Sức Khỏe Thiếu Nhi:
Lấy Thân Nhiệt Trẻ Em
|
Khi một em nhỏ bị
sốt, cha mẹ em cần lấy nhiệt độ để có một ý niệm về tình trạng
nặng nhẹ của bệnh. Dùng tay sờ trán em rồi ước lượng nhiệt độ là
một phương cách không chính xác, đôi khi làm ta hiểu lầm về bệnh
trạng của em. |
Khác với thời xa xưa ở Việt Nam khi mà dụng cụ đo độ chỉ là một cái
nhiệt kế thủy ngân, ngày nay ở Mỹ, chúng ta có rất nhiều chọn lựa, do đó
dễ gây ra nhầm lẫn và bối rối cho cha mẹ. Từ năm 2001, Hàn Lâm Viện Nhi
Khoa Hoa Kỳ khuyên không nên dùng nhiệt kế thủy ngân nữa vì chất thủy
ngân có thể gây hại cho em bé cũng như không tốt cho môi trường sống của
chúng ta. Sau đây là một danh sách những loại nhiệt kế đo độ và cách
dùng cũng như nên dùng cho tuổi nào.
Các loại nhiệt kế
Có rất nhiều loại nhiệt kế với các mẫu mã
khác nhau. Nhưng tựu trung, thường thấy những loại nhiệt kế như sau:
1. Nhiệt kế điện tử (digital thermometer)
Loại nhiệt kế này có thểdùngđể đo nhiệt độ ở miệng, nách hay hậu môn.
Thường loại này có một que nhỏ trong có một bộ phận điện tử chạybằng pin
ghi nhận nhiệt độ và làm hiện lên một cái khungtrên thân chiếc nhiệt kế.
Để que này vào nách, miệng hay hậu môn em bé. Sau chừng 30 giây, ta sẽ
nghe tiếng bíp nhỏ và nhiệt độ hiện lên. Nên dùng thêm bao plastic bao
que này để tránh lây bệnh từ người này qua người kia. Nhiệt kế điện tử
dễ dùng và lấy nhiệt độ rất nhanh và chính xác hơn nhiệt kế thủy tinh.
Tuy nhiên, nếu bạn mua thứ rẻ tiền thì nên thử lại trước khi dùng vì để
lâu pin có thể đã hết và nhiệt kế không còn chính xác nữa.
2. Nhiệt kế điện tử hình núm vú (digital
pacifier thermometer)
Loại này có phần ghi nhận nhiệt độ trong núm vú, dành để dùng cho các em
nhỏ từ 3 tháng tới 3, 4 tuổi, nhất là những em thường ngậm núm vú. Cho
núm vú vào miệng cho em ngậm chặt, không di chuyển. Khoảng 3 phút sau,
nhiệt độ của em sẽ hiện lên ở phần trước núm vú. Nhiệt kế này thường cho
kết quả thấp hơnnhiệt độ thực, vì vậy bác sĩ thường khuyên cộng thêm nửa
độ để có nhiệt độ chính xác.
3. Nhiệt kế điện tử đo ở tai (digital
ear thermometer)
Loại này dùng tia hồng ngoại (infrared) đo nhiệt độ nơi ống tai ngoài
của đứa bé. Nhiệt kế này cũng chính xác như nhiệt kế đo ở hậu môn và rất
nhanh, chỉ trong vòng 2 giây đã đo xong và báo hiệu bằng tiếng bíp. Tuy
nhiên, Hàn Lâm Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyên không nên dùng nhiệt kế này
cho trẻ em dưới 3 tháng vì ống tai ngoài trẻ còn quá nhỏ, không vừa với
đầu đo của máy. Có thể dùng nơi trẻ em trên 3 tháng nếu đầu đo của nhiệt
kế vừa ống tai trẻ.
