|
|
|
Chuyện Về Hoa Mai
Hoa mai gắn liền với Tết ở các
tỉnh ở phía Nam vĩ tuyến 17. Ở phía Bắc vĩ tuyến 17 dân chúng không chưng cành
mai mà chưng cành đào. Hoa mai màu vàng rực rỡ, màu của các quân vương Á Đông
ngày xưa. Hoa đào màu hồng, màu của hạnh phúc.
Nhân dịp này chúng tôi xin nói
khái quá về tất cả những đặc điểm của hoa mai đồng thời phân biệt hoa mai ở nước
ta và hoa mai (meihua) ở Trung Hoa, Triều Tiên, Taiwan (Đài Loan) và Nhật Bản.
Hoa mai vùng nhiệt đới
Mai là một loại cây mộc hoang
trong rừng, trên hốc đá hay trên những vùng đất khô cằn ở Đông Nam Á, Phi Châu,
Mỹ Châu nhiệt đới, bắc Úc Đại Lợi và vùng khí hậu bán nhiệt đới. Ở Nam Mỹ có
loại mai Ochna Suaveolens hay Ouratea suaveolens giống như loại mai vàng thường
thấy ở Trung Bộ và Nam Bộ. Ở Việt Nam cây mai được tìm thấy nhiều ở phía nam vĩ
tuyến 17 và hiếm dần ở các tỉnh bắc Trung Bộ và Bắc Bộ. Hoa mai được tìm thấy ở
Hawaii, Hoa Kỳ. Nhiều xã trong quận Thủ Đức, Gò Vấp,
tỉnh Gia Định, trồng cây mai để bán vào dịp Tết.
Hoa mai được người Việt Nam
chưng trong những ngày Tết mang nhiều tên khoa học và dòng thảo mộc khác nhau
như dòng Ochna, Eleaeocarpus, Discladium thuộc gia đình Ochnaceae.
Tên khoa học thường dùng cho
hoa mai là Ochna harmandii, Ochna serrulata, Ochna integerrima, v.v… theo từ
nguyên Hy Lạp Ochne có nghĩa là trái lê rừng ám chỉ hình dáng của hột của cây
mai. Người Hoa Kỳ gọi mai là Mickey mouse plant vì màu đen bóng của hột hoa mai
giống màu đen và đỏ của con chuột Mickey (hột đen; dải hoa đỏ). Người Trung Hoa
gọi hoa mai là Jin Lian Mu (Kim Liên Mộc: cây sen vàng).
Cây mai không to và không cao.
Chiều cao trung bình xê dịch từ 2 – 5 m. Lá mỏng, cứng, có răng cưa nhuyễn màu
xanh nhạt. Hoa 5 cánh màu vàng, nhụy màu vàng cam. Ong và bướm thích hút nhụy
hoa mai. Chim thích ăn trái chín màu đen bóng dưới dạng hột. Mai là loại thảo
mộc tăng trưởng rất chậm. Cánh mai nhỏ nhắn, thanh nhã và rất dẻo.
Thông thường người ta thích
hoàng mai mặc dù có bạch mai (mai trắng) tức mai oằn và hồng mai (mai đỏ) còng
được gọi là mai tứ thời.
Tên khoa học của bạch mai là
Ochna alba và tên khoa học của hồng mai là Ochna atropurpurea. Bạch mai hoa
trắng, 5 cánh, nhụy vàng, được tìm thấy nhiều ở Phi Châu.
Cây mù u Xiêm Ochrocarpus
siamensis cũng được gọi là bạch mai hay Nam mai.
Hoàng mai được trân quí vì màu
sắc đẹp, biểu tượng tốt cho việc cầu phúc vào năm mới. Hoa mai có 5 cánh biểu
tượng cho: – 5 thành phần xã hội: Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh. – Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ – Ngũ tạng: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận
Cây mai gọi là sự hy sinh cao
cả của người phụ nữ trong xã hội nông nghiệp. Mai mọc trên hốc đá, vùng đất khô
cằn thì gan trước nắng lửa mưa đầu vào mùa hạ và tiết trời băng giá vào mùa
đông. Nó không được ai chăm sóc hay vung phân tưới nước nhưng vẫn tươi cười nở
hoa để chung vui với vũ trụ chào đón Xuân về. Đó là hình ảnh của người phụ nữ
Đông Phương suốt đời làm lụng cực nhọc với tư cách một người dâu, người vợ,
người mẹ trong gia đình và người phụ nữ trong xã hội nhưng lúc nào cũng nở nụ
cười và mang lại nguồn sống, niềm vui và hạnh phúc cho gia đình và xã hội. Muốn
mai ra nhiều hoa phải lặc sạch lá của nó. Người phụ nữ ngày xưa phải quên đi mọi
gánh nặng mới giữ được sự lạc quan và nụ cười như cành mai phải trải qua sự khắc
nghiệt của thời tiết, sự cằn cõi của môi trường sống và cành bị lặc lá để có
nhiều hoa vàng tươi thắm.
