sao gọi là hoàng hôn anh thảo (evening primrose).
Tên khoa học của hoàng hôn anh thảo là Oenothera biennis, Oenothera muricata,
Oenothera centralis, Oenothera pycnocarpa, Onagra biennis, Brunyera biennis.
Người Anh cho loài hoa này nhiều tên qua đặc điểm và sự hữu dụng của nó như:
evening primrose, evening star, sun drop, king’s cure all (vì ngày xưa người
ta dùng hoa này để trị nhiều loại bịnh của loài người), fever plant (cây
trị sốt), night willow herb (dạ liễu thảo), war poison. Chữ
Oenothera trong tên khoa học của hoa hoàng hôn anh thảo phát xuất từ tiếng
Hy Lap Oinos có nghĩa là rượu nho và Ther: dã thú. Tương
truyền rằng ngày xưa người ta dùng củ của hoa anh thảo ngâm với rượu nho để
thuần hóa dã thú.
Cây hoa cao từ 1- 1.20 m; lá thon dài; gân lá không rõ. Hoa to, màu
vàng tươi rất đẹp. Hoa nở vào buổi chiều và khép lại vào buổi sáng khi mặt
trời mọc. Hoa rất thơm về đêm. Hoa anh thảo gốc ở Bắc Mỹ nhất là
miền đông Hoa Kỳ. Nó được tìm thấy nhiều ở Florida và Texas. Hoa có
trái. Hột có dầu ăn được và dùng để chữa bịnh hay dùng trong kỹ nghệ mỹ
phẩm.
Lá và củ hoa anh thảo ăn được. Củ là thức ăn của người Da Đỏ. Thợ
săn Da Đỏ dùng củ hoa anh thảo xát trên gót giày để thú rừng không nhận được hơi
người đến gần chúng. Hột dùng để lấy dầu. Dầu được dùng để nấu nướng và
trị bịnh. Lá, củ, hoa, hột (dầu) dùng để trị cao huyết áp, cholestrol
cao, huyết áp thấp, trị viêm, tiểu đường, béo phì, cổ trướng, suyễn, ho gà, cầm
máu, nhuận trường. Dầu lấy từ hột hoa anh thảo có gamma-
linolenic acid, linoleic acid kháng viêm và làm giảm đau nhức.
Hoa anh thảo dùng làm màu nhuộm vàng. Hoàng hôn anh thảo vừa có hoa đẹp,
có hương thơm về đêm lại có giá trị trị liệu và công dụng trong kỹ nghệ mỹ phẩm
và màu nhuộm. King’s cure all vừa là tên gọi thông thường vừa là
biệt danh trị bá bịnh của loài hoa vàng nở vào buổi chiều này.
HUỆ KIẾM NAM PHI
Nam Phi là nơi phát tích của loài hoa huệ kiếm mang tên khoa học Gladiolus
tristis hay Gladiolus concolor thuộc gia đình Iridaceae (Gradiolus:
cây kiếm. Người Pháp gọi là Glaieul Việt Nam âm thành Lai- en).
Loại huệ kiếm Nam Phi này mọc ở những đầm nước mặn. Do đó nó được người
Anh gọi là Marsh Afrikaner; evening flower gladiolus (vì hoa nở và tỏa
hương thơm trong không khí vào buổi chiều và tối). Cây huệ kiếm cao từ 1-
1.50 m; lá nhỏ và dài. Thân mềm. Hoa hình chuông, có 06 cánh màu
vàng, trắng. Hoa huệ kiếm Nam Phi rất thơm. Hoa nở vào cuối đông và
đầu xuân.
Huệ kiếm Nam Phi ngày nay được tìm thấy nhiều ở các vùng khí hậu ôn đới và Địa
Trung Hải.
NGUYỆT QUẾ
Trong Thế Giới Thảo Mộc Tự Điển của chúng tôi thảo mộc mang tên khoa học
Murrarya paniculata, Murraya exotica, Murraya ovatifoliolata, Chalcas
exotica, Chalcas paniculata thuộc gia đình Rutaceae của cam quít được
đặt dưới tựa đề Nguyệt Quế Việt Nam để phân biệt với nguyệt quế núi Kalmia
latifolia, gia đình Ericaceae. Chúng tôi gọi nguyệt quế núi này
là Cừu Nguyệt Quế (mountain laurel, sheep laurel) vì trừu ăn lá nguyệt
quế này thì chết ngay. Lá nguyệt quế Việt Nam thơm và được dùng để
cho vào thức ăn cho có hương thơm. Nó cũng được dùng vào việc trị liệu.
