Thời gian như một dòng sông chảy mãi, nay đầu đã bạc ngồi nhớ lại thuở được đi học, khoảng thời gian thiêng liêng ấy biết bao kỷ niệm với Thầy, với Bạn, với mái Trường, trong niềm vui được gần bạn gần Thầy với từng “niên học” thì cũng bấy nhiêu nỗi buồn khi cây phượng sân trường rực đỏ, rồi tiếng ve râm ran kêu: hè về, ấy là lúc sắp phải xa nhau, ba tháng hè dài lắm nếu như cô cậu học trò nào ở lứa tuổi bắt đầu mộng mơ, bắt đầu vu vơ sầu nhớ, bắt đầu chọn cho riêng mình một “kẹp tóc”, một áo trắng “sáng góc sân trường” nằm sâu kín trong trái tim đã thổn thức đập nhịp trong những năm đầu đời chớm biết yêu, một ân sủng mà thượng đế ban riêng cho con người: tình yêu, tội nghiệp thay cái bệnh nhút nhát của hầu hết dân “húi cua” mà nhạc sĩ Vũ Hoàng đã viết ra lời nhạc:
Là bài thơ còn hoài trong vở
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.
Và rồi ngậm ngùi một mình, tự trách một mình:
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu…
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ.
Tuổi học trò thường yêu đơn phương, yêu thầm lặng, yêu kín đáo, e ấp, yêu mà không muốn cho ai biết mình đang… yêu, mà nghĩ lại như vậy lại đẹp, tình học trò trong sáng vô ngần, đẹp mong manh nên dễ tan dễ vỡ. Nghỉ hè xong là tựu trường, trái tim học trò lại đập nhịp rộn ràng vì mong gặp lại bạn cũ, nhất là cô bạn mà trong tim chàng trai khắc nét suốt: chín mươi ngày qua chứa chan tình thương… đấy, bởi học trò chỉ thoáng yêu chứ đã dám nói yêu đâu, tình luôn câm nín ,tình nén trong tim, rồi tập làm thơ, dệt mộng thêu mơ, rồi ghé quán bên đường kêu ly cà phê ngồi chờ nàng đi qua, ly cà phê còn nguyên lúc trả tiền vì nó đắng nghét có uống được đâu. Còn gì buồn hơn đến ngày tựu trường mà không được nhìn ( nhìn thôi chứ có dám gặp đâu mà) hình bóng cũ, nhạc sĩ Vũ Hoàng đã rất tinh tế nhắc lại tâm trạng của các anh học trò bị nhiễm “vi rút nhát”:
Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây
Và mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay…
TÌNH HỌC SINH, mối tình được coi là thiêng liêng ấy rồi cũng qua đi như bóng mây, sẽ tan nhanh bởi khi chuyển trường, rời lớp, xa thầy thì tất cả cũng chỉ còn trong ký ức, có nhớ nhau thì lật lại LƯU BÚT NGÀY XANH để tìm ra nhau trong nét chữ vụng dại của ngày nào, của năm tháng cũ trong thiên đường ký ức, những trang NHẬT KÝ ĐỜI TÔI của mỗi chúng ta nếu có hình bóng của “ai đó”, của đôi mắt thiên thần xưa, của bờ môi hồng mọng màu son cũ giờ này hẳn đã hằn vết chân chim vì thời gian, dòng sông đời vô tình lắm, hững hờ lắm, trôi đi…trôi đi…
Ngày ấy tôi hơn Phượng ba lớp, tôi, gã học trò xa nhà phải sống kiếp”cơm hàng cháo chợ”, nhà Phượng là quán cơm bình dân nơi Ngã Năm Gò Vấp, hai bữa cơm bình dân là khả năng của chàng trai mới lớn có gốc gác chân quê ra tỉnh học, một hôm Phượng nhờ tôi vẽ (môn học phụ giờ thủ công của chương trình lớp đệ ngũ của Phượng), không lẽ từ chối với cô bạn xinh đẹp đang có vài “cây si” lẽo đẽo theo sau Phượng lúc tan trường, cô phụ mẹ bán quán cơm, một cô bé xinh đẹp gốc quê miền Tây lên phố sống vì vùng quê bất an do chiến tranh, đúng ra nếu không vì chuyển trường thì cô cũng chỉ sau tôi chừng một lớp vì Phượng đã có vóc dáng một thiếu nữ đang “trổ mã”với đôi mắt đen tròn, môi hồng cười mỉm làm chết bao “gã khờ” ở trường.
Quán cơm nhà Phượng mà khách hầu hết là dân lính văn phòng, lính thành phố của trường quân nhu, quân cụ, kho tiếp vận, kho truyền tin nằm gần đó. Tôi nhận vẽ giúp Phượng vì không từ chối được ánh nhìn thiết tha, gửi gấm của đôi mắt đẹp mà hồn nhiên của tuổi học trò, không từ chối được vì cái “ơn” tôi nợ Phượng nằm trong những dĩa cơm “tiêu chuẩn bình dân” thường được cô
“vùi” thêm phần “khuyến mãi” rất hậu hĩnh khi là con cá rán, lúc con mực ống có nhồi thịt bằm, có khi cái đùi gà vàng rộm.
