Lời nói đầu: Lái Thiêu không phải là sinh quán
của tôi nhưng là nơi tôi cư trú rất lâu từ cuộc Chiến Tranh Việt Nam I đến ngày
tôi rời khỏi quê hương vào giữa năm 1985. Đó là nơi tôi còn giữ nhiều kỷ niệm ấu
thời và là nơi tôi có nhiều bạn bè thân thiết. Năm tôi vừa đậu tú tài I, tôi và
một người bạn đi dạo chơi dưới bóng mát của hàng dừa dọc theo bờ sông Lái Thiêu
đến nơi hợp lưu với sông Sài Gòn mà người địa phương gọi là Sông Cái. Trời mưa.
Tôi và người bạn trốn mưa dưới mái hiên của một ngôi nhà cổ. Ông chủ nhà mời
chúng tôi vào nhà và pha trà mời chúng tôi thưởng thức trà lài do chính ông ướp.
Có ngờ đâu cơn mưa hè đó đã dẫn tôi đến nhà của người phối ngẫu của tôi sau này.
Những điều tôi viết trong bài này thuộc về quá khứ. Nó có thể không đúng hay
không còn thích hợp với khung cảnh địa phương và tổ chức hành chánh bây giờ.
Viết sai thì không đến nỗi nhưng sót thì chắc chắn có nhiều vì khuôn khổ giới
hạn của bài viết cũng như vì sự hiểu biết chưa trọn vẹn của người viết về các
vấn đề linh tinh trong một địa phương nhỏ bé này.
Lái Thiêu là một quận ở cực nam tỉnh
Thủ Dầu Một (Bình Dương). Địa danh phát xuất từ chuyện một ông lái buôn tự thiêu
mà ra. Đó là một quận trù phú trong tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương). Dưới thời
Pháp thuộc quận trưởng là người Pháp. Viên quận trưởng cuối cùng người Pháp là
Ferdinand de Larris, tốt nghiệp École Nationale d’Administration của Pháp. Ông
đổi về làm quận trưởng Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc, và bị giết chết ở đó. Dưới thời
quốc trưởng Bảo Đại, đốc phủ Lương Sơ Khai được bổ nhiệm về làm quận trưởng.
Trong những năm đầu sau ngày đất nước qua phân, chức vụ quận trưởng vẫn do các
nhà hành chánh dân sự nắm giữ. Từ năm 1961 về sau chức vụ quận trưởng do các
quân nhân nắm giữ. Ông Nguyễn Thành Tiết là quận trưởng dân sự cuối cùng ở Lái
Thiêu. Ông được làm phó tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành và bị giết chết cùng thiếu
tá tỉnh trưởng Trần Minh Mẫn khi tỉnh này bị Cộng Sản tấn công năm 1961. Về sau
tỉnh Phước Thành giải thể và trở thành quận Phú Giáo thuộc tỉnh Bình Dương.
Quận Lái Thiêu có 11 xã. Đó là: Tân Thới, Phú Long, Vĩnh Phú, Bình Nhâm, Bình
Hoà, An Phú, Hưng Định, An Thạnh ( Búng), An Sơn, Thuận Giao và Bình Chuẩn.
TÂN THỚI
Tân thới là xã quận lỵ Lái Thiêu. Xã Tân Thới giáp ranh với xã Bình Nhâm, Bình
Hoà, Phú Long và Vĩnh Phú. Quốc Lộ 13 chạy ngang qua xã. Một đường trải đá nối
liền xã Tân Thới với Thủ Đức. Trước năm 1949 có đường xe lửa chạy ngang qua Tân
Thới. Đường xe lửa này không còn hoạt động từ khi cầu sắt bắc ngang qua sông Sài
Gòn nối liền Thạnh Lộc và Phú Long bị sập. Đường xe lửa lên Lộc Ninh đi ngang
qua Gò Cát thuộc ấp Đông Nhì.
Xã Tân Thới có một khúc sông ngắn. Đó là một con rạch (arroyo) bắt nguồn
từ Phú Hội chảy ra sông Sài Gòn. Ấp Đông Tư là vùng đất cao khô cằn là nơi thích
hợp cho việc trồng mít, đậu phộng, mãng cầu. Ấp Đông Nhì đất đai tương đối phì
nhiêu thuận tiện cho việc cấy lúa, trồng trầu và rau cải. Ấp Đông Ba có ruộng
lúa và vùng đất cát. Tân Thới có lò gốm nhưng không quan trọng bằng các lò gốm ở
Bình Nhâm. Tân Thới là một xã trù phú nổi tiếng về ngành mộc, đồ gốm, kẹo hột
điều, nem, thịt heo quay. Nông sản ở các xã lân cận như Nhị Bình, Thạnh Lộc,
Bình Nhâm, Bình Hoà, An Thạnh được đưa về Tân Thới tiêu thụ hoặc chuyển về bán ở
Bà Chiểu và Sài Gòn.
Dưới thời Pháp thuộc Tân Thới có trường tiểu học to lớn. Trước sân trường có
nhiều cây sao tạo bóng mát cho sân trường. Đến cuối thập niên 1950 Tân Thới mới
có một trường trung học tư thục nhưng hoạt động yếu ớt vì không có nhiều học
sinh.
Tân Thới không có chùa Phật Giáo hay nhà thờ Thiên Chúa Giáo. Vào thập niên 1960
rạp hát Lái Thiêu không còn hoạt động nữa. Linh mục Huỳnh Văn Của mua rạp hát
này và biến thành một giáo đường cho xã Tân Thới. Tân Thới chỉ có cái đình bị
đốt vào Tết năm 1947. Khuôn viên đình trở thành đồn lính. Mãi đến năm 1967 đình
mới được tái thiết nhưng nhỏ hơn cái đình cũ rất nhiều. Người Hoa có Chùa Ông và
Chùa Bà. Họ sống tập trung đông đảo ở Ấp Chợ, dọc theo bờ sông. Người Hoa có
trường Dục Anh và có nghĩa địa riêng ở Đông Nhì.
Người Ấn rất ít (không đến 05 người). Một người Ấn giàu có xây hai hồ tắm ở Đông
Ba gọi là Mạch Chà. Ông Lâm Lễ Trinh mua Mạch Chà và một khu vườn cây ăn trái ở
Bình Nhâm khi làm bộ trưởng bộ Nội Vụ thời Đệ Nhất Cộng Hoà.
Tân Thới có hai chợ: Chợ Cũ và Chợ Mới. Đêm giao thừa Tết năm 1947 Việt Minh tấn
công quận lỵ Lái Thiêu. Chợ Cũ, Chợ Mới và đình làng bị đốt cháy sạch. Quân Bắc
Phi ở bót nhà đoan ( Douane: quan thuế) bắn xối xả lên trời như pháo Tết.
