Cây Tỏi Nổi Giận  -   Mạc Ngôn - Trung Quốc Pages Previous  1  2  3  4  Next   
Chương 5

Hướng dương tháng Tám hướng về mặt trời
Trẻ con quấy khóc, đưa trả mẹ nuôi.
Trăm họ dựa vào đảng Cộng sản
Tỏi không bán được, tìm Huyện trưởng.


- Trích đoạn lời ca của Khấu mù, hát khi tỏi không bán được.

Đám cảnh sát hối hả khiêng Mặt Ngựa lên chiếc xe tù sơn hai
màu đỏ vàng. Cao Dương không nhìn thấy mặt của Mặt Ngựa, chỉ nhìn thấy máu thấm đẫm chiếc áo cảnh phục, rớt tong tỏng
Dịch giả: Trần Đình Hiến

xuống đất. Còng mở một bên, một mỏ còng vẫn trên một cổ tay. Lúc cảnh sát khiêng cậu ta ra xe, mỏ còng cùng với bàn tay kéo lê trên mặt đất. Tài xế lái xe tải bị viên cảnh sát trẻ lôi khỏi ca bin. Mặt vàng như nghệ cổ rụt tay buông thõng, tài xế sợ run cầm cập. Viên cảnh sát trẻ tịch thu bằng lái, còn đá cho tài xế liền mấy đá.

- Tiểu Cao, mau đưa tội phạm lên xe! – Lão Trịnh gọi to – Rồi sẽ hỏi tội thằng này!

Một cảnh sát mở còng cho Cao Dương, lệnh cho anh đứng lên. Tiếng mở còng, anh nghe thấy. Lệnh của viên cảnh sát, anh cũng nghe thấy. Ý đồ thu tay về, anh cũng đã nghĩ. Vậy mà anh không thu tay về được. Anh ra lệnh cho tay, nhưng chua xót mà nghĩ rằng, chúng không tồn tại. Chúng đã hoàn toàn tê liệt, chỉ còn những cảm giác nặng nề anh cõng trên lưng. Chỉ hai lần gạt bằng chân, cảnh sát gạt hai tay anh về chỗ của chúng, anh đã nhìn thấy hai tay, chúng vẫn nguyên vẹn treo dưới hai bả vai, anh mừng quá.

Không lịch sự gì hết, cảnh sát lại còng tay anh. Mặt Ngựa đã được khênh lên xe tù. Hai viên cảnh sát xốc nách anh đứng dậy, lệnh cho anh đến chỗ chiếc xe. Anh cũng định bụng đi đứng cho tử tế, đừng làm phiền các đồng chí cảnh sát. Anh đoán các cảnh sát đã vô cùng vất vả, để các đồng chí đỡ mệt chừng nào hay chừng ấy. Nhưng anh rất buồn khi thấy hai chân không nghe lời anh. Anh đỏ mặt, tự đáy lòng, anh thấy xấu hổ.

Cảnh sát đẩy anh đến trước xe tù, lệnh cho anh leo lên.

Anh ngượng ngùng nhìn cảnh sát, định nói mà không thể mở miệng.

Hình như cảnh sát hiểu được tâm trạng anh, không quát tháo nữa. Hai cánh tay rắn như thép xốc nách lẳng anh lên xe. Anh cố gắng phối hợp với họ, rướn ngực lên, hai chân co quắp rời mặt đất. Lúc định thần lại, anh thấy mình nằm phục trên sàn xe, bên cạnh thân thể nằm ngang của Mặt Ngựa.

Lại một vật to đùng rúm ró quẳng lên xe. Đó là thím Tư Phương. Qua tiếng thét giật giọng của thím, anh biết mông đít thím đã bị chấn thương.

Chiếc thang sắt sau xe đã được gập lên, hai cảnh sát leo lên, chia nhau ngồi hai bên thùng xe.

Xe nổ máy, bắt đầu lăn bánh.

Khi xe chạy qua sân, Cao Dương nhìn cây bạch dương mà anh bị còng ở đó, bất giác nảy sinh một tình cảm quái gở: lưu luyến nó. Cây bạch dương tắm trong nắng chiều, thân ánh lên màu cà phê, lá vốn xanh thẫm, giờ rất giống những đồng tiền kim loại màu đồng điếu. Gốc cây có một bãi máu đỏ sẫm. Đó là máu của Mặt Ngựa. Chiếc xe tải chở đồ đạc vẫn đổ ở đó. Một đám mũ mãng rực rỡ xúm quanh tài xế, hình như dang phê phán anh ta.

Kim Cúc với cái bụng to tướng lặng lẽ đứng dưới gốc cây. Chợt nhớ lời mẹ ban nãy cho phép cô lấy Cao Mã ,cô bất giác thở dài. Cao Mã đã trèo tường chạy trốn, đem heo cả chiếc còng trên cổ tay.

Xe tù chạy trên đường nhựa liền tăng tốc. Nóc xe rít lên như sói hú, lúc đầu anh rấ sợ, sau cũng quen.

Hình như Kim Cúc chạy trên đường, chạy rất chậm, lát sau chỉ còn bé tí. Xe rẽ, không riêng Kim Cúc, mà ngay ca trụ sở Uỷ ban cũng mất hút.

Thím Tư ngồi một xó trong thùng xe, mắt mở to, đờ đẫn, không biết thím đang nhìn cái gì.

Máu Mặt Ngựa chảy trên sàn xe bốc lên mùi tanh lợm. Thân người rung rung, đầu lắc lư trong áo cảnh phục, đôi khi những tiếng ọc ọc xả ra từ đó.

Xe tù chạy như bay, anh hơi chóng mặt. Nhìn qua khe hở phía sau xe, bụi tung mù mịt. Cây cối hai bên đường đổ thành hàng nhu ngả rạ, đồng ruộng xoáy trôn ốc. Mọi xe cộ nhường đường vì tiếng còi quái đản. Anh trông thấy một chiếc đầu máy kéo cỡ nhỏ hốt hoảng đâm vào cây liễu bên vệ đường, gốc cây liễu vốn sứt sẹo nham nhở. Những người cưỡi xe đạp vụt qua, mặt trắng bệch. Một cảm giác tự hào từ từ dâng lên trong ngực, anh tự hỏi: Mình đã khi nào ngồi trên một cỗ xe chạy nhanh như thế này chưa? Chua ,chưa bao giờ được ngồi trên cỗ xe chạy nhanh như thế này!

Trên cỗ xe tù chạy nhanh như gió, Cao Dương chợt ngửi thấy mùi tỏi tươi trong mùi máu Mặt Ngựa đang chảy. Anh kinh hoảng khịt khịt mũi cố phân biệt, đúng là mùi tỏi, hơn nữa, mùi tỏi tươi, ngồng tỏi mới bứt khỏi gốc còn đọng những giọt nhựa lấp lánh.

Anh thè lưỡi liếm nhữnh giọt nhựa đó. Đầu lưỡi thấm ngọt, mát lạnh. Anh thấy dễ chịu đôi chút, đánh giá ba mẫu tỏi nhà anh: Tươi tốt, chóp trắng mập, ngồng uốn câu, ngồng thẳng đứng, đất trồng mịn và ẩm, những mầm cỏ non nhú ra từ mặt đất tơi mịn. Cô vợ bụng to đang bên anh, đang bẻ ngồng.

Mặt vợ đen sạm, những chấm tàn nhang rải rác chỗ bọng mắt dưới, y như những đốm rỉ trên vật dụng bằng sắt, đầu gối bết đất. Vợ anh bị dị tật bẩm sinh: Tay trái ngắn và nhỏ, làm lụng khó khăn. Động tác bẻ ngồng của vợ rất vất vả, anh thấy bên tay ngắn của vợ cầm đôi đũa trúc kẹp gốc ngồng, mỗi lần kẹp lại bặm môi dưới một cái. Anh thương vợ, nhưng vẫn phải để vợ làm giúp. Anh nghe nói hợp tác xã cung tiêu đã đặt điểm thu mua ở huyện lỵ, giá năm hào một cân ta, cao hơn giá cao nhất năm ngoái. Năm ngoái, giá cao nhất là bốn hào rưỡi một cân ta. Anh biết, năm nay toàn huyện mở rộng diện tích trồng tỏi, ngồng tỏi năm nay lại tốt hơn năm ngoái, vì vậy, phải tranh thủ thu hoạch sớm, bán sớm. Trẻ già lớn bé trong thôn đều xung trận. Anh ái ngại nhìn cái bụng to tướng của vợ: “Hay là mình lên bờ nghỉ một lát!”

Vợ ngẩng lên: “Khỏi, em không mệt! Bố nó này, em chỉ sợ sinh vào những ngày này!”

Anh thấp thỏm: “Đến cữ rồi à?”

- Khoảng hai ba ngày nữa – Vợ nói – Chậm năm sáu ngày cũng được, em phải giúp mình thu hoạch xong.

- Đúng ngày là sinh à?

- Cũng có khi thừa tháng – Vợ nói – Con Hạnh đẻ chậm mười ngày.

Hai vợ chồng không ai bảo ai cùng ngoảnh nhìn đứa con gái mù đang ngồi lặng lẽ ở đầu bờ. Nó ngồi đó, hai mắt mở to như dang chăm chú nhìn cái gì, trong tay cầm ngồng tỏi ve vẩy.

Anh bảo: “Hạnh, đừng làm hỏng cái ngồng tỏi! Một ngồng giá mấy xu đấy.”

Con gái đặt cái ngồng tỏi xuống bên cạnh, hỏi: “Bố, bẻ xong chưa?”

Anh bật cười: “Xong nhanh thế thì lôi thôi to, được mấy đồng?”