Chữ Murraya trong tên khoa học được đặt dựa vào tên Murray (1740- 1791) của nhà
thực vật học Thụy Điển. Người Anh gọi nguyệt quế
Murraya paniculata là orange jasmine, orange jessamine (Hoa Lài Cam
vì hương thơm cam của hoa).
Nguyệt quế Việt Nam cao từ 1- 5 m; lá láng hình bầu dục màu xanh sậm như là cam,
bưởi. Hoa 05 cánh màu trắng rất thơm về đêm. Hoa nguyệt quế có mùi
thơm cam. Trái hình bầu dục màu đỏ khi chín. Lá và hoa được dùng để
ướp trà. Cây được trồng trong vườn hay trồng làm hàng rào để có hoa thơm.
Người Ấn Độ gọi nguyệt quế này là Kamini.
Hoa, lá, vỏ, rễ cây nguyệt quế có flavones, coumarins, indole alkaloid
yuehchukene. Nguyệt quế có tác dụng cầm máu, trị kiết lỵ, bịnh phong
tình và gây trụy thai.
DẠ HƯƠNG HOA TÍM CÁNH DÀI
Gọi là dạ hương hoa tím cánh dài vì hoa nở và tỏa hương thơm về đêm. Hoa
màu tím và có cánh hoa dài, gợn sóng ngoài rìa như chữ longipetala trong
tên khoa học đã gợi lên.
Tên khoa học của dạ hương hoa tím cánh dài là Matthiola longipetala,
Matthiola bicornis (hai sừng), Matthiola oxyceras, Matthiola aspera, Matthiola
kralikii, Cheiranthus longipetalus, Triceras oxyceras
thuộc gia đình Brassicaceae của cải bắp, cải mù-tạt. Chữ Matthiola
trong tên khoa học là tên của nhà thực vật học Thụy Điển Pietro Andrea Mattioli
vào thế kỷ XVI.
Người Anh gọi dạ hương hoa tím cánh dài là night-scented stock (cây thơm
về đêm), perfume plant, evening stock.
Loại hoa này là loài thảo mộc gốc ở Tây Á (Trung Đông) và vùng Địa Trung Hải tức
vùng khí hậu khô hạn. Cây cao từ 50- 70 cm; thân ốm và phủ đầy lông.
Lá nhỏ, dài và nhọn. Hoa 04 cánh màu tím, nhụy vàng (cũng có loại hoa
trắng, nhụy vàng). Trái có hột nhỏ dùng làm giống để trồng hay lấy dầu.
Hoa nở về đêm và tỏa hương thơm va- ni hay hương liệu cay nồng.
Dạ hương hoa tím có hương thơm vì có nhiều flavone glycoside. Theo
sự nghiên cứu của các nhà khoa học Tunisia màu tím của hoa có acylated
cyanidin 3- sambubioside- 5- glucoside. Theo kinh nghiệm của
người Ả Rập loài dê rất thích ăn cây hoa có hương thơm này. Họ cho rằng dê
ăn hoa dạ hương hoa tím cánh dài thì có nhiều sữa.
NGUYỆT ĐẰNG
Tên khoa học của Nguyệt Đằng (moon vine) hay Nguyệt Hoa (moon
flower; giant moon flower) là Ipomoea alba, Ipomoea nostiflora (hoa
nở về đêm), Calonyction aculeatum, Calonyction album, Calonyctnyction pulcherrimum, Calonyction bona- nox thuộc gia đình Convolvulaceae như
rau muống, dây bìm bìm. Người Pháp gọi là belle de nuit (dạ mỹ nữ);
fleur de lune (nguyệt hoa).
Đây là một loại dây dài từ 3- 5 m hay hơn nữa. Dây nhỏ, có nhựa trắng đục
như sữa. Lá hình trái tim màu xanh sậm. Hoa hình kèn có 05 cánh màu trắng,
nhụy vàng. Lấy nhụy hoa làm tâm ta thấy xuất phát 05 sọc vàng nhạt gần nơi
hai cánh hoa tiếp giáp nhau. Nguyệt đằng có trái và có hột. Nguyệt
đằng được trồng bằng hột và phải có giàn cho dây leo. Chúng tôi dùng chữ
nguyệt đằng dựa vào cách gọi của người Anh moon vine. Tên khoa học
Calonyction album là tên khoa học cũ. Tên hiện được dùng là Ipomoea
alba.