Không biết Việt Minh có đông và có đầy đủ súng ống hay không chỉ biết họ thổi
kèn và mở chuồng ngựa cho ngựa chạy lóc cóc trên đường nhựa như thể Việt Minh
cỡi ngựa lâm trận. Sáng mồng một Tết không thấy người chết của đôi bên mà chỉ
thấy hai chợ và đình làng bị cháy rụi. Thỉnh thoảng chợ Lái Thiêu bị liệng lựu
đạn. Trái lựu đạn nổ gần chợ cá đối diện với nhà thuốc Con Trâu (thực sự là con
tê giác nhưng người địa phương không biết tê giác nên gọi đó là con trâu) gây
thiệt mạng 41 người trong đó có mẹ của cô giáo Ngọc, vợ của thiếu tá Luông, chết
tại chỗ. Một thiếu niên lối 15, 16 tuổi liệng lựu đạn ở Chợ Mới bị bắt và bị bắn
tại chỗ. Xác của thiếu niên này bị phơi nắng hai, ba ngày ngoài chợ. Có hai
người thu tiền chợ bị ám sát chết (Ông Hổ và năm Phu).
Anh Kachemir, một người Ấn, không biết ở đâu tự nhiên thấy xuất hiện ở Lái Thiêu
và ca bài Hồn Tử Sĩ gây xúc động và tạo cảm giác ghê rợn cho quan khách trong
một buổi lễ phát thưởng. Không biết trong trường hợp nào anh biết bài hát này vì
anh là người có tên và hình hài Ấn Độ rõ nét. Có lẽ mẹ anh là người Việt nên anh
nói tiếng Việt rất rành. Sau này anh là một cầu thủ của đội banh Lái Thiêu được
đội AJS ở Sài Gòn tuyển sau khi đội bóng Lái Thiêu không còn nữa. Thời bấy giờ,
ở Sài Gòn có ba cầu thủ bóng tròn nổi tiếng có tên ngoại quốc là Richard,
Maurice và Kachemir.
Tân Thới là xã sinh quán của:
- võ sĩ Đông Phương Sóc vang bóng một thời.
- Đại tá Nguyễn Tri Hanh, cựu tỉnh trưởng Hậu Nghĩa và tư lịnh phó Quân Đoàn
III. Ông bị trọng thương khi bộ tư lịnh Quân Đoàn III bị pháo kích. Ông mất sau
năm 1975. Do sự giới thiệu của thiếu tá Trinquié ông học trường Võ Bị Đà Lạt và
tu nghiệp ở Pháp. Khi về Pháp ông Trinquié mang cấp bậc đại tá. Ông cùng đại
tướng Salan có đường lối chống lại tướng De Gaulle khi vị tướng này trở lại chấp
chánh lần thứ hai vào năm 1958, khai sinh ra Đệ Ngũ Cộng Hoà Pháp.
- đại tá Nguyễn Duy Ninh thời quốc trưởng Bảo Đại là sĩ quan Ngự Lâm Quân sau
chuyển sang Không Quân. Tên thật của anh là Denis. Hai anh là Henri và Louis và
em gái là Lily. Anh Louis giỏi về âm nhạc, viết văn, soạn kịch và là một xạ thủ.
Anh Henri học ở Pellerin, Huế trong đệ nhị thế chiến. Anh thích đánh đàn và
luyện võ thuật. Nhà thuốc Tây lâu đời ở Tân Thới là nhà thuốc do thân sinh các
anh ấy làm chủ (nhà thuốc Nguyễn Văn Vàng).
- ông giáo Cao Văn Chà, thân sinh của Ph. D Cao Thị Lễ, giáo sư Học Viện Quốc
Gia Hành Chánh và đại học Georgetown khi ở Hoa Kỳ. Giáo sư Cao Thị Lễ là em của
chị Cao Thị Ba và Cao Thị Dư (Tốt), nhân vật trong bài Cho Cái Này Lấy Lại Cái
Kia vì chị giàu có nhưng thèm ăn bì cuốn mà không ăn được vì chứng cao huyết áp.
- Thiếu tá Không Quân Lưu Văn Đức. Anh Đức học trường Không Quân Salon de
Provence ở Pháp. Về nước năm 1957 với cấp bậc thiếu uý. Năm 1960 anh được vinh
thăng thiếu tá. Anh mất vào cuối năm này. Anh Đức rất thân với anh Denis tức
Nguyễn Duy Ninh. Anh Denis đánh đàn và thổi harmonica còn anh Đức thích kéo
accordéon. Đại tá Nguyễn Xuân Vinh, tư lịnh Không Quân Việt Nam Cộng Hoà, rất
mến khả năng của anh Đức. Ông Vinh làm tư lịnh Không Quân lúc 28 tuổi.
- Ô. Trần Văn Thành, Hội Viên Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia. Ông là một nhà chăn
nuôi khét tiếng ở miền Nam sau năm 1954. Ông là thân sinh của ông Trần Quang
Minh, thứ trưởng bộ Canh Nông.
- Tiến sĩ Phạm Quốc Kiệt, giáo sư École Normale Supérieure
- Ph. D Phạm Đình Khôi Nguyên (Wellington), giáo sư Harvard, Vanderbilt v. v..
PHÚ LONG
Xã Phú Long giáp ranh với xã Tân Thới, Vĩnh Phú. Đường sá trong xã tương đối
nghèo nàn ngoại trừ một phần ngắn của Quốc Lộ 13. Bù lại xã có sông Sài Gòn,
phân nửa sông Lái Thiêu (tả ngạn) và nhiều rạch và mương rãnh. Trong xã có nhiều
vườn cau, dừa và mía. Điều đáng lưu ý là nông dân Phú Long và Vĩnh Phú không cày
bừa bằng trâu, bò mà dùng cuốc xới đất mà thôi.
Phú Long có nhiều trại mộc, trại guốc, trại làm thớt, lò đường. Việc chăn nuôi
gà, heo phát triển khi ông Trần Văn Thành từ Châu Đốc về. Vào thập niên 1960 Phú
Long có nhà máy sản xuất thức ăn gia súc. Hợp Tác Xã Đồng Tiến ra đời vào thập
niên 1970 do sáng kiến của ông Thành. Trong đệ nhị thế chiến Phú Long có nhà ga
xe lửa và nhà máy sản xuất nước đá.
Phú Long có chùa Giác Nguyên đối diện với Mộc Tổ Miếu (sau đổi về gần bờ sông
Lái Thiêu), Thánh Thất Cao Đài và Mộc Tổ Miếu. Vào thập niên 1960 linh mục Huỳnh
Văn Của thành lập Trung Tâm Bác Ái gần truông Mứt Chuối.
Vào cuối thập niên 1950 Phú Long có một rạp hát mới cạnh tranh với rạp hát cũ ở
Tân Thới. Rạp hát mới này độc quyền hát phim Ấn Độ phụ đề tiếng Việt nên được
khán giả địa phương hưởng ứng nồng nhiệt.