- Còn sớm, mới bẻ được một ít - Vợ nói.

Con Hạnh thận trọng vuốt ve đống ngồng tỏi bên cạnh: “Ôi chao, nhiều quá, những một đống! Bán được khối tiền.”

Anh nói: “Tôi tính năm nay nhà mình được ba nghìn cân ngồng, mỗi cân năm hào, vị chi một nghìn năm trăm đồng.”

“Còn thuế” – Vợ nhắc.

- Ừ, phải nộp thuế – Anh nói – Năm nay giá thành cao. Năm ngoái giá phân hoá học hai mươi mốt đồng một bao, năm nay lên tới hai mươi chín đồng chín hào chín.

- Thế cũng suýt soát ba chục, kém có một xu – Vợ nói.

- Giá cả nhà nước đều có số lẻ – Anh nói.

- Tiền mất giá tới mức không còn là tiền nữa – Vợ thở dài – Đầu năm thịt lợn một đồng tư một cân, nay một đồng tám: trứng gà đầu năm một đồng sáu một chục quả to, nay hai đồng một chục mà lại bé tí, chị bằng quả hạnh.

- Ai nấy đều có tiền. Lão Tô ở Sở Công thương xây ngôi nhà năm gian hết năm vạn sáu nghìn đồng, khiếp thật – Cao Dương nói.

- Người ta kiếm tiền dễ – Vợ nói – Cái nghề bới đất mà ăn thì vạn kiếp vẫn nghèo.

- Phải biết thế nào là đủ chứ! – Cao Dương nói – Trước đây ăn không đủ no. Hai năm nay, ngày nào cũng có bột mì trắng, các cụ chưa khi nào được như bây giờ.

- Bố anh là địa chủ mà cuộc sống vẫn chưa bằng bây giờ sao? – Vợ anh hỏi mỉa.

- Cứt! chỉ được cái danh hảo! Nhịn ăn nhịn mặc dành được chút tiền mua ruộng. Bố mẹ tôi sống đời cơ cực. Mẹ tôi kể, trước giải phóng, mỗi năm nhà tôi ăn nửa cân dầu, cuối năm ăn hết sáu lạng!

- Có phép à?

- Không có phù phép gì hết. Nghe mẹ nói, mỗi lần xào rau, lấy đũa nhúng vào nước để nước bám trước, sau đó nhúng vào chai dầu, thả vào một giọt nước, lấy ra một giọt dầu, chẳng phải ăn nửa cân thành sáu lạng là gì?

- Xưa kia các cụ tính toán đâu ra đấy!

- Tính luôn thành địa chủ, con cái chịu vạ lây! May mà có Cụ lớn Đặng, không có Cụ thì tôi lại phải đội tiếp cái mũ địa chủ của bố mẹ tôi rồi!

- Cụ Đặng ra làm việc được mười năm rồi đấy nhỉ? – Vợ nói – Cầu trời phù hộ cho Cụ sống hêm dăm năm nữa.

- Ông cụ tinh thần cực kì minh mẫn, chắc là sống lâu.

- Em có điều rất băn khoăn, mình bảo, nhu các quan to của Nhà nước ấy, ăn thì thịt cá gà vịt, mặc thì gấm vóc lụa là, ốm đau thì thuốc men cao cấp, cứ lý mà suy, chết sao được? Vậy mà chỉ bảy tám mươi, nói chết là chất liền. Mình xem ông già thôn mình ấy, suốt đời làm quần quật, hai con trai thì bất hiếu , không được một miếng ngon, không có một áo đẹp bao giờ, hơn chín mươi tuổi còn suốt ngày ở ngoài đồng!

- Người ta mệt về tinh thần, mỏi về suy nghĩ, còn nông dân chúng mình thì làm rồi ăn, ăn rồi ngủ, vô lo nên sống lâu.

- Vậy mà chẳng ai thích làm nông dân, chỉ thích làm quan!

- Làm quan cũng không dễ, phạm sai lầm thì không bằng nông dân.

Vợ ngắt hỏng một ngồng tỏi, suýt xoa tiếc rẻ.

Cao Dương có vẻ giận, lên lớp cho vợ: “Cẩn thận một tí, mấy xu một ngồng chứ ít đâu!”

- Dữ dằn chưa kìa! – Vợ lẩm bẩm – Em có cố ý đâu!

- Thì tôi đâu có nói là mình cố ý!

………

Xe tù chạy vào chiếc cổng sơn đỏ, két một tiếng, dừng lại. Cao Dương ngã dúi lên người Mặt Ngựa, mùi tỏi tan biến, chỉ còn mùi tanh của máu.

Chương 6

Tri phủ giết cả họ, tri huyện giết cả nhà
Các ông lớn không bao giờ nói giỡn
Ông bảo trồng tỏi tôi liền trồng tỏi
Ông không mua, tôi quẳng đi đâu?


- Trích đoạn lời ca của Khấu mù hát trước cổng nhà Huyện trưởng Trọng khi tỏi bị ế, không tiêu thụ được.

Cô như mụ đi trên lưng Cao Mã, hai tay ôm chặt cổ anh. Lội qua sông Thuận Khê, cô lập tức hiểu ra rằng, mọi liên hệ với quá khứ, với quê hương, với người thân – nếu như vẫn gọi được là thân – trong gia đình, đã đứt. Tiếng gọi của bố và anh cô không nghe thấy mà do tấm lưng của cô cảm thấy. Nó như sợi chỉ có móc lưỡi câu bay theo cô, lướt trên những ngọn đay dày đặc. Cô nhắm mắt nghe tiếng soàn soạt êm ái, rẽ đay mà như đi của Cao Mã. Những cây đay nghiêng ngả không yên, rẽ ra như nước rồi nhập lại như nước. Cô có lúc như ngối trên con thuyền nhỏ – xưa nay cô chưa hề ngồi thuyền – cô thử mở mắt, mắt nảy đom đóm, nhức không chịu nổi. Cô không dám mở nữa. Cô nhắm mắt lại, cảm thấy dễ chịu trong sự mệt mỏi cùng cực. Cao Mã thở như trâu, chạy, rẽ đay – những cây đay dẻo như cánh cung – mà đi, loạng choạng, thủng thẳng mà đi. Tất cả là do cảm giác của cô, do cô cảm thấy. Trong đầu cô, mặt trời đỏ lựng lặn chậm lại, đất trời mờ mịt, vũ trụ mênh mông. Mấy con chữ nhảy ra, chữ rất lạ, cô không hiểu nghĩa và cũng không nhớ được đã trông thấy chúng ở đâu. Các con chữ biến mất. Trời và đất là như vậy, rất đàng hoàng. Biển đay mênh mông nghiêng ngả, dập dềnh trước làn gió hoàng hôn mát lạnh. Cô cảm thấy cô và anh như hai con cá không biết bơi.

Cây đay, cây đay, những cây đay! Các người cản anh ấy, các người cản tôi, các người chúm chím cái miệng xanh sẫm, nheo cặp mắt bé tí đen láy, các người cười hì hì quái gở, các người chìa chân ra hại ngầm tôi.

Cao Mã ngã sóng soài, dù có tấm đệm là cơ thể anh, nhưng cô vẫn cảm thấy lực đàn hồi của những cây đay.

Cánh đồng đay mênh mông, dập dềnh như sóng biển che khuất hai người. Cô không dám mở mắt ra, cô buồn ngủ. Cô rơi vào trạng thái lâng lâng, tất cả những vật thể phát ra tiếng động đều lùi xa, rất xa, chỉ còn lại những cây đay ấm áp, chỉ còn lại sự dịu dàng mát lạnh tràn ngập giác quan cô.

Những tiếng rì rào như sóng đánh thức cô dậy. Âm thanh như những mũi kim chọc vào người, cô tỉnh ngủ. Cô nhìn thấy đầu tiên là khuôn mặt khô rám của Cao Mã dưới luồng ánh sáng màu vàng chanh đặc quánh. Sắc mặt màu bánh mật, môi khô nẻ, mắt quầng thâm, tóc rối như ổ quạ. Cô sững sờ. Lúc này, cô mới phát hiện bàn tay to bè của anh đang nắm chặt cánh tay cô. Cô nhìn anh một thoáng, chợt cảm thấy anh vô cùng xa lạ, như chưa từng gặp bao giờ. Vậy mà con người xa lạ này lại đang cầm tay cô. Cô sợ, có cảm giác mình đang phạm tội, nghĩ vậy, cô đâm hoảng. Cô gỡ tay ra, co người lui lại, hàng đay cao o, chắc khoẻ phía sau chắn lưng cô. Những tia nắng màu vàng kim di động trong kẽ lá. Nhgữn lá hình chân gà khẽ rung rinh như đang mách bảo cô điều gì đó.

Đúng là tiếng gọi của bố, giọng khản đặc: “Cúc ơi… Cúc! Cúc ơi!...” Cô đứng phắt dậy, túm tay Cao Mã. “Cúc ơi Cúc… Cúc ơi Cúc!...”, đó là tiếng của anh Cả, lảnh lói, giận dữ điên cuồng. Tiếng gọi của bố và anh Cả trườn trên ngọn đay mà đến, trườn trên ngọn đay mà lan xa. Cao Mã lồm cồm ngồi dậy, mắt tròn xoe như con chó bị dồn đến chân tường.

Cả hai nín thở. Tiếng rì ráo của đay, tiếng gọi từ con đê bờ bắc vọng tới, khiến cảnh tranh tối tranh sáng ở đây yên tĩnh lạ thường. Cô nghe rõ tiếng tim đập.