Hoa nguyệt đằng nở và tỏa hương thơm về đêm. Vào lúc bình minh của ngày
hôm sau hoa khép lại. Lá nguyệt đằng khô có calonyctin A:
convolvulinolic acid và jalapinolic acid. Hoa có nhiều flavones.
Hoa nguyệt đằng rất thơm về đêm nhất là những đêm sáng trăng vào mùa hè nên nó
được người Tây Phương trồng trong các nguyệt viên của họ.
HOA PHẤN tức HOA BỐN GIỜ CHIỀU
Hoa phấn hay hoa 4 giờ chiều gốc ở Mễ Tây Cơ và Nam Mỹ. Người Aztec ngày
xưa đã dùng hoa phấn hay hoa 4 giờ chiều để chữa bịnh.
Gọi là hoa 4 giờ chiều vì hoa nở sau 4 giờ chiều và tỏa hương thơm vào buổi
chiều và tối. Đến sáng ngày hôm sau hoa khép lại. Ở Florida hoa nở
vào lúc 8 giờ tối. Nếu ngày hôm sau có mưa hay khí trời mát mẻ hoa khép
lại hơi trễ một chút.
Cây hoa phấn cao từ 60- 90 cm. Thân cây nhỏ và mềm. Lá hình bầu dục
màu xanh tươi. Hoa hình kèn có 05 cánh; nhụy vàng. Hoa có nhiều màu
khác nhau: tím, đỏ, hồng, vàng, trắng. Hoa phấn được trồng bằng hột hay
bằng củ. Củ nằm dưới đất suốt mùa đông và sống dậy vào mùa xuân.
Tên khoa học của hoa phấn là Mirabilis jalapa (4) hay
Mirabilis lindheimeri thuộc gia đình Nyctaginaceae. Tên gọi
thông thường:
Anh |
Nhật |
Trung Hoa |
Hong Kong |
Four O’clocks |
Oshiroi- bana |
Zhu fanhua |
Purple jasmine |
Marvel of Peru |
|
(Chu Phấn Hoa) |
|
Ở Nam Mỹ người ta gọi hoa phấn là Clavilla.
Các tài liệu mâu thuẩn nhau về ích lợi và độc tính của hoa phấn. Người ta cho
rằng củ và hột hoa phấn rất độc đối với chó và hoa phấn gây ray rức cho da khi
đụng vào. Ở Cambodia người ta giã lá hoa phấn chà xát trên thân thể khi bị
sốt. Như đã nói, người Aztec đã dùng cây hoa phấn để trị bịnh. Hoa
phấn có flavonoids, alkaloids, steroids, proteins, triterpenes. Nó
gây ảo giác. Hoa dùng làm màu nhuộm thức ăn. Hoa phấn được
dùng để chữa chứng sưng hàm, gãy xương, gây nhuận tiểu. Củ hoa phấn gây
tẩy xổ rất mạnh. Không chối cãi được rằng hột và củ hoa phấn có độc chất.
Nhưng không vì thế mà hoa phấn mất đi sự quan trọng của nó trong vườn hoa vì
hương và sắc đặc biệt của hoa về đêm cũng như công dụng trị liệu và việc dùng
hoa làm màu nhuộm thức ăn.
HOA DẠ NỮ HƯƠNG
Gọi là hoa dạ nữ hương vì hoa đẹp như một mỹ nữ và có hương thơm ngọt ngào về
đêm. Tên khoa học của loài hoa có hương thơm gốc ở Brazil này là
Brunfelsia gigantea (khổng lồ- vì hoa to) thuộc gia đình thảo mộc
Solanaceae. Người Anh gọi là Lady of the Night (Dạ Nữ).
