Đèn Không Hắt Bóng   Watanabe Dzunichi Pages Previous  1  2  3  4  5  Next   
Chương 9

Nôrikô Simura gặp kỹ thuật viên X- quang Sawađa vào ngày thứ bảy, tức bốn ngày sau cuộc phẫu thuật làm cho Đzyunkô Hanađzyô.
Dù là ngày thứ bảy thì trong bệnh viện vẫn rất nhiều việc, bệnh nhân vẫn đông, cho nên buổi gặp gỡ mãi đến năm giờ mới thành. Nôrikô yêu cầu Sawađa đến gặp cô ở một tiệm trà nhỏ tên là "Pôni". Quán trà nằm ở quãng giữa đường đi Đôghenđzakaa, và Nôrikô cũng đã nhiều lần gặp Naôê ở đây.
Hai người ra khỏi bệnh viện vào những lúc khác nhau, nhưng ngồi chưa đến năm phút Nôrikô đã thấy Sawađa tới phòng trà.

- Anh uống cái gì nhé ? - Nôrikô hỏi.
- Có lẽ cô cho tôi uống trà.
- Xin chén trà có chanh - Nôrikô nói với cô hầu bàn rồi quay về phía Sawađa - có ai trông thấy anh không ?
- Ờ, hình như không có ai.
- Thế thì tốt.
Nôrikô thở dài nhẹ nhõm, rồi lấy trong xắc ra một bao "Highlight", châm thuốc hút. Cô biết hút thuốc lá là do Naôê. Trong bệnh viện có nhiều nữ y tá hút thuốc, ngay cả cô Kaôru Unô trẻ thế mà đôi khi cũng hút. Sau một phẫu thuật khó khăn hay một đêm trực, cởi bỏ chiếc blouse va hút một điếu thuốc lá cũng thật dễ chịu...
Nôrikô nhìn các cô khác hút thuốc, cũng đã từng thử hút vài lần. Nhưng hút đến hơi thứ ba cô đã thấy khó chịu và cô không tài nào hiểu nổi người ta tìm thấy cái gì trong thuốc lá. Naôê vừa mới quen cô đã bắt đầu nài cô hút. Có một lần đang nằm trong giường ông ta nói với cô : "Khi một người đàn bà hút thuốc lá loại sang, nhìn thật thích mắt !" Chính từ ngày ấy Nôrikô bắt đầu hút thuốc thực sự.
Khi thấy Nôrikô ngạt thở vì khói thuốc lá và ho sặc sụa, Naôê cười ngất. "Môi hơi đưa ra phía trước một chút, và phải thở khói ra thong thả như thế này này, trông mới đẹp". Dưới sự hướng dẫn của Naôê chẳng bao lâu cô đã có thói quen hút thuốc lá, tuy không nghiện đến mức phải khổ sở khi không có gì hút. Mỗi ngày cô hút khoảng bốn năm điếu.
Sawađa ngạc nhiên nhìn Nôrikô hút thuốc lá, rồi hỏi:
- Vậy cô muốn nói chuyện với tôi về việc gì ?
Tối hôm qua Nôrikô có yêu cầu ông ta đến đây để nói một câu chuyện quan trọng.
Dạo ấy cứ tối tối Sawađa còn đi học lớp kỹ thuật X- quang và chưa có quyền chính thức làm việc với máy chiếu. Chỉ có các bác sĩ mới được phép chụp phim. Nhưng trong bệnh viện Oriental, cũng như trong nhiều bệnh viện tư khác, chính kỹ thuật viên làm tất cả.
- Câu chuyện tôi sẽ nói với anh hơi bất thường...
Nôrikô gảy tàn thuốc lá rồi nhìn Sawađa có ý dò xét.
- Tôi nghe cô.
Sawađa thua Nôrikô ba tuổi cho nên trước mặt cô anh có phần e dè.
- Anh thử nói tôi nghe... Naôê vẫn đến anh chụp phim đấy à ?
Một bên má Sawađa khẽ giật giật vì ngạc nhiên.
- Có điều là anh không được dối tôi. Tôi biết hết rồi.
Sawađa lúng búng cái gì trong miệng.
- Cứ khoảng mười ngày một lần. Đúng không ?
Sawađa rõ ràng là luống cuống. Nôrikô hiểu rằng mình đã đi đúng đường.
- Vậy thì tôi muốn hỏi anh... Ông ấy chụp phim để làm gì thế ? Anh nói thật với tôi đi. Tôi cŨng đã trông thấy mấy tấm phim ấy rồi.
- Không thể thế được! - Sawađa thốt lên.
- Sao vậy ? Anh lấy làm lạ ư ?
- Cô thấy những tấm phim ấy ở đâu ?
- Không quan trọng. Chỉ biết là tôi đã trông thấy thế thôi.
Nôrikô tuyệt nhiên không có ý định thú nhận rằng mình đã trông thấy mấy tấm phim ấy trong cái tủ ở nhà Naôê.
- Tôi không hiểu...
- Cái gì ?
- Cô làm thế nào mà biết được việc này ?
- Dù sao sự thật vẫn cứ là sự thật.
- Chẳng lẽ chính bác sĩ Naôê nói cho cô biết ? - Sawađa uống một hơi hết chén trà rồi lại nhìn Nôrikô một cách ngờ vực. - Ông ấy đã yêu cầu tôi cất thật kỹ, sao cho đừng ai có thể trông thấy.
- Anh đừng lo. Tôi trông thấy nó không phải ở chỗ anh.
- Lạ thật. - Sawađa lắc lư cái đầu.
- Anh yên tâm đi, và nói cho trung thực : Naôê chụp để làm một công trình khoa học, hay là... ông ấy bị bệnh ?
Sawađa lặng thinh.
- Tôi van anh. - Nôrikô chắp hai tay lên ngực.
- Thôi được, - Sawađa mủi lòng. - Nhưng đừng nói với ai...
- Tôi thề với anh !
- Cô cần biết rằng ông ấy đã cấm tôi không được nói với ai...
- Vâng, dĩ nhiên, tôi hiểu.
- Số là ông ấy đang tiến hành một cuộc nghiên cứu khoa học.
- Nghiên cứu khoa học ư ? - Bây giờ đến lượt Nôrikô nhìn Sawađa một cách ngờ vực.
- Chính ông ấy nói với tôi như vậy, thành thử cô có thể tin chắc rằng đó là sự thật.
- Nhưng tại sao ông ấy lại chỉ nghiên cứu cột xương sống của chính mình mà thôi ?
- Không phải. Cả xương sườn, cả xương tay, xương chân nữa.
- Anh không dối tôi đấy chứ ?
- Tôi nói dối làm gì ? Chính tôi chụp mà.
- Một cuộc nghiên cứu khá lạ lùng.
- Bác sĩ nói rằng vấn đề này thú vị kinh khủng !
"Chụp xương sống của mình thì có cái gì mà thú vị ? Nôrikô nghĩ thầm. - Không thể nào hiểu nổi... "
- Cứ mười ngày ông ấy lại đến anh à ?
- Vâng.
- Và cứ mỗi lần như thế lại chụp cả một loạt hình à ?
Sawađa gật đầu.
- Chẳng lẽ ở bệnh viện người ta cho phép sử dụng ngần ấy tấm phim cho những công trình nghiên cứu khoa học sao ?
- Chính bác sĩ trả tiền số phim ấy.
- Thế à ? Ông ấy trả bằng tiền riêng à ?
- Tôi mua riêng phim cho ông ấy. Mua sỉ. Mua thẳng của hãng sản xuất phim.
"Nếu đây chỉ là một công trình khoa học thì Naôê bỏ tiền ra như vậy có phải là vì quá mê mải không ?... " - Nôrikô nghĩ.
- Vậy anh chụp cho ông ấy vào những lúc nào ?
- Vào những ngày chủ nhật hoặc vào những buổi tối ông ấy phải trực.
- Sao, ngay trong phiên trực à ? Thế mà tôi không biết.
- Chúng tôi bao giờ cũng khóa trái cửa lại để đừng có ai vào.
- Bây giờ tôi mới hiểu tại sao có những tối ông ấy biến đi đằng nào không hay...
- Thường thường thì ông ấy bảo là đi uống rượu, - Sawađa cười.
- Nhưng cũng có khi ông ấy đi uống rượu thật ! Ngoài bar ấy.
- Vâng. Nhưng vào phòng X- quang vẫn nhiều hơn.
- Ai mà ngờ được !...
Trong lòng Nôrikô có những cảm xúc trái ngược dằng co nhau. Cô không biết là nên nổi giận hay nên thở ra nhẹ nhõm. Câu chuyện cũng thật kỳ dị.
- Nhưng tôi tha thiết xin cô đừng nói với ai. Lần nào ông ấy cũng nhắc lại là tôi phải im lặng.
- Được rồi.
Nôrikô cầm chén cà phê đã nguội đưa lên môi.
Những bài phóng sự tường thuật các sự việc đã xảy ra với Đzyunkô mãi đến ngày thứ năm, sau khi cô vào nằm bệnh viện, mới bắt đầu xuất hiện trên các báo chí.
"Một ngôi sao rơi xuống". "Một cơn viêm ruột thừa đột ngột. Một cuộc phẫu thuật khẩn cấp". "Cuộc họp báo bị gián đoạn vì minh tinh ngất". "Khi con bướm ngã xuống bất tỉnh"...
Có một số báo chí chỉ thông báo vắn tắt rằng Đzyunkô bị ngất vì làm việc quá sức, một số báo khác có đăng những tấm ảnh chụp Đzyunkô đang nằm mê man bất tỉnh, song tất cả các phóng viên đều gặp nhau ở một điểm : Trong buổi họp báo Đzyunkô Hanađzyô đã đột nhiên ngất xỉu và được đưa vào bệnh viện mổ ruột thừa. Chỉ có tờ tuần báo phụ nữ "Syukan lady" điểm một âm thanh lạc điệu trong bản hợp xướng hài hòa.
"Cơn đau khả nghi của đzyunkô Hanađzyô. Phải chăng là một cơn viêm ruột thừa ?"
"Chúng tôi đã kể lại để các bạn đọc biết rõ tình trạng của Đzyunkô Hanađzyô sau khi nàng ngất ở khách sạn R. và được đua vào bệnh viện Oriental. Song cách thuyết minh của bác sĩ N. lại khác một cách đáng kể với lời tuyên bố của bác sĩ K. Qua những lời lẽ của vị lương y này chúng tôi đã kết luận đươc. rằng bệnh tình của Đzyunkô Hanađzyô không phải do một cơn đau ruột thừa gây nên như đã từng nói trước đây, mà... "
Tiếp theo sau, tờ tạp chí thuật lại chi tiết nội dung cuộc nói chuyện với Kôbasi. Mọi người trong bệnh viện đều biết rằng N. là Naôê và K. là Kôbasi. Số tạp chí "Syukan lady" ra được một ngày thì Naôê được đọc bài báo nói trên : Ông bầu của Hanađzyô đã chìa tờ báo ra cho ông ta coi khi ông ta đến phòng cô ca sĩ trong buổi đi thăm bệnh nhân thường lệ ban sáng.
- Bác sĩ Kôbasi có thể tuyên bố như vậy thật ư ? - Những khi cái ông bầu này tức giận, ông ta thường nói lắp bắp rất khó nghe, nuốt bớt nhiều chữ trong câu.
Naôê mở tờ tạp chí, đưa mắt rất nhanh đọc qua bài báo tai quái ấy.
- Lẽ nào một người thầy thuốc có thể tự cho phép mình làm như vậy ? Bây giờ biết làm thế nào ?
- Ở đây có một sự lầm lẫn gì đấy.
- Bác sĩ lấy gì cắt nghĩa được sự việc này ?
- Tôi sẽ làm cho ra nhẽ, - Naôê vỗ về ông bầu.
Trong khi hai người nói chuyện, Đzyunkô nhìn ra cửa sổ, vẻ mặt lầm lầm, không nói một câu.
Sau buổi đi thăm các phòng bệnh nhân, ghi xong các chỉ định vào bệnh án của các bệnh nhân mới nhập viện, Naôê mời Kôbasi vào phòng điều hành.
- Chắc anh biết chuyện rồi chứ gì ? Tờ Syukan lady có dẫn lời của anh ra đấy.
- Vâng, các nữ y tá đã nói với tôi rồi, - Kôbasi đáp, giọng vô tư lự.
- Làm sao nó lại ra như thế ?
Naôê đứng dậy, đến cạnh cửa sổ nhìn xuống khoảnh sân sau nhỏ hẹp bị chèn giữa bốn bức tường đá.
- Tối hôm ấy có một người nào đó gọi điện vào bệnh viện tự xưng là người quen thân Hanađzyô...
- Và anh đã nói hết cho người ấy biết ?
- Dĩ nhiên không phải là hết nhưng... - Kôbasi cúi mặt.
- Chẳng lẽ anh không biết rằng những chuyện như thế không thể nói qua điện thoại ? Chỉ có thể nói riêng trước mặt nhau mà thôi. Đó là một sơ xuất không thể tha thứ được.
Kôbasi im lặng.
- Đó là một việc chưa từng thấy : Một người thầy thuốc mà lại để lộ một điều bí mật nghề nghiệp của y học !
- Nhưng... - Kôbasi ngẩng đầu lên, - tôi chỉ nói sự thật. Tôi không bịa đặt gì hết.
Naôê quay ngoắt lại đo lường Kôbasi bằng một cái nhìn không chút thiện cảm.
- Theo anh thì người thầy thuốc có quyền nói toạc ra tất cả những gì mình biết ?
- Sao lại thế ? - Kôbasi bác lại. - Nhưng lừa dối bệnh nhân và người nhà của họ như tiên sinh vẫn làm là điều không thể chấp nhận được.
- Anh muốn ám chỉ cái gì ?
- Thì như chuyện ông cụ Isikura đấy, chẳng hạn.
- Anh Kôbasi, bệnh ung thư là một trường hợp đặc biệt. Không thể đánh ngang bằng Isikura với Hanađzyô.
- Có lẽ thế.
- Nhưng mỗi bệnh nhân có quyền giữ bí mật về bệnh trạng của mình, và bổn phận thiêng liêng của người thầy thuốc là không để lộ điều bí mật ấy ra.
Kôbasi cúi đầu im lặng.
- Hanađzyô không phải là một người thường. Cô ta là một nghệ sĩ, một ngôi sao. Có hàng triệu con mắt tò mò theo dõi cô ta. Cần phải thấy trước rằng bọn nhà báo không dễ gì bằng lòng với những thông báo chính thức của bệnh viện.
- Có thể. Nhưng... nếu việc này quan trọng như vậy, tại sao tiên sinh không cho tôi biết trước ?
- Việc gì ?
- Việc cô ấy bị "viêm ruột thừa" ấy. Giá tôi được nghe cách thuyết minh này, dù chỉ là phong phanh thôi...
Naôê không quay lại, chuyển sang góc bên kia của khung cửa sổ.
- Ngay đến các nữ y tá cũng được thông báo. Thế mà tôi thì không hề ! Nếu tôi được thông báo thì đời nào tôi lại lỡ lời như vậy ?
Naôê đến bây giờ mới ngoảnh lại nhìn thẳng vào mắt Kôbasi.
- Anh có nhận thức được rằng anh là thầy thuốc hay không ?
- Dĩ nhiên.
- Anh không phải là một cô bé đến thực tập hay một cô hộ lý, mà là một bác sĩ. Anh hiểu không - một bác sĩ ! Người ta phó thác cho anh những điều bí mật của bệnh nhân. Chẳng lẽ anh không đủ sức tự mình suy xét xem cái gì có thể nó ra được, cái gì không hay sao ?
- Tôi... à- à...
- Vả chăng đó cũng là một nét đặc biệt của nghề nghiệp chúng ta.
- Tôi đồng ý - mãi bây giờ Kôbasi mới nói được - Nhưng o bế một bệnh nhân đến như vậy chỉ vì cô ta là một ngôi sao thì theo tôi là không đúng.
- Anh không đúng.
- Ở chỗ nào ?
- Vấn đề không phải ở chỗ bệnh nhân là ngôi sao hay là người thường. Người thầy thuốc có bổn phận giữ bí mật cho tất cả các bệnh nhân, ai cũng như ai. Tôi không muốn nhắc lại cho anh nghe những sự thật đã nhàm nhưng... - Naôê rời khung cửa sổ ngồi xuống chiếc ghế đặt trước mặt Kôbasi - Anh đã bao giờ có dịp đọc "Luật lương y" chưa ?
Kôbasi nhăn trán, vẻ bỡ ngỡ. Nói cho đúng ra, anh mới chỉ nghe nói vềtài liệu này, nhưng chưa bao giờ có dịp cầm đến nó.
- Trong các trường đại học, các giáo sư và các bác sĩ chỉ quan tâm đến những bài vở và công trình nghiên cứu khoa học, còn "Luật lương y" hay "Luật bảo hiểm bệnh tật" thì chẳng thèm nhìn ngó tới. Anh cũng chưa đọc chứ gì ?
Naôê đã nhắm trúng điểm. Kôbasi bối rối dấu đôi mắt.
- Giữ bí mật cho bệnh nhân là nền tảng cơ bản nhất của bộ luật ấy.
Kôbasi không còn biết lấy gì để chống chế nữa, nhưng anh chưa có thói quen hạ vũ khí nhanh như vậy. Xét về nguyên tắc, Naôê nói đúng. Nhưng đây là chuyện của một cô gái nào đó chưa quá hai mươi tuổi được bao nhiêu. Cô ta hát được mấy bài hát nghe cũng dễ thương như thế thì đã sao ? Đã có gì ghê gớm lắm chưa ? Như thế đã thành được một minh tinh rồi ư ?... Có thể một bí mật y học quan trọng thật, nhưng việc gì phải làm ầm lên như vậy vì một cô đào hát nào đấy ? Kôbasi khó nhọc trấn áp nỗi bực tức của mình.
- Thôi, nói chung là như thế, - Naôê nói, giọng khô khan, - từ rày có ai hỏi gì về Hanađzyô, anh hãy thận trọng hơn.
- Rõ. - Kôbasi đã ngấy đến tận cổ vì câu chuyện này rồi.
- Còn về bài báo thì ta sẽ nói rằng gã phóng viên hình như tự đánh hơi thấy điều gì cho nên đã cố gắng moi của anh những chi tiết giật gân, còn anh thì đã trả lời qua loa cho xong chuyện.
- Chẳng lẽ chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt như vậy mà phát sinh những vấn đề phiền phức hay sao ? - Kôbasi không ghìm nổi.
- Ở bệnh viện Oriental có nhiều nhân vật danh tiếng nằm điều trị. Nếu có tin đồn đại rằng các bác sĩ của bệnh viện không biết giữ bí mật cho bệnh nhân thì họ ngãng ra hết.
- Các nhân vật danh tiếng kia quan trọng đối với bệnh viện thế kia ư ?
- Họ nằm những phòng đắt tiền nhất. Mà những phòng như thế lại chiếm đa số trong bệnh viện. Cho nên các nhân vật danh tiếng là những vị khách đáng mong muốn nhất của bệnh viện.
- Tôi phản đối một sự phân biệt đối xử như vậy. - Trong đôi mắt Kôbasi nhấp nháy những đốm lửa hằn học. - Tôi ghê tởm cái tinh thần vụ lợi mà bác sĩ trưởng đã gieo rắc trong bệnh viện này,
Naôê kéo cái gạt tàn đặt ở giữa bàn về phía mình và gảy tàn thuốc lá vào đấy.
- Trong những điều anh nói có một vài điều không đúng. Bác sĩ trưởng quả nhiên có xu hướng muốn tăn thu nhập, nhưng ông ta không phải là thủ phạm trong sự tồn tại của một cơ chế như thế này.
- Tại sao thế ? Chẳng phải chính ông ta ra lệnh biến đại bộ phận các phòng bệnh nhân thành phòng thượng hạng đó sao ?!
- Chính ông ta. Nhưng nếu chỉ một mình ông ta muốn thế thôi thì chưa đủ để gây nên cái tình trạng làm cho anh khó chịu.
- Nghĩa là thế nào ?
- Sự cung ứng là do nhu cầu tiêu thụ sản sinh ra : Cái cung sinh ra từ cái cầu. Trong xã hội có một nhu cầu nằm phòng thượng hạng. Có những con người sẵn sàng trả mười lăm ngàn yên một ngày, không chút đắn đó, để có được một căn phòng tốt hơn những người khác.
Kôbasi không còn biết trả lời sao nữa.
- Khi các giáo sư làm ở bệnh viện của các trường đại học cầm lấy những món tiền mà bệnh nhân bỏ vào phong bì giúi vào tay họ, thì có lỗi ở đây trước hết chính là các bệnh nhân : Họ vốn sẵn lòng trả bất cứ số tiền nào để được một "ngôi sao sáng của nền y học" chữa cho. Thành thử trong trường họp này cả hai bên đều có lỗi.
- Về các giáo sư thì tôi không thể phán đoán gì.
- Sở dĩ như vậy vì hiện nay anh còn là một con số không. Anh lội chỗ nước cạn thì làm sao biết được ?
Kôbasi cảm thấy cổ khô lại vì công phẫn.
- Vậy ra cả tiên sinh nữa, hồi còn làm việc ở trường đại học...
- Cả tôi nữa chớ sao, - Naôê vui vẻ thú nhận - Người ta đưa thì tôi lấy.
Răng cắn điếu thuốc lá, ông ta cười phá lên.
- Thế... nếu khi mổ ông không nhận được một số "thù lao" bổ sung thì sao ?
- Thì tôi cũng chẳng phiền lòng cho lắm.
Naôê phun khói ra.
- Dù sao cũng bất công quá chừng ! Đâu đâu cũng tiền, chỉ có tiền và tiền. Chỉ có tiền mới làm cho người ta có được một bác sĩ giỏi chữa cho, mới có được một phòng hạng nhất mà nằm, mới được điều trị theo phương pháp tối ưu.
- Khổ thế đấy, - Naôê cười.
- Tôi nói thế không đúng hay sao ? Người nghèo hay người giàu thì tính mạng cũng có giá trị như nhau. Chẳng lẽ có thể chữa bệnh theo hai cách khách nhau chỉ vì một đằng có tiềng, một đằng không có ? Cứ như là ở một thời trong thế kỷ nào đó, Mêiđzi hay là Êđô gì đấy. Thậm chí còn tệ hơn.
- Anh nói hơi quá rồi đấy... Chẳng việc gì, phải đi sâu vào lịch sử như vậy. Ngay đến gần đây, chẳng hạn như vào đầu thời kỳ Syôwa, người nghèo cũng không thể kén chọn thầy thuốc giỏi hay thầy thuốc tồi. Hắn không hề có thầy thuốc nào chữa cho hết. Nếu thầy thuốc đến với hắn một lần thôi trong cả đời hắn - tức khi hắn hấp hối - thì cũng đã tốt lắm rồi. Bây giờ thì khác.
Kôbasi im lặng, vẻ mặt chán chường.
- Anh thấy không, đối với anh vấn đề không phải chỉ ở chỗ người ta có chữa hay không chữa người bệnh. Anh bận tâm đến một cái gì khác kia : Thầy thuốc giỏi hay kém, phòng nằm tốt hay xấu. Anh muốn rằng xung quanh bệnh nhân phải có sự tiện nghi. Nghĩa là anh lo lắng đến phẩm chất của việc phục vụ y tế.
- Đúng.
- Quả tình ở ta hãy còn vùng nông thôn chưa tổ chức được mạng lưới y tế, nhưng nếu loại những trường hợp cá biệt thì nói chung ở nước Nhật Bản ngày nay bất kỳ ai cũng có thể tìm được một bác sĩ.
- Nhưng loại bác sĩ nào ?
- Đặt vấn đề như vậy hoàn toàn đúng. Dĩ nhiên được một bác sĩ có kinh nghiệm hay một anh chàng non choẹt mới tốt nghiệp đại học ra chữa cho tuyệt nhiên không giống nhau chút nào. Nhưng chế độ bảo hiểm không xét tới những sự sai biệt tinh vi như vậy.
- Tức là ngay cả việc điều trị trong hai trường hợp này cũng sẽ khác nhau ?
- Lẽ tự nhiên.
Naôê ngồi, sườn quay ra phía cửa sổ, và ánh sáng bên ngoài xuyên qua tấm cửa kính chỉ soi sáng cửa bên phải mặt ông.
- Người ta chỉ bảo đảm được cái tối thiểu thiết yếu nhất. Tất cả phần còn lại lệ thuộc vào người bệnh. Người nào có tiền thì nằm phòng thượng hạng và được một giáo sư điều trị cho, còn những ai không có tiền thì đành phải nằm phòng chung và được một bác sĩ kiểu như anh điều trị cho.
Kôbasi bứt rứt vặn người trên chiếc ghế.
- Áo quần, thức ăn, nhà cửa đều phải có tiền mới mong có chất lượng tốt, và ở đây chẳng ai thay đổi gì được. Xã hội của ta là xã hội tư bản.
- Nhưng tôi cho rằng khi vấn đề đặt ra là tính mạng và sức khỏe của con người, thì điều kiện phải như nhau đối với mọi người, ở đây mọi người phải được bình đẳng.
- Bình đẳng ư ?... - Naôê bĩu môi khinh bỉ. - Anh đề nghị đáng ngang bằng những người từ thời trẻ đã lao động cật lực với những người suốt ngày say rượu và ăn không ngồi rồi hay sao ?
- Con người vẫn là con người !
- Dĩ nhiên. Về phương diện giải phẫu mọi người đều như nhau, - Naôê cười.
- Sao ?
- Lục phủ ngũ tạng của ai cũng thế cả.
- Tôi không muốn nói đến chuyện đó. Tôi muốn nói rằng tính mạng của bất kỳ người nào cũng đều quý! - Kôbasi cãi lại.
- Thế... thôi được. Ví dụ trong bệnh viện có mười bệnh nhân cần mổ. Mà bác sĩ thì chỉ có hai người, anh và tôi. Bây giờ nếu cả mười bệnh nhân đều muốn tôi mổ cho, thì làm thế nào ?
- Phải chọn những bệnh nhân nặng nhất cho mổ trước.
- Ví dụ họ đều nặng như nhau.
- Nếu thế thì...
- Thì sao nào ?
Kôbasi buồn rầu không đáp.
- Sẽ phải bắt đầu bằng bệnh nhân trả nhiều tiền hơn chứ sao !
- Nhưng...
- Còn những bệnh nhân không có tiền thì dù họ có phản đối bao nhiêu, họ cũng phải chịu để cho một anh thầy thuốc học hành chưa đến nơi đến chốn như anh mổ.
Bị hạ nhục, Kôbasi mặt nóng bừng bừng. Nhưng trong trí anh không tìm ra được lý lẽ nào có thể bác lại Naôê.
- Nhưng mà thôi. Câu chuyện giữa chúng ta nãy giờ đã trở thành kỳ quặc. - Naôê đứng bật dậy. Đồng hồ trên tường chỉ mười giờ. - Nếu ông bầu của Hanađzyô có hỏi gì anh, anh cứ nói là anh không biết chút gì hết.
- Vì tôi là nguyên nhân đầu tiên của tất cả những chuyện phiền phức này, tôi sẽ gặp phóng viên tuần báo "Syukan lady" và chính thức cải chính chuyện kia, - Kôbasi trả lời với một giọng cố làm ra khô khan.
- Không được đâu. - Naôê so đồng hồ tay của ông với đồng hồ treo tường. - Chính là bọn họ đang mong như thế đấy. Một cái bẫy thông thường.
- Nhưng nếu cứ để nguyên như vậy thì trách nhiệm sẽ trút hết lên tôi.
- Người ta chỉ yêu cầu anh một điều : im lặng.
- Không, tôi...
- Đã trót nói hở ra rồi thì bây giờ còn nói chuyện trách nhiệm làm gì ? Đừng đóng vai ông thánh tuẫn đạo.
- Nhưng...
- Bệnh nhân đang chờ dưới phòng khám kia kìa, - Naôê cắt ngang, giọng gần như dàn hòa, và đi ra cửa.