Phú Long là sinh quán của:
- Nghệ nhân lão thành Nguyễn Văn Lựa. Ông chẳng những là nghệ sĩ sử dụng nhuần
nhuyễn tất cả các nhạc khí cổ điển Việt Nam từ đàn, kèn, trống mà còn làm các
dụng cụ âm nhạc cổ điển nữa. Về già ông sống rất cô đơn nhưng trông ông vui vẻ
và khoẻ mạnh mặc dù thính giác không còn bình thường. Ông mất vào đầu thập niên
1990 và được các đệ tử dành cho ông một đám tang linh đình để vinh danh và tưởng
nhớ một nghệ nhân lão thành, một vị thầy khả ái và khả kính.
- Ông Nguyễn Hoà Tuồng là một hàng giáo phẩm trong đạo Cao Đài. Ông là thân sinh
của ông Nguyễn Hoà Hiệp tức Giang Đông, tổng trưởng bộ Nội Vụ trong chánh phủ
Phan Huy Quát trước khi trao quyền cho quân đội (19 - 06 - 1965).
- Đại tá Nguyễn Hoà Phùng là con trưởng của ông Nguyễn Hoà Hiệp. Em của ông là
người điều hành trường Đồng Nai ở Chợ Lớn. (Trường Đồng Nai này khác với trường
tư thục Đồng Nai trên đường Taberd Nguyễn Du của giáo sư Kiều Công Gia).
VĨNH PHÚ
Vĩnh Phú là xã nằm ở cực nam quận Lái Thiêu. Phía nam của xã giáp với xã Hiệp
Bình thuộc quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Phía tây tựa vào tả ngạn của sông Sài
Gòn hướng về An Phú Đông bên hữu ngạn. Đường sá trong xã rất ít.
Giống như Phú Long, Vĩnh Phú có nhiều kinh rạch chằn chịt. Đất đai tương đối màu
mỡ vì có đầy đủ nước nhưng nước ngọt không dồi dào. Nông dân trong xã trồng lúa,
cau, dừa, mía và rau cải. Vĩnh Phú nổi tiếng về việc sản xuất guốc đắt tiền dành
cho phụ nữ. Lò đường Vĩnh Phú được xem là lò đường quan trọng dưới thời đệ nhất
Cộng Hoà. Lò đường này không còn nữa khi nhà máy đường Ba Lúa được thành lập.
Xã Vĩnh Phú không đông dân. Chỉ có vài căn nhà gạch nằm dọc theo Quốc Lộ 13.
Vĩnh Phú có một tịnh xá Phật Giáo. Không biết vì sao người ta gọi đó là đạo Bà
Trầu. Cách gọi này nghe quen quen nếu chúng ta đến thăm Cù Lao Phố, Biên Hoà.
Ngôi nhà lộng lẫy trong xã là ngôi nhà của nhà bói toán Huỳnh Liên, người Quảng
Ngãi từng sống ở Cambodia. Ông cất ngôi nhà này vào đầu thập niên 1970. Sau năm
1975 có tin ông bị kẻ dữ nào đó giết chết.
Anh Đào Văn Nghị, người bạn ấu thời của tôi, rời Tân Thới về sống ở Vĩnh Phú làm
ruộng và đào ao nuôi cá trê Phi theo sự khuyến khích của chánh quyền. Cá trê Phi
có mặt mày gây hấn như các loại cá trê thường. Cá không có vảy, mình láng màu
đen, bụng màu vàng, thân mình có đốm đỏ. Đầu có ria dài. Cá có thể nặng đến 10
ki- lô nghĩa là cho nhiều thịt. Nhưng không thấy ai nuôi cá trê Phi mà khá được
vì cá ăn rất mạnh. Chúng háo ăn đến nỗi ăn luôn đồng loại trong hồ. Do đó nuôi
hàng ngàn con cá giống, sau một thời gian, chỉ còn vài chục con sống sót. Cá
không được người tiêu thụ hưởng ứng vì to lớn và vì màu sắc và tướng mạo trông
ghê rợn. Giã từ cá trê Phi và tạm thời không tin câu:
Nhất thả cá,
Nhì gá bạc.
BÌNH NHÂM
Nét nổi bật của xã Bình Nhâm là vườn sầu riêng, măng cụt và chôm chôm và số tín
đồ Thiên Chúa Giáo. Các loại trái cây nhiệt đới trồng ở Bình Nhâm gốc ở Penang,
Mã Lai, nơi có một số chủng sinh người Việt Nam theo học để trở thành linh mục.
Các chủng sinh này đem giống các loại cây ăn trái nhiệt đới về trồng ở Cái Môn,
Nhị Bình, Bình Nhâm. Đó là những nơi có nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo và nhiều
linh mục ở miền Nam. Giáo đường Bình Nhâm là một trong những giáo đường cổ xưa ở
Nam Bộ.
Bình Nhâm tạm chia ra làm hai vùng:
1. Vùng xóm đạo nằm ở phía tây nơi đất đai màu mỡ, có sông Sài Gòn và con rạch
rộng lớn chạy ngang qua Quốc Lộ 13. Vùng này có nhiều vườn măng cụt, sầu riêng,
chôm chôm. Nhà cửa trong xóm đạo khang trang, đẹp đẽ xây cất theo kiến trúc Pháp.
Trên đồi cao có một giáo đường cổ kính và Trường Câm Điếc nổi tiếng khắp miền
Nam.
2. Vùng vườn cây ăn trái và đất gò nằm về phía đông giáp với Hưng Định, Bình Hoà.
Cư dân vùng này không theo đạo Thiên Chúa. Trong vùng này có một ngôi chùa Phật
Giáo và một trường trung học tư thục gần Tịnh Xá Minh Đăng Quang được xây cất
vào cuối thập niên 1950.
Đình Bình Nhâm là một ngôi đình cổ xưa không bị chiến tranh tàn phá. Ngôi đình
này nằm về hướng tây nam của xã cách ranh Bình Nhâm- Tân Thới bằng một con đường
trải đá dẫn đến bờ sông Lái Thiêu. Cạnh đó có một con rạch có một chiếc cầu bắt
ngang hướng về xóm đạo. Đó là Cầu Đình và con rạch chảy ra sông Lái Thiêu gọi là
Rạch Cầu Đình.
Người Hoa ở Bình Nhâm tập trung ở phía tây nam của xã. Họ là chủ lò gốm, lò ép
dầu, công nhân làm việc trong các lò gốm. Có một quán hủ tiếu không có bảng hiệu
được người địa phương gọi là hủ tiếu Xuân Hớ. Quán bán một loại mì sợi to như
spaghetti nấu với thịt vịt quay. Quán chật hẹp không đến 10m2 nhưng rất đông
khách. Dần dần hủ tiếu Xuân Hồ thu hút thực khách từ Sài Gòn hay Bình Dương đến
vì hủ tiếu ở đây có hương vị ngon và lạ.
