Củ
khoai từ
Củ khoai từ mộc mạc đơn sơ
Như mẹ tôi và chị của tôi
Thơm nồng chắc bột ươm mơ
Ấm lòng thơ trẻ ngày nào chiến chinh.
Mấy bữa trước tôi được một người bạn biếu
vài củ khoai, nhìn giống như củ khoai mì có
điều vỏ màu nâu đậm hơn, gần như màu đất.
Người bạn nói: “Nghe nói anh thích khoai từ,
tôi mới được người ta giới thiệu loại khoai
này, anh coi có đúng khoai từ anh vẫn thường
nhắc đến không?”
Nhân nha tôi luộc củ khoai người bạn cho,
trong lòng vẫn còn hoài nghi lắm vì khoai từ
quê tôi củ nho nhỏ màu hơi vàng nâu làn lạt
và có nhiều rễ chung quanh. Khi cắt củ
khoai vừa mới luộc mùi hương thơm cũ ùa về,
và chất bột của nó tôi phải thốt lên: “Đây
đúng là ông cố nội của KHOAI TỪ rồi!”
Tôi
ăn từ từ, lòng sảng khoái như vừa tìm được
một chút hương thơm quê nhà, mơ màng trong
bài hát Hương Xưa của Cung Tiến “Hồn có mơ
xa…” Ngày cũ tuôn tràn về trong ký ức và tôi
“Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa….”
Tâm trí tôi lần về lối xưa, tôi nhớ đến quê
hương tôi một vùng đất hẹp người khôn của
khó, tôi nhớ ba tôi là một nhà giáo, vì yêu
nước ông đi theo kháng chiến, đã để lại một
người vợ thục nữ đài các với đàn con còn nhỏ
dại ở lại thành phố. Chiến tranh càng ngày
càng gia tăng mẹ tôi cũng phải đem chục đứa
con nheo nhóc đi tản cư vào vùng xa vùng sâu
hầu tránh bom đạn vô tình.
Tại vùng sâu này có một ông bác là phú hộ
ruộng đất nhiều, đã cho mẹ con chúng tôi trú
ngụ trong túp lều tranh đã mục nát của người
mục đồng, ở ngoài bìa rừng bên cạnh những
nương khoai. Cái chòi lá này có lẽ đã bỏ
hoang từ lâu nên khi đẩy liếp che lên một
cảnh sắc thật hãi hùng hiện ra trước mắt,
hàng trăm con rắn đang treo ngược chờ lột da
chen chúc bên cạnh là những bộ da rắn khô đã
lột giăng mắc như màn cửa, khi gió lùa phất
phơ bay bộ da khô nhìn rất sợ hãi. Các anh
lớn của tôi phải dùng đòn xiên, đòn sóc loại
dài để gánh lúa và gậy gộc thật to múa võ
phạt ngang lũ rắn treo mong có thể đâm, đập
chém chết và đuổi rắn. Có lẽ nhờ sự kết hợp
của đám cỏ tranh cao lút đầu họ hàng nhà rắn
đã kéo về làm ổ khổng lồ trong lều tranh
vách lá này. Nhà tôi tuy đông người nhưng so
ra rắn đông hơn gấp bội, phải mất hơn ba
ngày mới đuổi được chúng ra bờ ra bụi ở.
Sau đó mẹ dặn mấy anh lớn dọn quang đãng
quanh nhà để rắn không còn chỗ ẩn núp. Những
ngày đầu bọn trẻ con chúng tôi phải ngủ tạm
trên những vồng khoai xa xa, tạm tránh xa
cái túp lều “lý tưởng” của thời loạn lạc vài
ba bữa. Tôi còn nhớ người ta thường hát:
“Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi mùa đông
thiếu áo mùa hè thiếu ăn…” nên những ruộng
trồng khoai là nguồn lương thực chính trong
thời chiến.