“Cúc ơi… Cúc… Cúc ơi Cúc… Cúc ơi Cúc! Con mất dạy! Mày mưu toan giết anh mày!...”

Cô gần như trông thấy bố khóc. Cô gạt tay Cao Mã, đứng lên, mắt mọng nước.

Tiếng gọi của bố càng thảm thiết. Cô thưa lên một tiếng. Cao Mã vội giơ bàn tay hộ pháp bịt miệng cô. Bàn tay Cao Mã toàn mùi tỏi. Cô giãy giụa, miệng ú ớ, tay cào cấu lung tung. Cao Mã kẹp ngang thắt lưng cô, lôi cô chạy. Cô túm tóc Cao Mã, nghe thấy anh hít ngược một cái, bỏ tay bịt miệng cô ra, đồng thời cô cảm thấy móng tay cô cấu đứt cái gì đó. Một dòng máu đỏ tươi từ mái tóc Cao Mã chảy xuống lông mày cô.

Cô chồm lên cổ anh, hốt hoảng: “Anh làm sao thế này?”

Anh dùng bàn tay lau trán cho cô, nói: “Em cấu bật cái sẹo trên đầu anh, cái sẹo do hai ông anh quí hoá của em nện anh bằng ghế đẩu.”

Cô áp má vào bờ vai anh, thổn thức: “Anh Mã… chỉ tại em… Vì em mà anh bị liên luỵ!...”

- Không ai trách em, tự anh gây ra đấy chứ. Cúc này, anh nghĩ chín rồi… Em về nhà đi!...

Cao Mã ngồi xổm, hai tay ôm đầu.

- Không! Anh ơi… - Cô quì xuống ôm lấy đầu gối anh, mặt ngửa lên – Anh, lòng em đã quyết! Dù phải chống gậy đi ăn mày, em cũng theo anh!

Mặt trời lặn, màu sắc nhạt đi, làn khí nhẹ vương trên những ngọn đay, qua làn khí nhẹ, họ trông thấy trên bầu trời xanh nhạt xuất hiện mười mấy ngôi sao to bằng nắm tay.

Kim Cúc bị vấp chúi người đi. Cô than thở: “Anh, em bước không nổi nữa!”

Cao Mã cầm tay kéo cô dậy, bảo: “Đi mau, bố và anh Cả sẽ gọi người đến bắt chúng mình.”

- Em bước không nổi nữa! – Kim Cúc vừa nói vừa khóc.

Cao Mã buông tay, đi một vòng xung quanh.

Côn trùng kêu ri rỉ trong ruộng đay, tiếng chó sủa mơ hồ từ một bản xa vọng tới.

Cô nằm, nửa thức nửa ngủ, chân sưng tấy, đau buốt. Cao Mã bảo cô: “Ngủ đi, cánh đồng cói này ít nhất cũng năm nghìn mẫu, ngoại trừ họ đến cục công an điều chó béc giê đế. Ngủ đi!”

Lúc nửa đêm, cô tỉnh giấc, mở mắt thấy trời đầy sao. Các ngôi sao đều nháy mắt, vẻ bí hiểm. Từng giọt sương nặng nề rơi xuống thảm lá đay khô vàng dưới đất, vang lên những tiếng lộp bộp. Côn trùng kêu inh ỏi, nhu có người lấy mảnh tre quẹt lên dây đàn bằng kim loại. Cánh đồng đay cũng rì rào như sóng biển. Những con sóng dịu dàng liếm cát, phát ra những tiếng rì rào thần bí. Cô nhớ tới những khối tiêu thạch đen sì sừng sững trên mặt biển, những con thuyền với cánh buồm trắng tinh, nhu đang đi, như đứng yên. Cô nhìn biển, nhìn đến chóng mặt. Ngước nhìn trời xanh thăm thẳm, Cô phát hiện bầu trời đang xoáy trôn ốc. Nằm trên cánh đồng đay, cô có cảm giác như ngồi thuyền . Cô nghĩ, ngồi thuyền cũng chỉ như thế này. Cây đay toả ra mùi ngai ngái, đất ẩm đẩy mùi tanh lên, hai con chim ăn đêm bay giữa từng không, tiếng vỗ cánh nghe rõ mồn một, tiếng kêu nhọn hoắt quái gở, xuyên thủng mây mù, cắm xuống cánh đồng. Cô muốn trở mình, nhưng cơ thể nặng chịch, chân tay tê cứng. Rất nhiều tiếng động khe khẽ như có vô vàn thú nhỏ đang rón rén đi lại, mắt chớp lửa lân tinh, cô sợ.

Cô cố gắng hết sức mới ngồi dậy được, nửa đêm về sáng của tiết thu, lạnh kinh người. Chân tay cô tê cúng vì lạnh. Cô chợt nhớ có lần mẹ nói, ngủ đêm ngoài đồng sẽ mắc bệnh hủi do nhiễm lạnh của sương và khí đất. Cô ân hận quá. Đâu còn chiếc giưòng ấm sực, đâu còn tiếng chuột chít chít trên xà nhà, đâu còn tiếng dế ri rỉ dưới chân tường, và cũng không bao giờ còn nghe thấy tiếng nói mơ của anh Cả và tiếng ngáy của anh Hai ở gian ngoài. Cô nhớ nhất là chiếc giường ấm áp vương mùi khói bếp.

Những chuyện xảy ra ban ngày lại ùa tới, những chuyện đã qua lại trở về trong kí ức, cô sợ ban đêm, cô sợ ban ngày, cô cảm thấy mình hết sức vô lý, cô hận Cao Mã.

Cao Mã ngồi cách cô ba bước chân, mắt đã quen với bóng đêm. Sao rất sáng, lá và thân đay lấp lánh màu xanh lục. Cô trông thấy anh ngồi, hai tay bó gối, đầu gối lên tay. Anh ngồi yên, như không thở, y hệt một ảng đá. Con người này giờ đây trở nên vô cùng xa lạ, cô cảm thấy rất cô đơn. Những đốm sáng mắt xanh áp sát từ ba bề bốn bên, những móng vốt sắc nhọn đạp trên lá khô chói tai. Sống kưng lạnh toát. Một cái miệng đầy lông lá đã chạm sau gáy. Cô hét toáng lên.

Cao mã bật dậy, xoay tròn hai vòng như con gà trúng gió, đám đay va quệt ngả nghiêng, những đốm lửa xanh lấp lánh xung quanh anh:

- Gì thế?

Đây là một người đàn ông, không phải một hòn hòn đá lạnh, vô tri vô giác. Cái giọng thảng thốt của anh đã thức tỉnh cô. Cô cảm nhận được sức nóng toả ra trên người anh, luồng ớn lạnh sau lưng thôi thúc cô bật dậy, nhào vào lòng anh.

- Anh… em sợ!... Em lạnh!...

- Cúc, đừng sợ… đừng sợ!...

Hai cánh tay ôm chặt eo cô. Sức mạnh của hai cánh tay đã gợi nhớ ký ức nhục thể một năm về trước, khi ấy miệng anh tìm miệng cô. Giờ đây cô không còn tâm trạng hưởng ứng sự khêu gợi của anh . Môi anh nóng bỏng, miệng anh quả thực có mùi tỏi đã lên men.

Cô ngoảnh mặt đi, ôm hôn anh bằng ý thức.

- Em lạnh… em tê cứng cả người rồi!...

Cao Mã buông cô ra, cặp chân cô rũ xuống. Trong bóng đêm mờ mờ tối, những đốm xanh nhảy múa, đốm hình tròn, đốm hình thoi. Cao Mã cúi nhặt chiếc áo khoác ở chỗ cô nằm. Anh rũ áo, những chấm xanh bắn tung toé, bám trên cây đay, nở ra co lại, sáng lên mờ đi.

Cao Mã khoác áo lên người, áo bị ẩm, nặng chịch, mùi lông chó xộc vào mụi cô.

Cô ngồi xuống, ngồi lên hai chân duỗi thẳng của anh ấy – Về sau, cô nhớ lại – Hơi thở nóng hổi của anh phả vào mặt, không thích vì nó có mùi tỏi. Trời không tối lắm nên không rõ khuôn mặt có nước da bánh mật của anh, những đốm lửa xanh đập trên nước da bánh mật. Cô bảo: “Chân em, tay em tê dại hết rồi!...”

Cao Mã dặt cô nằm dài trên mặt đất, rồi dùng hai bàn tay hộ pháp xoa bóp chân, tay., mười đầu ngón tay, mười đầu ngón chân, mỗi cơ bắp đều được day, mỗi đốt xương đều được ấn, tay anh xoa đến đâu, nơi đó rân rân như chạy điện, tay anh xoa đến đâu, nơi đó nóng ran như chèm lửa. Cảm giác ấm áp chạy từ chân lên đầu rồi từ đầu xuống chân. Cô nheo mắt chộp những đốm lửa xanh. Anh cởi trần, đương nhiên lộ hết xương xẩu, hai núm vú đàn ông đen đen bằng hạt đậu hấp dẫn cô, cô nẩy ra ý muốn véo nó một cái. Sau đó cô véo thật.

Anh tiếp tục xoa bóp cho cô. Cô cảm động vì việc làm của anh. Bàn tay anh lúc nặng lúc nhe, lúc mau lúc thưa. Anh đã bắt đầu thở phì phò, tim đập nhanh hơn, cô quên sạch những chuyện cô vừa nghĩ ban nãy. Người cô nóng ran. Lúc này cô cảm thấy người anh lạnh và ẩm, hơi thở từ miệng anh man mát mùi bạc hà. Cô mong đợi điều gì đó.