o0o

Hôm sau, khi Naôê đã mổ xong một bệnh nhân toét dạ dày và trở về phòng y tá, ông bầu của Đzyunkô đến xin gặp ông. Lúc bấy giờ là vào khoảng năm giờ, các nữ y tá làm việc ban ngày đang giao ban cho các nữ y tá trực đêm. Để khỏi làm phiền các cô, Naôê mời ông bầu ngồi ở chiếc đi- văng đặt ở góc trong cùng.
- Vì cái bài báo đăng trong "Syukan lady", suốt ngày hôm nay tôi đứng ngồi không yên. - Cái mặt béo phị của ông bầu để lộ một sự bất bình cực độ. - Trên tờ báo ấy có viết rành rành là phóng viên của báo có nói chuyện riêng với bác sĩ Kôbasi và Kôbasi cứ một mực "Tôi không biết gì cả ", ngoài ra không moi thêm được một chữ nào.
- Tôi cũng nghĩ rằng ông ta không thể nói gì với các phóng viên hết.
Ông bầu nhìn Naôê một cách ngờ vực.
- Phải tin các thầy thuốc.
- Sao ? Hóa ra gã phóng viên kia bịa đặt hết ?
- Có thể là mấy cô y tá hay hộ lý nào đó đã vì nhẹ dạ mà nói bậy cái gì đấy. Chúng tôi sẽ cho kiểm chứng lại, và nếu quả như vậy thì chúng tôi sẽ thi hành những biện pháp thật nghiêm khắc.
- Muộn rồi. Tin này đã thấu đến giới báo chí.
- Hiện nay mới chỉ có một tờ báo duy nhất.
- Chỉ cần một tờ khởi xướng la tất cả những tỡ khác đều sẽ họa theo. Họ sẽ tới tấp gọi điện đến làm khổ tôi.
- Chúng tôi sẽ cảnh cáo một lần nữa tất cả những nhân viên của bệnh viện để đừng bao giờ một việc như thế xảy ra lần nữa.
- Trước đây tôi hoàn toàn tin rằng ở bệnh viện các ngài người ta biết giữ bí mật. Vì ở đây có bao nhiêu nhân vật có tên tuổi nằm điều trị...
- Ông muốn nói rằng bây giờ ông không tin tôi nữa ?
- Không, riêng về phần ông thì tôi...
Bối rối trước giọng nói gay gắt của Naôê, ông bầu im bặt, vẻ ăn năn.
- Với tư cách là bác sĩ phụ trách, tôi xin tuyên bố với ông rằng việc đó không thể xảy ra được. Và ta sẽ coi như vấn đề nay được xếp lại.
- Vâng, vâng.
- Còn hễ có ai gọi điện thì ông đừng trả lời. Ông tuyệt đối đừng bao giờ cầm ống máy lên.
- Chúng tôi sẽ làm đúng như thế, nhưng những người hâm mộ cứ xông thẳng và phòng bệnh nhân.
- Nếu có gì xin ông liên hệ với tôi. Tôi sẽ thân hành nói chuyện với họ. Và không việc gì phải lo lắng. Mọi người đều biết rằng tờ "Syukan lady" thích thu thập những tin đồn nhảm. Sẽ không có ai tin câu chuyện họ tung ra đâu. Người ta sẽ kết luận rằng đây là một trong những tin vịt mà báo này vẫn thường tung ra, thế thôi.
- Nếu được thế thì tốt quá, - ông bầu thở dài buồn bã.
- Ông đừng quan trọng hóa việc này.
Ông bầu gật gật tỏ ý tán thành, nhưng trong đôi mắt ti hí của ông vẫn còn che giấu nỗi lo âu.
- À vừa rồi tôi có khám Hanađzyô- san, và tôi thấy cần phải nói với ông rằng tôi hết sức lo ngại về những chỗ giãn tĩnh mạch của cô.
- Vâng, hôm qua Đzyunkô có nói với tôi. Có nghiêm trọng đến thế không ạ ?
- Chỉ có thể ái ngại cho cô ấy mà thôi.
- Thành thực mà nói, cái đó đã làm cho chúng tôi lo lắng từ lâu.
- Vậy thì tại sao không tìm đến các bác sĩ ?
- Chúng tôi... - cũng như mọi khi mỗi lần bị dồn vào chân tường, ông bầu lại xoa xoa đôi bàn tay đặt trên đùi.
- Nếu không chăm sóc cẩn thận đến cái chứng này, Hanađzyô- san có thể bị nặng hơn.
Bằng một cách nào đó không thể nào hiểu được, ông bầu một phút trước đây hãy còn buộc tội Naôê mà bây giờ đã lâm vào tình thế của người bị cáo.
- Chúng tôi đã nói chuyện với ông chủ tịch công ty truyền hình là nên tìm cách nào bố trí một thời gian để cho Đzyunkô chữ bệnh.
- Vậy bây giờ việc đó đã đến đâu rồi ?
- Bác sĩ có nói với cô ấy là chỉ có mổ mới khỏi được phải không ?
- Vâng.
- Vậy cần bao nhiêu thời giờ ?
- Điều trị cơ bản có lẽ sẽ phải hết một tháng.
- Lâu thế ạ ? Nằm bệnh viện lâu như vậy rất nguy hiểm.
- Nguy hiểm ư ?
- Chính thế.
Ông bầu toan nói thêm điều gì nữa, nhưng đến đây Nôrikô cầm tờ ghi nhiệt độ bước tới.
- Uênô ở phòng 312 lại sốt.
- Đo nhiệt độ chưa ?
- Ông ấy run quá không sao đặt nhiệt kế được.
- Bác sĩ Kôbasi ở phòng điều hành ấy, sang hỏi ông ấy đi.
Nôrikô lấy danh sách điện thoại nội bộ đi ra máy.
- Bác sĩ ạ, lòng hâm mộ đối với nữ ca sĩ là một cái gì rất mong manh. Chỉ cần sơ hở một chút là hỏng hết.
- À ra ông muốn nói cái chuyệy ấy...
- Nếu một ca sĩ không lên sân khấu trong hơn một tháng, không xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến truyền hình, thì cô ta có nguy cơ bị quên lãng.
- Chỉ một tháng thôi mà đã có thể tiêu ma ư ?
- Dĩ nhiên cũng không hoàn toàn tiêu ma, nhưng nếu vắng mặt lâu thì điều đó lập tức sẽ có ảnh hưởng đến lòng hâm mộ của công chúng.
- Ngay đối với một ca sĩ như Hanađzyô- san cũng vậy ư ?
- Đối với Hanađzyô thì tôi nghĩ là hiện nay chưa có gì đáng sợ. Bây giờ cô ấy đang ở tột đỉnh của danh vọng, nhưng...
- Thế ra cô ấy sẽ không bao giờ có thể có được thì giờ để lo cho sức khỏe của bản thân ?
- Biết làm thế nào được... - Ông bầu như gù lưng xuống. - Nói chung người ta cho rằng thời hạn công chúng ham thích một tiết mục chỉ kéo dài được tối đa là ba tháng. Không có một bài "hit" nào giữ được vị trí thời thượng lâu hơn. Mà kể từ khi Đzyunkô hát bài "Mùa bướm" cho đến nay đã hơn hai tháng rồi.
- Và bây giờ cô ấy cần gấp một bài hát mới phải không ?
- Vâng. - Ông bầu rầu rĩ thở dài.
- Nhưng không thể tiếp tục như thế này mãi được đâu. Ông thử nhìn mà xem cô ấy xanh xao như thế nào. Và rất có thể tình trạng xuất huyết của cô ấy là do thiếu máu mà ra.
- Sao, mãi cho đến bây giờ ư ?
- Vâng. Không sao chấm dứt được.
- Gay quá nhỉ...
Ông bầu bứt rứt rung rung cái đùi béo phì.
- Thế không có cách điều trị nào đơn giản hơn một chút sao ?
- Có thể chỉ cắt bỏ những hạch giãn tĩnh mạch, nhưng làm như thế chưa giải quyết được vấn đề.
- Nhưng có đỡ không ?
- Có, nhưng không được lâu.
- Cần bao nhiêu thời gian ?
- Tôi nghĩ độ hai tuần là đủ.
Ông bầu ngước mắt lên nhìn trần.
- Thế thì có lẽ nên chữa tận gốc cho dứt điểm hẳn một lúc đi nhỉ ?
- Có lẽ thế...
- Nếu là phẫu thuật ngay từ bây giờ, thì... thì.. cô ấy sẽ nằm viện cả thảy là ba tuần phải không ạ ?
- Hoàn toàn đúng.
- Ba tuần ? Thế thì sẽ không còn ai tin vào cái bài báo đăng trên tờ "Syukan lady" !
Vừa lúc ấy Kôbasi bước nhanh vào phòng. Ông đưa mắt nhìn qua hai người, cầm lấy cái ống tăng âm rồi lập tức đi ra. Nôrikô vội vàng ra theo.
- Tôi sẽ lập tức đem tất cả câu chuyện này bàn với ông chủ của chúng tôi và với Hanađzyô.
- Dĩ nhiên tiếnh hành một cuộc điều trị cơ bản thì tốt hơn. Còn nếu không có cách gì làm được như vậy thì đành bằng lòng với một phẫu thuật tối giản. Dù sao cũng còn hơn không làm gì.
- Khoan đã. Thế bây giờ ta sẽ nghĩ ra cách nào để giải thích đây ? Bệnh gì ? Vì chỉ cần nhắc đến cái danh từ "bệnh trĩ" cũng có thể phá tan tành ánh hào quang huyền thoại về nàng Hanađzyô kiều diễm.
- Chà, bệnh nhân gì mà chỉ toàn gây ra những chuyện rắc rối !
- Xin bác sĩ lượng thứ - Ông bầu nhẫn nhục cúi đầu.
- Chúng ta sẽ không thay đổi chút gì trong cách thuyết minh chính thức của chúng ta.
- Nghĩa là ?
- Cắt bỏ ruột thừa. Nhưng vì đã bỏ lỡ thời gian, nên phúc mạc bắt đầu phát viêm, và quá trình thành sẹo diễn ra chậm. Tôi nghĩ rằng cách giải thích đó sẽ làm cho mọi người hài lòng.
- Dù sao tôi vẫn phải bàn với ông chủ, và cả với chính Đzyunkô nữa.
- Vâng, ông cứ bàn. Nhưng phải nhanh lên. Chúng tôi cũng có kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi phải biết trước.
- Dĩ nhiên.
Ông bâu đứng dậy, cảm tạ Naôê, rồi ra khỏi phòng.
Màn đêm đã bắt đầu phủ lên bầu trời thu. Naôê đứng cạnh cửa sổ nhìn theo những đám mây màu đỏ đục đang trôi trên nền trời. Bóng ông nổi bật thành một khối đen trên nền khung cửa sổ, toát ra một nỗi mệt nhọc khủng khiếp.
Mãi hồi lâu, khi ông ngoảnh lại nhìn vào phía trong, trong phòng y ta còn Akikô Takaghi. Các nữ y tá khác đã về từ lâu.
- Hôm nay cô trực à ?
- Vâng ạ.
Hai bàn tay Akikô đang sắp xếp các thứ giấy tờ ngưng lại trong chốc lát. Cô đưa mắt nhìn Naôê như chờ đợi điều gì, hoặc như có điều gì chưa dám nói ra.
- Tôi muốn...
- Cái gì ?
- Tôi muốn xin lỗi bác sĩ về tất cả những chuyện phiền hà...
- Lại những chuyện phiền hà gì nữa ?
- Dĩ nhiên là bác sĩ Kôbasi đã sơ xuất để xảy ra một việc kinh khủng...
- Nhưng cô có dính líu gì vào đấy đâu ?
- Tối hôm ấy chính tôi nghe điện thoại trước. Lẽ ra từ đầu tôi phải hỏi cho ra người gọi điện là ai. Nếu thế thì đã không có việc gì xảy ra, - Akikô nói một hơi. - Thành thử không phải chỉ có bác sĩ Kôbasi có lỗi trong việc này.
- Tôi hiểu...
- Bác sĩ Kôbasi thì xưa nay cái gì cũng hơi quan trọng hóa.
- Không sao đâu, thôi cô đừng xúc động như thế.
- Vậy tôi có thể hỏi bác sĩ một điều không ?
- Cô hỏi đi.
- Tôi muốn hỏi về Tôđa.
- Tôđa ư ?? - Naôê băn khoăn nhắc lại.
- Vâng. Cái gã du đãng bị đập chai vào đầu ấy. Chính bác sĩ đã khâu cho hắn.
- À... Thế thì sao ?
- Hôm trước bác sĩ muốn cho hắn xuất viện vì hắn không trả tiền, nhưng bác sĩ Kôbasi thì nói hắn chưa xuất viện được và đúng ra đảm đương mọi khoản chi phí...
- Sao, anh ta trả viện phí cho hắn thật à ?
- Anh ấy cho hắn vay tạm ba mươi ngàn trong khi chờ đợi bố mẹ hắn gửi tiền đến. Nhưng khó lòng có thể tin được rằng rồi đây món tiền ấy sẽ được hoàn trả.
Naôê lặng thinh chờ Akikô nói tiếp.
- Đến bây giờ món tiền ba mươi nghìn đã hết và bác sĩ Kobasi lại định cho hắn vay thêm.
- Bây giờ Tôda hoàn toàn có thể ra viện.
- Hắn khẳng định rằng ngay cả điều trị ngoại thú hắn cũng không biết lấy gì mà trả.
- Kôbasi định trả cả khoản này nữa à ?
- Anh ấy nói : "Phải trả, vì không còn cách nào khác... "
- Mời các vị ra ăn tối ! - Giọng bà cấp dưỡng vang lên ngoài hành lang.
- Đây là việc của Vụ phúc lợi hay của Hội đồng kiểm soát phúc lợi xã hội, chứ tuyệt nhiên không phải là việc của các bác sĩ.
- Tôi cũng nói với anh ấy như vậy, nhưng anh ấy không chịu nghe.
- Thế cô muốn gì ở tôi ?
- Có lẽ tiên sinh có thể nói với bác sĩ Kôbasi để anh ấy đừng làm vậy.
Ngoài hành lang các bệnh nhân đang kéo nhau đi ăn bữa tối.
- Vô ích. Anh ấy cũng chẳng nghe tôi đâu.
- Sao tiên sinh nói thế ? Anh ấy rất kính nể tiên sinh.
- Chỉ có thể làm những gì có thể làm được.
- Tiên sinh...
Naôê quay phắt đi và ra khỏi phòng.

o0o

Quay về với phòng điều hành, Naôê chưa kịp ngồi xuống đi- văng và châm thuốc hút thì đã thấy Kôbasi vội vã bước vào.
- Bệnh nhân Uênô ra sao rồi ?
- Sau cơn rét bây giờ lại bắt đầu sốt nóng. Nhiệt độ hiện nay là ba mươi tám độ hai.
- Rõ.
- Ông già xanh lắm, nhưng nếu nhìn kỹ thì thấy da phơn phớt vàng. Những kết quả xét nghiệm chức năng gan cho thấy lượng bilirubin tăng.
- Còn kết quả phân tích máu ?
- Huyết cầu tố tám mươi : không phải là thấp lắm nhưng hồng cầu thì thấp hơn chuẩn khá rõ. Tình trạng thiếu máu rõ ràng.
- Những cái này tôi đã đọc trong bệnh án rồi. Công thức máu ra sao ?
- Hiện nay chưa nhận được trả lời dứt khoát. Nhưng hồng cầu hơi bị biến dạng. Chúng tôi đã gửi máu của bệnh nhân tơi phòng thí nghiệm trung ương của trường đại học, ở đấy họ sẽ phân tích chính xác.
- Có còn gì nữa không ?
- Bắt đầu có tình trạng viêm miệng.
- Thế...
- Bà vợ có nói rằng trước kia ông ta đã mấy lần ngất xỉu. Có hai lần ngất vì chóng mặt và vì nhức đầu dữ dội.
Naôê gác hai chân lên ghế, gật đầu có ý thỏa mãn.
- Anh dự đoán thế nào ?
- Tôi nghĩ... - Kôbasi nhìn ra cửa sổ - Nếu căn cứ vào màu da phơn phớt vàng, có thể nghĩ đến bệnh viêm gan.
- Thế anh giải thích tình trạng thiếu máu bằng cách nào ?
- Vâng... Quả thật có số hồng cầu giảm quá nhiều, thành thử khó lòng có thể đổ hết cho bệnh hoàng đản, cho nên...
Kôbasi không nói tiếp được. Anh rất muốn hỏi ý kiến Naôê, nhưng sau cuộc xung đột vừa qua anh thấy bất tiện thế nào ấy.
- Cần xác định công thức máu chính xác hơn nữa.
Naôê vê vê điếu thuốc lá trong mấy ngón tay.
- Tôi nghĩ rằng đây là bệnh thiếu máu ác tính.
- Sao ạ ?
- Aplastische Anemie (Bệnh thiếu máu không tái tạo) - Naôê nói bằng tiếng Đức.
- Aplastische Anemie ? - Kôbasi ngẩng lên nói theo. - Thế thì sao ạ ?
- Trên nguyên tắc bệnh này không thể chữa được.
- Nhưng....
- Dĩ nhiên phải kiểm tra thật cẩn thận một lần nữa rồi sau đó mới có thể nói chắc được.
Kôbasi cố nhớ lại tất cả những điều đã được nghe trong các buổi giảng ở trường đại học, tất cả những điều anh đã từng nhẩm đi nhẩm lại trước những cuộc sát hạch và những kỳ thi quốc gia về các chứng thiếu máu ác tính. Đúng thật, ở đây có đủ các triệu chứng chủ yếu : Viêm miệng, thiếu máu và biến dạng hồng cầu...
- Nếu là thiếu máu thì sẽ điều trị ra sao ?
- Người ta thường khuyên nên cho bệnh nhân ăn gan sống, nhưng tôi cho rằng cách đó chẳng có được bao nhiêu kết quả. Phương pháp công hiệu nhất là truyền máu.
- Truyền máu ạ ?
- Vâng. Mỗi ngày bốn trăm phân khối.
- Thế ạ, - Kôbasi nói, giọng thấp hẳn xuống. Kiếm được bốn trăm phân khối máu một ngày chẳng phải đơn giản, đấy là chưa nói đến giá tiền... Tất cả những điều này chẳng lạc quan một chút nào. - Không có phương pháp nào khác ạ ?
- Không.
- Nhưng ông ta chỉ sống bằng tiền trợ cấp.
- Không sao.
- Mà thời gian điều trị sẽ kéo dài phải không ạ ?
- Đương nhiên.
- Thành thật mà nói, hôm trước tôi đã bị bác sĩ trưởng trách mắng vì đã nhận một bệnh nhân không có đủ tiền trả số chênh lệnh về hạng phòng...
- Và anh đã trả lời ông ta thế nào ?
- Tôi đã trả lời rằng tôi nhận thức được tất cả.
- Thế thì tốt.
- Nhưng...
- Ông ấy đã nghe thấy, như thế là được rồi.
Naôê với tay lấy tờ báo ra buổi chiều đặt trên bàn và lại gác hai chân lên ghế.