Tôi độ chừng sáu tuổi khi đi theo mẹ và các
anh chị em về vùng tản cư, một bà mẹ người
thành phố và mười đứa con nhỏ ăn chưa no, lo
chưa tới, bỏ tất cả những tiện nghi tối
thiểu chạy tránh loạn lạc, bây giờ phải tự
lực cánh sinh. Lòng thương con đã giúp mẹ
tôi phấn đấu, mẹ tôi trở thành một người chỉ
huy can trường có tài, bà chia việc cho từng
đứa con, những thằng con trai lớn, chung
nhau phát cỏ tranh để làm sạch sẽ gọn gàng
khuôn viên quanh nhà, hầu rắn không còn
đường để ẩn nấp. Tiếp theo các anh lên rừng
kiếm củi để đổi thực phẩm qua ngày, những
trẻ nhỏ như tôi thì tìm hái trái bứt rau về
thêm phần ăn cho bữa cơm đạm bạc khi no khi
đói, hoặc kiếm nấm mèo để chị lớn giao cho
những người mua sỉ về thành phố bán. Mẹ tôi
làm thêm rượu để đổi cho kháng chiến quân
lấy gạo, muối, đường nuôi sống gia đình.
Dẫu
trong cảnh khó nghèo mẹ tôi vẫn dạy: “Giấy
rách phải giữ lấy lề.” Nhà ta danh giá và là
người mô phạm nên mình phải giữ liêm sỉ
không được tham lam thèm muốn của người khác.
Thuở đó căn chòi tranh sát những nương khoai,
tôi cảm tưởng có thể nghe những củ khoai dậy
lớn từng ngày, đôi lúc đói tôi đã nghĩ “Đêm
về ta ra móc lên một vài củ khoai có ai biết
được?” Nhưng lời mẹ dạy vẫn văng vẳng bên
tai nên tôi dành kiềm lòng lại, dù nương
khoai trăn trở mỗi ngày trong giấc ngủ thiếu
ăn của chúng tôi.
Rồi mùa thu hoạch đã đến, chị kế tôi lớn hơn
tôi hai tuổi và thằng em kế được mẹ cho phép
đi mót khoai khi chủ ruộng thu hoạch. Sáng
sớm hôm đó chủ ruộng hợp đồng với người thu
mua họ đem đôi trâu cày đến cầy xới tung
cánh đồng khoai lên, lưỡi cày sáng loáng bới
tung thoăn thoắt trên cánh đồng, kìa những
củ KHOAI TỪ bung lên rơi rải rắc tứ phía.
Bọn trẻ chăn trâu và những đứa trẻ làng bên
cạnh được tập hợp thành từng nhóm, tất cả
theo lệnh của những người thua mua đi hàng
ngang theo sau cái cày để lượm nhưng củ
khoai còn nguyên vẹn cho vào bao bố. Họ bỏ
thí các củ khoai bị chém nát đôi cho lũ trẻ
lượm đem về cho gia đình ăn, họ hiểu thời
loạn lạc bao người chung quanh đều lâm cảnh
nghèo khổ. Những đứa trẻ chăn trâu cùng bọn
chuyên chụp dựt nhanh tay như cắt, dành dựt
đấm đạp lẫn nhau để dành những củ khoai bố
thí đó “nhanh như quạ bẻ bắp”.
Ba
chị em tôi cứ đứng thộn ra trên bờ đất cao
nhìn hoạt cảnh tranh dành của lũ trẻ
nghèo đói không được đến trường, chúng
tôi khoái chí cười khúc khích. Ngó lại
chung quanh ba đứa chúng tôi khác hẳn bọn
trẻ con trong vùng tản cư nhà quê này, chúng
tôi có nước da trắng trẻo, chị tôi còn mặc
áo hoa, quần áo chúng tôi nhìn tươm tất khác
biệt hẳn với những màu áo quần cũ kỹ nhàu
nát của những đứa trẻ kia, cả ba chị em cứ
trố mắt nhìn như đang đi xem hội, chợt lúc
đó người cày khoai quay trở lại đi ngang chỗ
chị em tôi đứng quát to lên: “Ê! Con bà Đốc
lượm lẹ đi!” (anh biết mẹ tôi là vợ của
Quan Đốc Học) vừa nói anh ta vừa đạp sang
một bên luống khoai mới đào nguyên cho một
về khoai từ nguyên củ và dục ba chị em “Lượm
đi, lượm nhanh đi kẻo người ta thấy thì chết…”
Như được phép màu của ông trời phù hộ cả ba
chúng tôi nhẩy bổ xuống nhặt cho vào bao cho
nhanh. Niềm vui của chúng tôi chưa lắng đọng,
anh thợ cày quẩy trâu trở lại thêm một lần
nữa qua ngang chỗ chúng tôi đứng miệng hô
lớn ra lệnh cho cặp trâu "tắc... tắc ...rì…”
“tắc... tắc …” là dấu hiệu cho trâu đi
nhanh nhanh để khoai đừng bị chém phạt và
còn nguyên củ, “rì” có nghĩa là chầm chậm.