Trong tỉnh Gia Định có địa danh
Hoàng Mai Thôn. Ở Chợ Lớn có địa danh Cây Mai nơi có ngôi chùa cổ nhất ở Nam Bộ.
Vào thế kỷ XIX Tôn Thọ Tường
lập ra Bạch Mai Thư Xã để xướng họa thi văn với các nho gia ở Nam Kỳ.
Mai, trúc là đề tài hội họa
được các nghệ nhân dùng để vẽ tranh hay làm tranh sơn mài. Họa sĩ Lê Trung
thường vẽ cành hoàng mai trên báo Xuân khi Xuân về.
Ở Nam Bộ có hiệu thuốc kiết
Nhánh Mai được quân đội Viễn Chinh Pháp dùng khi chiến tranh Việt – Pháp bắt đầu
bùng nổ.
Sau năm 1954 sĩ quan VNCH mang dấu hiệu hoa mai: hoa mai vàng cho
thiếu úy, trung úy và đại úy; hoa mai trắng cho thiếu tá, trung tá và đại tá.
VNVH cũng có phát
hành tem Hoa Mai trắng. Không rõ đây là Bạch Mai Ochna alba hay hoa mai Prunus
mume (mai hay mơ)? Sau năm 1975 xuất hiện thuốc lá Hoa Mai ở Nam Bộ.
Dòng thảo mộc Ochna có
flavonoids, ochnaflavone. Người Zulu ở Phi Châu sắc rễ cây mai để uống như thuốc
trục lải, trị bệnh viêm ruột thừa, bạch huyết, bệnh về xương, kinh nguyệt, loét,
đau thắc lưng, động kinh.
Mai Chiếu Thủy
Mai chiếu thủy không thuộc gia
đình ochnaceae của hoa mai vừa đề cập. Nó thuộc gia đình Apocynaceae. Mai chiếu
thủy được gọi là thủy mai dựa theo cách gọi của người Trung Hoa Shui mei. Mai
chiếu thủy được tìm thấy nhiều ở Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai, Cambodia,
Indonesia, Nam Hoa dưới dạng cây cảnh trồng trong bồn nhỏ: cây cảnh bonsai.
Tên khoa học của mai chiếu thủy
là Wrightia religiosa (do tên của bác sĩ William Wright <1735 - 1819>, người
Scotland) thuộc gia đình Apocynaceae của trúc đào.
Về phương diện thực vật học,
mai chiếu thủy không có liên hệ gì đến hoa mai dòng Ochna và gia đình Ochnaceae
ngoại trừ tên gọi có chữ Mai. Mai chiếu thủy có hoa màu trắng hay hồng nhạt nhỏ
hơn hoàng mai nhưng có hương thơm. Ở Thái Lan người ta thường đặt các chậu mai
chiếu thủy trong chùa đề cúng Phật. Do đó người Anh gọi mai chiếu thủy là Sacred
Buddhist (hoa thiêng Phật Giáo), water Jasmine (thủy lài), Philippine jasmine
(hoa lài Phi Luật tân), tiếng Sanskrit (Phạn): Kutaja, Thái Lan: Mok ban.
Rễ của mai chiếu thủy được dùng
để trị bệnh về da.
Bạch Mai hay Nam Mai: cây mù u
Xiêm
Cây mù u Xiêm có hoa trắng rất
thơm nên được gọi là bạch mai hay Nam Mai. Nó được tìm thấy nhiều ở Nam Bộ. Đó
là một cây to, gỗ cứng, lá to, dày xanh mượt rất đẹp. (Theo Hy Lạp ngữ phylla:
lá (diệp); kalos: dẹp); hoa 5 cánh màu trắng, nhụy vàng rất thơm; trái tròn khi
chín màu vàng.
Tên khoa học của Nam Mai hay
cây mù u Xiêm là Ochnacarpus samensis thuộc gia đình Callophyllaceae hay
Clusiaceae của cây vấp hay cây măng cụt. Người Thái Lan gọi Nam Mai là sarapi
hay soi phi. Người Anh âm thành salapee.