Chương 10

Chiếc xe hơi phóng vun vút về phía đông trên xa lộ tốc hành Tôkyô-Nagôya. Ở phía dưới, trên các sườn đồi có thể nhìn thấy những nếp nhà nép sát vào nhau. Tuy hôm nay là ngày nghỉ, đoạn xa lộ dẫn về thủ đô vẫn tương đối rộng rãi - đến tối hãy còn lâu.
Mayumi nói chuyện rúi rít mãi đến tận Yôkôhama, nhưng càng về đến gần Tôkyô cô càng sa sầm xuống và như khép kín mình lại.
- Papa sẽ về thẳng nhà à ? - Cô rời cửa kính và quay về phia Yutarô.
- Thì anh đã nói rồi mà.
- Thế là em lại chỉ còn lại một mình...
- Anh có việc mà.
- Em chả chơi thế đâu-u-u-u... - Cô nũng nịu.
- Em chịu phiền một tý. Từ tối hôm qua đến bây giờ chúng mình đã gần nhau suốt rồi còn gì.
Chiều hôm qua vào ngày thứ bảy Yutarô và Mayumi đã lên đường đi Hakônê, đến vùng suối nước nóng Ôôwakuđani và ở lại đêm ở đấy.
Dĩ nhiên bà Ritsukô không biết gì về chuyến đi này. Ông Yutarô nói với vợ là mình đi dự cuộc thi đấu golf do hãng dược phẩm S. tổ chức. Quả thật cuộc thi đấu được dự định vào ngày chủ nhật và sẽ diễn ra ở thị trấn Sengôkuhara - về điều này Yutarô không hề nói dối, - nhưng trận đấu bắt đầu khá muộn, vào lúc mười giờ sáng, cho nên không cần gì phải lên đường từ ngày thứ bảy. Nhưng Yutarô khao khát hưởng thụ những cuộc ái ân với cô Mayumi tươi trẻ trong một khách sạn vùng núi bên cạnh những dòng suối, đã mời ông phụ trách tổ chức trận đấu về nhà và yêu cầu ông ta đóng cả một vở kịch trước mặt bà Ritsukô. Ông này, vốn là một phái viên thương mại của hãng S. lẽ dĩ nhiên đã đồng ý. Ông ta nói với bà Ritsukô, giọng phân trần.
- Cuộc tỷ thí sẽ bắt đầu rất sớm, vì vậy ông nhà phải lên đường từ hôm nay và ghé Hakônê nghỉ lại đêm.
- Tiếc nhỉ... Tôi cũng đã lâu không được đến Sengôkuhara...
Ritsukô đánh golf không thua chồng một chút nào, cho nên bà tiếc là phải. Bà buồn rầu ngước mắt lên bầu trời không gợn chút mây.
- Sau tết chúng tôi sẽ còn tổ chức một trận thi đấu nữa. Tôi hy vọng rằng lần này thế nào bà cũng sẽ đi dự !
- Thế bác sĩ Hirayama cũng đi chứ ?
- Dĩ nhiên.
Bác sĩ phẫu thuật Hirayama có một bệnh viện tư cách trường đại học Tôkyô không xa. Thời niên thiếu ông ta với Yutarô cùng học một lớp, rồi sau đó, khi đã bước lên con đường kinh doanh có thể, họ càng thân nhau và bây giờ cả hai gia đình thường lui tới nhà nhau rất thân tình. Sợ rằng Hirayama vô tình nói lộ ra, Yutarô và ông phụ trách tổ chức đã chịu khó mời ông ta cùng đi. Vì Hirayama không có nhân tình và tuyệt nhiên không thích thú gì việc phải ngủ lại đêm dọc đường, cho nên Yutarô phải chi tiền đi đường và phòng trọ cho ông ta. Một khi người ta có một địa vị tai mắt trong xã hội, ngay một cuộc du hý đơn giải cũng phải được trả giá không lấy gì làm rẻ.
- Tiếc thật đấy ! Hay có lẽ tôi cũng đi nhỉ ? - Ritsukô đột nhiên cao hứng lên.
- Bậy nào, bậy nào ! - Yutarô hốt hoảng xua tay lia lịa - Sao thế, mình quên rồi à ? Mai là lễ xem mắt của con Mikikô kia mà !
- Thì đã sao ? Mãi đến năm giờ chiều mới bắt đầu mà !
- Mình nói năng chẳng thèm suy xét gì cả
- Sáng sớm đã bắt đầu thi đấu. Phải không ?
Yutarô đưa mắt khẩn khoản nhìn ông phụ trách, mong tìm một chỗ dưạ.
- Phải, tám giờ, - ông xác nhận với cái giọng của một người có thẩm quyền. - Nhưng sau trận đấu của chúng tôi có tổ chức một bữa tiệc nhỏ, thành thử ít nhất phải đến ba giờ mọi người mới ra về.
- Thì đừng dự bữa tiệc nữa cũng được chứ sao, - Ritsukô bẻ lại.
- Sao bà lại nói vậy ! Làm sao đã tham gia cuộc thi đấu lại không đến dự cuộc gặp gỡ hữu nghị ?! - Ông phụ trách tỏ vẻ kinh ngạc.
- Đánh xong là cứ thế về thẳng à ? Người ta sẽ nghĩ về tôi như thế nào ?! - Yutarô tỏ vẻ tuyệt vọng.
- Thế ông làm sao về cho kịp buổi xem mắt nếu ông đi dự cái bữa tiệc ngu xuẩn ấy ? - Ritsukô thắc mắc.
- Tôi à... tôi sẽ ra về khoảng hai giờ. Nếu thấy đã cận giờ thì tôi sẽ đi thẳng đến khách sạn dự lễ xem mắt, không ghé về nhà nữa.
- Nếu vậy, tôi cũng có thể đi rồi về cùng một lúc với ông.
- Bà nói gì thế ?! Bà còn phải giúp con Mikiô mặc quần áo và sửa sang chứ ! Vào một ngày như thế mà cả bố lẫn mẹ đều bỏ đi đánh golf !... Thiên hạ tha hồ mà chê cười !
- Thì thôi vậy. Nhưng ông coi chừng đừng về trễ đấy. Lễ xem mắt mà đến chậm tức là không tôn trọng khách khứa. - Bực mình vì không được đi, bà Ritsukô nghiêm khắc răn đe ông chồng. - Tôi thì tôi biết ông quá đi rồi : hễ uống vào một giọt là chẳng còn nhúc nhích đi đâu được nữa.
- Xin bà đừng quá lo lắng, - ông phụ trách tổ chức xen vào. - Tôi sẽ luôn luôn bên cạnh ông nhà, tôi sẽ trông coi ông ấy.
- Thôi thôi, hai ông thì bao giờ chả thông đồng với nhau, - bà Ritsukô càu nhàu - các ông đã muốn cái gì thì...
- Chẳng lẽ tôi lại đi nói dối bà hay ao ? Xin bà đừng lo gì hết.
- Con người này là phải theo dõi từng bước ấy. - Ritsukô ném sang ông chồng một cái nhìn chứa đầy giông tố, và Yutarô sợ sệt ngoảnh mặt đi.
- Papa có việc thật à ? - Mayumi vẫn không buông tha.
- Thì anh nói rồi mà. Cũng vì thế mà anh phải bỏ bữa tiệc đấy chứ.
- Hông chơi thế đâu-u-u ! - Mayumi lại kêu lên với cái giọng của một đứa bé hờn dỗi.
- Chúng mình đã gần nhau mãi từ tối qua kia mà.
- Gần gì mà gần ! Từ sáng sớm đã bỏ người ta một mình, đi chơi cái trò chết tiệt ấy...
Vì sợ gặp phải người quen ở Kôđziri, Yutarô quyết định dừng lại ở Ôôwakuđani, tách riêng hẳn ra. Nhưng sang ngày chủ nhật, ngay từ sáng đã phải dự cuộc thi đấy nên phải ra sân trước ở Sengôkuhara, bỏ Mayumi lại một mình. Giá có thể được, ông cũng thích đem theo cô gái tươi trẻ và đầy sức quyến rũ này, nhưng ông hiểu rằng làm như vậy quá ư trơ trẽn. Thế là mãi đến một giờ chiều Mayumi bị bỏ mặc một mình.
Cô Mayumi xinh đẹp xưa nay vẫn được giới đàn ông săn đón. Cả lần này nữa cô cũng không phải buồn chán một mình : Trong khi đi lang thang quanh khách sạn, Mayumi tình cờ làm quen với một người đàn ông rất dễ ưa, trạc ba mươi lăm tuổi. Anh ta từ Nagôya đến. Hai người qua thì giờ một cách khá thú vị - thậm chí Mayumi còn được anh ta mời lên xe đưa đến tận suối nước nóng. Nhưng vì Yutarô không dám cùng đi với cô đến chỗ đông người, lòng tự ái của Mayumi bị tổn thương.
- Chiều chủ nhật thì có việc gì mà bận ?
Mayumi rất ghét ngồi nhà một mình. Bây giờ cô rất tiếc là đã không kịp hẹn ai đi chơi với mình tối hôm nay.
- Em phải hiểu chứ, anh không thể không đến được.
- Papa sợ vợ đến thế kia ư ?
- Vớ vẩn ! Vấn đề hoàn toàn không phải ở chỗ ấy.
- Thế thì ở chỗ nào ?
- Hôm nay là lễ xem mắt của con gái anh.
Yutarô cho rằng nói thật ra như vậy sẽ làm tiêu tan mối ngờ vực.
- Của Mikikô-san à ?
- Em biết tên nó à ? - Yutarô ngạc nhiên.
- Sao lại không biết ! Chính papa nói mà. Papa lại còn nói rằng em với Mikikô bằng tuổi nhau nữa.
Yutarô nhăn mặt
- Ra papa đi đến đấy, đấy !...
- Anh là bố nó, làm sao không đến được.
Mayumi đang chéo mây ngón tay vào nhau im lặng một lát, rồi nói, giọng đầy suy tư :
- Có lẽ em cũng đã đến lúc phải đi lấy chồng đấy, papa nhỉ ?
- Này, em nói bậy bạ gì thế ? - Yutarô phát hoảng.
- Thế sao ? Đến tuổi rồi còn gì ?
- Ừ thì thôi, thì thôi...
Yutarô thấy xôn xao trong lòng. Trong trận đấu golf ông đã bại trận, vợ thì trách mắng càu nhàu, rồi bây giờ đến lượt Mayumi....
- Khơ- ơ- ông, thật đấy mà, phải tổ chứ lễ xem mắt cho cả em nữa, ít nhất cũng được một lần chứ.
Mayumi quay ngoắt ra cửa sổ. Bóng hoàng hôn đang buông xuống cái thành phố nép sát chân đồi.
Yutarô bắt đầu hối hận vì đã nói thật một cách không đúng chỗ. Dĩ nhiên Mayumi không thể đặt ngang hàng với Mikikô, nhưng dù có nói ngang nói ngửa thế nào thì hai đứa con gái vẫn cung một lứa tuổi như nhau. Ông thấy đau nhói trong lòng khi hồi tưởng lại cái thân hình trẻ trung kiều diễm mà ông đã ôm ấp đêm qua.
- Anh sẽ tặng em một món quà, em có thích không ? - ông nói, giọng cầu cạnh. - Em muốn anh mua cái gì nào ?
- Papa có nhớ buổi nói chuyện hôm trước không ?
- Về chuyện gì ?
- Em xin rồi đấy. Cái hiệu cà-phê ấy mà.
- À- à... thì hôm ấy anh đã nói là phải đợi ba năm thôi.
- Đồ keo kiệt.
- Anh không keo kiệt đâu.
- Nhưng phải xong cái bệnh viện mới đã chứ gì ?
- Em thấy chưa : Chính em cũng hiểu rất rõ.
- Thôi được. Đã vậy em sẽ đi tìm một người khác hào phóng hơn.
- Ấy ! Em bỏ cái kiểu đùa ấy đi cho anh nhờ.
Yutarô cợt nhã chọc ngón tay vào sườn Mayumi, nhưng cô ta cũng chẳng thèm quay lại nữa.
- Đợi thêm chút xíu đi.
Xe đã vượt qua ngã ba Sêta, Yutarô nhìn đồng hồ : Bốn giờ kém mười. Nếu đi thẳng đến khách sạn thì thời gian hãy còn thừa khá nhiều.
- Em phải ngoan nhé, hôm nay em phải ở nhà nhé, - Yutarô quay sang người lái xe : - ghé vào khu Êbisu, rồi đến khách sạn R.
- Lễ xem mắt tổ chức ở khách sạn R à ?
- Cả nhà gặp nhau ở đấy.
- Này, có phải Đzyunkô Hanađzyô bị ngấ chính là ở cái khách sạn ấy không ? Bây giờ cô ta ra sao rồi ?
- Cô ta sắp được mổ. Bệnh trĩ.
- Bệnh ơi là bệnh ! - Mayumi phì cười.
- Này, chớ nói lại với ai đấy nhé. Ở bệnh viện của anh đã nhiều chuyện rầy rà lắm rồi. Có một bác sĩ trẻ đã nói lộ ra là cô ấy nạo thai.
- Papa đừng sợ, em không nói đâu. Một khi papa dặn là em không nói với ai hết đâu ! Thế ai sẽ mổ ?
- Naôê.
- A- a ! Nêmuri Kyôsiro.
- Biệt hiệu gì kỳ thế ?
- Lại bác sĩ Naôê.. hừm, ở chỗ papa việc gì cũng phải đến tay ông ấy nhỉ...
Mayumi cười phá lên, giọng cười cay độc. Nhưng Yutarô cũng cảm thấy như cất bỏ được một gánh nặng trong lòng.