Bàn tay anh bắt bò trên da cô. Cô hơi sợ nhưng lại tò mò. Cô giơ hai tay để tự vệ theo bản năng, lại hoá ra có ý mời mọc. Lúc này, anh đang xoa bóp đầu vú cho cô. Như bị điện giật, cô rúm người lại, những sóng điện chạy lan khắp cơ thể.

Trên người anh toàn những chấm sáng mờ mờ, những cây đay xung quanh đầy những chấm sáng xanh, chúng nhảy múa, bay lượn, vẽ những vòng cung đẹp, lung linh, những đốm sáng xanh trùm lên người anh, cả trên răng cũng có.

Cô nghe thấy tiếng cô rên.

… … Những đốm xanh nhiều đến thế, đom đóm nhiều đến thế. Những đốm xanh còn phát ra tiếng kêu như toếng dế khi bay.

Có lúc cô rướn người lên chộp lấy những đốm xanh, tay cô vòng trên người anh. Chúng không chỉ màu xanh, mà biến ảo khôn lường, lúc xanh, lúc đỏ… lại xanh… lại đỏ… Cuối cùng là rực rỡ màu vàng kim.

Họ tỉnh giấc lần thứ hai, là lúc tối lại trước bình minh. Cô cảm thấy chỉ khi nằm trong lòng anh mới là thật, rời khỏi anh, tất cả sẽ biến mất. Cũng chỉ nằm trong lòng anh, cô mới trông thấy những chấm xanh đẹp đẽ kia.

- Anh, anh mệt lắm phải không? Trong người có sao không?

Miệng anh toàn mùi bạc hà, anh thổi chúng vào tai cô.

Ánh sao ngọc bích nhấp nháy, lúc có lúc không. Sương đậm, mùi tanh của đất bùn càng đậm. Bọn côn trùng đã mệt mỏi đi ngủ. Những cây đay lặng im, tiếng sóng rì rào lan tới. Cô rúc đầu trong nách anh, mắt ướt đẫm. Tiếng sóng khiến cô cảm thấy an toàn, cô ôm cổ anh, ngủ thiếp.

Lúc trời sáng, đàn chim ríu rít trên không, sương long lanh trên lá đay, những phiến lá đầy sức sống, đầu nhọn chĩa thẳng lên trời. Thân đay có loại màu hồng, có loại màu vàng nhạt, cây nào cũng thẳng đuột, cây nào cũng cao ráo. Ánh nắng ban mai màu hồng xuyên qua kẽ lá, soi tỏ khuôn mặt Cao Mã. Nét mặt anh thanh thản, cặp mắt như không giấu được niềm vui. Giờ đây cô cảm thấy không thể xa anh. Sức mạnh toát ra từ cơ thể anh hấp dẫn cô, mắt cô chạy theo những ý nghĩ trong đầu. Nhớ lại chuyện hồi đêm, tim cô lại rộn lên, máu dồn lên mặt. Cầm lòng không đậu, cô lại ôm choàng lấy anh, cắn nhẹ lên gáy anh, ngốn ngấu liếm dòng nước miếng đục ngầu vì bụi ở cổ. Cô cắn nhẹ động mạch nổi rất to trên cổ anh, cảm nhận được nó đang chuyển động, sức mạnh của nó khiến cô ngây ngất, khó mà kìm giữ bản thân. Cô cắn, cô liếm, cô kẹp nó giữa hai môi. Cô cảm thấy mọi bộ phận trong người như nở Hoa. Lúc này, cô bảo: “Anh Mã… anh Mã… có chết cũng không chết uổng nữa!...”

Sương trên lá đay rớt tí tách, thân cây như bôi một lớp mỡ,sáng loá. Hơi nước dâng lên, ánh nắng trộn dần vào hơi nước màu sáng trắng. Phía sau họ, con chim cút kêu, tiếng kêu dài, vướng, hình như loài chim kỳ dị này cắm mỏ trong đất mà kêu. Trước mặt họ cũng có một con cút kêu. Không khí ban mai như đọng lại, những cây đay đứng sững, im lìm như san hô ngâm trong nước biển Đỏ.

Anh đẩy cô ra, bảo: “Chúng mình ăn chút gì đi!”

Cô mỉm cười, nghiêng mình ngắm những đốm sáng màu xanh và vàng kim dày đặc, nhảy múa, toàn bộ ý thức tập trung vào một điểm nhỏ xíu tận cùng trong đầu, ở đó vang lên tiếng sóng vỗ, xa xôi và thần bí. Cô muốn được chìm đắm mãi mãi trong cái thế giới đó, thân thể bất động, nín thở, cái điểm nhỏ xíu lăn đi như một giọt thuỷ ngân, dừng lại, rung rinh, chuẩn bị lăn tiếp bất kể lúc nào.

- Kìa, dậy đi! Ăn chút gì đi! – Cao Mã bóp nhẹ cổ tay cô.

Giọt thủy ngân biến mất, trước mắt cô là cây đay và ánh nắng. Cô bực mình, nhưng tìm không ra lý do để trách anh.

Cao Mã lôi từ dãy vải màu xanh mấy cái bánh tráng và một nắm ngồng tỏi héo cả gốc lẫn ngọn. Anh ngắt bỏ phần gốc và phần ngọn, chỉ còn lại khúc giữa có màuxanh, đưa cho Kim Cúc.

Cô lắc đầu. Cô vẫn đang chìm trong hạnh phúc, đang cố nắm bắt nó. Mùi tỏi quấy rầy cô, cô không thích mùi tỏi.

- Ăn mau lên, mình còn phải đii – Cao Mã nói.

Cô cầm miếng bánh, do dự không ăn, đợi khi Cao Mã ăn một miếng, cô mới ghé răng cắn một miếng. Bánh tráng dai đến mức giống hệt một miếng vải đay ngâm nước lạnh. Các thớ thịt trên mặt Cao Mã chuyển động, cô nghe thấy anh nhai tỏi sống rau ráu. Cô cũng cắn một miếng tỏi. Nó rất lạnh và tron, két một miếng như cạo tinh tre. Nước bọt tứa ra đầy miệng, cô không sao chịu được mùi tỏi sống, lạnh va hắc.

Cao Mã ăn như rồng cuốn, vừa ăn vừa thở nặng nhọc. Anh còn đánh một tiếng rắm rất to. Cô ngán ngẩm quay mặt đi, quẳng miếng bánh vào trong đẫy, miếng bánh tráng vỡ ra để lộ ngồng tỏi bên trong.

- Em sao thế? – Cao Mã cuống quýt hỏi, kẽ răng dính một sợi ngồng.

- Không sao cả, anh ăn đi! – Cô nói nhỏ. Cô lại cảm thấy xa lạ người đàm ông ăn tỏi này.

Cao Mã vội vã ăn hết một cái bánh tráng, cuốn lại miếng bánh cô vứt trong đẫy, miệng nói: “Không ăn thì thôi, đến huyện lỵ Thương Mã mua cái gì ngon ngon cho em.”

- Anh Mã, chúng ta đi đâu? – Cô hoang mang hỏi.

- Đến Thương Mã, đi xe tốc hành đến chợ Lan, rồi lên tàu đi Đông Bắc. Chắc anh của em đang đợi chúng mình ở ga Thiên Đường! – Anh tỏ ra thâm hiểm – Cho âm mưu của họ phá sản!

- Đi Đông Bắc rồi làm gì? – Cô lại hỏi, vẫn hoang mang.

- Mình đi huyện Mộc Lan tỉnh Hắc Long Giang, anh có một chiến hữu hiện là Phó Huyện Trưởng, nhờ anh ta tìm cho một việc gì đấy – Cao Mã đã dự kiến đâu vào đấy.

Anh lại nhai nhồm nhoàm và lại đánh một tiếng rắm rõ to.

Cô cũng không hiểu tại sao cô lại bật cười.

Cao Mã đỏ mặt, ngượng nghịu: “Anh sống độc thân mất nết quen rồi, em đừng cười anh.”

Cô lập tức bỏ qua, nói với anh như nói với một đứa trẻ: “Ai mà chả thế, ăn ngũ cốc ai mà không đánh rắm.”

- Phụ nữ thì sao? Phụ nữ có đánh rắm không? – Cao Mã hỏi – Anh không sao tưởng tượng nổi một cô gái đẹp như em mà lại đánh rắm.

- Thế phụ nữ không phải là người à?

Những giọt sương không còn nữa. Cánh đồng phía Bắc có tiếng kêu giật giọng của một con lừa.

- Mình dám đi ban ngày à? – Kim Cúc hỏi.

- Dám. Cứ mạnh dạn là vô sự. Nơi này cách huyện lỵ Thương Mã ba mươi dặm, đi ba tiếng đến nơi. Khi các ông anh của em đuổi đến Thương Mã thì chúng mình đã đến chợ Lan từ đời nào rồi!

- Em không muốn đi! – Kim Cúc nói – Khi em đã là người của anh, có lẽ bố mẹ em sẽ nghĩ lại.

- Cúc ơi, có mà nằm mơ! Bố mẹ em không đập chất em mới là chuyện lạ!

- Mẹ còn thương em lắm – Kim Cúc nước mắt vòng quanh.

- Mẹ đâu có thương em! Mẹ thương anh trai em, coi em như đồ vật để đổi chác – Cao Mã nói – Có đúng là em định ăn ở với Lưu Thắng Lợi suốt đời không? Đừng ngốc, hãy nghe lời anh, đi với anh. Chiến hữu của anh là Phó Huyện trưởng, em thử nghĩ, một Phó Huyện trưởng quyền to lắm chứ! Chỉ một câu là chúng ta có công ăn việc làm. Hồi ở bộ đội, bọn anh thân nhau như anh em ruột.