Ở Thái Lan người ta không trồng
một số cây quanh nhà vì sợ xui xẻo. Trong số này có cây mù u Xiêm (Nam mai hay
Bạch mai). Nó chỉ được trồng quanh các chùa đến đài cung điện nhà vua mà thôi.
Hoa Nam mai có terpenoids và
steroids. Hột có nhiều hợp chất phenol. Trái dùng để khai thác dầu như trái mù u
ở nước ta. Theo y học dân gian Thái Lan người ta dùng hoa Nam mai sarapi nấu
nước uống trị chóng mặt.
Cây mai vùng bán nhiệt đới và
ôn đới
Cây mai vùng bán nhiệt đới và
ôn đới được gọi theo cách gọi của người Trung Hoa: Mei. Người Nhật gọi là ume (ô
mai); Triều Tiên: Maesil. Người Việt Nam còn gọi là cây mơ. Người Anh gọi là
apricot, Chinese plum, Japanese apricot, Japanese flowering apricot, Pháp là
abricotier (cây).
Tên khoa học là Prunus mume hay
Ameniaca mume. Cây cao từ 3 – 6 m; hoa bắt đầu trổ vào mùa Đông để kịp nở rộ vào
mùa Xuân. Hoa có 5 cánh màu trắng hay hồng nhạt; nhụy vàng. Hoa gọi là mai hoa
(meihua). Cây mai hay mơ có trái to có hột cứng và to. Trái chín vào mùa mưa nên
được gọi là mai vũ (meiyu). Trái chính có còm mềm màu vàng sậm, vị ngọt lợ. Trái
khô có màu đen nên được gọi là ô mai (wumei, oomei). Trong tỉnh Hubeu (Hồ Bắc)
có hạt Huangmei (Hoàng Mai) có cây mai Prunus mume 1600 tuổi nhưng vẫn ra nhiều
hoa hằng năm.
Hoa mai trong tem phát hành ở
VNCH có về giống hoa mai (meihua) của cây mai Prunus mume chớ không phải hoa mai
Ochna harmadii. Loài cây mai ăn trái này có ở miền Bắc Việt Nam. Người ta chọn
những cánh mai màu hồng để chưng vào dịp tết. Đó là “cành đào” trong câu “mỗi
năm hoa đào nở” trong bài thơ của Vũ Đình Liên. Đào ở đây chỉ máu đỏ của hoa chớ
không phải hoa của cây đào (peach tree – Prunus persica) có trái đỏ vàng trong
tranh Phước Lộc Thọ. Người ta không chưng loại hoa có hoa màu trắng vì người
Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên không thích màu trắng và cho
đó là màu tang. Năm hạn gặp sao Thái Bạch người ta kiên mặc quần áo màu trắng!
Trái lại người Triều Tiên và Nhật Bản giống như người Tây Phương yêu sự thanh
khiết của màu trắng. Quốc kỳ của Nhật và Đại Hàn có nền màu trắng.
Trái và hoa mai Prunus mume
điều ăn được. Trái dùng làm đồ chua, nước giải khát, vỏ hộp, ô mai xí muội, nước
chấm gọi là mai giang (meijang), cất rượu. Rượu gọi là mai tửu (meijiu). Ở Nhật
rượu ô mai gọi là Umeshu (Ô Mai Tửu).
Lá cây mai hay mơ Prunus mume
được dùng làm màu nhuộm xanh. Trái cho màu nhuộm xanh sậm.
Trái ô mai có sinh tố C, B1,
B2, B3, B9, phosphorus, Ca, Fe, K, proteins, calories, carbohydrates, sợi. Hột
có amydalin, prunasin gặp nước chuyển sang prussuc acid tức Cyandie rất độc. Ăn
hột đắng rất độc có thể chết. Trái và hoa mai Prunus mume được dùng để trị sốt,
ho dai dẳng, đau bụng, mất ngủ, kinh nguyệt bất thông, loét, trùng lãi, cầm máu,
kiết lỵ, tiêu chảy, phòng ngừa bệnh tim. Hoạt chất lấy từ cây mai có tính sát
trùng được dùng trong ngành nha khoa để ngừa bệnh đau răng hay bệnh về nướu
răng.
Người phụ nữ đẹp luôn luôn là
người mình hạc xương mai. Thi hào Nguyễn Du tả vẻ đẹp thể chất và tinh thần của
hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân qua hai câu thơ:
Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn
mười.
Mai, trúc là hình ảnh của cặp
vợ chồng hạnh phúc và tâm đầu ý hợp
Ai đi đường ấy hỡi ai?
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm.
hay:
Một nhà sum họp trúc mai,
Càng sâu biển cả, càng dài tình
sông.