Cây hoa cao từ 1 đến 1.50 m; thân cứng chắc màu xanh-đen; lá khá to, dài, láng
màu xanh sậm. Hoa to năm cánh màu trắng tuyết. Cánh hoa to nhưng
mỏng; nhụy hoa màu vàng. Hoa dạ nữ hương rất thơm về đêm. Hoa có thể
trồng như cây cảnh bonsai hay trong chậu đặt trong nhà cho có hương thơm
ban đêm. Hoa được trồng bằng hột hay chiết nhánh. Ở Peru có loài hoa
cùng dòng Brunfelsia có hoa màu tím rất thơm. Người Peru gọi là
Chiric sanango. Người Anh gọi là kiss me quick
(hôn tôi nhanh đi- vì hương thơm của hoa), royal purple brunfelsia
(hoa dạ nữ hoàng gia màu tím).
Có một loại phong lan được người Anh gọi là Lady of the Night (Dạ
Nữ) hay nói rõ hơn là Lady of the Night Orchid tức:
DẠ NỮ LAN
Tên khoa học của dạ nữ lan hay nói rõ hơn là dạ nữ hương lan (vì có hương thơm)
là Brassavola nodosa thuộc gia đình Orchidaceae (đặt theo tên của
bác sĩ và nhà thực vật học Y Antonio Musa Brassavola vào thế kỷ XVI). Loại
lan này gốc ở Mễ Tây Cơ, vùng biển Caribbean.
Dạ nữ hương lan là một loài chùm gởi sống bám vào cây. Người ta chiết ra
để trồng trong chậu hay bình đặt trong nhà. Lá dạ nữ hương lan dài, láng
và dày màu xanh tươi. Hoa hình trái tim màu trắng toát rất thơm về đêm.
Dạ nữ lan dễ trồng, ra hoa thơm thường xuyên. Hoa chậm tàn. Đó là ưu
điểm của loài dạ hương lan này. Người Tây Ban Nha gọi dạ nữ lan là Dame
de Noche
(Dạ Nữ) như người Anh.
Dạ nữ lan có liên hệ gần với lan Cattleya labiata (do tên của William
Cattley). Lan Cattleya có hoa có màu sắc đẹp. Có loại có hương thơm.
Có loại không có hương mà chỉ có hoa có màu sắc và hình dáng đẹp hơn dạ nữ lan
chỉ có màu trắng với hình trái tim đơn điệu nhưng có hương thơm đặc biệt.
Người ta có khuynh hướng tháp giống dạ nữ lan Brassavola với lan
Cattleya để có hoa to hình ngôi sao.
VỀ TÊN GỌI DẠ HƯƠNG HOA BRAHMA
KAMAL
CỦA ẤN ĐỘ
Khi viết về các loài hoa nở và có hương thơm vào buổi tối chúng tôi thấy các nhà
thực vật học lọng cọng về việc nhận chân dạ hương hoa mang tên tiếng Hindi:
Brahma Kamal. Chúng tôi xin được dài dòng ở điểm này với hy vọng góp ý làm
sáng tỏ sự nhận dạng thảo mộc qua tên gọi thông dụng. Trên phần trên chúng
ta thấy có sự trùng hợp trong cách gọi tên Lady of the Night
cho hai loại hoa khác nhau:
1. dạ nữ hương Brunfelsia gigantea thuộc gia đình
Solanaceae của cà tím, khoai tây
2. dạ nữ lan Brassavola nodosa thuộc gia đình
Orchidaceae.
Để phân biệt người Anh dùng tên gọi Lady of the Night
cho dạ nữ hương thuộc gia đình Solanaceae và Lady of the Night Orchid
cho dạ nữ lan thuộc gia đình Orchidaceae.
Trường hợp tên gọi Brahma Kamal của Ấn Độ khá rắc rối và dễ tạo sự nhầm lẫn:
a. Kamal: hoa Sen
b. Brahma là Thần Tạo Hóa của Ấn Giáo tức Thần của các Thần
Hoa Sen (Liên Hoa) là quốc hoa của Ấn Độ. Đó là Sen mang tên khoa học
Nelumbo nucifera thuộc gia đình Nelumbonaceae là một loài thủy thảo
mộc dưới nước. Hoa nở vào buổi sáng và có hương thơm. Trong huyền
thoại Ấn Độ chịu ảnh hưởng Ấn Giáo (Brahmanism hay Hinduism) hoa sen mọc từ rún
của Thần Vishnu. Thần Brahma (Phạm Thiên) tức Thần của các Thần ngồi giữa
hoa sen. Đối với Ấn Giáo Thần Brahma, Vishnu, Siva và các Thần Nam, Nữ
khác đều ngự trong hoa sen. Hoa sen được gọi là Brahma Kamal hay gọn hơn
là Kamal. Tiếng Sanskrit (Phan) là Kamala.