- Anh Mã, em đã cho anh tất cả. Giờ em như con chó, anh gọi một tiếng là em chạy theo…

- Cúc ơi – Cao Mã ôm vai cô – Cao Mã này dù có phải đi bán máu thì cũng phải để em sống sung sướng.

- Anh, ta cứ ôm nhau như thế này mà chết… Anh cho em chết đi!...

- Cúc, chúng mình không chết, chúng mình phải vượt qua đận này, phải sống như một con người để các cụ mở mắt ra mà trông!

Cô nhìn nét mặt người tình, nét mặt kiên cường tới mức tàn nhẫn, bất giác đưa tay sờ vết sẹo trên trán anh, âu yếm: “Còn đau không?”

- Đau ở đây – Cao Mã cầm tay cô đặt lên ngực anh.

- Cô dúi mặt vào nơi có trái tim đập thình thịch, nói: “Anh, em làm khổ anh quá!... Các anh em dữ như hùm sói…”

- Cũng chẳng nên trách cứ họ – Cao Mã độ lượng – Họ cũng vất vả lắm.

- Chà, anh nhớ ra rồi – Cao Mã tươi như hoa – Em còn nhớ cái hôm cắt lúa hộ em hồi năm ngoái không? Hôm ấy anh có nói là thay pin cái cátsét để nghe hát, vậy mà chẳng có lúc nào gặp. Bây giờ nó là của em, em nghe đi!

Cao Mã mở đãy, lôi cátsét ra khỏi hộp giấy. Anh bật công tắc, loa có tiếng sẹt sẹt, một giọng nữ cất lên: Trang rằm soi tỏ miền quê, soi tỏ đường quam. Đêm trăng thanh vắng, em nhớ anh và anh nhớ em…

- Băng này mới, tiếng hát của Đổng Văn Hoa đấy! – Cao Mã nói – Đổng Văn Hoa cũng đi bộ đội, quân khu Thẩn Dương, người không cao, béo ròn, rất dịu dàng.

- Anh gặp cô ta rồi à? – Cô hỏi.

- Trông thấy trên tivi – Cao Mã nói – Nhà Tôn Báu mới mua ti vi màu. Năm nay nhà hắn trồng sáu mẩu tỏi, riêng ngồng đã bán được hơn năm ngàn đồng. Tỏi thu nhập cao, sang năm sẽ tăng diện tích trên toàn huyện.

Cao Mã cắm phích nghe vào máy, âm thanh đột nhiên biến mất. Kim Cúc hơi ngỡ ngàng, Cao Mã mắc tai nghe vào tai cô: “Thế này nghe hay hơn.”

Cô trông thấy Cao Mã lấy từ đãy ra một phong bì bằng giấy dầu, trong có một xấp tiền loại mười đồng.

- Những gì bán được anh đã bán tất. Nhà thì nhờ anh Thuỷ trông hộ… Có thể ở Đông Bắc vài năm rồi chúng mình trở về…

Cô nghe một giọng nữ gào lên trong ấy: A Li Ba Ba… Hây! A Li Ba Ba… Hây! A Li Ba Ba là một thanh niên vui tính.

Chương 7

Mười rằm trăng máu, mười sáu trăng tròn
Qua ngày mười sáu, trăng khuyết một bên.
Bán được tỏi nhà nhà hoan hỉ
Bán không được tỏi nhà nhà phát điên.


- Trích đoạn Khấu mù hát trước đám người bán tỏi.

Cao Dương bị giam trên buồng tạm giam ở Công an huyện. Khi ấy anh chưa biết đây là nơi nào, nhưng hai cánh cổng sơn đỏ thì đã để lại trong lòng anh một ấn tượng cực kỳ sâu sắc. Trước đây đi bán tỏi, anh đã từng đi qua trước cổng này. Lần đầu đi qua, anh còn nhớ bên ngoài cổng có một con hào kiểu như hào bảo vệ thành, lòng hào có ít nước bẩn, đen kịt, trong nước có mấy cây cỏ vật vờ, không ra chết cũng chẳng ra sống. Huyện lỵ chồ nào cũng ồn ào, duy chỉ nơi đây là vắng tanh vắng ngắt. Lần thứ hai, anh trông thấy một ông già mặc áo lụa trắng, cầm sào trúc, đầu sào có buộc mộ cái vợt làm bằng vải màn, đang vớt những cỏ giun đỏ dưới nước. Bạn đồng hành nói ông vớt để nuôi cá vàng.

Cảnh sát mở khoá còng, hai tay anh được giải phóng, tuy hai cổ tay bầm máu, hằn sâu đến mức khó coi, nhưng anh vẫn cảm động suýt khóc. Đồng chí cảnh sát đeo còng vào thắt lưng, đẩy anh một cái, bảo: “Vào đi!” Anh chúi người về phía trước, thế là vào. Cảnh sát trỏ chiếc giường trước cửa sổ, bảo: “Ngủ ở đây, từ nay về sau mày là số chín”.

Một thanh niên cùng phòng nhảy cỡn, vỗ tay hoan hô: “Hoan nghênh chiến hữu mới! Hoan hô chiến hữu mới!”

Cửa sắt đóng sầm một tiếng, cậu thanh niên chành miệng làm thanh la, kêu phèng phèng, múa may quay cuồng trong một không gian chật hẹp. Cao Dương e ngại nhìn cậu thanh niên. Cậu ta đầu trọc, nhưng trên đầu lồi lõm nhiều quá, tông đơ không thể ủi sát chân tóc những chỗ lõm, thành ra đầu cậu ta mảng trắng mảng xanh, rất khó coi. Cậu ta múa, cậu ta xoay, Cao Dương lúc thì trông thấy khuôn mặt gầy guộc xanh xao, lúc lại thấy tấm lưng đầy nốt ruồi đen, cậu gần như không có mông đít. Nhìn cậu nhảy nhót, Cao Dương lại nhớ tới con rối bằng bìa cứng, điều khiển bằng dây, bóp một cái là nó nhào lộn.

Bên ngoài có người dùng vật gì đó gõ mấy nhát vào cửa, đồng thời có tiếng gọi. Thoắt cái một khuôn mặt chữ điền hiện ra ở chỗ cửa sổ cao sát trần. Chính là khuôn mặt ấy quát lớn: “Số 7, phá phách gì thế?”

Cậu thanh niên ngừng nhảy, giương cặp mắt xám nhìn khuôn mặt kia, nói: “Báo cáo Chính phủ, tôi không phá!”

- Mày múa may gào thét cái gì thế? – Khuôn mặt ngoài cửa sổ nghiêm giọng nói, Cao Dương thấy ánh thép của lưỡi lê.

- Tôi tập thể dục.

- Thằng khốn, đây là nơi cho mày tập thể dục hả?

Cậu thanh niên hứ lên môt tiếng, chỉ vài bước đã vọt tới cửa sổ, tru tréo: “Chính phủ chỉ thích chửi người! Lãnh tụ vĩ đại Mao Chủ tịch đã dạy chúng ta: “Không đánh người chửi người!” Mời trưởng phòng đến đây, hỏi xem vì sao ông chửi người?”

Tay lính gác được gọi là Chính phủ giơ báng súng giộng vào bậu cửa sổ cáu: “Nên biết điều một chút, nếu không, tao gọi giám thị còng tay cùm chân lại bây giờ!”

Cậu thanh niên ôm đầu chạy về giường của mình, miệng leo lẻo: “Chính phủ ơi Chính phủ, bác ơi là bác, tôi không dám thế nữa, tôi rút lui rồi!”

- Mẹ kiếp, đồ giòi bọ! – Tay lính gác chửi, khuôn mặt biến khỏi cửa sổ.

Cao Dương nghe thấy tiếng giầy đinh của anh ta nện côm cốp trên hành lang.

Cái hành lang này dài như không bao giờ hết, tiếng côm cốp cũng không bao giờ hết. Cao Dương nhớ lúc xuống xe tù, bị đồng chí cảnh sát dẫn vào buồng đen như hắc ín, một cảnh sát nêu cho anh nhiều câu hỏi, còn bảo anh: “Từ nay mày là số chín”. Sau đó, anh đi trong hành lang dài dằng dặc, qua rất nhiều cửa sắt, rất nhiều ô cửa sổ thấp thoáng những bộ mặt trắng bệch như tờ giấy và cũng mỏng như tờ giấy, gần như có thể thổi một cái là rách.

Anh còn hoảng hốt khi nhớ lại Mặt Ngựa bị lôi xuống xe, chiếc áo cảnh phục trước sau vẫn quấn kín đầu. Sau đó hình như khiêng đến một cái cáng, khênh cậu ta đi. Anh cố hình dung kết cục của Mặt Ngựa,nhưng càng nghĩ càng rối rắm,đành thôi.

Buồng giam tối mò, nền nhà màu xám, giường màu xám, những bô sắt đựng cơm cũng màu xám, một tia nắng chiều lọt qua cửa sổ, bôi lên tường màu tía. Nhìn qua cửa sổ, tầm mắt đập ngay phải chiếc cần cẩu, trên đỉnh có buồng kính vuông vắn, lấp loá dưới nắng. Một đàn bồ câu màu vàng kim ngoặt gấp qua buồng nhỏ bay đi, tiếng sáo vo vo khiến Cao Dương run bắn. Lát sau, đàn chim bay trở lại, tiếng sáo vẫn như cũ, khiến anh lại run lên.

Giữa lúc Cao Dương đang ngẩn ngơ, một ông già lom khom đi tới, những ngón tay co quắp chạm vào Cao Dương, giọng the thé: “Thuốc lá… thuốc lá… mới vào à? Có thuốc lá không?”