o0o

Về đến nhà, Mayumi vặn nước cho đầy bồn tắm. Lúc còn ngồi trên xe cô vẫn lo phải ngồi nhà một mình buồn, nhưng bây giờ cô chỉ thấy mệt nhoài : Cô vốn không quen dậy sớm như sáng nay, vả lại cuộc dạo chơi ở suối nước nóng đã làm cho cô mệt thêm.
Thậm chí cô cũng không còn sức đi ra ngoài mua cái gì ăn, lại càng không đủ sức để tự nấu nướng, cho nên cô bèn gọi điện tới cái quán ăn gần đấy bảo đưa sushi đến.
Mayumi cởi áo quần, mở máy thu hình và nằm lên đi- văng. Khi cô ăn tối thì đêm đã xuống hẳn trên thành phố. Từ cửa sổ nhà cô ở tần tám có thể trông thấy những ngọn đèn nêông sáng chói nhấp nháy khắp thành phố như thường lệ. Đối với Mayumi cuộc sống thực sự bắt đầu khi những ngọn đèn này bắt đầu sáng lên, cho nên bóng hoàng hôn dường như tiếp cho cô những sức lực mới. Khi người ta ở tuổi hai mươi ba, chỉ cần nằm nghỉ nửa tiếng đồng hồ là bao nhiêu sự mệt mỏi đều tiêu tan.
Mayumi ngẫm nghĩ : "Đi đâu bây giờ nhỉ ?"
Cô đã ngồi xuống tấm gương trang điểm thì sực nhớ ra rằng hôm nay là ngày chủ nhật và những cửa hàng tử tế một chút đều đóng cửa. Hơn nữa đi chơi một mình chẳng có gì thú vị. Thường thường hễ biết rằng Yutarô không thể đến thăm mình vào ngày chủ nhật, Mayumi lập tức hẹn gặp một người nào đó trong các khách quen của quán cà-phê. Nói chung, những cuộc hẹn hò đó trước sau chỉ hạn chế trong một buổi đi dạo bằng xe hơi hay một chổ chơi ki, và sau đó là một bữa ăn tối ở nhà hành - Mayumi hầu như không bao giờ cho phép ai vượt qua những giới hạn của những mối quan hệ bạn bè. Khi đã trở thành người được Yutarô bao, cô càng giữ mình một cách nghiêm ngặt hơn, nhưng có lẽ không phải vì cô tha thiết với "papa", mà chỉ vì cô chưa thích ai thật sự.
Động cơ thúc đẩy Mayumi hẹn hò với những người đàn ông khác không phải là tình yêu : Chẳng qua cô thấy buồn chán khi phải ngồi một mình giữa bốn bức tường của căn nhà chật hẹp. Vào những ngày cô làm việc ở quán cà phê, thì khi xong việc có thể cùng một người nào đấy đi giải trí như vậy, về đến nhà bao giờ Mayumi cũng chuếnh choáng hơi men và đặt mình xuống là ngủ như chết.
Còn đến những ngày nghỉ thì Mayumi được mời mọc tới tấp, thành thử chưa có trường hợp nào Mayumi phải ngồi một mình vào ngày thứ bảy hay ngày chủ nhật. Khi nào quá nhiều người mời mọc, cô chọn người khách thường xuyên nhất và dễ ưa nhất của quán cà- phê, và do đó có thể nói là cô thực hiện được "nhất cử lưỡng tiện": Vừa qua thì được giờ một cách thú vị, vừa phục vụ được lợi ích của công việc làm ăn.
Nhưng hôm nay cô thấy rõ là mình sẽ mất đứt một buổi tối. Khi lên đường đi Hakônê, Mayumi chắc mẩm là sẽ về muộn hơn nhiều, và cũng hy vọng rằng Yutarô không về nhà ngay mà sẽ ngồi lại với cô ta cho đến mười giờ là ít.
"À, ra thế ! Lễ xem ra mắt của cô con gái... " - Mayumi nhìn vào gương, rồi vì đang lúc tức bực, thè lưỡi ra trêu cái cô con gái ở trong gương. Một quanh cảnh tuyệt vời đấy nhỉ - Cô bé Mikikô đóng vai một cô con gái nhà lành... bà Ritsukô loạn thần kinh... ông Yutarô với một bộ mặt đạo mạo hợp cảnh... một chàng thanh niên nghiêm trang đứng đắn đi cùng với hai vị thân sinh đáng kính... giờ này tất cả những con người đó đang ngồi bên bàn tiệc, trong phòng lễ tân của khách sạn.
"Còn tôi, chẳng lẽ chỉ là một con số không ?!"
Mayumi giơ hai tay vuốt thật mạnh mái tóc lên phía trên. Những món tóc uốn quăn được sắp xếp cẩn thận hai bên thái dương đều bung ra hết.
"Vừa đúng bằng tuổi nhau kia chứ... " - Mayumi chợt nảy ra cái ý muốn tìm cách chơi xỏ Yutarô. Một sáng kiến chợt hiện lên trong trí cô - "ta gọi điện cho Naôê đi !"
- Ý nghĩ này thật là liều lĩnh - nhưng nó chỉ có vẻ bất ngờ đối với một cách nhìn hời hợt : Thật ra nó đã ngấm ngầm chín muồi dần dần trong đầu cô từ lâu, mãi từ ngày Mayumi đến bệnh viện để khám cái chân đau, "Mà Naôê thì lại chưa có vợ !" - Cô nghĩ một cách tinh quái.
Mayumi quay số bệnh viện Oriental hỏi số điện riêng của Naôê. Cô y tá lập tức cho cô biết, thậm chí cũng không hỏi lại xem ai gọi điện khiến cô lấy làm lạ. Trong khi quay đĩa sô, Mayumi trong giây phút thấy sợ hãi về sự táo bạo của bản thân, nhưng khi nghĩ đến buổi tối buồn tẻ sắp tới, cô lại giữ nguyên ý định. Sau khi hồi chuông thứ ba, ống máy bên kia đường giây được nhấc lên.
- Tôi nghe đây, - một giọng trầm trầm điềm tĩnh nói.
- Naôê tiên sinh phải không ạ ?
- Vâng, tôi đây.
- Tôi là Uêgusa. Mayumi Uêgusa.
- Mayumi Uêgusa ?... Tôi không nhớ được...
- Tôi đã được gặp bác sĩ một lần. Hôm ấy tôi bị sái chân, bác sĩ nhớ chứ...
- Sái chân... - Naôê nhắc lại, giọng trầm ngâm. Làm sao có thể nhớ được hết những người chỉ ghé bệnh viện có một lần ?
- Hôm ấy tôi được bác sĩ trưởng đưa đến.
- À- à !
- Nhớ ra rồi chứ ? - Mayumi mừng rỡ.
- Bây giờ thì nhớ rồi.
- Xin lỗi vì phải làm phiền tiên sinh. Tiên sinh không bận chứ ?
- Có việc gì thế ?
- Tôi có việc muốn gặp tiên sinh. - Trước đây Mayumi chưa bao giờ chủ động gặp một người đàn ông, hoại chăng cũng chỉ khi nào cô đi đòi nợ cho quán cà- phê, cho nên bây giờ cô thấy tò mò muốn biết những gì sẽ diễn ra. - Tôi bị đau chân.
- Cô cứ đến bệnh viện.
- Không được. Ở bệnh viện có papa.. ôi, tức là ông bác sĩ trưởng ấy. Ở đấy không tiện. Có lẽ tốt hơn là ở một quán bar nào đấy ?
- Ở bar à ? ! - Naôê kinh ngạc.
- Hay là ở nhà bác sĩ. Dĩ nhiên nếu bác sĩ không thấy bất tiện...
- Bây giờ ấy à ?...
- Vâng, ngay bây giờ có được không ?
Naôê ngập ngừng.
- Bác sĩ đang có khách ạ ?
- Ờ-ờ vâng.
- Vậy thì mai.
- ...
- Mấy giờ bác sĩ về nhà ?
- Sáu giờ.
- Vậy thì sáu giờ nhé ?
Lại một quãng im lặng.
- Bác sĩ không phản đối chứ ?
- Không.
- Bác sĩ làm ơn giúp cho, tôi xin đa tạ.
Mayumi đặt ống máy xuống và thở lại cho đều. Vì xúc động mạnh, cô toát mồ hôi.
"Hú vía !" - Cô cười khe khẽ rồi lau mồ hôi trên trán. Vừa lúc ấy có tiếng chuông gõ cửa. Bấm hai lần Mayumi rón rén đi ra cửa và nhìn con mắt cửa. Người bấm chuông là Yutarô.
- Papa ? Có việc gì thế ?
Mayumi vội vàng mở cửa. Yutarô vẫn mặc bộ đồ màu xanh thẫm như cách đây hai giờ, nhưng trong bản thân "papa" đã diễn ra những sự chuyển biến rõ rệt. Ông có có vẻ hoàn toàn mất tự chủ.
- Sao ? Có việc gì xảy ra thế ? - Mayumi hoảng hốt hỏi lại.
Yutarô buông người rơi phịch xuống đi-văng, rút một điếu thuốc lá trong cái hộp để trên bàn, hai mắt nhìn không chớp vào một điểm.
- Con Mikikô không đến.
- Thế thì cô ấy đi đâu ?
- Chả biết.
- Thế thì buổi lễ xem mắt đi đời à ?
Yutarô gật.
Mayumi phá lên cười không sao nhịn được nhưng nhìn vào gương mặt hầm hầm của Yutarô, cô nghẹn họng.
- Thế tiểu thư có biết hôm nay có buổi xem mắt không ?
- Dĩ nhiên là có.
- Thế thì cô ấy biến đi đằng nào... ?
- Suốt buổi sáng nó ngồi nhà, rồi sau bữa cơm trưa tự dưng nó sửa soạn đi Sibuya, bảo là đi mua sắm gì đấy. Bốn giờ, rồi năm giờ, mà vẫn chưa thấy nó về. Rốt cục đến giờ vẫn không thấy nó đâu.
- Có thể là cô ấy đi xi-nê hay xem hát gì đấy và quên khuấy đi chăng ?
- Nó không quên được đâu. Đã dặn đi dặn lại là phải về trước ba giờ.
- Lạ-ạ-ạ thật..,
- Hư hỏng đến thế là cùng !
Hai tay Yutarô run lên vì giận.
- Thế họ nhà trai nói thế nào ?
- Họ lễ phép xin lỗi rồi cáo lui. Nói chung là rất nhục.
- Đến khổ...
Tưởng tượng quang cảnh ông Yutarô đang nhẫn nhục xin lỗi bố mẹ của chú rể, Mayumi lại không nhịn được cười.
- Cô bé làm cho ông bà phát sốt rét lên nhỉ ?
- Em nói cái gì ? - Yutarô sôi máu lên.
- Không việc gì phải làm ra một bộ mắt khủng khiếp thế. Em đùa một chút thôi mà.
- Lúc nào nó cũng làm theo ý riêng, lúc nào cũng bày những trò vớ vẩn ! Thật là một con liều mạng.
Yutarô thẫn thờ dụi vào đĩa gạt tàn điếu thuốc lá mới hút một nửa. - Không biết nó đi đằng nào.
- Có lẽ chỉ vì cô ấy không thích, ngay từ đầu ấy.
- Không thích thì thôi, cứ nói thẳng ra. Nếu vậy sẽ không có ai ép uổng nó làm gì. Thế mà cứ phải vội vội vàng vàng rời Hakônê thật sớm ! Phải bỏ bữa tiệc về Tôkyô cho kịp giờ - điều đó tuyệt nhiên không làm cho Yutarô vui một chút nào.
- Chắc bà vợ của papa lại thúc ép cô ấy quá chứ gì.
- Dù sao chăng nữa thì một khi đã nhận lời đến là nhất định phải đến. Nếu không thích thì sau đó từ chối cũng được kia mà.
- Không đâu. Đã ngồi vào buổi lễ rồi thì không từ chối được đâu. Vả chăng, như em đấy thì chẳng có ai để mà từ chối người ta cả. Em thì chẳng có ai tổ chức lễ xem mắt cho cả...
Yutarô tức giận làm thinh.
- Nhưng tại sao papa lại đến đây ?
- Bây giờ mà về nhà thì chỉ tổ phát khùng thêm.
- Ô-ô, như thế tức là trong cơn phẫn nộ...
- Và nhân thể xem thử hạnh kiểm của em ra sao.
- Thì papa thấy đấy : Em vẫn trung thành với papa - Mayumi thẹn thùng cụp đôi hàng mi xuống khi nhớ lại cuộc nói chuyện điện thoại với Naôê.
- Các cô bây giờ không thể tin được !
- Vâng, không được như con gái papa đâu...
Mayumi đứng dậy đi vào bếp đặt ấm trà. Cô thấy hả hê vô cùng. "Thật đáng đời cho ông ta !" - cô khoái trá nghĩ bụng, rồi bỗng dưng thấy muốn trên tức thêm Yutarô.
- Thế nhỡ cô ấy bỏ nhà trốn đi hẳn thì sao ?
- Không mang đồ đạc đi ấy à ? Không đâu.
- Thế nhỡ cô ta làm điều gì dại dột thiệt cả đời người thì sao ?
Yutarô trừng mắt nhìn Mayumi.
- Đừng có nói gở.
- Không bao giờ có thể nói trước một người đàn bà sẽ hành động như thế nào, - Mayumi tuyên bố một câu thâm thúy.
- Em cố ý nói cho anh sợ đấy à ?
- Papa xúc động lắm à ?
- Kiểu đùa ấy rất dở.
Yutarô muốn nổi giận, nhưng mũi tên đã bắn trúng đích. Ông rời đi-văng vùng dậy và đến máy điện thoại.
- Allô. Tôi đây. Mikikô về chưa ?
Cố lắng nghe những câu trả lời từ ống máy đưa ra, Mayumi rụt cổ ngồi yên.
- Sao ?... Vẫn chưa về à ?
Cái giọng đã khản của Yutaro chứa chất phẫn nộ.
- Con cái tệ quá chừng ! Còn bà.. lỗi tại bà hết: bà không biết dạy nó cho ra hồn ! - Bây giờ con giận của ông chuyển sang bà vợ. - Phải phải. Lẽ dĩ... - đột nhiên ông nói nhỏ hẳn đi : - À, ở đây... nhà một người bạn. Được... tôi về ngay đây.
Rõ ràng là Yutarô đã thuần phục : Chắc hẳn bà Ritsukô vừa chất vấn ông, xem thử ông đi đâu mất mặt.
- Thì tôi hiểu rồi, hiểu rồi, - ông nhắc lại hai lần rồi bỏ ống máy xuống.
- Cô ấy vẫn chưa về à ? - Mayumi hỏi, ra vẻ đồng cảm.
- Chưa. Đã gọi điện hỏi khắp các bạn gái của nó. Chẳng ai biết nó ở đâu.
- Không thể hiểu được.
- Cả những người bà con cũng không thấy nó ghé...
- Vâng... cớ sự thật gay. Mong sao đừng có chuyện gì đáng tiếc.
Mayumi thở dài rồi bắt đầu rót trà.
- Dù sao, hễ nó về là tôi sẽ nói chuyện với nó ngay.
- Cô ấy sẽ trở về chứ còn đi đâu được. - Bây giờ Mayumi rốt cục cũng thấy thương cái ông Yutarô đang cuống cuồng hoảng hốt, - Papa còn ngồi chơi chứ? - Cô hỏi đùa, như thể không nghe thấy câu chuyện của ông vừa trao đổi với bà vợ.
- Anh sẽ ngồi nghỉ một chút thôi. Có whisky không ?
- Whisky Mỹ thì uống hết rồi. Thôi cũng chẳng sao cái này cũng được. - Mayumi lấy một chai whisky Nhật. - Có pha nước không ?
- Không. Bỏ nước đá thì hơn.
- Có mạnh quá không ?
- Rót đi.
- Xúc động bứt rứt như thế kia chẳng giống papa chút nào.
- Anh có xúc động gì đâu.
- Thì papa thử nhìn mình mà xem. Cứ như lên kinh phong ấy.
Yutarô nốc một hơi cạn cốc whisky.
- Có lẽ cô ấy có bạn trai chăng ?
- Nó chẳng có ai đâu.
- Sao papa biết ?
- Vợ anh nói.
- Một người mẹ cũng có thể không đoán ra được đâu. Mẹ em chẳng hạn không thể biết gì về em hết.
- Nhưng thỉnh thoảng bà ấy vẫn lên đây thăm em mà.
- Có lên. Mayumi cười - Và bao giờ cũng thấy em một mình. Mẹ em có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng được em với papa đang ngồi ở đây...
- Thì tại vì mỗi người ở một nơi.
- Papa muốn cho hai mẹ con em ở chung à ?
- Nói gì thì phải nghĩ chứ !
- À phải... chứ không, papa mà trông thấy bố mẹ em thì papa té nhào !
- Sao lại thế ?
- Papa cao huyết áp mà...
- Hừm... hình như mẹ em ở Chichikawa ?
- Vâng.
- Bà cụ làm gì ?
- Nói chung là không làm gì cả.
- Nhưng bà ấy thỉnh thoảng gởi tiền cho em đấy thôi.
- Vâ-â-âng... cũng thỉnh thoảng...
Mayumi liếc trộm Yutarô và cố nén một tiếng cười.
- Cái gì thế ?
- À thế thôi. Không có gì đâu.
Yutarô cứ rót whisky liên tục. Thường thường ngay sau ly thứ nhất mặt ông đỏ gay, nhưng hôm nay ông ta uống mãi mà chẳng thấy say chút nào.
- Papa này, hay cô ấy thích người khác ?
- Nếu vậy thì nó đã nói với mẹ nó rồi.
- Biết đâu đấy...
- Ê !
Mayumi quay lại, mặt cô vừa sát với gương mặt tròn của Yutarô.

o0o

Tối hôm ấy ở nhà Naôê cũng có khách. Nói một cách chính xác hơn, đó là một cô khách. Mikikô, con gái bác sĩ trưởng. Cô đang ngồi trong phòng khách, gần sát chiếc lò Kôtatsu.
- Bây giờ em định sao ? - Naôê liếc mắt nhìn Mikikô : Cô bé ngồi khom khom, hai tay chắp lên hai đầu gối. - Chắc người nhà đang lo lắm, người ta đang đi tìm em đấy.
Mikikô khẽ gật đầu. Trong cái tư thế nghiêng nghiêng của mái đầu cô có một cái gì hoài toàn thơ dại.
- Dù sao em đã đạt được mục đích rồi : em đã phá hỏng buổi lễ xem mắt. Bố mẹ em bây giờ đã hiểu hết. Thành thử em phải về nhà thôi.
- Về đến nhà thì mọi thứ lại bắt đầu lại từ đầu.
- Nhưng về nguyên tắc em có phản đối việc đi lấy chồng đâu ?
- Không.
- Thế chàng rể kia là ai ?
- Một bác sĩ. Anh ta hai mươi tám tuổi. Tốt nghiệp khoa y trường đại học K.
- Được quá! Bố em cũng là bác sĩ, em mà lấy bác sĩ thì thuận tiện về mọi phương diện.
- Nhưng em không muốn.
- Thế à ?
- Họ muốn gả em cho một bác sĩ là cốt giữ cái bệnh viện.
- Một ý muốn hoàn toàn có lý đối với một bác sĩ tư.
- Nhưng em không muốn trở thành nạn nhân của ý thích của bố mẹ
- Tôi không hiểu tại sao lại là nạn nhân.
- Đối với bố mẹ em, cái quan trọng không phải là em, mà là bệnh viện. Ngay trong lễ xem mắt, bố mẹ em chỉ mời cho kỳ được những ông bác sĩ hoặc những sinh viên y khoa. Mà mấy chàng rể này cũng chỉ nghĩ đến một chuyện : "Nếu về làm rể nhà ông bà thì tôi có được thừa hưởng cái bệnh viện không ? Ai sẽ trả tiền học nghiên cứu sinh trong thời gian chưa có học vị?" Toàn như thế cả. Nghe ra thì chẳng có một người nào tử tế.
- Không thể vơ đũa cả nắm như vậy.
- Em không muốn làm một thứ đồ phụ tùng cho cái bệnh viện.
- Sao cứ phức tạp hóa mọi sự như vậy ? Bố em không muốn giao phó cơ nghiệp của mình vào tay người lạ : Cái đó cũng đúng lẽ tự nhiên. Xây một cái bệnh viện mới như vậy bây giờ cũng phải hai trăm triệu yên. Nhưng bán đi thì may lắm cũng chỉ được một nửa giá tiền. Vì tòa nhà của bệnh viện không thể dùng làm một cái gì khác được. Thiết bị và y cụ cũng vậy. Lẽ tự nhiên cha em không thể nào chịu nổi cái ý nghĩ là cái bệnh viện này, đứa con của ông, mà ông đã bấy lâu nuôi dưỡng và chăm sóc, lại chịu một số phận như vậy.
- Thế còn em ? Em sẽ ra sao ?
- Có thể coi cái bệnh viện này như là "của hồi môn" của em, nhưng dù có thế chăng nữa thì không có nghĩa là chỉ có những kẻ muốn đào mỏ mới đến dự lễ xem mắt. Chắc chắn là sẽ có những thanh niên tốt, có tài, xứng đáng, nhưng xuất thân từ một gia đình nghèo, không có tiền để học nghiên cứu sinh, nhưng sau này sẽ thực sự yêu em.
- Đã bao nhiêu buổi lễ xem mắt rồi, mà chưa có một lần nào thấy một cái gì tương tự thế...
- Biết đâu chính hôm nay... Chẳng lẽ bố mẹ em lại muốn làm hại đời em.
Mikikô im lặng nhìn cái lò kôtatsu không chớp mắt. Rõ ràng là những lời lẽ của Naôê không thuyết phục được cô.
Naôê uống cạn ly sakê và lại rót đầy gần một nữa ly.
- Dĩ nhiên tôi mà giảng luân lý cho em thì thật là buồn cười, nhưng... Em đến đây đột ngột quá. Tôi không biết cách nào khác.
- Em xin lỗi. Chắc em làm phiền bác sĩ lắm...
- Làm phiền thì không làm phiền, nhưng cũng xin thú thật là em đã làm cho tôi ngạc nhiên.
- Anh tha lỗi cho em.
- Em làm như vậy không phải một chút nào.
Hai người ngồi im lặng, và lập tức từ ngoài phố đưa vào tiếng rì rầm khe khẽ của thành phố ban đêm, dồn lên từng đợt như tiếng sóng vỗ bờ.
- Cà- phê nữa nhé ?
- Thôi ạ, cảm ơn.
Mikikô ngước mắt lên nhìn trôm Naôê rồi lập tức chuyển hướng mắt sang cái giá sách.
- Em thích một người nào đấy phải không ?
Mikikô giật mình như bị đánh và ngẩng phắt đầu lên. Khuôn mặt hẹp, gần như trẻ con của cô đỏ ửng lên.
- Nếu thế thì phải nói thật với bố mẹ. Làm ra vẻ như thể mình không có ai, rồi bằng lòng để cho gia đình tổ chức lễ xem mắt - làm như vậy là không trung thực đối với người ấy.
- Em...
- Quả tình theo tôi thì sống với ai cũng không có gì khác lắm, nhưng nếu đã chịu gánh lấy một mối ràng buộc như hôn nhân, thì tốt hơn cả là nên lấy người mình yêu.
- Sao lại... ràng buộc ?
- Hôn nhân là khi một người đàn ông và một người đàn bà buộc phải sống chung rất là lâu, đúng không ?
Mikikô mở to hai mắt nhìn chăm chăm vào mặt Naôê như thể chỉ sợ bỏ sót mất một chi tiết nào trong lời lẽ của ông.
- Mặc dầu... Tôi không đủ tư cách để bàn về hôn nhân.
- Tại sao anh không lấy vợ ?
- Hôn nhân không phải là sở thích của tôi.
- Câu ấy nên hiểu như thế nào ?
- Cũng có người thích cơm, nhưng cũng có người thích rượu. Tất cả chỉ là vấn đề sở thích.
Naôê nốc cạn chén rượu. Cái cuống họng sắc cạnh trồi lên phía trên, rồi hạ xuống.
- Thế mà hôm trước em mong anh đến quá...
- Bao giờ ?
- Hôm diễn ba- lê.
- À- à... Hôm ấy không ngờ tôi có khách.
- Một người đàn bà ư ?
Naôê không đáp.
- Khi em gọi điện, có một người đàn bà nào đó cầm ống máy lên. - Mikikô luống cuống đỏ mặt - Ôi, em xin lỗi.
- Không sao
Naôê đứng dậy, xốc lại cổ áo kimônô rồi ngồi xuống cạnh Mikikô.
- Em hãy nhìn tôi.
- Làm gì ? - Mikiko hoàn toàn rối trí.
Naôê khẽ ôm lấy vai nàng. Rồi, không để cho nàng ngoảnh đi, áp chặt môi mình vào đôi môi thanh tú của Mikikô. Hơi thở của Naôê phảng phất mùa sakê. Mikikô nhắm nghiền mắt lại. Mi nàng khẽ rung lên, và dưới cái hôn, hai má nàng lõm hẵn xuống như bị uống đến tận đáy. Naôê hôn nàng và đợi cho đến khi nào nàng thôi kháng cự. Cuối cùng thân hình Mikikô trở nên dịu mềm và nhu thuận. Lúc bấy giờ, môi vẫn không rời môi nàng, Naôê bế nàng lên và khẽ khàng đặt nàng lên chiếc giường kê ở cuối phòng...