Tôi nào có biết vẽ vời gì nhưng tôi mạnh dạn gật đầu vì có thằng bạn cùng quê ra sài Gòn học lớp vẽ của họa sư Vương Quốc Đạt, bạn lại trọ cùng khu tôi ở nên vẽ cho Phượng là chuyện “nhỏ như con thỏ”, sau hôm chấm điểm vẽ Phượng khoe tôi: em được 9 điểm, nhất lớp.
Tôi mỉm cười gật gù trả lời nàng với phong cách rất “cải lương chi bảo”: phải nhất chớ, anh đang học thêm môn họa mà… (nói cho oai chứ có học vẽ đâu khi tiền ăn còn chưa đủ nữa là). Từ đó tôi là tên họa sĩ tình nguyện cho Phượng mà phần “công xá” cô trả cho tôi là những “khuyến mãi” của các bữa ăn nơi cái “quán bên đường” ấy.
Hè đến tôi chuyển trường, nhớ lại thì tôi chưa bao giờ tỏ tình với Phượng, dòng đời trôi đi, cuộc chiến ngày thêm khốc liệt, tôi giã từ đời học trò để theo nghiệp “kiếm cung”, cho đến khi mãn khóa quân trường tôi có ghé lại quán xưa thăm cô bạn cũ, cô đã tròn vo đôi mắt, ngớ ra trước anh chàng họa sĩ không công cho cô ngày nào nay trong bộ quân phục, cô hỏi tôi: sao anh lại đi lính? Tôi cũng lại một lần nữa rất “cải lương chi bảo” trả lời: đất nước chinh chiến làm trai mà trốn tránh coi sao đặng, khi chia tay Phượng có tặng tôi tập thơ của Nhất Tuấn với lời dặn: nhớ đọc và nhớ viết thư về nha chàng… Chuẩn úy.
Chia tay từ đó, thành phố xa dần, thành phố mờ như bóng núi mù khơi, chiến tranh ngày càng khốc liệt, một vài cánh thư rồi cũng mất hút nhau từ đó…
Mấy chục năm rồi, nay tôi có trở lại Ngã Năm xưa nhưng nay đã là Ngã Sáu, quán xưa không còn nữa, hỏi thăm thì chẳng ai còn biết quán cơm này, cô bạn cũ chắc nay cũng đã lên chức nội, chức ngoại như tôi rồi, không biết Phượng phiêu dạt theo chồng ở phương nào?
Không biết có phải tại ngày xưa tôi nhút nhát hay là tôi vô tình nên những cánh thư gửi cho nhau thuở ấy cũng chỉ là một tình bạn cùng trường, cũng chỉ là tình của một em gái hậu phương gửi cho người anh trai nơi chiến tuyến… tôi nghĩ như vậy sẽ đẹp mãi tình học sinh, thoang thoảng như làn gió nhẹ, như lớp sương sớm trên mặt hồ thu… như tiếng hát liêu trai của ca sĩ Thanh Thúy với bài Ảo Ảnh của nhạc sĩ Y Vân…(Yêu cho biết sao đêm dài, cho quen với nồng cay...)
Bây giờ cứ mỗi độ hè về, những lúc đưa con gái út đi thi, rồi chờ kết quả con thi vô đại học, nhìn hoa phượng nơi những sân trường xa lạ nở đỏ rực và nghe câu nhạc của nhạc sĩ Thanh Sơn: mỗi năm đến hè lòng man mác buồn, thì lòng già lại “một thoáng bâng khuâng”. Con gái út nay cũng đã ra trường và đi làm rồi, mới đây thôi, tôi đưa đón Pinky thằng đích tôn nơi trường mầm non quận Tân Bình trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Lê Văn Duyệt cũ) sân trường mầm non cũng có cây phượng đang trổ hoa đỏ rực, tôi biết hè đã về… lại mùa sĩ tử bắt đầu lo sôi kinh nấu sử, cái mùa mà thi sĩ Đông Hồ gọi là mùa
Sang, cái mùa mà bao mối tình học trò phải chia xa… hoa phượng được ép khô nơi trang vở, đem tặng nhau như lời gởi gấm chờ nhau đến mùa phượng sau, những nét bút tình thơ vụng về trong lưu bút của nhau để nhắc nhớ…
Chiều nay đưa đôi tay ôm thằng cháu nội vào lòng, nó cười toe toét ôm cổ “âm tội”, tôi hôn thằng cháu nó kêu lên “a…dột”, tôi nhớ lại đã mấy ngày rồi chưa cạo râu, à râu mọc mau là khi mình đã… già…
Tình học sinh hợp tan, tan hợp khi mùa phượng về, gót chân học trò khi bước xuống cuộc đời là bóng chim tăm cá, trong biển đời quá mênh mông ấy biết có còn gặp lại?
Phượng ơi! Bây giờ nơi góc bể chân trời nào đó hè có sang mùa? có thể em đã quên tôi, nhưng tôi thì vẫn nhớ vì em mang tên loài hoa của tuổi học trò, Phượng ơi!
Ghi chú: những chữ in Hoa trong bài là tên những nhạc phẩm của cố Nhạc Sĩ Thanh Sơn
Zip Mimosa CPL Nguyễn Công Minh
|