*
Gió đưa liễu yếu mai oằn
Liễu yếu mặc liễu mai oằn mặc
mai
Rắn hoa mai là một loại rắn có
đốm trắng hay vàng nhạt.
Mai hoa lộc là một loại nai có
đốm trắng.
Mai thê hạc tử nói lên cảnh
sống cô đơn của người ẩn dật trong rừng. Vợ là hoa mai, con là chim hạc.
Những chữ MAI trong các câu thơ
và nhóm chữ trên đều không phải là cây mai Ochna harmadii thuộc gia đình
Ochnaceae mà là cây mai hay cây mơ Prunus mume thuộc gia đình Rosaceae tức cây
mai hay cây mơ có trái to ăn được gọi là mai vũ (meiyu) (vì trái chín vào mùa
mưa) hay ô mai (wumei – oomei) vì trái chín khô có màu đen.
a. Thi hào Nguyễn Du là người
Hà Tĩnh, nơi hiếm thấy cây mai Ochna harmandii tức kim liên mộc (jin lian mu).
b. Truyện Thúy Kiều là truyện
của Trung Hoa. Nhân vật lẫn cảnh vật đều thuộc về Trung Hoa, nơi chỉ có nhiều
cây mai (Mei) Prunus mume hơn là kim liên mộc.
Cây mai Prunus mume tượng trưng
cho Hy Vọng, Sắc Đẹp, Thanh Khiết, sự Chuyển Tiếp của cuộc đời. Cây mai, cây tre
và cây thông là ba loại thảo mộc được xem là bạn của mùa Đông. Mai hoa là đề tài
của hội họa với Mai, Lan, Cúc, Trúc. Có người cho trằng tranh Tứ Thời là Lan,
Sen (Liên), Cúc, Mai hoa nở theo mùa như sau:
Mùa Hoa
Xuân Lan
Hạ Liên (Sen)
Thu Cúc
Đông Mai
Đó là bốn loài hoa đẹp nở trong
bốn mùa trong năm. Hoa mai Prunus mume nở vào lúc giao thời của mùa Đông và mùa
Xuân (hạ tuần tháng Giêng và thượng tuần tháng Hai Dương Lịch).
Hoa mai Prunus mume là quốc hoa
của Trung Hoa Dân Quốc (Taiwan – Đài Loan – R.O.C: Republic of China). Hoa có:
– 3 nhụy cho mỗi cánh hoa. Ba
nhụy tượng trưng cho Tám Dân Chủ Nghĩa (San Min Chu I – Dân Tộc, Dân Quyền, Dân
Sinh) do Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) khởi xướng.
– 5 cánh hoa tượng trưng cho
Ngũ Quyền phân lập:
a. Hành Pháp
b. Lập Pháp
c. Tư Pháp
d. Giám Sát
e. Khảo Thí
Nghệ nhân Trung Hoa, Triều
Tiên, Nhật Bản và miền Bắc Việt Nam dùng cánh hoa mai Prunus mume làm đề tài
sáng tác chớ không dùng hoa mai Ochna harmadii.
Để chấm dứt bài viết này chúng
tôi tóm lược những tương đồng và dị biệt giữa Mai Ochan harmandii và Mai Prunus
mume:
Tương Đồng
* Tên gọi thông thường là MAI
* Hoa cùng kích thước và có 5 cánh
* Liên hệ lên thân hình đẹp của nữ phái và các đức tính cao cả của
người phụ nữ.
* Biểu tượng (ngũ hành, ngũ tạng, ngũ nghiệp, ngũ quyền, Tam Dân Chủ
Nghĩa, v.v…)
* Cả hai loại mai đều được
chưng vào dịp Tết để mong cầu may mắn và hạnh phúc. Người ta chưng cành đào với
hy vọng được Thần Trà, Uất Lúy ẩn nấp để giúp đỡ xua đuổi điều xấu.
Dị Biệt
– Môi trường sống khác nhau:
Mai Ochna harmandii sống ở vùng khí hậu nhiệt đới. Mai Prunus mume sống ở vùng
khí hậu bán nhiệt đới hay ôn đới.
– Mai Prunus mume có công dụng
đa dạng hơn Mai Ochna harmandii (trái ăn được, làm nước chấm, nước giải khát, đồ
hộp. Trái và hoa dùng để trị bệnh theo y học dân gian cổ truyền).
– Màu sắc khác nhau. Hoa mai
Ochna harmandii màu vàng và hoa mai Prunus mume màu trắng hay hồng.
Phạm Đình Lân, F.A.B.I
|
|
|
|