Chương 11

Ngày hôm sau vào lúc sáu giờ rưỡi chiều Mayumi đi đến nhà Naôê. Từ Êbisu đến đấy đi chỉ mất chừng mười lăm phút, nhưng để phòng xa Mayumi quyết định đi sớm hơn một chút.
Lúc ấy là giờ cao điểm, đường sá đều đông nghịt, nhưng Mayumi lên xe buýt đi đến Idêđziri tương đối nhanh. Từ chỗ dừng xe buýt, cô đi qua hai khu phố - đến một cửa hàng hoa quả mua mấy quả táo và một chai rượu vang, - rồi rẽ quanh một góc phố và dừng lại trước một tòa nhà lớn sơn trắng. Lòng cô bỗng tràn ngập một nỗi lo lắng mơ hồ : "Thế là mình đã đến nhà anh ấy. Tự mình... Ôi, ở đời loanh quanh mãi rồi cuối cùng cũng chỉ đi đến đó..." Trong những ngóc ngách sâu kín nhất của tâm hồn, Mayumi đã biết từ lâu rằng chóng hay chầy rồi mọi sự cũng kết thúc như vậy.
Tòa nhà tám tầng vươn cao lên trên những cửa hiệu chen chúc nhau trong phố hẹp, như thể nhìn xuống cái đám lụp xụp ấy một cách trịnh thượng. Mayumi có một cảm giác gần như thể chất là sức nặng của nó đang đè lên mình. "Có lẽ thôi chăng ?..." - Cô do dự. Ở bên kia tấm cửa kính, trong gian phòng mắc áo rộng mênh mông tường sơn màu da cam có treo một dãy thùng thư. Mayumi tần ngần không dám vào.
Một người đàn ông đứng tuổi đến bên thềm, ngạc nhiên liếc nhìn người con gái đang đứng phân vân, thế là Mayumi không kìm được nữa, vội vàng đẩy mạnh cánh cửa. Người đàn ông vào theo, vượt qua Mayumi đi sang trái, về phía dãy buồng thang máy. Căn nhà của Naôê ở tầng năm. Cả hai cầu thang máy đều đang bận, như thể trêu ngươi. Mayumi vừa sốt ruột nhìn theo ngọn đèn gọi thang máy đang lên lên xuống xuốn, vừa sửa lại cho ngay tấm khăn choàng dưới cổ áo. Tấm khăn choàng màu da cam sặc sỡ làm thành một nét bổ sung rất ăn ý với chiếc măng-tô màu sáng... Mayumi bồn chồn đứng không yên. Có hai người nửa đi vào cửa. Cuối cùng cửa thang máy mở ra, và Mayumi vội vàng bước vào thật nhanh như thể đang sợ ai đuổi theo.
Tầng năm vắng ngắt không thấy ai qua lại. Luôn luôn giật mình vì tiếng giày của chính mình, cô rẽ sang phải bước dọc hành lang, mắt ngước lên nhìn các số phòng. Căn hộ của Naôê là căn thứ ba kể từ cuối hành lang. Số 518
Trên cửa số có đính một tấm biển rất nhỏ. Mayumi nín thở bước rón rén đến trước cửa và lắng nghe một lúc. Im lặng lạ lùng, không có lấy một tiếng động, - như thể trong nhà không có ai. Có nên vào không ? Chỉ cần bấm vào nút chuông...
"Nhỡ papa biết được thì..." Tim Mayumi như thắt lại vì lo lắng, trước mắt cô hiện ra gương mặt giận dữ của Yutarô. Cô còn có cảm giác như nghe thấy cả cái giọng khàn khàn của ông ta.
"Nhưng thật ra ở đây có cái gì là xấu ? - Cô cố thử tự thuyết phục. - Ghé vào một chút trước khi đi làm việc thì đã là saọ Ở quán cà phê thì trước tám giờ dù sao cũng chẳng có việc gì làm. Còn đủ thì giờ chán. Từ đây đến khu Ghiđza đi chỉ mất nửa giờ. Mình chỉ nhờ ông ta khám cái chân một chút rồi đi thôi."
Thang máy lại dừng ở tần năm: đứng đây có thể nghe những tiếng chân bước, rồi tiếng chuông bấm ở một nơi nào đó bên kia hành lang.
Mayumi nhắm mắt bấm chuông.
Một hồi chuông có giai điệu vang lên. Mayumi nhanh nhẹn bước sang một bên để khỏi bị nhìn qua mắt cửa. Nhưng cánh cửa vẫn không thấy mở ra. "Có lẽ không có nhà?" - cô nghĩ bụng lòng tràn đầy hy vọg, rồi cố dạn dĩ lên, cô bấm chuông một lần nữa. Lần này thì cửa mở ngay. Cô sợ hãi rụt tay lại : trước mặt cô là Naôê đang đứng chắn ngang lối vào.
- Tối qua tôi có gọi điện cho bác sĩ...
- À, cô... - Naôê đứng sang một bên nhường lối cho khách vào. - Mời cô vào nhà đi.
Ông đưa tay lên vuốt mái tóc rồi bù, đóng cửa lại và vặn khóa.
- Đây, tôi vừa mua ở dọc đường đây... Mayumi vụng về đưa gói táo ra, nhưng Naôê thậm chí cũng không buồn nhìn lại, lẳng lặng đi vào buồng ngồi xuống trước mặt chiếc lò kôtatsu. Mayumi rụt rè vào theo.
Một cái cửa sổ lớn... Dọc mấy bức tường là những cái giá sách, một cái bàn viết. Một cái giường. Chắc hồi nãy ông ta đang ngủ : tấm chăn bị lật ra một cách cẩu thả. Mayumi thấy xấu hổ không sao chịu nổi, nhưng bây giờ không còn đường thoái lui nữa.
- Chỉ có sakê thôi, - Naôê phá tan sự im lặng.
- Thôi-thôi, cám ơn ạ. Tôi phải làm phiền bác sĩ chỉ vì.. bác sĩ... bàn chân thôi...
Mayumi có một thái độ kiểu cách thiếu tự nhiên. Trong một tình huống như thế này, có lẽ một cô gái bán bar dày dạn nhất cũng phải biến thành con nhà lành.
- Tôi phải đến tận nhà làm phiền bác sĩ thế này thật không phải. Nói chung, tôi cũng định đến bệnh viện...
Naôê gạt chồng tạp chí sang một bên.
- Được rồi, được rồi. Cô đến bệnh viện chữa chân từ bao giờ nhỉ? Cách đây hai tháng phải không ?
- Vâng, đầu tháng chín.
Mayumi nhìn cái cốc đặt trên lò kôtatsu. Trong cốc còn một chút sakê.
- Nào, cô cho xem đi.
- Ngay bây giờ à ? - Mayumi luống cuống.
- Chứ còn bao giờ nữa ?
Mayumi bàng hoàng đưa mắt nhìn quanh. "Ngốc hết sức ! Đến nhờ người ta khám tại nhà, rồi bây giờ lại xấu hổ ! Nhưng..."
- Cô nằm lên đi-văng đi. - Naôê cũng chẳng hề nhận thấy Mayumi rúm cả người lại vì xấu hổ. - Và cởi bít tất ra. Cả hai chiếc.
Mayumi suýt khóc oà lên.
- Bác sĩ...
- Tôi sẽ quay mặt đi. - Naôê đến giờ mới hiểu ông bỏ ra đứng ở cửa sổ nhìn xuống đường.
Mayumi hối hận một cách chua chát về sự dại dột của mình. Cứ cho là có việc thật đi, nhưng đến tận nhà một người đàn ông độc thân.. Lại còn cởi bít tất ra nữa...
"Thà mình gặp ông ta ở một quán cà phê nào đó còn khả thứ, - cô tự rủa thầm. - Vì nói thật ra thì cái chân có làm sao đâu. Quả tình cũng hơi đau một chút khi đi giày cao gót, mà không phải lúc nào cũng đau. Cái chân chỉ là một cái cớ, chẳng cần nói cũng rõ. Nhưng tại sao đúng hôm qua mình lại nảy ra cái ý ngớ ngẩn này ? À, phải... lễ xem mắt của Mikikô, con gái papa... Đằng nào chả thế... thật là ngu xuẩn ! Bây giờ ông ta sẽ nghĩ về mình như thế nào..."
Có lẽ Mayumi vẫn ước ao được qua một buổi tối với Naôê, nhưng miễn là đừng làm vào một tình huống ngu xuẩn như thế này.
- Xong chưa ? - Tiếng Naôê đưa Mayumi trở về cõi thực.
- Xong ngay ạ, một chút nữa thôi.... - Với mấy ngón tay đã tự dưng trở nên khó điều khiển, cô vén vạt áo dài lên.
- Xong rồi ạ
- Mắt cá có thấy nhức không ? - Naôê chạm vào chân, và Mayumi hoảng sợ co rúm lại. - Buông lỏng cơ ra. Ở đây có đau không ? - Naôê sờ nắn bàn chân hai mắt cá, chạm lên đầu gối. - Thế ở đây ?
- Có lẽ...
- Ở đây thì sao ?
- Kh-không... à, hay là có nhỉ? - Mayumi cũng không còn biết là có đau hay không nữa. - Hình như cũng hơi đau... - Cô lẩm bẩm một cách không lấy gì làm quả quyết. Thật khó phân biệt ! Khi nói là đau thì cảm thấy hình như đau thật, nhưng khi nói là không đau thì lại thấy không đau thật. Vả lại lúc này Mayumi cũng không còn quan tâm đến cái chân nữa. "Sao cho chóng xong đi", - cô thầm mong ước, mặt nóng bừng lên một cách khổ sở. Cô có cảm giác là nãy giờ đã có cả một thế kỷ trôi qua.
Cuối cùng Naôê đứng dậy, và Mayumi cũng nhảy xuống đi-văng như một con búp bê có lò xo. Naôê đi vào gian bến, và từ đấy có tiếng nước chảy róc rách trong lavabô : Chắc ông ta đang rửa tay. Mayumi chợt thấy khó chịu muốn chạy trốn.
Naôê quay trở lại và ngồi xuống chỗ cũ cạnh lò kôtatsu.
- Tôi có thể nói, - ông kết luận, - rằng không có lý do gì để lo lắng cả.
Chính Mayumi cũng biết rất rõ điều đó.
- Xương vẫn nguyên lành. Trước đây thì hơi bị bong gân, nhưng bây giờ thì gần như bình thường rồi.
Mayumi lắng nghe, vẻ chăm chú hết sức.
- Chỉ có một điều duy nhất : Vì giày cao gót làm cho mắt cá phải chịu một gánh nặng bổ sung, cho nên cô không nên đi loại giày này.
- Sao, tuyệt đối không đi nữa ạ ?
- Ít ra là trong một thời gian vài ba tháng.
- Cám ơn bác sĩ...
- Không có gì đáng sợ đâu, tự khắc sẽ khỏi. Dù sao thì đó cũng không phải là một cớ để đi tìm bác sĩ.
Mayumi đỏ bừng mặt.
- Nhưng xin bác sĩ đừng nói với papa nhé ?
- Papa nào nữa thế ? À.. ông bác sĩ trưởng...
- Bác sĩ ạ, gần đây ông ấy gặp nhiều chuyện buồn phiền.
- Thế à ? - Naôê nói, giọng dửng dưng.
- Bác sĩ không nhận thấy sao ?
- Không.
- Thế để tôi kể bác sĩ nghe nhé ? Ôi, thật khủng khiếp ! - Mayumi rất mong lay cho Naôê ra khỏi cái trạng trái dửng dưng. - Con gái ông ta đã trốn buổi lễ xem mắt !
- Thật à ? - Naôê nhìn không rời mắt làn khói màu xám lam đang bay lên từ điếu thuốc lá ; thậm chí ông ta cũng không nhìn sang Mayumi một lần nào, và điều đó làm cho cô tủi thân một cách xót xa.
- Hình như Mikikô phải lòng ai ấy.
Không trả lời, Naôê bỗng đứng dậy, vào bếp lấy một chai rượu lớn rót vào cốc.
- Cô uống nhé ?
- Nhưng tôi... - thời gian gần đây Mayumi hay cho phép mình uống một vài cốc với những người khách quen của tiệm cà phê, thành thử đến lúc đóng quán bar cô thường không đi vững nữa. "Chà, thôi ra sao thì ra !" - Cô nghĩ bụng.
- Phải cái là sakê chưa hâm. - Naôê toan đi lấy một cái ly sạch, nhưng Mayumi đã nhanh chân hơn.
- Để em lấy cho. - Cô đứng phắt dậy và chạy vào gian bếp. - Lấy mấy cái ly để trên kệ nhé ?
Phía trên cái bể con rửa chén đĩa có xếp những cái chén cà-phê và những cái ly uống rượu miệng úp xuống dưới, đã được rửa sạch bong; bên cạnh có đặt một tập khăn giấy in hoa. Sự ngăn nắp ở đây rõ ràng không phải do một bàn tay đàn ông.
- Ôi, sạch quá ! - Mayumi nhận xet một cách không khỏi có phần tinh quái trong khi cầm ly quay ra. - Ai dọp dẹp cho bác sĩ thế này ? Chắc phải là một giai nhân nào đấy ?...
Naôê lặng lẽ rót sakê cho cô - như thể không hề nghe thấy câu hỏi vừa rồi.
Mayumi nâng ly rượu đưa lên môi, trong lòng hơi bực bội. Cô đã quen uống whisky, nên thấy vị sakê hơi lợ lợ, nhưng uống cũng dễ chịu.
- Có lẽ bác sĩ nên cho phép cả em cũng được dọn dẹp ở đây nhé ? Thỉnh thoảng thôi...
- Thế rồi sao nữa ? - Naôê sốt ruột ngắt lời cô.
- Sao nữa ấy à ? À vâng... - Mayumi nhấp thêm một ngụm nữa. - Nhưng bác sĩ phải hứa đừng nói với ai cơ ! - Cô giơ ngón tay lên dọa.
- Được.
- Lễ xem mắt không thành, papa rối trí kinh khủng. Hôm qua papa ở chỗ em... - Mayumi ranh mãnh đưa mắt nhìn Naôê như muốn hỏi : "Anh thấy thế nào, sợ chưa ?" - Papa ở lại đến mười một giờ, chốc chốc lại gọi điện về nhà hỏi xem cô con gái rượu đã về chưa. Rốt cuộc đợi mãi không được đành ra về, như người mất hồn ấy. Còn em thì cứ đổ thêm dầu vào lửa : "Nhỡ cô ấy tự tử thì sao ?" Vâng... tội nghiệp papa quá...
Naôê nghe một cách lơ đãng.
- Rồi hôm nay bỗng lại gọi điện : "Nó về rồi ! Vừa về lúc sáng"! Cô bé thật quá quắt... Nhưng kìa sao bác sĩ cứ lặng thinh thế? Câu chuyện vô vị lắm sao ?
- Đâu có...
Mayumi chợt tò mò nhìn Naôê.
- Bác sĩ có quen Mikikô không ?
- Có quen.
- Bác sĩ thấy thế nào ? Có thích không ?
- Một cô gái rất tốt.
- Chỉ thế thôi à ? Hừm... - Mayumi suy nghĩ. Làm thế nào tác động vào con người này nhỉ?... - Bác sĩ có muốn không, em sẽ nói thêm điều này cho bác sĩ nghe nữa nhé ? - Cô mỉm cười một nụ cười bí ẩn. - Bác sĩ hãy nhìn em đi. Thật kỹ.
Naôê băn khoăn nhìn Mayumi. Một gương mặt thanh tú. Đôi mắt to sinh động, mũi hơi hếch, cái môi dưới mọng và hơi nhô ra một chút, nhưng điều đó tuyệt nhiên không là cho nó xấu đi : ngược lại còn tôn nó lên dưới mắt nhiều người đàn ông, - mà bản thân cô ta hình như cũng biết rõ như vậy...
- Em không làm cho bác sĩ nhớ đến người nào sao ?
Naôê ngơ ngác lắc đầu.
- Thôi được để em gà cho, - Mayumi cười khúc khích. - Người đó có quan hệ trực tiếp với bệnh viện của bác sĩ.
- Với bệnh viện Oriental ?
- Ừ - ly rưựu sakê làm cho Mayumi dạn dĩ lên một cách bất ngờ.
- Một cô y tá à ?
- Đoán sai rồi ! Mayumi cất tiếng cười lả lời. - Đây là một người đàn ông.
- Đàn ông à ?
- Vâng. - Đôi mắt cô tròn xoe, làm như thể che dấu một điều bí ẩn ghê gớm. - Và bác sĩ vẫn thỉnh thoảng gặp người ấy.
- Ông ta là bác sĩ à ?
- Không...
- Tôi không hiểu.
- Thôi được, em sẽ nói. Bác sĩ có biết kỹ thuật viên X-quang Sawađa không ?
- À-à, Takeô Sawađa...
- Thế thì em là em gái của người ấy.
Naôê nhìn Mayumi với một hứng thú mới. Quả nhiên hai người có giống nhau : cũng đôi mắt ấy... cái mũi hếch ấy...
- Bác sĩ ngạc nhiên à ?
- Nhưng họ của cô khác kia mà.
- Thì có sao ? Anh ấy vơi em cùng mẹ khác cha.
- Bác sĩ trưởng có biết việc này không ?
- Sao lại không, chính em đã xin papa lấy anh về làm việc ở bệnh viện.
- Ra thế đấy...
- Takêô hay kể chuyện anh cho em nghe.
- Mỗi người ở một nhà kia mà.
- Thì có sao ? Nói chuyện bằng điện thoại.
- Sawađa có đoán được những quan hệ của cô với bác sĩ trưởng không ?
- Chắc là không. Anh ấy chỉ biết rằng ông ta là một khách quen của quán cà phê. Thành thử anh đừng có nói hở ra đấy nhé ! - Mayumi đưa ngon tay trỏ đặt lên môi.
- Đồng ý.
- Anh ấy phục lăn anh. Anh ấy nói rằng tuy tính tình anh chẳng có gì dễ chịu lắm, nhưng anh vẫn là một con người lỗi lạc.
Naôê mân mê cái cốc trên tay.
- Anh ấy kể cho em nghe hết rồi ! Tuy anh đã ra khỏi trường đại học nhưng cho đến nay anh vẫn đang tiến hành một công trình nghiên cứu. Lại bỏ tiền túi của mình ra mà làm. Cừ thật đấy ! Anh lại làm thí nghiệm ngay trên thân thể mình...