Bình Nhâm là một xã đông dân và trù phú. Xã có nhiều trại mộc, lò gốm, lò ép dầu
phộng, vườn cây ăn trái, hãng thạch cao, chăn nuôi heo, gà và lò heo cung cấp
thịt cho cư dân trong quận Lái Thiêu. Đời sống cư dân trong xã cao. Nhà cửa đẹp
đẽ khang trang. Ngoài xóm đạo có hai ngôi nhà to lớn và nguy nga. Đó là nhà của
thầy tám Sanh sơn màu đỏ sậm và nhà của thân sinh của Võ Thành Hạng, phó tỉnh
trưởng Bình Long. Trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam I, ngôi nhà đỏ của thầy tám
Sanh bị trưng dụng làm đồn bót. Khi xảy ra vụ phục kích giết chết ba sĩ quan
Pháp gần truông Mứt Chuối, Phú Long, chánh quyền địa phương ra lịnh đốn cây ăn
trái sâu vào trong cách Quốc Lộ 300 thước. Từ đó cách Quốc Lộ 300 m không còn
thấy bóng tàn cây măng cụt.
Giáo đường Bình Nhâm là nơi các tín đồ Thiên Chúa Giáo cư ngụ ở Bình Nhâm, Tân
Thới và Phú Long đi lễ hàng tuần. Bình Nhâm, Nhị Bình và Cái Môn là nơi có tỷ lệ
tín đồ và linh mục Thiên Chúa Giáo cao ở Nam Bộ.
Bình Nhâm là sinh quán của:
- Á thánh Gầm. Gia đình Nguyễn Hiệp là thân thuộc của vị Á Thánh này. Nhà văn
Phú Đức, đại tá Nguyễn Tri Hanh là rể trong gia đình Nguyễn Hiệp.
- Đại tá Nguyễn Hữu Phước, phó đô trưởng Sài Gòn thời Đệ Nhất Cộng Hoà. Sự vinh
thăng của ông hầu như không còn nữa sau năm 1963.
Nói đến Bình Nhâm những người cao niên thường nhắc đến Suối Đờn, ông ba Bình và
ông tư Hoà Liềm.
Gia đình tác giả của cái Suối Đờn sản xuất khăn đóng nổi tiếng Khăn Đen Suối Đờn
trở thành một xóm nhỏ ở Bà Chiểu đối diện với trường trung học Lê Văn Duyệt khi
gia đình ở Bình Nhâm di chuyển về đó trong thời kỳ chiến tranh. Xóm này là nơi
cư trú của nhiều người gốc Bình Dương.
- Ông ba Bình là người khá giả trong xóm đạo. Ông có vườn cây ăn trái và nhà cửa
khang trang lộng lẫy. Ông nói chuyện rất hấp dẫn. Vì vậy tiệm hớt tóc của ông
lúc nào cũng đông khách. Có khi hớt nửa cái đầu ông lại bỏ dở đi sửa xe đạp
nhưng thân chủ không phàn nàn chi cả vì trong thời gian chờ đợi, thân chủ ông
được nghe ông kể chuyện để được cười thoải mái. Người xưa và ngày êm đềm ấy đâu
còn nữa. Nụ cười hồn nhiên của ngày ấy đã tắt lịm để nhường chỗ cho những lo âu
sợ sệt trong khói lửa chiến tranh và khi tuổi đời bước vào cảnh hoàng hôn tắt
nắng.
- Ông tư Hoà Liềm là thầy bùa theo khuynh hướng Lão Giáo (Taoism: Đạo Giáo). Ông
giỏi về gồng nên được các tay anh chị nể nang, bái phục. Ông ghét trẻ nít lai
vãng ở các lu cá lia thia của ông. Không biết do đâu ông thích tôi và cho tôi
những con cá tuyển của ông. Kỷ niệm vui buồn này ghi khắc trong ký ức tôi về ông
và cha tôi. Ông cho tôi cá tuyển. Cha tôi đập bể lu cá tuyển của tôi vì tôi lo
cho cá hơn sự học hành. Dù sao tôi vẫn cảm ơn ông thầy bùa khả kính ghét trẻ nít
nhưng có cảm tình với tôi và người cha nghiêm khắc không ngừng nghĩ đến tương
lai của con mình.
BÌNH HÒA
Bình Hoà giáp ranh với Tân Thới, Thuận Giao, Hưng Định và An Phú (Tuy An Vĩnh
Phú- không phải Vĩnh Phú vừa kể). Trước năm 1945 Bình Hoà có nhiều rừng chồi.
Phía đông nam của xã có ruộng và suối. Hương lộ nối liền Tân Thới với An Phú tại
Ngã Ba Cây Liễu đi ngang xã Bình Hoà. Trong Chiến Tranh Việt Nam II xa lộ Đại
Hàn chạy ngang qua xã.
Bình Hòa tương đối thưa dân. Cư dân sống bằng nghề nông, khai thác hầm đất.
Trong Chiến Tranh Việt Nam I nhiều cư dân Bình Hoà rời làng ra sống ở Tân Thới
hay Bình Nhâm, Hưng Định. Năm 1967 Bình Hoà là nơi tiếp nhận cư dân Bến Súc,
Thanh Tuyền (Tam Giác Sắt) đến định cư. YMCM lập văn phòng và một nhà thờ Thiên
Chúa Giáo nhỏ được xây lên bên cạnh đình làng.
Bình Hoà là sinh quán của:
- ông Nguyễn Văn Thời, em dị bào của phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ. Ông Thời là
Bộ trưởng Điền Thổ và Cải Cách Điền Địa vào những năm đầu của chánh phủ Ngô Đình
Diệm.
- Phạm Văn Tiền, tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn Trâu Điên Thủy Quân Lục Chiến.
AN PHÚ
An Phú là địa danh ra đời sau khi hai xã Tuy An và Vĩnh Phú sát nhập thành một.
An Phú có ranh chung với Bình Hoà, Dĩ An, Thuận Giao, Bình Chuẩn. Đó là một xã
suýt bị xoá tên trên bản đồ hành chánh tỉnh Thủ Dầu Một rồi Bình Dương sau hai
cuộc chiến. Trên giấy tờ thời tiền chiến là An Phú Xã. Sau năm 1975 quận Lái
Thiêu được đổi thành huyện Thuận An do sự kết hợp của hai xã nổi tiếng trong hai
cuộc chiến vừa qua: Thuận Giao và An Phú.