Khi trâu bước chậm anh thợ cày có đủ thì giờ
đạp những cũ khoai chưa kịp bung ra, sang
một bên, anh ra dấu và hối thúc chúng tôi:
“Lượm đi…lượm nhanh đi...”Chị em tôi vui
mừng kéo đầy bao mang về khoe với mẹ. Mẹ
nhìn trầm ngâm nói: “Có chắc là họ cho không?”
Ba chị em đồng thanh nhịp nhàng lên cao
giọng thưa “Dá”. Mẹ hiểu, bà để tay lên ngực
mặt mày sáng rỡ và nói: "Thôi được rồi...
Tối nay mẹ sẽ nấu cho cả nhà món canh
khoai từ với tép đất khô.”
Trong những ngày chạy loạn được nấu canh với
tép khô là một món xa xỉ phẩm quí hiếm, chị
em chúng tôi hoan hỉ, vui cười được mẹ đáp
lại bữa ăn ngon, vì bình thường canh chỉ
nấu có muối và chút nước mắm.
Củ
khoai từ tôi được ăn trên đất khách hôm nay
hương vị không đủ thơm như củ khoai nơi quê
nhà, vị ngọt thua kém củ khoai ngày cũ có lẽ
vì không được trồng bằng mồ hôi của những
nhà nông phải lao động chân tay sớm tối với
đàn trâu nương rẫy nóng cháy. Tôi ăn củ
khoai từ lòng tôi nhớ tới mẹ và chị. Nhớ mẹ
những lời khuyên dạy sống cho xứng người
trong liêm sỉ, nhớ chị trong những ngày đói
ngày khổ có nhau, một củ khoai thơm bùi đặc
bột như lòng chị bùi ngùi khi mẹ nói: “Có
chắc họ cho không?”
Rồi đổi đời năm 1975, chồng chị tôi phải đi
học tập cải tạo ở Hà Nam Ninh. Gia đình chị
bị đưa đi vùng kinh tế mới ở Bù Đập, Long
Khánh, Đất Đỏ, các con của chị lúc đó cũng
cỡ bằng tuổi của mẹ chúng và tôi ngày đi tản
cư thuở trước. Nơi rừng thiêng nước độc,
người thiếu phụ khuê các chân yếu tay mềm,
không còn có người thành tâm đạp cho củ
khoai nát để mót, vì ai ai cũng đói như chị
tôi. Chị đã phải ăn đọt sắn non luộc, chị
kiệt sức và đã từ giã cõi đời khi các con
còn nhỏ dại.
Nhận được tin chị giã từ kiếp phù du biển
khổ lòng tôi quặn đau mấy bữa, tôi thương
chị và nhớ chị thật nhiều: “Thời trẻ con chị
cũng ở trong cảnh nghèo nhưng vui, đến khi
từ giã cõi đời chị lại rơi vào trong cảnh
khó nghèo khổ đau!” Tôi thương chị rất nhiều.
“Chị có còn nhớ thuở xưa chúng mình cùng đi
mót KHOAI TỪ đắp bù cho bữa no bữa đói, mà
tuổi thơ của chúng mình vui quá phải không
chị?” Lòng tôi nghẹn ngào nhớ chị tôi:
Bên trời miên viễn chiêm bao đó
Chị còn nhớ đến những ngày thơ
Ngây ngô đứng ngó như xem hội
Hạnh phúc nhặt nhanh những củ khoai…
Chiều nay…
Em nhớ chị nghẹn ngào đong trên mắt
Biết nói…
Cùng ai em thương chị lắm, chị ơi!
CỦ KHOAI TỪ đã đóng dấu tình chị em tôi
trong những ngày gian lao nghèo khó.
Quế Giang (5/2016)
|