- Cô lầm rồi. Đó không phải là một công trình nghiên cứu.
- Thôi đừng nhún mình nữa, em đã trông thấy mấy tấm phim X-quanh của anh rồi. Trong phòng làm việc của anh Takêô ây. Trông sợ thật ! Em cứ tưởng tượng anh đang đứng trong phòng tối xem xét mấy đốt xương của chính mình, thế là da em cứ nổi gai ốc lên.
- Tại sao ?
- Em cũng không biết nữa. Chỉ thấy nó có cái gì rùng rợn quá.
Naôê nhìn ra cửa sổ. Đêm đang xuống dần. Trên trời chỉ còn thấy những vệt dài đỏ thẫm. Mayumi mường tượng như thấy một bống tối lướt qua gương mặt Naôê.
- Bác sĩ ! Thế bác sĩ không bao giờ thấy sợ à ?
- Không. Quen rồi.
- Còn em thì sau khi nhìn thấy những tấm phim ấy, suốt đêm em không sao ngủ được. Những cơn ác mộng dày vò em. Em nằm mơ thấy mấy đốt xương của anh nhảy múa trong bóng tối, chạm vào nhau lộp cộp, nghe mà rợn cả người !... Rồi sau đó nó lại bắt đầu vỡ ra từng mảnh...
- Thôi ! Cô im ngay ! - Naôê quát.
- Xin lỗi... - Mayumi thảng thốt nháy mắt lia lịạ - Em không ngờ đã làm cho anh khó chịu đến thế... Em cũng không thích những chuyện như vậy.
Naôê ngồi thẳng dậy, như thể thấy khó thở
- Anh ạ, khi em xem những tấm phim ấy, em hình dung thấy anh. Anh, một bác sĩ cũng lạnh lùng, khô khan như thế"...
- Em phải đi làm, phải không ? - Naôê hỏi, chuyển sang gọi Mayumi là "em" một cách bất ngờ.
- Vâng, - Vì hơi men sakê, trong đầu Mayumi có tiếng ong ong nhè nhẹ. - Sao, em làm phiền anh lắm à ?
- Không, chẳng qua tôi muốn nằm một chút.
- Anh ốm à ?
- Không... - Naôê nói một cách khó nhọc. Mặt ông đột nhiên chợt nhạt hẳn đi, trán đổ mồ hôi.
- Anh làm sao thế?
Naôê loạng choạng buông mình xuống đi-văng.
- Anh đau ở đâu à ?
- Lưng... - Naôê thều thào.
- Để em xoa nhé ?- Mayumi sợ hãi đề nghị.
- Làm ơn -...đi đi - Naôê úp mặt vào gối và rên lên một tiếng.
Chỉ trong một nháy mắt cảm giác say của Mayumi đã tan biến hoàn toàn.
- Có lẽ em gọi bác sĩ nhé.
- Tôi là bác sĩ. - Đột nhiên Naôê ngồi phắt dậy : - Ở hộc bàn bên phải... hộp luộc kim... Đưa nhanh lên !... Ống tiêm...
- Ống tiêm ?
- Ừ, trong cái hộp sắt ấy ! Đưa cả lại đây !
Mayumi chạy ra bàn rút ngăn kéo. Cái hộp đây rồi. Mayumi mở nắp : Phía trong hộp có hai ống tiêm và khoảng một chục ống thuốc đựng một chất nước trong suốt.
- Nhanh lên ! - Naôê lại rên rỉ.
Mayumi hối hả đưa cái hộp cho ông ta.
- Đọc được tên thuốc rồi phải không ? - Naôê hỏi với một giọng hằn học mà Mayumi không sao hiểu được.
- Cái gì ạ ?
Naôê nhìn trừng vào mắt Mayumi, đến nỗi cô chỉ muốn chui xuống đất, tay Naôê lật đật bẻ đầu ống hút chất nước không màu vào ống tiêm. Những giọt mồ hôi lớn lấm tấm trên trán ông; bàn tay cấm ống tiêm run bắn lên.
- Đừng nhìn! - Ông ta ra lệnh vắn tắt.
Mayumi ngoảnh mặt đi.
Naôê lại rên lên một tiếng.
Qua đôi hàng mi, Mayumi trông thấy Naôê xắn tay áo kimônô. Cô ngạc nhiên khi thấy da ông trắng xanh, không giống như nước da thường thấy ở đàn ông.
Cắn chặt môi lại vì đau đớn, Naôê đâm mũi kim tiêm vào tay, chẳng buồn bôi cồn nữa. Mayumi chợt hiểu ra rằng cô đã tình cờ nhìn trộm một điều bí mật của người khác.
Naôê bỏ ống tiêm vào hộp. Cái ống thủy tinh lăn xuống đấ kêu lanh lảnh.
- Tôi bảo đi đi mà! - Cái nhìn thù địch của Naôê lại đâm xoáy vào Mayumi, và cô bất giác nhắm nghiền mắt lại.
Trog mấy phút liền ông vẫn rên khe khẽ - co thể thấy rõ rằng cơn đau không thể noà chịu nổi. Mauymi kinh hãi đứnh nhìn Naôê vật lộn với nó. Ông rên mỗi lúc một to hơn, đầu ông vật vã trên gối.
Cuối cùng tiếng rên im hẳn: Liều thuốc đã có tác dụng, và Naôê đã thiếp đi. Mặt ông ở trong vùng bóng tối, chỉ trông thấy vành tai bên phải trắng mờ mờ.
Mayumi đưa mắt nhìn quanh phòng như thể muốnh biết chắc rắng xung quanh không có ai, từ từ đúng dậy nhặt mấy ống thuốc rỗng, cẩn thận đậy nắp hộp lại và đem trả vào ngăn kéo bàn. Cô lắng tai nghe: Naôê đã ngủ yên. Lồng ngực ông lên lên xuống xuống đều đều.
Mayumi thở hắt ra. Cô có cảm giác như vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ khủng khiếp. Có ai ngờ... cái cảnh vừa qua đã diễn ra ngay trước mắt cô. Hai cái đó có liên quanh gì với nhau không? Chắc là không. Chẳng lẽ một câu chuyện phiếm của đàn bà lại có thể tác động một cách ghê gớm như vậy đến một người đàn ông?
Mayumi không hiểu gì hết, nhưng không rõ tại sao cái cảm giác kỳ lạ là mình có lỗi vẫn không rời tâm trí cô: Cô vẫn cứ nghĩ rằng mình đã nói với Naôê một điều cấm kỵ và đã làm cho ông ta đau đớn. "Mình đặt bày ra câu chuyện xương xẩu ấy thật hết sức vô duyên", - Mayumi ân hận tự nhủ.
Naôê ngủ rất say - tha tội cho em, - Mayumi âu yếm nói thì thầm trong khi đến cạnh ông. Cô lau mồ hôi trên trán, thận trọng vực hông nằm ngửa cho ngay ngắn, kéo lại tấm drap cho thẳng, đắp chăn cho ông rồi đi dọn bàn. Một ống thuốc rỗng lọt vào mắt cô. Mayumi nhặt nó lên xem nhưng không đọc được; trên ống thuốc có một hình tam giác nhỏ và một dòng chữ la tinh...
Cô dọn cốc tách xuống bếp, đổ cặn rượu đi và rửa mấy cái ly. Cô buồn rầu cười nhạt một mình. Vừa rồi cô có nói : "Có lẽ anh nên cho phép cả em cũng được dọn dẹp ở đây nhé?" thế là đúng y như rằng... cứ thể mình có tài tiên đoán vậy.
Không còn việc gì phải làm nữa: Mọi thứ đều sạch bong. Đến lúc phải đi rồi chăng? Mayumi nhìn đồng hồ. Bảy giờ năm. Hãy còn thì giờ. Cô đến cạnh Naôê đang ngủ và lại lắng nghe. Hơi thở đều đặn. Bóng của sống mũi hắt lên cái má nhợt nhạt.
Ở lại thì ngu xuẩn, mà bỏ đi không cáo từ thì vô lễ. Nhưng chẳng lẽ đánh thức ông ta dậy...
Mayumi quyết định đợi thêm hai mươi phút nữa. Cô châm thuốc lá hút. Bỗng nhiên chuông điện thoại vang lên rất gắt. Mayumi rút điếu thuốc lá đang ngậm ra vá quay vế phía Naôê. Ông ta ngủ say quá không nghe thấy gì. Chuông điện thoại vẫn réo. Mayumi đếm đến năm hồi chuông rồi chậm rãi đến cạnh máy. Ba hồi nữa... Mayumi giơ tay định cầm ống máy, nhưng vừa lúc ấy chuông ngừng reo.
Mayumi trở về cạnh lò kôtatsu, Naôê vẫn không nhúc nhích. Xa xa, từ phía dưới vẳng lên tiếng rì rầm của thành phố, nhưng trong phòng vẫn tĩnh mịch. Cô chợt có cảm giác rằng cái cảnh này đã kéo dài từ một thời xa xưa. Từ thuở nào cô vẫn là người hộ lý trông nom Naôê bên giường bệnh...
Chuông điện thoại lại réo lên, ngắt quãng dòng ý nghĩ của cô đang trôi êm ả. Cô lại đợi đến đợt chuông thứ tám rồi cầm máy lên.
- Tiên sinh! - Một giọng phụ nữ thì thào trong ống máy. Mayumi ép ống máy vào tai sát hơn nữa. - Mikikô đây. Hôm qua em đã quấy rầy anh... Bây giờ em ghé anh có được không?... Allô, tiên sinh... tiên sinh...
Mayumi nín thở và thậm chí còn lấy tay bịt ống máy lại nữa.
- Allô! Allô!... Sao thế?... cắt rồi à?...
Mayumi thận trọng đặt ống máy xuống.
Mikikô?... Mikikô... Hóa ra thế! Vậy thì vẫn đúng là Mikikô... "Hôm qua em đã quấy rầy anh... Em có thể ghé anh bây giờ được không?..." Mayumi vừa nhẩm lại mấy lời này vừa kinh ngạc nhìn Naôê. Bây giờ thì cô biết con gái papa tối qua ở đâu rồi! Cô bỗng thấy gương mặt đau thương của Naôê có một cái gí ghê tởm. "Chẳng lẽ ông ta dấu nó? Thật khó tin!..." Song ở đây không sợ lầm lẫn gì nữa.
Ngồi ghé vào cạnh đi-văng, mayumi cúi xuống nhìn kỹ vào những nét mặt của Naôê. "Trong con người này, chính quỷ sứ đang ngự trị", - Cô thầm nghĩ. Và vào lúc ấy mi mắt Naôê chớp chớp: trong đôi đồng tử tối đen, Mayumi thấy phản chiếu hình ảnh của mình. Hai mắt Naôê rỗng và đục.
- Thế nào ạ, có đỡ không? - Mayumi hỏị
Naôê với tay về phía cô, chạm lên vai, rồi bàn tay dừng lại trên gáy.
- Không nên, - Mayumi nói, nhưng không gạt bàn tay đi, mà lại úp lòng bàn tay của mình lên trên và xiết chặt lấy. Naôê, dường như chỉ đợi có thế, kéo mạnh Mayumi vào lòng. Môi họ gặp nhau.
- Papa mà biết thì sẽ giết em, - cô thì thầm.
- Đừng sợ.
- Thôi. Đừng anh. - Gỡ được cánh tay của Naôê ra, Mayumi nhìn ông. Ông nằm ngửa, nằm hơi hất ngược lên, mắt đờ đẫn, thân hình mềm nhũn. Hai cánh tay buông thõng hai bên đi-văng. Hình như Naôê hãy còn nửa mê nửa tỉnh.
- Anh ngủ đấy à? Anh! Bác sĩ! - Cô gọi một cách thận trọng.
Nhưng Naôê không nghe thấy. Ông nhắm đờ đôi mắt rồi từ từ quay mặt về phía Mayumi.
- Anh có nhận ra em không? - Mayumi lo sợ.
Naôê không đáp. Nhưng tay ông vươn về phía cô, mấy ngón tay sờ soạng tìm cái khóa trên chiếc áo dài.
- Để em, - Mayumi nhẹ nhàng bỏ bàn tay ông ra. - Đợi một tí.
- Chiếc áo dài lụa đã rơi xuống sàn. Naôê gật đầu hài lòng và mỉm cười - lúc đầu nụ cười chỉ hiện ra trên môi, rồi lần ra hai má, và tỏa rộng ra khắp mặt.
"Một nụ cười thật kỳ lạ,- Mayumi nghĩ thầm - Và nói chung hôm nay ông ta không giống như thường ngày..." Nhưng thường ngày ông ta ra sao? Mayumi mới trông thấy ông ta được có một lần ở bệnh viện... Dù sao hôm ấy cô thấy ông ta khác hẳn: lạnh lùng ngạo nghễ.
Mắt vẫn không rời Mayumi, Naôê nhổm dậy, ngồi trên đi-văng, hai khuỷu tay chống lên gối. Giọng nói ông nghe âm âm, lưỡi hơi líu lại. Mayumi cảm thấy như có một lớp chất gì nhơn nhớp vá lạnh toát ra từ từ chảy dọc sống lưng. Ông ta làm sao thế?! Cô lùi lại, nép vào tuờng. Naôê đứng dậy. Trên gương mặt ông thấp thoáng một nụ cười kỳ dị. "Như mắt dã thú", - Mayumi thầm nghĩ.
- Lại đây...
- Không!
Mayumi tuyệt vọng kêu lên, nhưng ông ta chồm tới dang hai cánh tay dài ôm chầm lấy cô.
-A! a-a! - Trong một khoảnh khắc Mayumi như tắt thở và miệng mở rộng nhưng không phát ra được một âm thanh nào.
- Không! Không! Không! - Hoàn hồn, Mayumi lại hét lớn và cố vùng ra.
Nhung Naôê giữ chặt lấy cô một cách quyết liệt và hung hãn, rồi sau đó lại buông ra và lấy đà tát mạnh lên mặt cô mấy cái.
Mayumi không còn chút hồn vía nào nữa. "Phải chạy trốn ! Phải trốn cho nhanh khỏi chỗ này!" - Lý trí cô thúc giục, nhưng thân xác cô không tuân theo; có một cái gì giữ chặt cô lại. Cô vừa sợ hãi vừa khao khát những gì sẽ diễn ra.
Cuối cùng Mayumi chịu khuất phục. Thôi ra sao thì ra. Với một sức mạnh không ai ngờ có thể có được ở cái thân hính gày gò của ông, Naôê giật hết quần áo trên người Mayumi. Và vòng tay đang siết chặt cô buông lỏng ra.
Mayumi đứng lặng yên bên bức tường trắng, cả thân hình cô tỏa ra mùi hương của tuổi trẻ và của sức sống.
Một thân hình thanh tú, như đã được bàn tay của một nhà điêu khắc bậc thầy trau chuốt: Những đường nét đẹp lạ lùng của đôi vai và đôi cánh tay; một tấm lưng thon thả chuyển một cách hài hòa xuống đôi đùi rắn chắc - Mayumi đứng nguyên như một bức tượng thần dưới ánh đèn màu xanh nhạt.
Naôê nhìn cô chằm chằm. Hơi thở của ông dồn dập từng quãng, trên gương mặt ông lấm tấm những giọt mồ hôi.
Mayumi bây giò chỉ còn biết chờ những gì đang tiếp tục diễn ra. Cô không còn nghĩ đến Yutarô nữa, thậm chí còn có một cảm giác thích thú kỳ lạ khi thấy rằng việc này có thể làm cho lão ta tức tối.
Mayumi tự mình lại gần Naôê. Cô đặt hai tay lên vai ông. Naôê im lặng, mắt vẫn không rời Mayumi.
- Kìa, anh... - Mayumi nhắm mắt. Cô hít thở mùi thuốc lá, cảm nhận sự tiếp xúc với một thân thể cường tráng. Hai tay Naôê vuốt ve cô chầm chậm. Cô khẽ thở dài, vươn cong mình áp sát vào Naôê.
"Mình hành động xấu xa quá". - Ý nghĩ ấy thoáng hiện lên trong tâm trí Mayumi, nhưng cô lập tức quên nó đi. Thôi cũng mặc! Mặc cho mọi người - Yutarô, mẹ cô, anh cô, - mặc cho mọi người biết rõ họ yêu nhau như thế nào.
- Anh ôm em đi, - cô thầm thì, - thật chặt!
Nhưng Naôê không nghe. Cái nụ cười khó hiểu lại hiện lên trên môi ông, ngưng đọng lại trên đôi mắt vô hồn như làm bằng thủy tinh.
Mayumi lại thấy sợ.
- Anh sao thế? - Cô lùi lại, hỏị
Naôê bỏ hai tay ra và quay đi.
- Để tôi đi... pha ít cà-phê...
- Cà-phê ư?
- Ừ... Tôi sẽ đun nước... pha cà-phê. - Naôê hình như phải khó khăn lắm mới điều khiển được cái lưỡi. - Ta sẽ uống cà phê.
- Chẳng lẽ cứ để thế này...? Anh điên rồi sao?
Naôê dẫn Mayumi đến cạnh bếp.
- Nào. Em bắc nước lên.
- Đợi một chút, ít ra cũng để em mặc áo quần đã.
- Không!
- Sao kỳ vậy!
- Em phải làm theo ý anh.
Tia lửa man dại lại ánh lên trong mắt Naôê.
Mayumi giận dữ lấy bao diêm đến cạnh bếp.
Cô châm lửa vào ga: Một cái vòng đỏ bùng lên.
- Chén.. trên kệ...
Mayumi bỗng cảm thấy căm giận đến cực độ.
- Sao, với cô nào ông cũng như thế này à?... Cả với Mikikô cũng vậy à?
Có một cái gì bùng cháy lên rối lập tức tắt đi trong đôi mắt trống rỗng của Naôê.
- Hôm qua chính cô ta đã ở đây ! Đừng chối ! - Mayumi chợt nhớ ra rằng mình đang trần truồng - tôi thấy đủ lắm rồi. Tôi đi đây ! Giá tôi biết ông là con người như thế nào...
- Đừng đi.. - Naôê đi theo van nài.
Không thèm để ý đến ông, Mayumi mặc áo vào.
Bỗng Naôê quỳ sụp xuống ôm lấy hai chân cô.
- Anh van em.
"Điên loạn gì đâu ấy!" - Mayumi nghĩ.
- Bác sĩ ! Bác sĩ có còn tỉnh không đấy? Hai là cái thuốc ấy đã làm cho bác sĩ thành ra như vậy ? - Cô đẩy Naôê ra.
- Ở lại với anh... thêm... chút nữa...
Nhìn xuống Naôê đang gục đầu vào chân mình, Mayumi đã hiểu ra: Cô đã phát hiện ra bộ mặt bí ẩn của con người khó hiểu này.