An Phú có nhiều rừng chồi. Cụm rừng nổi tiếng trong vùng là Rừng Cò- Mi vì ven
khu rừng này có nhà của ông cò- mi (commis) Phạm Văn Mân. Điều đáng lưu ý là cư
dân An Phú không phải là nông dân. Thời thuộc địa họ là công chức, tư chức,
thương gia, khai thác lâm sản. Do đó nhà cửa trong làng có vẻ mỹ quan riêng: nhà
gạch hay nhà cây, ngói đỏ, có cửa sổ. Nhà nào cũng có hàng rào bằng cây xanh
thường là cây bông bụp có hoa đỏ hay vàng rất đẹp. Nhà nào cũng có sân rộng có
cây xoài hay mận to vừa cho bóng mát vừa cho trái ngọt. Hầu như nhà nào cũng có
trồng cây ăn trái như xoài, bưởi, mận, hồng huân, trái sáp v. v. Trái cây rừng
có trái trường vỏ sần sùi như trái vải nhưng trái nhỏ, hột to, cơm mỏng và rất
chua. Trái trường chín vào mùa hè rất đẹp với màu đỏ và vàng tươi. Người An Phú
bắt buộc phải yêu nước vì xã này không sông, không suối, không núi, không đồng
ruộng. Giếng đào sâu 25 - 30 m cũng không có nước. Vì vậy cư dân xây hồ hay mua
những lu mái vú to để chứa nước mưa lọc sạch để dùng quanh năm.
An Phú không có giáo đường Thiên Chúa Giáo, cũng không có chùa Phật Giáo mà chỉ
có cái đình thờ một đại phu có công hướng dẫn một số dân từ miền nam Trung Bộ
đến lập ra xã Tuy An.
An Phú có một trường tiểu học to lớn với đủ 05 cấp lớp. Tỷ lệ học sinh An Phú
được đậu vào trường Petrus Ký rất cao. Một vài người ở Búng, Biên Hoà vào An Phú
ở trọ và ăn cơm tháng để học trường An Phú.
An Phú có vài người Hoa sinh sống. Họ mở tiệm thuốc Bắc, quán hủ tiếu, cà phê,
tiệm gạo hay bán thịt bò. Hai người Hoa gây ấn tượng cho tôi lúc còn nhỏ là thầy
Phù và ba thằng Bự.
Gọi là thầy Phù vì ông là thầy thuốc Bắc không biết tên gì chỉ thấy ông ấy có
bướu to trên cổ nên gọi là thầy Phù. Thầy Phù to lớn và hồng hào. Theo lời các
bậc tiền bối nói lại ông hồng hào như vậy vì được tẩm bổ bằng chó con mới sinh
hầm với thuốc bắc!
Ba thằng Bự là người Hoa. Mẹ là người Việt. Cả hai người đều cao lớn so với
người bình thường trong làng. Ba thằng Bự luôn luôn ở trần vì lúc nào ông cũng
cảm thấy nóng nực. Các con của ông đều mang tên với những hình dung từ Bự, To,
Sổ v. v. Ông ở phố của cha tôi nên tôi hay ra phố chơi và thích thú thấy ông ăn
bánh tráng cuốn hột vịt với rau rừng. Ông luộc 10 cái hột vịt đặt trên những cái
bánh tráng ướt và dày trải trên một cái tràng to với rau rừng và cuốn lại ăn với
nước mắm. Ông chỉ ăn một cuốn bánh tráng với 10 cái hột vịt là đủ rồi.
Trong giới bình dân nổi bật nhất có ông Tư Siêng nói chữ Thánh hiền và ông năm
Bờ nói chuyện không bao giờ có rất vui. Một hôm các thành viên trong ban hội tề
gặp ông năm đi lang thang gần nhà làng. Một người trong ban hội tề lớn tiếng gọi:
Năm Bờ, vô đây nói dóc nghe chơi! Ông năm Bờ khoát tay nói: Xin lỗi quí ông. Hôm
nay tôi không được rảnh nên không thể vào nói dóc cho quí vị nghe chơi. Bây giờ
tôi phải đi chợ để lo giỗ ông bà. Nhân đây mời tất cả quí vị trong ban hội tề
đến nhà tôi lúc 12 giờ trưa để dự tiệc giỗ của ông bà tôi. Xin quí ông vui lòng
đến cho. Nói xong ông năm Bờ bỏ đi.
Trưa đến. Các hội viên trong ban hội tề đến nhà ông năm Bờ. Chờ hoài không thấy
ông năm Bờ cũng không thấy thức ăn để cúng giỗ. Một thành viên trong ban hội tề
lớn tiếng gọi: Năm Bờ đâu rồi? Ông năm Bờ từ nhà dưới chạy lên. Ông vái chào
toàn thể hội viên trong ban hội tề. Một người trong số này hỏi năm Bờ: Đám giỗ
gì sao không thấy thức ăn? Năm Bờ hỏi lại: Thưa, đám giỗ gì ạ?
- Hồi sáng ông mời anh em tụi tôi đến đây ăn giỗ, một hội viên trong ban hội tề
nói.
- Dạ thưa, đâu có đám giỗ gì đâu! Hồi sáng, khi tôi đi ngang qua nhà hội một vị
trong ban hội tề gọi tôi vào nhà hội để nói dóc nghe chơi. Chuyện tôi mời quí vị
đến nhà tôi là một chuyện nói dóc đó!
Cả ban hội tề đều lẳng lặng ra về.
An Phú là sinh quán của:
- ông đốc Nguyễn Văn Điệt, người được xem là thầy Tây học của đa số những trí
thức trong làng và là cha, nhạc phụ của những nhân vật tương đối có tiếng tăm
trong nước
- luật sư Nguyễn Lâm Sanh, chủ tịch Liên Minh Á Châu chống Cộng. Ông là con của
ông Nguyễn Văn Điệt. Anh rể của ông là đốc phủ Võ Văn Ngọ, tỉnh trưởng người
Việt đầu tiên của tỉnh Chợ Lớn, giám đốc Nha Nhân Viên phủ Thủ Hiến, đổng lý văn
phòng bộ Tài Chánh thời Đệ Nhất Cộng Hoà.
- nữ kinh doanh Nguyễn Thị Giàu, em của luật sư Nguyễn Lâm Sanh. Bà là chủ nhân
nhà máy dệt Liên Phương ở Thủ Đức. Bà là một nhà kinh doanh có tầm vóc quốc gia
xuất thân từ một người buôn bán vải nhỏ. Nhà máy dệt đầu tiên của bà trên đường
Marchand (Nguyễn Cư Trinh) rất thô sơ. Nhưng nhà máy dệt Liên Phương ở Thủ Đức
rất qui mô khả dĩ cạnh tranh ngang ngửa với nhà máy dệt Vinatexco. Công nhân có
xe đưa rước.
- chuẩn tướng Nguyễn văn Tí ( Cục Truyền Tin).
- thẩm phán Phạm Đình Hưng, dân biểu QHLH, giám sát viên và tổng thơ ký Viện
Giám Sát Việt Nam Cộng Hoà. Trước khi chuyển sang ngành tư pháp ông là nhà hành
chánh tốt nghiệp Học Viện Hành Chánh (Institut d’Administration sau cải thành
Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Institut National d’Administration), danh xưng mới
của Trường Hành Chánh từ Đà Lạt chuyển về đường Alexandre de Rhodes gần bộ Ngoại
Giao và làm Tham Chánh Văn Phòng Phủ Tổng Thống thời Đệ Nhất Cộng Hoà.