4. Nhiệt kế dải nhựa (temperature strip)
Loại nhiệt kế này là một miếng nhựa với những túi chứa thủy tinh lỏng có
thể đổi mầu theo nhiệt độ. Loại này rất dễ dùng, chỉ cần dán lên trán em
bé, chờ cho nhiệt kế đổi mầu và đọc nhiệt độ ghi trên đó, nhưng lại
không chính xác. Có thể dùng loại nhiệt kế này xem em bé có sốt không,
nhất là khi sốt cao hơn 102 độ. Sau đó muốn có nhiệt độ chính xác hơn,
cần đo bằng nhiệt kế điện tử hay thủy tinh.
5. Nhiệt kế thủy tinh không chứa thủy ngân
(mercury free)
Là một ống dài có que ở đầu chứa một chất mầu đỏ có thể “nở” ra khi
nhiệt độ lên cao. Khi chất này dừng ở đâu, nơi đó là nhiệt độ em bé. Nên
để nhiệt kế ở nách hay hậu môn khoảng 3 phút. Loại này đo độ chính xác
nhưng hơi khó nhìn. Khi cầm nhiệt kế phải xoay đúng hướng mới nhìn thấy
vệt đỏ.
Cách lấy thân nhiệt
Trẻ em các lứa tuổi cần được lấy thân
nhiệt khác nhau như sau:
1. Trẻ sơ sinh:
Trẻ dưới 3 tháng nóng sốt hoặc gây gổ khó
chịu, là lúc nên lấy thân nhiệt. Nên dùng nhiệt kế điện tử hay thủy tinh
(không chứa thủy ngân) đo nhiệt độ ở nách trẻ. Nếu nóng trên 99 độ F,
nên đo thêm một lần nữa ở hậu môn vì nhiệt độ này chính xác hơn. Nếu
nhiệt độ hậu môn cao hơn 100.5 độ F, nên gọi bác sĩ.
2. Trẻ 3 tháng tới 4 tuổi:
Có thể dùng nhiệt kế điện tử hay thủy tinh
đo ở hậu môn hoặc nhiệt kế điện tử loại núm vú. Cũng có thể dùng nhiệt
kế đo ở tai nếu em bé trên 3 tháng.
3. Trẻ 5 tuổi hay hơn:
Đa số các em tuổi này có thể ngậm nhiệt kế
trong miệng, dưới lưỡi trong 3 phút. Nhiệt độ này cũng rất chính xác nên
một khi trẻ tới tuổi này nên lấy nhiệt độ trong miệng.
Không bao giờ rời em bé đang ngậm nhiệt kế
trong miệng hay đang có nhiệt kế trong nách hay hậu môn. Không nên cho
trẻ tự nhét nhiệt kế vào người. Cần giữ nhiệt kế ngay nách, miệng hay
hậu môn của em trong suốt thời gian lấy nhiệt độ.
Khi nào cần gọi bác sĩ?
Cha mẹ nào cũng rất lo sợ khi thấy con bị
sốt. Tuy nhiên, không phải lần nào sốt cũng là mắc bệnh hiểm nghèo mà
ngược lại, đa số các em đều vượt qua cơn sốt dễ dàng. Nhiệt độ tăng một
cách vừa phải có thể đang giúp cơ thể trẻ kháng cự nhiễm trùng, đa số là
siêu vi khuẩn như bệnh cảm, cúm... Nếu em bé chơi được, vui vẻ, ăn được...,
có lẽ không cần lo lắng quá. Không nên cho uống thuốc hạ nhiệt quá
thường xuyên, khi nhiệt độ mới lên một ít, khoảng 99, 100 độ F. Cho uống
thuốc khi nhiệt độ cao, khoảng trên 101.5 độ F, hoặc khi em bé quấy khóc,
khó chịu.
Ngược lại, nếu em bé rất khó chịu, ói mửa, không ăn được, hoặc kêu nhức
đầu hay đau bụng nhiều, bạn nên gọi cho bác sĩ của em hoặc tới phòng cấp
cứu, urgent care để được khám ngay. Cũng nên gọi bác sĩ khi nhiệt độ
không hạ xuống sau khi uống thuốc hoặc em bé làm kinh.
BS Nguyễn Thị Nhuận
[Trở
Về Đầu Trang] |