Chương 12

Đã đến tháng mười hai.
Cũng như thường lệ vào tiết cuối năm, trong các bệnh viện số bệnh nhân ngót hẳn đi. Ai nấy đều bận bịu với những công chuyện sửa sọan ăn tết, chẳng mấy ai còn nghĩ đến bệnh tật. Vào thời gian này ít có người đi tìm bác sĩ.
Ở bệnh viện Oriental cũng đã vào thời kỳ vắng khách. Quả tình các bệnh nhân ngọai trú vẫn còn đến, nhưng các phòng bệnh nhân đều vắng tanh - mặc dầu hãy còn hai tuần nữa mới đến tết.
Các bệnh nhân nằm ở các phòng thượng hạng sang trọng cũng đã xuất viện. Cả cái tầng sáu này chỉ còn lại một mình Đzyunkô Hanađzyô.
Bây giờ, sau cuộc phẫu thuật, cô cứ mỗi ngày hai lần thực hiện đúng thủ tục ngồi vào chậu nước ấm. Một thủ tục dễ chịu làm cho bệnh nhân đỡ đau hẳn, tuy cái cảnh tượng này dĩ nhiên không hẳn là một mỹ quan. Dù sao trong thời gian nằm bệnh viện, Đzyunkô cũng đã quen được nhiều thứ.
Ngoài Đzyunkô ra, bệnh nhân đã đem lại cho Naôê nhiều nỗi lo âu là Yôsiđzô Isikura. Vào những ngày gần đây ông già lại bắt đầu kêu đau và thấy nặng trong dạ dày.
- Bác sĩ ạ, tôi không sao ăn được, - ông cụ nói như muốn khóc. Nước da cụ xanh xao, hai má hóp hẳn lại. - Mà hôm qua lại sốt nữa. Bị cảm lạnh hay sao ấy?
- Ban đêm ở đây tắt lò sưởi điện, cụ nên mặc ấm hơn, - Naôê đáp trong khi xem xét tờ ghi nhiệt độ.
Suốt tuần vừa qua, nhiệt độ của cụ Isikura hằng ngày lên đến 38ºC, đôi khi còn cao hơn. Các thứ thuốc giảm nhiệt hầu như không có tác dụng, chỉ được ít lâu cái cột thủy ngân lại bắt đầu trườn lên phía trên một cách nhẫn tâm. Đó là một dấu hiệu chắc chắn của sự cáo chung đã đến gần. Giai đọan cuối cùng của cơn bệnh. Mọi biện phái điều trị đều hoàn toàn vô ích...
- Có lẽ mới xuất hiện một chỗ loét khác ? - Cụ Isikura thở dài.
- Chắc không phải, - Naôê nói, giọng không vui.
- Thế đến tết bác sĩ cho tôi ra viện chứ ?
Naôê trao tờ ghi nhiệt độ cho Nôrikô và quay ra cửa sổ, phía mặt trời mùa đông đang tỏa một ánh sáng trắng trong làn sương sớm.
- Lão muốn ăn tết ở nhà, - ông già nói tiếp, giọng run run, và lòng Nôrikô se lại một cách đau đớn.
- Lưng có đau không ?
- Cám ơn bác sĩ, cũng đỡ rồi. Chỉ có điều là tôi không còn chút sức nào nữa bác sĩ ạ..... Bệnh họan đã làm cho tôi kiệt lực rồi.
- Cụ đừng xúc động, có hại đấy. Cụ cứ nằm nghỉ đi.
- Bây giờ trong đầu tôi nó cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh. - Cụ Isikura đưa mắt liếc sang cô con dâu. - Chắc tôi sống chẳng còn bao lâu nữa...
- Cụ nên nghĩ đến chuyện đi câu đi.
- Chà ! - Ông già mừng rỡ chộp lấy cái đề tài ưa thích ấy. - Đã hơn một năm nay tôi không được đi câu ! Đến khi nào khỏi, tôi sẽ đi câu hằng ngày. Tôi sẽ bù lại thời gian đã mất.
- Phải đấy, cụ cố lên cho chóng khỏi ... - Naôê cáo từ và ra khỏi phòng. Cụ Isikura lặng lẽ nhìn theo.
Ngay hôm ấy Naôê mời hai vợ chồng anh con cả của cụ Isikura đến gặp.
Khi họ bước vào, ông nói với họ bằng cái giọng bình thản nhất:
- Cụ thân sinh của ông chỉ còn sống được không đầy một tháng nữa. Lâu nhất là đến giữa tháng giêng.
- Sao ?! Chỉ có thế thôi ạ ?...
- Trước đây tôi tưởng cụ sẽ kéo thêm được ít lâu, nhưng hôm nay tôi hiểu ra rằng mình nhầm. Cụ yếu quá. Hết cách rồi.
Hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau.
- Bác sĩ biết chắc như vậy à ?
- Phải. Xin hỏi cụ nhà có nói gì với ông bà về cuộc phẫu thuật hôm trước không?
- Có. Ông cụ tôi lấy làm lạ sao không thấy đỡ, - Isikura - con gật đầu.
- Cụ không đoán ra được điều gì à?
- Ấy, hôm kia cụ tôi bỗng thốt ra: hay đây là bệnh ung thư?
- Tôi hy vọng là ông bà không nói gì với cụ chứ?
- Không-không, đời nào ! Chúng tôi đã trả lời đúng lời bác sĩ dạy.
- Thế thì tốt. Dù có thế nào cũng tuyệt nhiên không được nói sự thật với cụ. Loét dạ dày, trước sau cũng chỉ có loét dạ dày mà thôi. Ông bà hiểu chưa? Nếu chính cụ bắt đầu nói đến ung thư thì ông bà phải cười xòa và nói lảng sang chuyện khác.
- Nhưng hình như cụ đã đoán được rằng bệnh mình không còn cứu chữa được nữa.
"Con trai giống bố quá, - Naôê chợt nhận thấy thế, - Nhất là đôi mắt và cái mũi..."
- Không sao, cụ muốn nghĩ gì thì cứ để mặc cụ. Còn ông bà, - giọng Naôê cương quyết, - phải làm đúng như tôi nói. Đối với ông đó là cách duy nhất để làm tròn đạo hiếu. - Nói đọan Naôê đứng dậy, cho khách hiểu rằng cuộc nói chuyện đã kết thúc.
Kôbasi đang ở trong một tâm trạng u tối. Và nguyên nhân của tâm trạng đó là Đziêrô Tôda, đã ra viện vào cuối tháng mười một.
Hắn ra đi hoàn toàn khỏe mạnh. Cái sẹo trên trán không còn mưng mủ nữa, cảm giác đau và chóng mặt cũng không còn. Quả tình cũng có những chỗ sẹo lồi, cần có phẫu thuật thẩm mỹ mới hết được. Nhưng Kôbasi thấy không cần vội. Rất có thể nó sẽ tự nó lặn đi. Khi Tôđa ra viện, Kôbasi đã cho hắn một hộp thuốc mỡ khá đắt tiền, dặn phải thường xuyên bôi lên những chỗ sẹo, và cứ hai ngày một lần, đến bệnh viện để xem lại.
Nhưng đã gần qua một tuần rồi mà Tôđa chẳng thấy đâu. Kôbasi đâm lo, anh lấy thùng phích tìm số điện thọai của Tôđa rồi bắt đầu quay đĩa số. Môt giọng đàn ông lạ hoắc trả lời rằng đã hơn nửa năm nay Tôđa không ở chổ đó nữa.
"Thế thì hắn biến đi đằng nào, cái thằng chết tiệt ấy ?..."
Có lần Kôbasi bực bội nói với Akikô:
- Ảnh phim chụp não của hắn có những dấu hiệu không tốt. Tôi đã bảo hắn là nhất định phải đến khám lại.
Akikô cau mặt.
- Em không ưa hắn ngay từ đầu. Một gã bợm rượu ăn không ngồi rồi. Đến một chỗ ở thường xuyên hắn cũng không có thì cũng chă"ng có gì là lạ.
- Thì cách đâu nửa năm hắn có ở chỗ đó thật, thành thử dù sao hắn cũng chẳng nói dối gì nhiều, - Kôbasi làu bàu.
Cứ hễ Akikô chê bai Tôđa thì y như rằng Kôbasi lập tức bênh vực hắn ta.
- Nhưng mà hắn là một thằng nói dối bẩm sinh. Cứ nghe hắn nói thì tưởng hắn khổ sở lắm ! Hắn biết làm cho người ta mủi lòng. Em không tin lấy một chữ trong những chuyện hắn nói!
- Hắn không có lỗi. Chính cuộc đời làm cho người ta trở thành kẻ nói dối.
- Anh lại còn bênh hắn nữa à ? ! - Akikô nổi khùng - Chính hắn đã lừa anh kia mà!
- Sao lại lừa ? Chẳng qua hắn có vay một ít tiền.
- Đấy-đấy. Chính vì thế mà hắn không thèm ló mặt ra. Hắn không hề có ý định trả lại số tiền mặt ấy!
- Không đâu, không thể như thế được.
- Có thể lắm chứ!
- Chẳng qua hắn không biết lấy đâu ra. Hiện giờ...
- Anh ngốc quá đi mất, - Akikô không chịu được nữa. - Sao, anh tin hắn thật à ?
- Dù sao thì tôi cũng không có cơ sở gì để nghĩ xấu về hắn đến mức như vậy.
- Phả-ả-ải... - Akikô bật cười chua chát. - Quả nhiên, làm gì co cơ sở nào ?
Kôbasi cúi đầu. Thật tình mà nói, bản thân anh cũng thấy ngờ vực. Nhưng dù sao chăng nữa thì phải nghe một cô y tá ăn nói với mình như vậy...
- Tôi là thầy thuốc, và tôi không thể để cho một con người đi đến chổ chết được.
- "Đi đến chỗ chết" ! Làm gì đến nỗi ?
- Thôi đủ rồi ! Còn tiền thì... dù hắn không trả, tôi cũng chẳng đến nỗi nào đâu.
- Ái chà ! Nhịn ăn nhịn tiêu để trả năm mươi ngàn yên cho một thằng vô lại ăn bám ? ...
- Tôi đưa tiền cho hắn là do tự nguyện, - Kôbasi nói, mỗi lúc một cáu kỉnh thêm.
- Việc bố thí không phải là một bổn phận. Một bác sĩ lại càng không có bổn phận làm cái việc ấy.
- Không, đó là một bổn phận. Và chính là bổn phận của người thầy thuốc! Bổn phận của nguời thầy thuốc là làm điều thiện, trong đó có cả việc bố thí. Chỉ có điều là trong giới bác sĩ có không ít những kẻ ti tiện như kiểu ngài bác sĩ trưởng, chỉ biết nghĩ đến lợi ích riêng của mình. Còn về Tôđa thì xin cô chớ cho rằng tôi không muốn nghĩ xấu về hắn.
- À! Anh lại nói đến hắn !
- Đó là vì cô nói bậy bạ.
- Em nói gì nào ? - Akikô vặn lại, nhưng đến đây Kaôru, da dẻ hồng hào sau khi tắm, tay cắp khăn mặt và hộp xà phòng, bộ tóc ướt xỡn trên lưng, bước vào phòng. Trông thấy Kôbasi và Akikô cô ta luống cuống.
- Thế nào, tắm ra sao ? - Akikô nói để phá tan sự im lặng nặng nề.
- Thích lắm, cảm ơn. Tắm một mình, không phải vội... - Kaôru cúi đầu đi qua mặt Kôbasi và treo đôi bít tất trắng đồng phục lên móc cho khô.
- Các phòng bệnh thế nào. Yên tĩnh chứ?
- Vâng. Chỉ có ...
- "Chỉ có" gì ?
Kaôru đưa mắt nhìn trộm Kôbasi, không dám nói.
- Nào, nói đi. - Akikô sốt ruột nhìn Kaôru.
- À không, em...
- Nói cho rõ ràng đi, đừng có lúng búng!
- Ban nãy em lên tầng sáu định xem thử đèn đã tắt hết chưa...
- Rồi sao ?
- Rồi em thấy... hình như ở phòng sáu trăm lẻ một...
- Phòng của Hanađzyê. Thế thì sao ?
- ... Trong phòng hình như có ai ấy.
- Cô hầu chứ gì ?
- Không... - Kaôru ngượng ngùng cụp mắt xuống.
- Thế thì ai ?
Hai má Kaôru đỏ tía lên.
- Một người đàn ông à ?!
Kaôru cúi đầu như người có lỗi.
Akikô thở dài và nhìn Kôbasi đang ngồi khoanh tay trước ngực, mắt nhìn sang một bên ra điều không chú ý.
- Em có nói gì với cô ta không?
Kaôru lắc đầu.
- Ai thế nhỉ ? - Akikô ngẫm nghĩ. - Ông bầu chăng ?
- Không. Cứ đến chiều cô ấy lại cho ông ta về. Sau đó ông phải lo tổ chức biểu diễn. Hôm nay ông ta chỉ ngồi một lát rồi đi.
- Thế thì một người lạ ư ? - Kôbasi hỏi. - Kaôru, tối nay cô không trông thấy ai đi qua phòng ngoài à ?
- Em không thấy. Em có gác lối ra vào đâu...
- Dĩ nhiên... - Akikô tán đồng.
- Hôm nay đóng cửa lúc mấy giờ ?
- Lúc chín giờ rưỡi.
- Như thế nghĩa là người kia đến sớm hơn.
Akikô nhìn ra dãy hành lang tranh tối tranh sáng. Lúc bấy giờ đã quá mười giờ, và trong các phòng bệnh nhân mọi người đều đã ngủ.
- Cô ấy hình như mới mổ được ba ngày phải không ? - Kôbasi hỏi.
- Vấn đề chính là ở chổ ấy...- Akikô đáp giọng bực bội. - Ấy, chúng ta sẽ làm gì đây?
- Có lẽ hai cô đến xem lại lần nữa đi, - Kôbasi đề nghị.
- Đi vào phòng cô ấy một lần nữa ư? - Bây giờ đến lượt Akikô đỏ bừng mặt lên. - Tiên sinh ạ, chúng ta cùng đi đi. Em sợ... Nếu ở đấy có một người đàn ông thật thì sao?
- Ừ thì sao ? Cô sẽ đưa ông ấy đến đây.
- Thôi anh cùng đi với em một chút! - Akikô nắm ống tay áo Kôbasi. Kôbasi miễn cưỡng đứng dậy.
- Nếu vậy thì cô ở lại đây, - Akikô bảo Kaôru.
Trong khi bấm nút thang máy lên tầng sáu, Kôbasi phì cười.
- Kaôru hình như ngượng lắm. Chắc cô ta trông thấy họ vào một lúc bất tiện.
- Xì, anh không biết xấu hổ à! - Akikô giận dỗi phát một cái vào lưng Kôbasi.
Thang máy dừng lại. Trong dãy hành lang im phăng phắc, một ngọn đèn nhỏ chong leo lét.
Kôbasi và Akikô đi lom khom như hai tên gian phi, cố bước thật nhẹ. Ngoài phòng 6 M ra, tất cả các phòng trên tần này đều bỏ không. Akikô thậm chí còn thấy tiếc khi nghĩ rằng trong những căn phòng tuyệt vời như vậy - có buồng tắm, toa-lét và tủ lạnh - lại chẳng có ai nằm. Họ rón rén bước đến cạnh cửa và dừng lại. Sau cánh cửa là buồng của người nuôi bệnh nhân, kế đến là phòng đệm, sau đó là phòng của Đzyunkô.
Cửa phòng đóng kín, nhưng trong khung cửa sổ con che rèm trông ra hành lang thấy có ánh sáng lọt ra. Đzyunkô vốn thích tiện nghi nên khi vào nằm bệnh viện đã sai đưa đến đây một cây đèn ngủ chao đỏ để đặt ở đầu giường.
Kôbasi và Akikô ghé tai vào cánh cửa. Họ nghe ngóng một lát. Từ trong phòng bệnh nhân không có tiếng người đưa ra, mà chỉ có tiếng nhạc khe khẽ: đó là chiếc máy stereo đặt cạnh giường Đzyunkô. Có lẽ họ đã là cho "đôi chim non" hoảng sợ chăng ? Chắc không phải, vì họ đi rất khẽ. Kôbasi chợt nhận ra cái tình thết kỳ quặc của hai người đi rình và bất giác phì cười, nếu chẳng may có ai tình cờ trông thấy họ, chắc người ấy sẽ tha hồ mà cười.
- Thôi ta đi đi, - anh thì thầm nói với Akikô.
Vừa lúc ấy một giọng nói hơi khàn vẳng ra: chắc chắn là giọng của Đzyunkô.
- Đồ cù lần ở đâu ấy! - Theo thói quen, cô ta kéo dài các từ ngữ ra một cách lẳng lơ.
Kôbasi và Akikô đưa mắt nhìn nhau.
Có tiếng cười khúc khích. Lại giọng Đzyunkô. Giọng nói của người kia vẫn chưa nghe thấy. Sau đó có tiếng bước khe khẽ. Cánh cửa ra phòng đệm mở ra.
Hai "trinh sát viên" đưa mắt nhìn nhau ngụ nhiều ý nghĩa.
Kôbasi khẽ chạm vào khủyu tay Akikô. Người vẫn lom khom, họ rời cánh cửa đi về phía thang máy và mãi đến cuối hành lang mới đứng thẳng người lên.
Trong buồn thang máy Akikô thở phào nhẹ nhõm.
- Có một người nào đấy ở trong phòng cô ấy thật ...
- Bạn trai cô ta chứ còn người nào nữa.
- Thế cô hầu đâu ?
- Tôi biết đâu đấy. Có lẽ đang ngủ trong phòng.
- Không, như thế kia thì ai mà ngủ được ... - Akikô thở dài. - Phải ... Lại là sau một phẫu thuật. Trong khi đó thì mỗi lần bác sĩ đến khám lại kêu đau om sòm.
- Chứ còn sao nữa, - Kôbasi nói qua kẽ răng. - Phải kêu để cho người ta còn thương xót chứ.
- Không biết sau chuyện hôm nay cô ấy sẽ ra sao ?
- Có gì đâu mà "ra sao"?
Hai người im bặt: biết làm gì đây? Xông vào phòng đuổi người khách bất hợp pháp ấy ra chăng ? Nhưng nếu vậy người ta sẽ thấy rõ ngay rằng họ đã rình mò, nghe trộm ngoài cửa. Hơn nữa, nhỡ đó không phải là một người đàn ông thì sao? Ngọn đèn trần đã tắt, chỉ còn mỗi ngọn đèn ngủ và máy cassette mở rất khẽ. Vả lại dù họ có mở to hơi thì cũng chẳng làm phiền ai. Cả tầng lầu chỉ có một mình Đzyunkô. Không, đó không phải là một lý do để xông vào phòng cô ta. Còn nếu đó chính là cô hầu thì sao?
- Không sao, ta sẽ biết ngay, - Kôbasi làu bàu.
Dự tính của anh rất đơn giản: khôn ngoan hơn nhiều là tìm cách bắt "tội nhân" vào lúc hắn tìm cách chuồn đi.
- Đằng nào thì hắn cũng sẽ đi qua cửa chính. Quá lắm, nếu hắn ở lại đêm, ta sẽ chộp con chim bồ câu nhỏ vào lúc sáng sớm, khi các cô đi đo nhiệt độ của bệnh nhân.
Kôbasi và Akikô trở về phòng các nữ y tá. Kaôru đang ngồi trên đi-văng đợi họ.
- Em nói đúng đấy Kaôru, - Akikô nói.
- Đã đuổi hắn ra chưa?
- Chưa.
- Tại sao?
- Sáng mai ta sẽ bắt quả tang. Còn cô ta thì sẽ mời ra khỏi bệnh viện, - Kôbasi đáp.
- Mời ai ? Mời cô Hanađzyô ư? - Akikô ngơ ngác nhìn anh. - Chỉ vì một chuyện vặt vãnh như vậy?...
- Vặt vãnh à? Đưa đàn ông vào phòng mà là chuyện vặt vãnh à? Tôi nhổ tọet vào cái danh tiếng "minh tinh" của cô ta, tôi không dung thứ được những chuyện bê bối như vậy đâu.
- Nhưng ta làm gì có bằng chứng?
- Sẽ có. Chỉ riêng cái việc có một người lạ ngủ lại đêm trong phòng cô ta cũng đủ rồi.
- Nhưng bác sĩ Naôê...
- Ông ấy là bác sĩ điều trị cô ta, nhưng chịu trách nhiệm xảy ra ban đêm lại là bác sĩ trực. Và với tư cách bác sĩ trực, tôi cho rằng cách xử sự của cô ta không thể nào dung thứ được.
- Không biết Naôê có đồng ý như vậy không?
- Nói chung ông ta nương nhẹ cô ấy quá. Nữ nghệ sĩ mà lại! Cũng rất có thể ông ta có ý đồ gì với cô ấy. Nói thế chứ chắc là không phải... Bây giờ thì ông ta biết rõ người cô ấy như lòng bàn tay mình rồi còn gì.
- Sao anh thô bỉ thế? - Akikô nhăn mặt.
- Cái bọn nghệ sĩ ấy ... là tôi chúa ghét, Kôbasi kết luận một cách hằn học, và ngay lúc ấy ngoài cửa xuất hiện một người đàn ông. Người lạ mặt rất cao lớn - đầu hắn gần chạm đến đà ngang - và để tóc dài theo thời trang.
Trông thấy hắn đầu tiên là Akikô. Vì bất ngờ, cô ta còn giật nẩy lên nữa là khác.
- Ông là ai ? - Cô ngạc nhiên hỏi, đồng thời bất giác nhận thấy người lạ mặt rất đẹp trai.
- Tôi muốn ra khỏi đây, nhưng cửa trước đóng mất rồi. - Người đàn ông có một gịong trầm êm như nhung và một cách phát âm rất chuẩn xác.
- Ra khỏi đây? ... - Akikô thảng tốt quay lại nhìn Kôbasi; Kôbasi và Kaôru đứng yên ngơ ngác nhìn người khác. Cuối cùng ai mới nói:
- Ông là ai?
- Kenzi Tanimôtô.
Mấy cô gái đưa mắt nhìn nhau: cái tên này rất quen thuộc đối với họ.
- Cái gì, cái gì? - Kôbasi hỏi lại, và Akikô khẽ thì thầm bên tai anh:
- Ca sĩ hát nhạc nhẹ, ăn khách nhất đấy.
Kôbasi nhìn người lạ mặt từ đầu đến chân.
- Nãy giờ ông ở đâu?
- Trong phòng bệnh nhân.
- Phòng nào?
- Phòng sáu trăm lẻ một, tức phòng của Đzyunko Hanađzyô, - người đàn ông trả lời rành mạch, vẻ thản nhiên, không hề có chút nào lúng túng.
Kôbasi bất giác nháy mắt.
- Thế ông làm gì ở đấy? - Anh hỏi, giọng rất đanh.
- Chẳng có gì đáng kể. Nghe nhạc, nói chuyện.
- Thế à? Chỉ có thế thôi à?
Tanimotô chỉ khẽ cười một tiếng. Gương mặt hắn lúc này trông rất thật thà.
- Rất tiếc là tôi không thể nói thêm gì nữa.
- Thế à?
- Nói chung, tôi không có nhiệm vụ phải báo cáo chi tiết. - Tanimôtô lại cười.
Akikô và Kaôru nhìn hắn như thể bị thôi miên.
- Ông biết rằng Hanađzyô vừa qua một phẫu thuật chứ? Ông nghĩ thế nào, quấy rầy một người bệnh như thế có tốt không?
- Chính cô ấy yêu cầu tôi đến.
- Buổi tối à?
- Không, chẳng qua giờ này tôi rỗi.
- Theo tôi, bất kỳ ai cũng có thể hiểu được rằng ngồi lỳ trong phòng riêng của một người đàn bà cho đến tận đêm khuya là rất chướng.
- Tôi xin lỗi. Tôi không biết có thể ở lại phòng bệnh nhân cho đến mấy giờ. - Tanimôtô cúi đầu có vẻ cam phận.
- Đây là bệnh viện chứ không phải là hộp đêm. - Cái vẻ xuề xòa và cái bề ngoài trau chuốt của người đàn ông làm cho Kôbasi mỗi lúc một thêm khó chịu. - Mà ông là ai mới được chứ ! Không phải chồng, cũng chẳng phải vị hôn phu... Thật là trân tráo lạ lùng!
- Xin ông tha lỗi.
- Tôi có bổn phận phải ghi lại việc này trong sổ trực. Ông đã có mặt vào lúc đêm khuya trong phòng một nữ bệnh nhân. Tôi không biết ai có lỗi, Hanađzyô hay là ông, nhưng tôi nhất định sẽ thông báo việc này cho bác sĩ trưởng.
- Thế rồi sao nữa ạ?
- Có thể là chúng tôi buộc lòng phải yêu cầu Hanađzyô ra khỏi bệnh viện.
- Xin lỗi, tôi không có ý muốn hỏi về cô ấy...Như tôi thì cái vị có thể cho tôi ra khỏi đây không?
Không hề che dấu ác cảm. Kôbasi một lần nữa nhìn Tanimôtô từ đầu đến chân.
- Địa chỉ? Mục đích đến bệnh viện?
Tanimôtô trả lời một cách sốt sắng.
Kôbasi ghi lại những câu trả lời trong sổ trực, ở mục "biến cố".
- Phải... Tôi đã thấy rõ là không có gì có thể làm ông nao núng được.
- Một lần nữa tôi xin bác sĩ thứ lỗi cho. - Tanimôtô xử sự như thể hắn không cảm thấy Kôbasi có ác cảm với mình.
- Cho ông ta ra. - Kôbasi quay ngoắt lưng lại. Khi Tanimôtô đã ra ngoài anh càu nhàu. - Chỉ nói chuyện với hắn thôi cũng đã thấy tởm. Một thằng xỏ lá!
- Một người đàn ông thực sực ! - Mắt vẫn nhìn cái khung cửa mà Tanimôtô vừa đi ra, Akikô thở dài mơ mộng.
- Cô thích những thằng ngu vậy à ?
- Ngu hay không thì cũng chưa biết. Nhưng đẹp trai quá chừng...
- Mai tôi sẽ nói hết với Naôê.
Cố trấn áp nỗi bực tức, Kôbasi rít mạnh điếu thuốc lá.