- bác sĩ Đặng Như Tây, trung tá Quân Y, một nhà giải phẫu nổi tiếng trong quân y
giới.
- Ông Nguyễn Văn Hia, giám đốc Cercle Sportif Saigonnais (Câu Lạc Bộ Thể Thao
Sài Gòn), nơi các chánh khách Việt Nam và ngoại quốc lui tới để giải trí bằng
bơi lội, đánh bóng bàn, quần vợt v. v. Ông cũng là đồng sáng lập viên hội Khuyến
Lệ Cổ Ca cùng với ông Đỗ Văn Rỡ, Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn Hoá. Con ông là
trung tá Nguyễn Văn Hội, vô địch kiếm thuật Việt Nam tham dự Thế Vận Hội Tokyo
năm 1964.
- Tiến sĩ Phạm Quốc Kiệt và Phạm Đình Khôi Nguyên sinh ở Tân Thới nhưng quê nội
là An Phú.
An Phú lâm vào cảnh vườn không nhà trống trong Chiến Tranh Việt Nam I. Năm 1956
ông Phạm Đình Trí gặp ông Trần Văn Trai ở toà án Sài Gòn và bàn về việc phục
sinh xã An Phú. Ông Trần Văn Trai, người An Mỹ, có tiến sĩ luật và văn chương
vào thập niên 1940 với luận án Le Chemin de Fer Trans- Indochinois (Thiết Lộ
Xuyên Đông Dương). Chị của ông là vợ của bác ba chúng tôi nên ông có cảm tình
với nơi sinh quán của người anh rể và cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của chị ông.
Xã được phục sinh nhưng không có nhiều dân hồi cư bởi họ thành công ở các thành
phố khác sau 09 năm sống xa nơi sinh quán. Đến năm 1962, một lần nữa, xã bị bỏ
hoang. Rừng Cò- Mi vẫn được xem là căn cứ địa của du kích sát Lái Thiêu, Dĩ An,
Thủ Đức, Bình Dương, Biên Hoà và cách Sài Gòn 25 km theo đường chim bay. Trong
Chiến Tranh Việt Nam II rừng Cò- Mi bị khai quang.
Xã An Phú có xa lộ Đại Hàn
chạy ngang qua. Năm 1973 ông Phạm Đình Hưng vận động tái thiết xã An Phú thành
công nhờ sự hỗ trợ của ông Phan Quang Đán, Quốc Vụ Khanh đặc trách việc Khai
Hoang Lập Ấp và ông Dương Kích Nhường, tổng trưởng bộ Công Chánh.
HƯNG ĐỊNH
Hưng Định có ranh giới chung với An Thạnh, Thuận Giao, Bình Nhâm. Hưng Định có
mạch nước ngọt rất tốt. Một dòng suối nước mát lạnh chạy song song với hương lộ
đất đỏ trong xã.
Xã này có nhiều lò gốm do người Hoa làm chủ và vườn cây ăn trái. Một vài nơi
trong xã người ta đào ao nuôi cá. Hưng Định nổi tiếng về việc nuôi ngựa, buôn
bán và quần ngựa để kéo xe. Từ ngày xuất hiện xe Lambretta ba bánh, ngành mã xa
sụt giảm tầm quan trọng của nó. Rồi xe Lambretta ba bánh sắp bị đe doạ bởi xe
Daihatsu. Đến năm 1975 miền Nam Việt Nam sụp đổ. Chương trình chuyển vận bằng xe
Daihatsu vụt tắt.
Hưng Định có một giáo đường to lớn. Sân giáo đường rộng và có nhiều cây cao bóng
mát. Giáo đường này dành cho tín đồ Thiên Chúa giáo ở Hưng Định và An Thạnh đến
dự lễ hàng tuần.
Đời sống cư dân Hưng Định an lành như hình thể địa lý của xã mỹ miều này: đất
đai màu mỡ; nước mạch trong veo và mát lạnh. Vào thập niên 1930 ông Phan Văn Hùm
đem chủ nghĩa Marx phái Trotsky về. Dân chúng tập họp ở Hưng Định để nghe ông
diễn thuyết. Sở dĩ ông Hùm chọn Hưng Định làm nơi diễn thuyết vì xã này gần nơi
ông sinh sống, gần xã Thuận Giao và Bình Nhâm. Thuận Giao, Bình Nhâm và Hưng
Định có nhiều công nhân làm việc trong lò gốm và một ít người đánh xe ngựa gọi
là xe thổ mộ! Nên nhớ rằng Marx và Lenin chỉ nói đến giai cấp công nhân, những
người vô sản bị chủ nhân các nhà máy áp bức bóc lột chớ không đề cập gì đến nông
dân.
Một người hầu như vô danh gốc ở Hưng Định nhưng sống trọn đời ở Búng là ông tư
Mỹ. Ông ra đời trong một gia đình Thiên Chúa Giáo mộ đạo có vườn cây ăn trái ở
Hưng Định. Có lẽ cư dân Hưng Định và Búng ít người biết đến ông vì ông là một
người tầm thường, sống lặng lẽ, không công danh và không sự nghiệp lớn lao. Ông
sống bằng nghề sửa đồng hồ, làm máng xối và làm đèn khí đá cho nông dân các xã
lân cận dùng để soi ếch. Nếu đi sâu vào cuộc sống của ông thì ai cũng phải giật
mình vì ông có một cuộc sống phi phàm. Đó là cuộc sống tự nhiên của ông. Ông
không học của ai, bắt chước ai hay ứng dụng một triết lý cao siêu nào đó vì
trình độ học vấn của ông rất thấp. Chính nếp sống phi phàm của ông biến ông trở
thành nhà hiền triết khai sinh ra chủ nghĩa ĐA KHÔNG mà tôi đặt tên là
POLYNONISM. Ông là người hiền hoà không bao giờ gây gổ với một bà vợ ít học,
ngoại đạo và không cẩn ngôn. Vợ ông vô đạo một cách khó khăn vì không biết chữ
nên không đọc kinh được. Được vào đạo bà không đi lễ. Ông tư Mỹ cũng ít khi đi
lễ nhà thờ. Trong đời sống hằng ngày ông hoàn toàn không có dấu hiệu của người
vô thần hay thiếu đức độ. Ông không hề gây gổ hay đụng chạm đến quyền lợi của
người hàng xóm hay khách hàng của ông. Sự hiền hậu của ông làm cho khách hàng
của ông không nỡ phiền trách ông mặc dù đôi khi ông sửa máng xối hay đồng hồ
không được như ý muốn của họ. Ông không uống trà, cà phê, nước ngọt, rượu. Ông
không để tâm đến chuyện phụ nữ, cờ bạc hay hút thuốc lá. Không nghe radio; không
xem hát bội, cải lương hay phim chiếu bóng. Không đọc báo. Không nghe bất cứ
chuyện gì ngoài phố hay bất cứ tin tức gì dù quan trọng hay nguy hiểm đến đâu.