Hoa Sen Hi Mã Lạp Sơn hay Sen Tuyết là thảo mộc trên cao độ từ 3500 đến 4500
m trong vùng Hi Mã Lạp Sơn tuyết giá. Đây không phải là sen mọc dưới nước
có bùn lầy mà mọc trên đất đá cằn cỗi và giá lạnh. Loại thảo mộc này mang
tên khoa học Saussurea obvallata hay Aplotaxis obvallata thuộc gia
đình
Asteraceae của hoa cúc, hướng dương. Cây cao từ 60- 80 cm. Dưới
gốc có nhiều lá dài, rìa có răng cưa. Lá màu xanh tươi. Hoa to trông
như hoa sen khổng lồ khi còn búp. Trên đỉnh có màu hồng nhạt. Cánh
hoa như những lớp cải bắp mỏng màu trắng. Đó là hoa sen Hi Mã
Lạp Sơn hay Sen Tuyết được tìm thấy trong vùng Uttarakhand ở miền Bắc Ấn Độ.
Hoa sen Hi Mã Lạp Sơn này là hoa biểu tượng của vùng Uttarakhand. Người ta
gọi nó là Brahma Kamal vì dân chúng hái hoa này để cúng thần Vishnu và
Siva.
Người Tây Tạng gọi sen Hi Mã Lạp Sơn là Sah Du-goh-ghoo. Ở Ấn Độ
người ta dùng lá và cọng của sen Hi Mã Lạp Sơn trị đau xương, bịnh đường ruột,
ho, cảm, bịnh về đường tiểu. Ở Tây Tạng người ta dùng sen Hi Mã Lạp Sơn để
trị tê bại, vết thương, đau xương, đau ruột. Sen Hi Mã Lạp Sơn có nhiều
khoáng chất và
antioxidants chống lão hóa, kháng viêm, kháng ung thư, trị thủy thủng,
bịnh tim, bảo vệ gan.
Nhưng hoa Sen nào là quốc hoa? - Hoa Sen Nelumbo nucifera
mọc dưới nước. Hoa Sen này (trắng, đỏ- tím) được các tín đồ Ấn Giáo và
Phật Giáo trân quí. Ít người biết đến hoa Sen Hi Mã Lạp Sơn
Saussurea obvallata. Hoa Sen Hi Mã Lạp Sơn mọc trên cao độ
từ 3500 đến 4500 m nên rất hiếm nếu không nói là có nguy cơ mất giống.
Tên gọi Brahma Kamal cũng dành cho Quỳnh Hoa mà người Anh gọi là Queen
of the Night (Dạ Nữ Hoàng) là hoa của một loại xương rồng lá mang tên khoa
học Phyllocactus grandis (Phyllocactus: Xương rồng lá;
grandis:
to ám chỉ hoa rất to) hay Epiphyllum oxypetalum thuộc gia đình
Cactaceae. Hoa rất thơm, trổ từ lá trên một cuống hoa dài và nở vào
ban đêm. Hoa tàn trước khi trời sáng. Vì tên gọi Brahma Kamal nên
một vài tài liệu thực vật học tả hoa sen Hi Mã Lạp Sơn Saussurea obvallata
với những đặc điểm kể cả hình ảnh của quỳnh hoa như: hoa thơm, nở ban đêm và tàn
trước khi bình minh ló dạng! Hoa Sen Hi Mã Lạp Sơn Saussurea obvallata
đâu có trổ từ lá, không thơm, không đẹp như hoa quỳnh cũng không tàn trước bình
minh.
Như vậy, quỳnh hoa mới thực sự là dạ hương hoa vì hoa thơm, nở và tàn trong cùng
một đêm. Hoa Thanh Long Hylocereus undatus
đẹp, thơm, nở ban đêm và cùng mang tên gọi thông thường của quỳnh hoa trong
tiếng Anh: night blooming cereus.
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
----
(1)
Lại chứng là một trong tứ chứng nan y: Phong, Lao, Cổ, Lại.
(2)
Theo từ nguyên Tây Ban Nha Casablanca là Nhà Trắng.
(3)
Gừng: Khương (Hán- Việt)
(4)
Jalapa là tên một thành phố ở Mễ Tây Cơ (Mexico).
art2all.net |