Cao Dương chân đất, lưng trần, chỉ mặc mỗi chiếc quần lửng. Những ngón tay bẩn thỉu nhớp nhúa của lão sờ vào người khiến anh nổi da gà, hận nỗi không thể gào toáng lên.

Lão sờ nắn hồi lâu không kiếm chác được gì, bèn lặng lẽ bỏ về, nằm co quắp trên giường của lão. Một người trạc tuổi trung niên, giọng ồm ồm: “Chú mày phạm tội gì thế?”

Buồng tối nên không nhìn rõ mặt người hỏi. Anh chỉ nghĩ, người hỏi phải tuổi trung niên. Ông ta ngồi trên nền xi măng, cái đầu to tướng gối lên thành giường. Anh hơi sợ, lí nhí: “Tôi… tôi cũng không rõ phạm tội gì?”

- Nói vậy là bảo chính phủ bắt oan chú mày phải không?

- Tôi không nói chính phủ bắt oan - Cao Dương phân trần.

- Nói bậy! – Loáng thoáng thấy ông ta giơ ngón tay đen sì lên, vẻ hung hãn – Không che mắt ta được đâu, mi phạm tội hiếp dâm!

- Cao Dương đỏ mặt vì thẹn: :Không đúng… Tôi có vợ con, sao làm cái chuyện xấu xa đó!”

- Dứt khoát là mi phạm tội ăn cắp! – Ông ta lại nói.

- Tôi không ăn cắp, bốn mươi tuổi đầu rồi, tôi chưa hề đụng đến cái kim sợi chỉ của ai – Cao Dương nổi cáu.

- Vậy… vậy mi phạm tội giết người!

- Ông mới là tên giết người!

- Chính ta là tên giết người – Chưa chết, ta nhắm đầu nó vụt một gậy, nó toạc đầu. Người ta bảo, não bị chấn thương. Cứt! Não mà chấn thương!

- Một hồi còi lanh lảnh vang lên ngoài hành lang, cắy ngang câu nói của ông ta.

- Ăn cơm! – Một giọng khàn khàn thông báo – Đưa chậu ra!

Lão già hồi nãy sờ nắn Cao Dương, lôi dưới gầm giường hai cái chậu gốm màu xám, đùn chậu ra ngoài qua một lỗ vuông đục dưới cửa sắt. Lúc này, buồng giam sáng hẳn lên, anh mới phát hiện buồng giam hẹp mà cao,một ngọn đèn điện nhỏ xíu – chỉ bằng củ tỏi – gắn trên trần màu xám, như một ngôi sao lơ lửng giữa trời. Trần nhà rất cao, hai tầm người vẫn chưa với tới. Anh không hiểu vì sao phải làm trần nhà cao đến thế? Rất khó cho việc lắp bóng điện. Cách bóng điện khoảng nửa thước về phía bắc là một cửa sổ lộ thiên nhỏ xíu, chắn bằng những tấm hép, tấm nọ chồng lên tấm kia. Đèn sáng, hơn chục con nhặng xanh to tổ bố vù vù bay lượn khiến Cao Dương cực kì ngán ngẩm. Anh còn trông thấy trên bốn bức tường có rất nhiều nhặng xanh đang đậu.

Tay trung niên tự xưng là kẻ giết người – quả nhiên hắn đã đứng tuổi – cấm chắc chiếc chậu sứ ở đầu giường, dùng lòng bàn tay lau cặn thức ăn trong chậu, rồi một tay bê chậu, một tay cầm đôi đũa màu đỏ gõ theo nhịp vào thành chậu. Cậu thanh niên gầy nhom lôi chậu dưới gầm giường quẳng lên bệ xi măng. Cậu không gõ bát, nhưng ra sức mà vươn vai, ngáp sái cả quai hàm, nước mắt nước mũi ràn rụa.

Phạm đứng tuổi đá cậu thanh niên một đá. Hắn đi đôi giày da lộn rách, nặng dễ đến tám cân, những chỗ rách trên ống quần để lộ nước da đen sì và lông chân màu vàng. Cú đá trúng xương đùi, chắc rất là đau, cậu thanh niên rú lên một tiếng đau đớn, nhào lên giường, ôm chân hỏi: “Tên sát nhân, sao ông lại đá tôi? Ông là đồ độc ác!”

Phạm đứng tuổi nhe hàm răng chắc khoẻ đen sì, cười gian ác: “Bố mày chết sớm phải không?”

- Bố ông mới chết sớm! – Cậu thanh niên trả lời.

- Bố tao – con bọ già – chết sớm rồi! – Tên phạm đứng tuổi nói.

Cao Dương buồn tình: “Sao lại gọi bố đẻ là con bọ già?”

- Tao hỏi bố mày chết sớm rồi hả?

- Bố tôi đang sống nhăn – Cậu thanh niên trả lời.

- Vậy bố mày không tốt, cũng là đồ giòi bọ! Lão không biết dạy mày không được ngáp trước mặt người khác!

- Vươn vai ngáp thì đã sao?

- Mày vươn vai ngáp trước mặt tao là đem lại rủi ro cho tao –Tên phạm đứng tuổi nói nghiêm chỉnh, nhổ một bãi nước bọt, rồi lấy chân trái dẫm lên ba cái.

- Sao ông lắm tật thế? – Cậu thanh niên nắn xương đùi, chửi khẽ: “Tử hình tên giết người!”

Tên phạm đứng tuổi cười tinh quái: “Tao chưa đáng bị bắn. Những kẻ đáng bị bắn đều ở buồng cách ly.”

Lão phạm già sau khi đùn hai cái chậu ra ngoài lỗ vuông, cứ liên tục liếm mép như một con thằn lằn, khiến Cao Dư¬ong chết khiếp. Anh sợ hàm răng sứt mẻ không còn là răng của lão, sợ cả cặp mắt viền vải tây, nháy lia lịa của lão.

Hành lang yên tĩnh, chỉ có tiếng môi sắt chạm thùng sắt tây. Lão già vươn vai, đến chỗ cửa sổ vừa cao vừa bé, tay bám gờ cửa nhìn ra ngoài. Lão thấp lùn, có lẽ chẳng nhìn thấy gì Lão thong thả đến bên cửa sắt vò đầu bứt tóc như khỉ. Sau đó, lão nằm rạp xuống đất, nghiêng mặt ngó ra ngoài, có lẽ ngoại trừ hai cái chậu, lão không nhìn thấy cái gì khác. Lão ngồi dậy tiếp tục liếm mép và nháy mắt lia lịa.Cao Dương chán ngán không buồn nhìn lão, anh quay mặt đi.

Cuối cùng, tiếng môi sắt chạm thùng vang lên đã gần. Lão phạm già liếm mép va chớp mắt càng dữ. Tên phạm đứng tuổi và cậu thanh niên cũng cầm bô ra đứng đợi ở cửa.

Cao Dương chẳng biết làm gì, anh ngồi yên lặng trên chiếc giường thấp, ngắm con rết trên bức tường trước mặt.

Tiếng động đã ngay ngoài cửa, lại còn có cả tiếng của anh lính gác chửi người ban nãy: “Sư phụ Hàn, buồng này mới thêm một người, số chín.”

Có lẽ ông Hàn sư phụ dùng môi sắt gõ vào cửa, nói: “Số 9 nghe đây, mỗi người một màn thầu, một môi canh!”

Tiếng môi sắt gõ vào thùng. Một chiếc chậu đùn trở lại qua lỗ vuông, rồi một chậu nữa. Chậu thứ nhất đựng bốn cái màn thầu. Màn thầu cũng màu xám. Chậu thứ hai canh đầy quá nửa, màu hồng xỉn, trên mặt có váng dầu và vài ngồng tỏi úa.

Mùi tỏi úa xuyên thẳng vào ý thức, khiến anh chỉ muốn lộn mửa. Ba chai nước ban trưa uống vào bụng hình như vẫn nằm trong dạ dày, giờ đây réo ùng ục, bụng đau quặn ừng cơn, đầu cũng choáng.

Ba phạm mỗi người cướp lấy một màn thầu cầm tay, trong chậu chỉ còn lại một chiếc, to bằng nắm tay, màu xám. Cao Dương biết cái màn thầu ấy là của anh, nhưng anh không hề muốn ăn.

Lão phạm già nhìn Cao Dương bằng cặp mắt kinh tởm..

Tên phạm đứng tuổi nói: “Này, người anh em, xem ra chú mày không muốn ăn. Chắc là sơn hào hải vị chưa tiêu hoá hết?”

Cao Dương cắn răn, cố nén từng cơn đau quặn.

- Lão lưu manh, chia canh đi, nhớ để lại cho hắn một ít – Tên phạm đứng tuổi nói như ra lệnh.

Lão phạm già cầm chiếc muỗng nhôm dính váng mỡ, vục sâu trong chậu, múc đầy một muỗng rồi từ từ nâng lên rất thăng bằng, rất ổn định, khiến Cao Dương sững sờ. Lão phạm già đổ muỗng thứ nhất vào chậu phạm đứng tuổi. Lão nhìn phạm đứng tuổi bằng cặp mắt nịnh thần. Tên phạm đứng tuổi mặt lạnh như tiền, không một biểu cảm. Muỗng thứ hai múc rất nhanh va cầm nghiêng, đổ vào chậu của cậu thanh niên.

- Lão lưu manh! Múc cho mình toàn nước – Cậu thanh niên chửi.

Lão phạm già nói: “Cậu chỉ nói mò!”