Da ông trắng mét nhưng ông không bị bịnh lặt vặt gì. Ông có nhiều tiền nhờ chăm
chỉ làm việc nhưng không mua nhà hay cất nhà rộng lớn và tiện nghi mà sống trong
một căn phố hẹp không đến 10m2 cho gia đình gồm vợ, chồng và một người con trai.
Căn phố của ông gần tiệm xe đạp của tay đua Nguyễn Văn Thêu, đối diện và cách
chợ Búng và nhà thuốc Tây của ký giả Văn Bia không đến 100m. Ông không đi đâu
khỏi nhà dù là đến quán cà phê trước nhà ông. Ông ăn mặc giản dị chỉ cần sạch sẽ
và không rách rưới là đủ rồi. Ông không than phiền vợ ông cho ông ăn cơm ngon
hay dở. Búng nổi tiếng về bún bì, bánh bèo bì. Vợ con ông ăn nhưng ông chỉ ăn
cơm đơn giản thường ngày là đủ rồi. Ông không xài tiền do chính ông làm ra vì
gần như ông không có nhu cầu gì cả. Vợ ông hay đánh tứ sắc. Ông không nói tiếng
nào. Con ông giả bịnh để khỏi đi học, ông không rầy la. Vợ ông xài tiền giùm ông.
Bà dẫn con đi du lịch. Khi thì đi Vũng Tàu. Khi thì đi Nha Trang, Đà Lạt cơ hồ
như đất nước sống trong cảnh thái bình thịnh trị. Lúc đầu bà vợ có vẻ lấn át ông.
Ông dùng một trong những chiêu thức rút ra từ chủ nghĩa Đa Không (Polynonism) để
cảm hoá bà. Quả nhiên chiêu này có hiệu lực lạ lùng. Cuối cùng bà vợ kính mến
chồng và gia đình luôn luôn êm ấm. Thế giới bên ngoài hỗn loạn, quay cuồng nhưng
tâm ông vẫn phẳng lặng.
Ông tư Mỹ đã mất. Ông sống thầm lặng và chết trong sự thầm lặng của một người vô
danh có chất phi phàm. Có ngờ đâu ông là người sáng lập ra trường phái Đa Không
Chủ Nghĩa nhưng không ai ứng dụng được như ông.
AN THẠNH
Thông thường người ta hay nghe nói đến Búng chớ không biết An Thạnh. Búng là
búng nước (rias).
Xã An Thạnh có ranh chung với các xã Hưng Định, An Sơn, Phú Văn, Thuận Giao. Cầu
Cát trên Quốc Lộ 13 là đường phân ranh giữa An Thạnh và Phú Văn. Xã An Thạnh có
ruộng lúa ở phía đông. Gần Quốc Lộ 13 có chợ Búng buôn bán tấp nập do cư dân các
xã Bình Chuẩn, Thuận Giao, Hưng Định, An Sơn và Phú Văn đến bán nông sản và mua
tro, bụi, mắm, muối. Nông dân các xã Bình Chuẩn, Thuận Giao cũng ra Búng để đóng
móng bò trên các lò rèn nối liền An Thạnh- Thuận Giao- Bình Chuẩn- Tân Khánh.
Hướng về phía trường Trịnh Hoài Đức có nhiều trại mộc, trại đóng quan tài. Xóm
này được gọi là Sơn Cây vì người ta sơn quan tài màu đỏ theo niềm tin sinh ký tử
qui. Màu đỏ là màu hạnh phúc. Người chết là người hạnh phúc vì sạch nợ trần gian
và là ngày trở về nơi xuất phát. Sau năm 1954 Búng nổi tiếng nhờ các tiệm bì bún,
bì cuốn, bún nem, bánh bèo bì. Vào mùa măng cụt dân Sài Gòn rủ nhau lên Lái
Thiêu thăm viếng vườn cây ăn trái ở Bình Nhâm, Cầu Ngang ( Hưng Định) và lên
Búng ăn bánh bèo bì, bì cuốn, bì bún v. v. Thổ nhưỡng ở An Thạnh màu mỡ và có
nước ngọt đầy đủ (rạch nối liền Búng với sông Sài Gòn chạy song song với Quốc Lộ
13; rạch chảy song song với hương lộ đất đỏ dẫn về Hưng Định; suối cát; suối ở
phía đông của xã). Vào thập niên 1960 chăn nuôi phát triển ở Búng.
Người Hoa sống dọc theo phố chợ và hương lộ An Thạnh- Tân Khánh. Họ mở tiệm nước,
tiệm thuốc Bắc, tiệm chạp phô và làm bánh đúc nước tro rất ngon. Giống như Tân
Thới, người Hoa ở Búng có trường học và chùa riêng (không phải chùa Phật Giáo).
Tín đồ Thiên Chúa Giáo ở Búng đi lễ nhà thờ Hưng Định. Chùa Phật Giáo nằm gần
ranh giới xã Thuận Giao.
Cho đến đầu thập niên 1950 Búng chỉ có trường tiểu học với 03 cấp lớp. Muốn học
lớp nhì học sinh phải lên Thủ Dầu Một hay xuống Lái Thiêu. Sau năm 1954 trường
Cộng Đồng và trường trung học Trịnh Hoài Đức được xây lên theo chương trình viện
trợ của Hoa Kỳ. Từ cộng đồng (community- communauté) được lưu hành từ đó. Búng
trở thành trung tâm giáo dục của tỉnh Bình Dương.
Búng là sinh quán của:
- ông Phan Văn Hùm, tác giả Phật Giáo, Nỗi Lòng Đồ Chiểu, Ngồi Tù Khám Lớn
v. v. Ông học Cao Đẳng Công Chánh ở Hà Nội. Được bổ nhiệm làm đốc công ở Huế.
Tại đây ông bỏ việc sau khi đến thăm nhà cách mạng Phan Bội Châu ở Bến Ngự. Ông
cùng với Nguyễn An Ninh từ Pháp về dùng hình thức bán dầu cù là để diễn thuyết
chánh trị. Ông bị bắt ngồi tù khám lớn về vụ đánh một cai (caporal) cảnh
sát ở nhà ga Bến Lức. Ra khỏi khám lớn (trong khuôn viên Thư Viện Quốc Gia và
Phủ Quốc Vụ Khanh Văn Hoá gần Dinh Gia Long tức phủ thống đốc Nam Kỳ) ông sang
Pháp học và lấy cử nhân triết học. Từ đó ông theo Đệ Tứ Cộng Sản. Vợ ông là cháu
ngoại của bà Sương Nguyệt Anh tức Nguyễn Thị Khuê, ái nữ của nhà thơ Đồ Chiểu (Nguyễn
Đình Chiểu).