o0o

Hôm sau Naôê lại đến muộn: quá mười giờ mới thấy ông vào bệnh viện. Thời gian gần đây ông luôn luôn đến chậm, chỉ có một hai lần là đến trước mười giờ.
Tình hình này không làm cho các nữ y tá hài lòng chút nào, buổi đi thăm các phòng bệnh nhân bị chậm lại, rất nhiều việc phải hõan sang buổi chiều. Hơn nữa trong khi Naôê vắng mặt Kôbasi rất vất vả bao nhiêu công việc đều trút lên vai anh hết.
Đã mấy lần các nữ y tá thử nói chuyện với Naôê, nhưng ông chỉ gật đầu đồng ý, và mọi việc vẫn y như cũ. Rồi càng về sau ông càng đến muộn hơn. Khiếu nại với bác sĩ trưởng chăng? Dù có làm như vậy cũng không ăn thua gì. Bác sĩ trưởng thường xuyên đọc nhật ký của bệnh viện và không thể không biết Naôê thường đến bệnh viện lúc mấy giờ, nhưng hình như ông làm ngơ trước sự chậm trễ của Naôê, và Naôê vẫn tiếp tục đến muộn.
Mỗi lần đến bệnh viện, Naôê hối hả mặc áo blouse chạy xuống phòng khám tiếp các bệnh nhân đã đợi ông hàng giờ, mà cũng chẳng buồn hỏi các nữ y tá xem tình hình ở cách phòng bệnh nhân ra sao; ông không còn thì giờ đâu để làm việc ấy nữa.
Khi được Kôbasi và Akikô thông báo về sự cố đêm qua, bà y tá trưởng ngay từ sáng sớm đã sốt ruột muốn nói chuyện này với Naôê. Nhưng bệnh nhân quá đông nên mãi sau giờ nghỉ trưa ông mới khám xong. Mà nói chuyện này trước mặt các bệnh nhân thì quá bất tiện... Sêkiguchi đành kiên nhẫn đợi.
Sau giờ nghỉ trưa, đợi khi Naôê, vẫn thong thả như thường lệ, bước vào phòng y tá, Sêkiguchi mới trút hết bầu tâm sự, kết thúc phiên độc thọai của mình bằng một câu hỏi thốt thiết:
- Biết làm thế nào bây giờ ?
- Thật đấy, biết làm thế nào bây giờ ? - Naôê lặp lại câu hỏi của bà ta.
- Chẳng lẽ lại cho qua một chuyện bê bối như vậy sao?
- Chẳng lẽ không cho qua được sao? - Naôê ngáp dài một cách cố ý và với tay lấy mấy tờ ghi nhiệt độ.
- Tiên sinh!
- Có việc gì thế?
- Xin tiên sinh nghe kỹ tôi nói.
- Tôi nghe rồi.
- Cô ta đã đưa một người đàn ông vào phòng. Ban đêm! Họ làm gì ở trong ấy?! Tiên sinh thử tưởng tượng xem cái gì sẽ xảy ra nếu các bệnh nhân biết được việc này?!
- Họ không biết đâu, - Naôê cười nhạt.
- Nhưng... - Bà y tá trưởng nhìn ông với một nỗi công phẫn thầm lặng. - Xét cho cùng thì vấn đề cũng chẳng phải ở sự việc vừa qua. Nhưng không biết cô ta còn bày những trò gì nếu ta không trừng trị cô ta lần này.
- Tôi xin dành cho bà cái quyền răn bảo cô ta.
- Không được ạ. Chính tiên sinh phải nói với cô ta. Ngoài ra tôi muốn biết ý kiến tiên sinh, ý kiến của bác sĩ điều trị: chỉ cần quở trách cô ta thôi hay cần thi hành những biện pháp nghiêm khắc hơn?
- Vấn đề này tôi không có ý kiến.
- "Không có ý kiến" là thế nào ạ? - Sêkiguchi ngơ ngác.
- Không có nghĩa la không có. - Nói xong Naôê lại chúi mũi vào các giấy tờ.
- Nói một cách khác, tiên sinh cho rằng không nên làm gì hết phải không ạ?
- Phải.
Đôi mắt nhỏ, có một màn lưới đường nhăn li ti bao quanh, quắc lên. Bà y tá trưởng giương vuốt:
- À, nếu tiên sinh giữ một lập trường... độc đáo như vậy thì tôi đành phải thưa với bác sĩ trưởng.
Naôê im lặng.
- Bác sĩ Kôbasi, người trực đêm qua, hết sức công phẫn... Tiên sinh cho phép tôi thưa chuyện với bác sĩ trưởng chứ?
- Mời bà.
Bà y tá trưởng kinh ngạc trước thái đội thờ ơ của Naôê. Thậm chí bà còn nghẹn ngào không nói được nữa. Mãi một lúc sau bà mới mở miệng:
- Thôi vậy. Nói chung ... những nguyên tắc của bệnh viện ta không cho phép...
- Bà sao thế, không có việc gì làm à ?- Naôê ngắt lời bà.
- Sao ? Tôi ... tôi mà không có việc gì làm ??
Nghe tiếng hét the thé của Sêkiguchi mấy cô y tá bỏ việc chạy lại. Cái cổ gầy guộc của bà y tá trưởng đỏ tía lên.
- Ông sẽ chị trách nhiệm về hành vi của cái con mẹ trơ trẽn ấy! - Sêkiguchi chĩa ngón tay vào Naôê.
Naôê im lặng.
- Các ngài cứ khen mãi, nào là "nữ nghệ sĩ ưu tú" "nào là cô bé đáng yêu"... Thì đấy, các ngài xem nó "đáng yêu", nó "trong sáng" như thế nào!
- Điều đó chỉ xác nhận thêm rằng cô ta quả là một nghệ sĩ giỏi. Biểu diễn là nghề nghiệp của cô ta. Cô ta phải nắm vững cái nghệ thuật ấy đến mức điêu luyện. Nếu không làm sao cô ta có thể lên sân khấu được.
Bà y tá trưởng nhìn Naôê, không hiểu ông ta muốn đi đến đâu.
- Cô ấy hư hỏng nhưng chính nhờ đó mà cô ấy đóng vai ngây thơ một cách tuyệt diệu. Mà nói chung chưa xảy ra chuyện gì ghê gớm cả. Thử hỏi cô ấy có làm phiền ai đâu?
- Tiên sinh nói gì thế? Cách đây mới bốn ngày chính tiên sinh mổ cho cô ta. Chẳng lẻ với tư cách là thầy thuốc tiên sinh không quan tâm đến hành vi của cô ta sao?
- Không quan tâm. Vì hai cái không có quan hệ gì với nhau hết. - Naôê cười phì lên. - Vả lại người ta ai mà chẳng có cố sao đừng làm cho mình đau. Nếu cái đó làm cho cô ta vui thì nên để mặc.
Bà y tá trưởng kinh hãi nhìn Naôê.
- Thôi, - Naôê kết luận, giọng giãn hòa, - bà không nên bận tâm nhiều quá. - Rồi quay sang Nôrikô đang lo sợ lắng nghe cuộc đối thọai, ông nói: - Ta bắt đầu đi thăm các phòng bệnh nhân.
Naôê thường bắt đầu cuộc đi thăm bệnh nhân từ tần thứ ba, tức là từ hai phòng rộng nhất và rẻ tiền nhất. Mỗi phòng có sáu người nằm. Các tủ chìm chất đầu những quần áo chén đĩa; và bênh cạnh các giường nằm ngổn ngang những tấm thảm, những tấm đệm của những người nhà bệnh nhân trải ra để nghỉ đêm. Bốn bức tường trước kia vốn màu kem, đã lâu không được sơn lại nên có những chổ tróc hẳn vửa ra. Năm ngóai bệnh viện có tu sửa lại, nhưng cuộc tu sử này không động đến tầng thứ ba. Cạnh các giường nằm của đàn ông, tường dán chi chít những tờ áp-phích, những bức ảnh của các nữ diễn viên, trong góc có để một cây đàn ghi-ta. So với hai phòng này thì căn phòng thượng hạng của Đzyunkô Hanađzyô thật là một cung điện của vua chúa. Nhưng, để bù lại, trong các phòng rẻ tiền không bao giờ buồn tẻ: mọi người đều đối xử với nhau như bà con thân thuộc, ai cũng có người để tâm sự.
Cạnh một cửa sổ là giường của Kôkichi Uênô. Sau mấy lần tiếp máu, ông già bắt đầu thấy đỡ và đã ngồi dậy được trên giường, tự xúc lấy thức ăn. Quả ông chưa đi được hai: hai chân không chịu tuân theo ý muốn của ông.
Naôê bước vào phòng vừa đúng lúc mấy cô y tá đang tiếp máu. Máu đang nhỏ từng giọt chuyển vào đường tỉnh mạch căng phồng. Làn da trước đây xanh xao, khô héo như tờ giấy bổi, nay đã trở nên sinh động và mềm dẻo; ngay cả đôi má cũng hồng hào lên.
Vợ của bệnh nhân là bà Chiyô, người mảnh khảnh nhưng hãy còn khá linh lợi, ngay từ đầu không rời chồng một bước.
Khi Naôê đã thăm hết các bệnh nhân trong phòng và đi về phía cửa, bà già lúp xúp chạy theo ông.
- Thưa bác sĩ, có thể làm phiền bác sĩ một chút được không ạ ?
Naôê ngạc nhiên đứng lại. Các cô y tá thường nói rằng xưa nay bà cụ Chiyô như người câm, ai nói gì cũng chỉ gật đầu, thế mà nay bỗng dưng lại lên tiếng.
- Có việc gì thế ạ?
- Tôi... tôi muốn hỏi... - bà cụ ngập ngừng, mắt nhìn xuống sàn.
- Tôi đi thăm bệnh nhân xong rồi ta nói chuyện nhe, được không ạ? Độ hai mươi phút nữa bà cụ cứ sang phòng các cô y tá gặp tôi.
Bà cụ gật đầu và biết ơn.
Naôê đi qua các phòng bệnh nhân ở tầng ba, tần tư và tầng năm rất nhanh. Còn lại tần thứ sáu, nơi chỉ có một mình Hanađzyô nằm. Cô đang ngồi trên giường chải tóc, mình mặc chiếc áo choàng màu hồng.
- Bác sĩ khám à ? - Đzyunkô đặt cái bàn chải xuống chiếc bàn ngủ rồi không đợi ai yêu cầu, cô ta nằm xuống giường. Cô đã thông thuộc những gì người ta đòi hỏi ở cô.
Mọi việc đều được tiến hành rất nhanh, Đzyunkô chưa kịp ngoảnh đi ngoảnh lại thì đã xong hết rồi.
Nôrikô đưa cái khăn mặt. Naôê lau cẩn thận từng ngóng tay một rồi hỏi:
- Cô còn cảm thấy đau không?
- Cò-òn, ít thôi...
- Đó là kết quả của buổi tối hôm qua.
- Bác sĩ định nói gì? - Đzyunkô mở tròn xoe đôi mắt đã to sâu. Trong cô ta hết sức thật thà và hiền lành.
- Cô không hiểu à ?
- Không. - Đzyunkô ngạc nhiên lắc đầu. - Việc gì thế?
- Tôi cũng không biết nên trừng phạt cô như thế nào đây.
- Thôi bác sĩ đừng dọa. - Đzyunkô bỡn cợt đánh vào bàn tay Naôê một cái - chỉ tổ-ổ-ổ bịp.
- Chính cô bịp thì có.
- Tô-ô-ôi ấy à ?!
- Cô nên nhớ rằng nếu chỉ khâu bị đứt và các mạch máu lại mở ra thì phải làm lại phẫu thuật.
- Để làm gì?
- Phải làm sạch lại tất cả.
- Thà chết còn hơn!
- Nếu vậy cô đừng buông thả quá.
- Xì, cái ông bác sĩ này ! Người đâu mà đáng ghét tệ. - Đzyunkô kéo dài, giọng ngân nga và nũng niụ. Naôê ném cái khăn mặt cho Nôrikô rồi ra hành lang.
Bà cụ Chiyô đang đợi họ. Bà ngồi co ro trên chiếc đi-văng nhỏ ở phòng y tá.
- Bà cụ có việc gì thế? - Naôê rút cái stêto trogn túi ra đưa cho Nôrikô rồi cũng ngồi xuống đi-văng bênh cạnh bà cụ.
- Tôi không biết... Có nên làm phiền bác sĩ vì những chuyện không đâu.
- Nhưng việc gì ạ ? Bà cụ cứ nói đi.
- Hôm trước tôi có nhận được cái này ... của bệnh viện đưa - Bà cụ rút trong bầu bao ra mấy tờ giấy. Trong giấy có viết là tôi phải trả một món tiền gì đấy...
Naôê nhìn qua mấy tờ giấy.
- Đó là giấy thanh toán.
- Thanh toán gì ạ?
- Đầu đuôi là thế này bà cụ ạ. Tiền viện phí ở các bệnh viện mỗi nơi mỗi khác. Thường thường thì số tiền bảo hiểm bệnh tật đủ để trả viện phí. Nhưng ở bệnh viện chúng tôi, trừ hai phòng chung ở tầng ba, các phòng khác còn phải bù thêm. Tuần thứ nhất ông cụ nằm ở phòng hai giường, cho nên phải bù thêm một ngàn yên. Có tiền bảo hiểm rồi vẫn phải trả thêm mới đủ.
- À ra thế...
- Bây giờ thì ông cụ nằm ở một phòng không phải trả thêm tiền. Thế sao ạ, hai cụ có khó khăn về chuyện tiền nong ạ?
Bà cụ cúi đầu:
- Là vì tôi, từ ngày ông nó lâm bệnh, cứ phải ở bên cạnh ông ấy suốt...
Naôê rút trong túi ra một điếu thuốc lá. Nôrikô lúc bấy giờ đang xem các đơn thuốc, liền lấy cái gạt tàn đưa cho ông.
- Thôi, nếu bà cụ chưa trả được bây giờ thì trả sau cũng được.
- Nhưng...
- Chắc hai cụ hoàn toàn không có tiền phải không? - Naôê suy nghĩ một lát rồi hỏi.
Bà cụ buồn bã gật đầu.
- Thôi được rồi. Không có tiền thì không phải trả nữa.
Ba cụ ngạc nhiên nhìn ông.
- Không có tiền - chỉ có thế thôi. Chẳng biết làm thế nào được. Họ có đòi thì bà cụ cứ trả lời như thế. Đó là bằng chứng mạnh nhất.
Bà cụ ngơ ngác chẳng còn hiểu ra làm sao nữa.
- Trước kia bà cụ có làm việc ở đâu không?
- Có, thỉnh thoảng có đi làm...
- Ở đâu?
- Trong một tiệm ăn nhỏ, tôi rửa chén đĩa.
- Họ trả cho bà cụ bao nhiêu?
- Tôi làm mỗi tháng mười ngày, họ trả cho được mười hai ngàn yên. Rồi đây ông nó khỏi bệnh, tôi lại kiếm việc mà làm. Có lẽ bấy giờ sẽ đỡ túng quẩn...
- Nhưng thật ra cụ không nên làm.
- Sao thế ạ?...
- Hai cụ được trợ cấp phải không? Tiền viện phí cũng do nhà nước trả. Thành thử chỉ kiếm được mười hai ngàn mà phải đi làm thì không bõ.
- Tại sao?
- Hiện nay người ta trả trợ cấp cho hai cụ lại cấp thêm tiền chữa bệnh. Cả thảy vị chi là được khoảng hai, ba mươi ngàn phải không?
- Chừng hai mươi lăm ngàn.
- Thì đấy. Vừa đúng số tiền tối thiểu do nhà nước qui định; đó là số tiền mà nhà nước có bổn phận phải trả cho những người không có sức lao động, không có nguồn thu nhập nào. Nhưng nếu họ biết là bà cụ thỉnh thoảng có kiếm được ít nhiều thì người ta sẽ trừ đúng số tiền mà bà cụ kiếm được ra khỏi món trợ cấp. Thành thử chẳng nên làm việc làm gì, bà cụ nên ở bên cạnh ông cụ thì hơn. Bà cụ đỡ vất vả, mà cụ ông cũng được vui hơn.
- Thế còn việc thanh toán thì sao ạ?
- Bà cụ cứ để đấy, và hãy quên đi.
- Ông bác sĩ trưởng sẽ quở tôi.
- Bệnh tình của cụ ông đòi hỏi phải nằm viện, bác sĩ trưởng không có quyền đòi cho cụ ông xuất viện đâu. Hơn nữa không ai có thể đòi tiền của những người không hề có tiền.
Bà cụ lại gật đầu, nhưng có thể thấy rõ ràng là bà ta tuyệt nhiên không hiểu được chút gì hết.
- Thời bây giờ khổ nhất là những người có ít tiền, - Naôê nói tiếp. - Một là phải có nhiều, hai là đừng có đồng nào. Phải, tốt hơn là đừng có gì hết. Mình đã trọc đầu thì còn sợ ai túm tóc.? Hai cụ không việc gì phải băn khoăn về cái nỗi lấy gì mà trả cho bệnh viện, quá trình điều trị tốn hết bao nhiêu...
Bà cụ Chiyô kính cẩn lắng nghe.
- Ở cái nước Nhật này nên làm người thật giàu hay là người cùng đinh thì tốt hơn...
- Thế... ông nhà tôi liệu có khỏi được không ạ?
Naôê rướn người, thở mạnh ra một làn khói thuốc lá.
- Không, cụ nhà không khỏi được.
- Vậy tức là ông nó sẽ chết ạ? - Bà cụ thẫn thờ ngước mắt lên nhìn Naôê.
- Họ chưa nói với bà cụ là bệnh cụ ông không chữa được à?
- Nói thì có nói... thế ra nằm bệnh viện cũng không khỏi ạ?
- Cụ ông bị bệnh máu. Trong thời gian tiếp máu thì có thể thấy đỡ ít nhiều, nhưng dù sao cụ ông sẽ càng ngày càng yếu đi. Ở đây y học bất lực. Tiếp máu tốn rất nhiều tiền, mỗi lần như vậy là mấy ngàn yên. Cho nên, tôi xin nhắc lại: nên để cụ ông nằm lại ở bệnh viện để điều trị bằng tiền trợ cấp. Bà cụ cứ tin chúng tôi và đừng nghĩ ngợi gì hết. Còn đối với cụ ông thì xin bà cụ chớ nói gì, nhớ là đừng nói gì hết.
- Vâng-vâng... - Bà cụ lại ngoan ngõan gật đầu mấy cái liền.
- Những bệnh nhân mắc chứng nan y cũng nhiều. Ở đây có một bệnh nhân bị ung thư dạ dày, người ấy sẽ không sống nổi đến hết năm. Chống hay chạy rồi chúng ta đây ai cũng sẽ đi tới đó. Chỉ có điều là có người biết thời hạn của mình, có người không. - Naôê nói lẩm bẩm như đang đàm thọai với bản thân.
Bà cụ Chiyô thút thít khóc thầm, rồi đưa ngón tay lên quệt mũi.
- Cám ơn bác sĩ. - Nước mắt lưng tròng, bà cúi chào rồi ra khỏi phòng.
Naôê nhìn theo cái bóng dáng còm cõi, bé nhỏ của bà cụ, rồi quay về phía Nôrikô.
- Kôbasi không nói với bà cụ là ông già không còn hy vọng gì à?
- Không, hình như ông ta không nói thẳng.
- Như thế không được. Kết quả chẩn đoán phải nói lại cho vợ bệnh nhân biết.
- Chắc ông ta chưa dám nói thôi. Hai ông bà cụ khốn khổ như vậy...
- Thế thì sao? Bệnh tật là bệnh tật.
- Hai ông bà không có con, cứ thế cui cút sống với nhau đến khi già. Đôi khi nhìn bà cụ lăng xăng săn sóc chồng mà thương đến ứa nước mắt.
- Tội nghiệp bà cụ thật...
- Đêm đêm bà cụ lên giường nằm sát cạnh chồng. - hai người gầy gò bé bỏng trông như hai đứa con nít.
- Các bệnh nhân khác không nói gì à?
- Nói gì bây giờ? Thì cũng có người thấy lạ lạ, nhưng không hề khó chịu. Ở trong phòng chung này họ đều quan tâm tới nhau cả.
- Nói chung bà cụ cừ thật, cư xử rất hay.
Nôrikô thở dài.
- Chẳng lẽ họ không có họ hàng thân thuộc thật sao? Không có lần nào thấy ai đến thăm cả.
- Thế cũng hay. Đỡ rắc rồi về chuyện trợ cấp. Tiền bạc không có, họ hàng cũng không: thế là không còn vấn đề gì nữa.
- Nhưng đối với họ thì sao? - Nôrikô ngờ vực.
- Thì cô cứ nghĩ mà xem: nếu ông già cứ phải tính xem tiền trợ cấp đủ được đến đâu và phải bù thêm bao nhiêu tiền mặt nữa thì ông sẽ khổ vô cùng.
- Cũng đúng... đến khi ông cụ chết bà ấy sẽ khổ sở lắm nhỉ?
- Biết làm thế nào được?
- Họ ăn ở với nhau thuật thảo như vậy... Cũng khó nói thật với họ.
- Người thân nhất định phải biết trước mới được.
- Nhưng biết trước như vậy cũng khủng khiếp quá.
- Dù sao thì cái chết vẫn là một cái gì khủng khiếp. Có phải không Tômôkô?
Lúc bấy giờ Tômôkô Kawaai đagn ngồi cạnh Nôrikô, cô quấn gạc làm tămbông. Cô thở dài:
- Nếu phải chết thì chi bằng cùng chết với người yêu.
- Tự tử tay đôi à?
- Ờ, dĩ nhiên là lãng mạn. Nhưng chứng kiến cái chết của một người thân chắc chắn là khủng khiếp.
Tômôkô bỏ tấm gạc sang một bên và ngước mắt lên. Cô mới hai mươi tuổi, khuôn mặt tròn trĩnh sáng ngời tuổi trẻ.
- Như hai ông bà già kia - hai người thật như một... Sống với nhau như cùng chung một hơi thở, tuyệt thật!
- Nhưng chết thì vẫn phải mỗi người một đàng. - Nôrikô đám. - Rồi cũng phải có người chết trước.
- Nghĩ đến chuyện ấy thật ghê rợn! - Tômôkô rùng mình.
Naôê không tham dự vào câu chuyện. Nghe đến đây ông đột nhiên đứng dậy, rồi hai tay đút vào túi áo blouse, ông bước ra hành lang.
Ngày mùng mười tháng mười hai, tức bốn ngày sau khi xảy ra cái "sự cố" đêm ấy, Đzyunkô Hanađzyô ra viện.
Sêkiguchi quả quyết với mọi người rằng Hanađzô đã bị buộc phải rời bệnh viện sau một cuộc nói chuyện không lấy gì làm thân thiện với bác sĩ trưởng: trước đó chính bà ta đã báo cáo sự việc đã xảy ra với bác sĩ trưởng. Tuy vậy không có ai tin lấy một chữ nào trong những lời bà nói.
Bà y tá trưởng quả nhiên đã không bỏ lỡ cơ hội báo cáo với bác sĩ trưởng, nhưng ông này, như ta có thể đoán trước, đã bỏ ngoài tai tất cả những điều bà ta nói. Ngày ra viện - mùng mười tháng mười hai - đã được ấn định từ trước.
- Khó lòng một con người hám lợi như bác sĩ trưởng lại có thể đuổi một bệnh nhân giàu có như vậy. Mà lại chỉ vì một chuyện không đâu như thế. Cô ta đã mời một anh bạn trai đến chơi: như thế thì có cái quái gì mà làm to chuyện! - Các nữ y tá kháo nhau như vậy.
Tuy nhiên sau buổi nói chuyện với bà y tá trưởng, ông bác sĩ trưởng cũng cho mời Naôê đến gặp.
- Có đúng thế không? Những chuyện bà y tá trưởng kể ấy mà?
- Tôi không biết, - Naôê nhún vai, - đêm ấy tôi không có mặt ở bệnh viện. Nhưng bác sĩ trực khẳng định rằng những chuyện ấy là có thực.
- Gớm cái cô bé!... Thế mới là khí phách đàn bà... Còn cái anh kia là ai thế? Kenđzi Tanimôtô à? Cái anh ca sĩ ấy à?
- Nghe nói chính anh ta.
- Chắc hai người đã dính với nhau từ lâu rồi.
- Không biết.
- Ừ... - Yutarô cười. - Bà y tá trưởng cứ lồng lên. Bà ấy bảo phải đuổi cô ta ra khỏi bệnh viện, để làm gương cho kẻ khác. - Tôi thì tôi cho rằng không việc gì phải nghiêm khắc đến thế, hả?
- Dù sao thì câu chuyện này cũng không hề có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cô ta. Hoặc ít nhất cô ta cũng cảm thấy như thế.
- À-à... Thôi được rồi. - Ngay từ đầu Yutarô đã không hề có ý muốn làm to chuyện. - Thế thì thế này: ta hãy nói rằng bác sĩ trưởng đã mắng cô ta một trận.
- Tôi hiểu.
- Thế còn... thân hình của cô ta chắc đẹp lắm nhỉ... - Bác sĩ trưởng đột nhiên đổi đề tài và nhìn Naôê có ý chờ đợi. - Nước da trắng..
- Tái thì đúng hơn.
- Thế à?... - Yutarô mơ mộng nhìn lên trần. - Da tái và mịn...
- Không, da cô ta chẳng ra gì.
- Có thể là vì mệt? Cô ấy làm việc nhiều lắm.
- Tôi không nghĩ như thế. Có lẽ vì ma túy thì đúng hơn.
- Ô, thế à?! Tại sao anh lại kết luận như vậy?
- Có vết tiêm ở hai cánh tay, mà da thì khô. 
- Ra thế-ế-ế đấy... - Yutarô đay giọng. - Nhưng để làm gì? Sao cô ta lại cần đến ma túy?
- Theo tôi, chủ yếu là để hưởng lạc.
- Nghe nói tiêm như thế thích lắm phải không?
- Tôi không biết. Chắc thế, - Naôê đáp xẵng.
Yutarô hạ giọng nói khẽ:
- Tôi nghe nói đó là một món thuốc dùng cho đàn ông rất tốt...
- Vâng. Trong tình trạng quá mệt mỏi về thể chất thì nó có tác dụng kích thích/.
Yutarô đang khá bận tâm với những phen thất bại của mình với Mayumi. Tán tỉnh thì còn đủ sức, nhưng hễ đi đến cái việc chủ yếu thì...
- Tôi vẫn không hiểu. - Ông ta xoay xoay cái đầu. - tại sao một cô gái ngây thơ kiều diễm như vậy lại cần đến ma túy?
- Cô ta chỉ có vẻ ngây thơ trên sân khấu mà thôi.
- Ờ-ờ... cứ nhìn trên ti-vi thì đúng là một người khác hẳn!
- Bao giờ chả thế: bên ngoài là một đằng, bên trong là một nẻo.
Yutarô sượng sùng nháy nháy cặp mắt: ông ta sợ rằng Naôê nói như vậy là có ý ám chỉ mối liên hệ của ông với Mayumi. Nhưng ông chỉ thấy Naôê trầm ngâm mân mê cái chén trà trên tay.
- Thế anh chưa nói gì với cô ta chứ?
- Chưa, vả lại có phải tôi bắt gặp cô ta trong cái vụ ấy đâu. Mà không có chứng cớ gì thì nói sao được...
- Như tôi đây, thử nhào vô xem sao có được không nhỉ - Yutarô thở dài.
- Theo tôi thì không. Dĩ nhiên, nếu ông đang chuẩn bị chết thì đó lại là chuyện khác.
- Ồ không, hiện nay thì xem chừng tôi chưa muốn chết. - Yutarô cười xòa.
Gương mặt Naôê vẫn kín như bưng.
Ngày ra viện, Naôê ghé vào phòng Đzyunkô. Trong phòng đã thấy ông chủ tịch công ty truyền hình, ông bầu và người lái xe ngồi sẵn đấy.
- Xin các vị làm ơn sang phòng bên một chút, - Naôê yêu cầu.
Trên cơ thể của Đzyunkô mọi thứ đã gần như bình thường, cho nên cuộc khám nghiệm kết thúc rất nhanh.
Vừa mặc xong áo quần, Đzyunkô đã hỏi:
- Bao giờ tôi phải đến khám lại?
- Tuần sau. Rồi sau đó cứ mỗi tháng lại đến một lần.
- Nếu có thể, cho tôi đến vào buổi tối thì tiện hơn...
- Có thể được, nhưng chỉ vào những phiên trực của tôi.
- Bây giờ đã có thể biết tiên sinh trực vào những tối nào chưa?
Nôrikô, không che giấu nỗi bất bình, quay sang phía Naôê.
- Nhưng như thế không đúng qui chế!
- Cái gì không đúng qui chế? - Naôê không hiểu.
- Các bệnh nhân ngọai trú đều phải đến khám ban ngày.
- Ta có thể coi đây là một ngọai lệ, - Naôê nói. Đọan vứt chiếc khăn mặt lên cái khay của Nôrikô, ông đi ra phía cửa/.
- Không đã ! Tiên sinh! - Đzyunkô gọi giật.
Naôê quay lại.
- Tiên sinh ạ, thế có thể cho phép tôi thỉnh thoảng đến nằm viện, chẳng hạn mỗi tháng một lần, được không ạ? Đôi khi cũng muốn nghỉ ngơi chút ít...
- Xin mời.
- Và tiên sinh sẽ cho giấy nhập viện chứ?
- Tôi sẽ cho.
- Dù tôi không ốm cũng cho chứ?
- Tôi đã nói rồi.
- Thế thì cảm ơn tiên sinh quá.
Đzyunkô mừng rỡ mỉm cười. - Tiên sinh ạ, xin hỏi tiên sinh thích cái gì nhất? Ấy, ví dụ như trong các thức ăn uống ấy?
- Cái gì? À, có lẽ không riêng một thứ gì...
- Thế thì khi nào ta cùng đi tiệm đi. Tôi sẽ chiêu đãi. Tôi biết là bác sĩ rất bận, mà tôi cũng bận chả kém gì đâu... Nhưng tôi rất muốn trả ơn tiên sinh.
- Điều đó hoàn toàn không cần thiết.
- Ô kìa, tiên sinh ! Tôi chịu ơn tiên sinh nhiều quá mà!
- Ông bầu của cô đã đút lót cho tôi rồi.
- Không không, đó là quà của hãng, có dính dáng gì đến tôi đâu. Chúng ta nhất định phải ngồi với nhau ở một nơi nào đó để nói chuyện. - Trong giọng nói của Đzyunkô điểm những âm thanh lẳng lơ. - Bác sĩ làm ơn đi, cho tôi một buổi tối.
- Bác sĩ rất bận. Hơn nữa bị trĩ như cô mà uống rượu là rất có hại, - Nôrikô nhận xét một cách lạnh lùng.
- Thế à? Thế còn bia gừng thì sao? Hay là nước quả? Được chứ?
- Tiên sinh, - Nôrikô nắm lấy khủyu tay Naôê, - họ đang đợi ngoài kia.
- Bác sĩ đừng quên đấy nhé! - Đzyunkô đá lông nheo với Naôê.
Một lát sau, Đzyunkô trong chiếc quần ống hẹp và chiếc áo măng-tô nhẹ màu đỏ nhanh nhẹn bước ra khỏi bệnh viện, ngồi lên xe hơi và phóng đi.


o0o

 

Pages Previous  1  2  3  4  5  Next