- Lão lưu manh – Cậu ta ngoảnh nhìn Cao Dương như tìm sự đồng tình, nói – anh biết không? Lão súc sinh này là một dê cụ. Con trai lão làm quan to trên thành phố, bỏ vợ ở nhà như gái goá, vậy là lão súc sinh ngủ cùng giường với con dâu…

Nói chưa dứt, lão phạm già đã nện cái muỗng vào đầu cậu thanh niên.

Cú nện rất trúng, cậu thanh niên ôm đầu kêu oai oái, mặt dính đầy thức ăn. Cao Dương liếc nhìn cái muỗng: Mép nó bị quăn do đập vào cái đầu rắn của cậu thanh niên.

Lão lưu manh tay cầm muỗng, đứng lom khom, cổ vươn thẳng, nét mặt hung dữ.

Cậu thanh niên cũng không chịu bỏ cuộc, cậu cầm chiếc màn thầu, nhắm chuẩn, rối ném trúng đầu của lão lưu manh. Đầu lão sói rất kì quặc: Tóc hai bên còn dày, nhưng từ giữa trán ra sau gáy thì bóng loáng không còn một sợi. Chiếc màn thầu ném trúng chỗ hói. Lão bị choáng, giật lùi mấy bước, lưng tựa cửa sắt mới đứng vững, đầu đảo lia lịa như lên đồng, như lắc cho văng hết ra những gì trong óc. Cái màn thầu văng trở lại vừa vặn rơi xuống bệ trước mặt cậu thanh niên. Nó nhảy tưng tưng. Không đợi nó rơi xuống đất, cậu ta đã bắt gọn trong tay. Cậu ngắm nghía cái bánh, xem nó có sứt mẻ chỗ nào không.

Phạm đứng tuổi chửi: “Hai thằng mất dạy, ngày nào không đánh nhau liền thấy ngứa ngáy!”

- Lão súc sinh, làm chuyện xấu còn sợ người ta đem ra kể – Cậu thanh niên nói với Cao Dương – Nói để anh biết, lão còn cùng với con dâu lão tòi ra một thằng con trai, lão định bóp chết nó, nhưng con dâu tố cáo lão.

- Cậu thanh niên cười dè bỉu.

Phạm đứng tuổi nói:

- Mèo chê cáo lắm lông, ông Công chê Táo Bếp nhọ, này thằng chôm chỉa, mày tốt đẹp thế thì vào đây làm gì?

- Chôm chỉa còn cao quí bằng mấy dê cụ – Cậu thanh niên trả lời.

- Cao quí cái l. mẹ mày! – Phạm đứng tuổi vừa nói vừa đá một phát vào phạm già, nói – Chia canh mau, còn ỳ ra đấy làm gì? Nhớ con dâu hẳn?

Lão phạm già cằn nhằn, lão ngồi xổm, tiếp tục chia canh.

Màn kịch vừa rồi khiến Cao Dương dựng tóc gáy. Quá sợ mất buồn nôn, bụng không ọc ạch nữa, nước trong dạ dày thấm xuống ruột, từ ruột thấm vào bàng quang. Anh mót đi tiểu.

Lão phạm già múc đổ vào mỗi bô hai muỗng, chỉ còn lại một ít trong chậu lớn. Lão nhìn Cao Dương,lại nhìn phạm đứng tuổi.

Phạm đứng tuổi nói: “Để cho hắn một ít.”

- Bô của cậu đâu? – Lão phạm già hỏi Cao Dương.

Cao Dương mót đái đến nỗi đứng ngồi không yên, không trả lời.

Phạm đứng tuổi cúi xuống gầm giường lôi ra một chậu rửa mặt, cũng màu xám, có sơn con số chín bằng sơn đỏ. Chậu và bô đều có mạng nhện trắng và bụi đen.

Cao Dương áp mạnh lưng vào tường để đỡ mót đái.

Ba phạm bắt đầu ăn. Phạm đứng tuổi ăn nhồm nhoàm, phạm thanh niên ăn nhỏ nhẻ, lão phạm già thì lại véo từng mẫu nhỏ, vê tròn rồi ném vào cuống họng, sau đó bê cái bô lên chiêu một ngụm canh, tay lão run rẩy có vẻ vui mừng, có vẻ xúc động, có vẻ căng thẳng. Suốt bữa ăn, cặp mắt trụi lông mi của lão ứa ra những giọt nước mắt đùng đục.

Cao Dương phát hiện ruột màn thầu trắng hơn vỏ, nhưng sau khi qua tay lão phạm, nó chuyển sang màu đen.

Phạm đứng tuổi khi ăn thở phì phò.

Phạm thanh niên khi ăn nhai nhóp nhép.

Nhìn bề ngoài có người ăn nhanh, có người ăn chậm,nhưng trên thực tế, tốc độ suýt soát. Khi phạm đứng tuổi nuốt miếng màn thầu cuối cùng, lão phạm cũng ném viên màn thầu cuối cùng to bằng quả nho vào họng, cậu thanh niên cũng ngừng nhai.

Cao Dương phát hiện trong ba phạm nhân, chỉ mỗi phạm đứng tuổi dám ăn màn thầu trước mặt anh. Lão phạm già và phạm thanh niên thì chúi đầu vào xó buồng, gò lưng rụt cổ, hai cánh tay khuỳnh ra, hai bàn tay dán vào bụng dưới nắm chặt chiếc màn thầu, y như cái bánh là một sinh vật, buông tay là nó chạy mất.

Ăn xong màn thầu, lão phạm già và phạm thanh niên gần như cũng ngoảnh lại nhìn. Ba tên phạm nhìn nhau một thoáng rồi đồng loạt ăn canh, tiếng húp soàn soạt.

Cao Dương bị phản xa có điều kiện khi nghe tiếng húp canh, anh cảm thấy như nước tiểu nóng hổi hình như đã đụng vào một cái van vô hình, chỉ cần một lơi lỏng là vọt ra.

Lúc này anh không còn nguửi thấy mùi tỏi thối, mà chỉ nghe thấy tiếng nước róc rách. Trong tai anh ứ đầy canh ngồng tỏi, chảy ào ào, tăng áp lực lên màn nhĩ,lên bàng quang, lên niệu đạo, trong một thoáng, anh thậm chí còn nghe thấy tiếng nước tiểu róc rách.

Các phạm đều đã ăn hết canh. Lão phạm già hai tay run rẩy, chiếc bô trong tay lão cũng run rẩy. Cao Dương trông thấy lão thè cái lưỡi vừa dài vừa dày màu đỏ tía liếm canh dính trong bô. Lão xoay xoay chiếc bô, lưỡi của lão cũng di chuyển theo.

Ba phạm nhân tay cầm bô, kinh ngạc nhìn Cao Dương. Mồ hôi đã đầm đìa trên mặt anh. Anh cảm thấy chúng đã tràn xuống lông mày, chợt nghĩ: “Mặt mình bây giờ không còn là mặt người nữa”.

- Chú mày ốm hả? – Phạm đứng tuổi hỏi.

Cao Dương không thể tiếp chuyện, toàn bộ sức lực của anh được điều tới khống chế cái van vô hình, cái van tưởng tượng.

- Nhà giam có thầy thuốc đấy! – Phạm đứng tuổi nói.

Cao Dương hai tay ôm bụng, vất vả lắm mới lết được tới chỗ cửa sắt. Anh ghếch chân lên, làm như ghếch chân thì giữ chặt được cái van. Anh giơ một tay đấm cửa thình thình.

Lính gác đứng bên ngoài quát hỏi: “Chuyện gì thế?”

Phạm đứng tuổi nói: “Có người cần cấp cứu!”

- Số mấy?

- Số chín – Phạm thanh niên nói.

- Không phải ốm… - Cao Dương ngoảnh lại rối rít – Tôi mót đái… nhịn không được…

Phạm đứng tuổi cố ý nói to át tiếng Cao Dương: “Mở cửa mau, sắp chết rồi!”

Tiếng khoá lách cách, gióng cửa được rút ra, lính gác một tay cầm súng, tay kia cầm chìa khoá, hỏi:

- Số 9, làm sao thế?

Cao Dương gập người lại, nói: “Đồng chí… tôi mót đi tiểu… đồng chí…”

Lính gác giận tím mặt, đạp Cao Dương một phát bắn vào bên trong, chửi: “Đồ giòi bọ, ai là đồng chí của mày?”

Cửa sắt đóng đánh sầm.

Cao Dương đập đầu vào cửa sắt, van vỉ: “Không đồng chí thì là Chính phủ, Chính phủ ơi Chính phủ, cho tôi ra… tôi nhịn không nổi nữa!”

- Trong buồng giam có thùng vệ sinh, đồ khốn! – Lính gác quát to ngoài cửa.

Cao Dương ôm bụng nháo nhác tìm thùng vệ sinh. Ba phạm nhân cười ré lên.

- Chú ơi… anh ơi… thùng vệ sinh ở đâu? – Cao Dương khóc hu hu, cúi gập người mà tìm. Mỗi lần cúi xuống lại són ra một ít nước tiểu.

Các phạm lại nhìn anh mà cười.

Cao Dương vừa nói vừa khóc: “Không nhịn được nữa! Không nhịn được nữa!...”

Cái van bật ra, một dịch thể nóng hổi vọt ra.

Anh không nghĩ gì nữa, hai chân tự nhiên giật giật, toàn bộ cơ bắp trên người giãn ra, hai chân nóng ran cứ thế mà run rẩy, lần đầu tiên, anh thụ hưởng khoái cảm lớn nhất trong đời.

Nước tiểu vẽ trên nền nhà những đồ hoạ rất đẹp. Phạm đứng tuổi bảo phạm thanh niên: “Móc Túi, lấy thùng vệ sinh cho nó, thằng này đái nhiều đây!”