- Phan Kiều Dương, kỹ sư kiều lộ (Ingénieur des Ponts ét Chaussées) là
con của nhà cách mạng Phan Văn Hùm. Em của ông là ký giả Phan Tùng Mai.
- Nguyễn Văn Thêu, một tay đua nổi tiếng trong cuộc đua Vòng Quanh Đông Dương
trong đệ nhị thế chiến bên cạnh Lê Thành Các.
- thầy ký Tiệu (tôi không rõ họ của ông), người đi hành hương ở Ấn Độ và đi đến
kinh đô Lhassa của Tây Tạng. Nhiều ảnh chụp về Tây Tạng được lưu giữ trong chùa
Tây Tạng ở Ấp Bộng Dầu, Thủ Dầu Một (Bình Dương).
AN SƠN
An Sơn có ranh giới chung với xã Hưng Định, Bình Nhâm, An Thạnh, Phú Văn. An Sơn
có một đoạn sông Sài Gòn ở phía tây của xã. Xã có nhiều kinh rạch chằn chịt. Xã
này có liên hệ thương mại với Hóc Môn, Phú Cường và Nhị Bình (Nhị Bình: Bình
Nhan + Bình Lái).
Phía nam của xã là vùng đất mùn rất tốt. Đó là vùng vườn măng cụt, sầu riêng;
giâu và chôm chôm. Vùng này có nhiều giáo dân với một giáo đường to lớn so với
vị trí hẻo lánh của xã. Phía bắc là vùng trồng mía, có chùa Phật Giáo. Cư dân An
Sơn có cuộc sống tương đối cao nhờ có vườn cây ăn trái và lò đường.
Địa danh An Sơn như nhắc nhở phần nào những cư dân đầu tiên định cư trong xã gốc
ở Bình Định. Khi nói đến An Sơn người ta thường nhắc đến ông cả Đại không phải
vì chức vụ ông Cả to lớn mà vị võ thuật cao cường của ông. Điều này cho thấy võ
Tân Khánh hay võ mà ông cả Đại xử dụng là võ thuật xuất phát từ Bình Định.
An Sơn là sinh quán của ông Võ Văn Vân, nhà báo chế thuốc Đông Y nổi tiếng khắp
Đông Dương. Ông là ông nội vợ của tướng Đỗ Cao Trí và là thân sinh của bầu Ứng
tức ông Võ Văn Ứng. Gọi là bầu Ứng vì ông là bầu của đội bóng Ngôi Sao Bà Chiểu
( Étoile de Bà Chiểu). Ông là chủ nhà hàng Nam Đô ở Sài Gòn, hãng mực Song Long
và chủ nhiệm nhật báo Bình Minh.
THUẬN GIAO
Thuận Giao có ranh giới chung với Bình Chuẩn, An Thạnh, Hưng Định. Thuận Giao có
hai vùng rõ rệt:
a. vùng đất gò khô hạn ở phía đông là vùng trồng mít, mía lau và đậu phọng.
b. vùng đất triền có nhiều hố sâu và hầm đất sét ở phía tây. Vùng này có suối.
Thuận Giao có một ngôi chùa Phật Giáo trên ranh Thuận Giao- Bình Chuẩn. Đó là
chùa Thầy Huề. Xã có một số tín hữu Cao Đài. Trong cuộc chiến tranh lần thứ nhất
có một đồn của lực lượng Cao Đài nằm trên hương lộ trải đá xanh nối liền Búng-
Tân Khánh. Người đi đường không được dùng đoạn đường trước đồn mà phải đi vòng
vào trong và chỉ xử dụng lại hương lộ khi đến cây phượng vĩ cổ thụ trên vệ đường.
Thuận Giao có nhiều lò gốm do người Hoa làm chủ.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt- Pháp du kích Thuận Giao nổi tiếng khắp tỉnh Thủ
Biên (Thủ Dầu Một Biên Hoà). Sau năm 1975 quận Lái Thiêu được đổi thành huyện
Thuận An do hai địa danh Thuận Giao và An Phú mà ra.
BÌNH CHUẨN
Bình Chuẩn là một xã nông nghiệp thuần tuý. Xã có ranh giới chung với Thuận Giao,
Tân Khánh và Phú Hoà.
Vùng đất gò gần phi trường Cây số 5 (vì cách tỉnh lỵ Thủ Dầu Một 5 km) nắng cháy,
khô cằn. Nơi đây có cây chai cổ thụ cách xa 7, 8 km vẫn trông thấy được.
Xóm trong là vùng đất pha cát. Có nhiều đường xe bò phủ đầy cát trắng nóng phỏng
chân khi mặt trời lên thiên đỉnh.
Vùng đất triền có suối là vùng canh tác. Nông dân trồng lúa, bắp, khoai, thuốc
lá, rau cải. Vùng đất gò là vùng trồng đậu phộng, mít và điều lộn hột. Thuốc lá
và đậu phộng mang nhiều lợi tức cho nông dân trong xã.
Bình Chuẩn không có chùa Phật Giáo. Có một giáo đường to lớn màu đỏ trên tỉnh lộ
( route provinciale) nối liền Thủ Dầu Một- Biên Hoà nhưng không thấy hoạt động.
Trong xã chỉ có một cái miếu trong khu rừng chồi giữa xóm trong và vùng đất dọc
theo tỉnh lộ. Khác với Thuận Giao, Hưng Định, Bình Chuẩn không có người Hoa sinh
sống. Đất sét khai thác ở Bình Chuẩn được bán ở Thuận Giao, Hưng Định, Bình Nhâm
hay PhúCường.
Cho đến thập niên 1950 việc giáo dục trong xã rất nghèo nàn. Tỷ lệ mù chữ trong
xã dưới thời Pháp thuộc rất cao. Thời bấy giờ không một thanh niên nào trong xã
đủ điều kiện để đi lính tập. Chỉ có chín Rùa được làm lính mã tà ở tỉnh. Đến năm
1945 ông bỏ ngũ về làm ruộng. Số người biết Sài Gòn đếm không quá bàn tay.
Thực tế cư dân xã Bình Chuẩn thực sự tiếp xúc với nếp sống mới và tiện nghi kỹ
thuật từ khi ra Ấp Chiến Lược. Dĩ nhiên khi rời bỏ chỗ ở cũ, từ bỏ thói quen cũ
và kỷ niệm cũ để ra ở trong Ấp Chiến Lược thì dân chúng cũng có chút bất mãn,
bực dọc, phiền lòng. Cho đến năm 1950 không một người dân làng nào có xe đạp.
Đến giữa thập niên 1960 nhiều nhà có xe Honda, con cái được học hành. Nguyễn
Việt Đức đậu vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Sau khi đến Hoa Kỳ, Đức có Ph. D
và hiện sống ở California.
PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.
Trang Phạm Đình Lân
art2all.net
|