Móc túi tiến đến chỗ cửa ngầm cùng màu với bức tường, phía dưới cửa sổ, lôi ra chiếc thùng đựng phân bằng nhựa. Mùi thối hoắc toả khắp buồng.

Móc Túi đấm nhẹ Cao Dương, bảo: “Mau đái vào thùng!”

Cao Dương vội móc… ra, nhằm thùng mà tia, nhìn thấy các thứ trong thùng, anh buồn nôn. Anh lắng nghe tiếng nước chảy tồ tồ như nghe một khúc nhạc cực kỳ êm ái. Anh nhắm mắt, mong cho cái tiếng tồ tồ kéo dài mãi.

Có ai đấm một quả vào gáy anh. Anh chợt tỉnh, thấy mình đã đái xong, thùng vệ sinh bọt nổi trắng xoá.

- Cất vào hộc tường, mau lên! – Phạm đứng tuổi giục.

Anh để thùng vào trong hộc rồi đóng cửa lại.

Giờ đây trong buồng chỗ nào cũng có mùi khai. Ba phạm nhìn anh giận dữ. Anh ngượng nghịu nhìn họ gật đầu, rồi rón rén về giường số 9 của mình. Anh thấy trống trải qua! Chiếc quần lửng ướt đẫm nước đái dính vào quần rất khó chịu. Vết thương ở mắt cá chân xót không chịu nổi. Chỗ đau ở gót chân gợi tới chuyện ngày hôm đó, buổi sáng, anh vừa ra khỏi nhà liền trông thấy mộ con thỏ màu vàng đất trong rừng nhảy ra, nó gần như dừng lại nhìn anh một cái rồi mới bỏ chạy. Khi ấy anh lẩm bẩm một mình: Các cụ dạy, sáng sớm gặp thỏ rừng, vận xui bám tới cùng. Sau đó thì… cảnh sát tới. Anh vất vả lắm mới nhớ lại được, làm như chuyện xẩy ra từ mấy năm

về trước, tầng tầng lớp lớp bụi phủ lên.

Lão lưu manh liếm môi, hấp háy mắt sán tới hỏi nhỏ: “Chú mày không ăn à?”

Cao Dương lắc đầu.

Thấy Cao Dương lắc đầu, với động tác nhanh nhẹn không ngờ, lão vồ lấy chiếc màn thầu phần của Cao Dương trong chậu, rồi đi bằng đầu gối đến xó buồng, đầu và vai run rẩy, miệng rên lên gừ gừ vui sướng như mèo bắt được chuột.

Phạm đứng tuổi đưa mắt ra hiệu cho phạm thanh niên. Phạm thanh niên lướt tới sau lưng lão phạm già, nhanh nhẹn như hổ. Cuối cùng thì hắn đã có dịp trả thù. Hắn vung nắm đấm nện liên hồi vào cái đầu hói quái dị. Hắn vừa đấm vừa chửi: “Lão dê cụ ăn mộ mình! Này thì ăn một mình!”

Hai người vật lộn, cấu xé nhau trên nền nhà, tiếng động rất to khiến lính gác chú ý. Cửa sổ lại xuất hiện khuôn mặt chữ điền. Mặt Chữ Điền giộng bọng súng vào khung cửa sổ, giận dữ: “Đồ khốn, không hích sống nữa hả? Ăn no rửng mỡ! Còn đánh nhau, phạt ba ngày cắt cỏ!”

Chửi xong, lính gác nện gót giày cồm cộp, quay về chỗ cũ.

Phạm già và phạm trẻ nhìn nhau nẩy lửa, y hệt một cặp gà chọi – một trụi lông, một chưa đủ lông đủ cánh – chiếu tướng nhau giữa phút tạm dừng vật lộn. Chiếc màn thầu vẫn nắm chặt trong tay phạm già. Chính vì bảo vệ chiếc màn thầu mà lão bị phạm trẻ đánh bưu đầu sứt trán.

Phạm đứng tuổi gằn giọng hỏi: “Thằng già, đưa cái bánh đây!”

Bàn tay phạm già run càng dữ, hai tay ép chặt chiếc bánh vào rốn.

- Không đưa thì đêm nay ấn đầu mày vào thùng phân! – Phạm đứng tuổi nói, dù dưới ánh đèn vàng vọt, mắt hắn vẫn toé lửa.

Lão phạm già nước mắt ràn rụa – mắt lão không còn lông mi, nước mắt không thể ứa ra từng giọt, mà cùng lúc tràn ra, Cao Dương nhìn thấy rất rõ. Hai bàn tay lão từ từ rời nhau, khi khoảng cách được hai phân thì lão mở những ngón tay. Cao Dương trông thấy bảy ngón tay lão cắm sâu vào chiếc bánh. Chiếc màn thầu không thể gọi là màn thầu nữa, nhưng cũng không thể gọi nó là cái gì? Lão khóc, lão lẩm bẩm, đột nhiên lão nổi khùng, lão rứt một mẩu đưa vào miệng, rồi lão hỉ mũi – nước mũi xanh lét – vào cái bánh. Lão còn ném cái bánh vào giữa bãi nước đái của Cao Dương trên nền nhà.

- Các người ăn đi! Các người ăn đi! – Lão phạm già gào lên.

- Phạm đứng tuổi cười nhạt: “Thằng khốn giở trò này kia à! – Hắn bước tới chỗ phạm già, giơ bàn tay như chiếc kìm sắt nắm gáy lão, dằn giọng nói – Hoặc là mày ăn hết cái bánh này, hoặc là đầu mày giúi trong thùng phân!”

Lão phạm già nghẹt thở, mắt trắng dã.

- Nói mau, chọn kiểu nào?

Lão phạm già lắp bắp: “Ăn... ăn bánh!...”

Phạm đứng tuổi buông lão phạm già, hung hãn bảo Cao Dương: “Còn thằng này, trông bộ dạng mày không phải là đối thủ của ta. Trong buồng giam này, mày phải vâng lời ta! Vậy ta bảo mày phải uống hết nước đái dưới đất!”

- Lại đây, đố đứa nào đái được vào miệng mình! – Mùa hè năm 1960, tại trường tiểu học thôn Cao Đồn thuộc công xã Mộc Câu, học sinh lớp sáu Vương Thái đề nghị trong nhà xí. Vương thái xuất thân bần nông, bố là đội trưởng đội sản xuất thôn Cao Đồn.

Đúng lúc nghỉ giữa giờ – Mỗi lần nghỉ giữa giờ, nam nữ sinh ùa ra như đàn ong, mới ra khỏi lớp thì thành một đoàn, đến sân vận động thì tách làm hai, phía đông là nhóm con trai, phía tây là nhóm con gái. Sân vận động mọc đầy cỏ dại, khung bóng rổ bằng gỗ mọc đầy mộc nhĩ, miệng rổ bằng sắt đầy gỉ. Phía đông sân vận động có một cọc gỗ buộc con sơn dương trắng râu bạc. Con sơn dương giương cặp mắt xanh biếc nhìn đám trẻ gầy như những con khỉ.

Nhà xí ở phía nam sân vận động, gồm hai gian lớn, lộ thiên, bên đông là nhà xí nam, bên tây là nàh xí nữ, chính giữa là một bức tường xây bằng gạch vỡ. Tường không cao. Cao Dương còn nhớ, chỉ cao hơn anh một chút. Vương Thái lớn tuổi nhất lớp, cũng cao nhất lớp, bức tường ngăn cao bằng Vương Thái. Nó kê hai hòn gạch dưới chân là thấy hết tình hình phía bên kia.

Cao Dưong nhớ Vương Thái kê ba hòn gạch để nhìn trộm bọn nữ sinh bên kia. Anh còn nhớ bên nhà xí nam có một hố vuông to tướng, học sinh đứng bốn bên đái vào hố. Cao Dương nhớ là xung quanh hố tiểu đất rất rộng, bọn học sinh gọi chỗ này là “chuồng”, đất nhẵn thín do chân dẫm lên, phía ngoài rìa mọc đầy cỏ dại, thuỷ tiên, cây cứt lợn hoa vàng.

- Này, tất cả đừng đái vội, nhịn hẵng, để xem đứa nào đái được vào miệng mình! – Vương Thái đề nghị. Các học sinh lớp Một, Hai, Ba, Bốn, Năm không chen vào được giữa chuồng, ngoảnh ra đái ngoài chuồng, nước đái tưới rào rào lên đám cỏ.

- Đứa nào đái trước? – Vương Thái hỏi – Cao Dương, cậu thử trước đi.

Cao Dương cùng đội sản xuất với Vương Thái. Bố Vương Thái là đội trưởng đội sản xuất, bố Cao Dương là thành phần địa chủ, bị bần nông và trung nông lớp dưới quản chế bằng lao động tại Đội.

Cao Dương hăng hái nói: “Để tớ thử xem!”

Anh nhớ cách đây hai mươi bảy năm, anh đã uống nước đái của mình như hế nào.

Năm ấy, mình mới mười ba tuổi, dù thiếu ăn thiếu mặc, nhưng gia đình vẫn cố dành dụm cho mình đi học đến lớp Sáu tiểu học. Bố là địa chủ, mẹ là vợ địa chủ, hoàn cảnh xuất thân như thế dù tài năng quán thế cũng không được trọng dụng. Lối thoát của mình chỉ có một: Quay về sản xuất ở Đội Hai, chịu sự lãnh đạo của bố Vương Thái. Mình đoan chắc không đỗ vào trung học, dù tất cả các môn đều đạt một trăm điểm cũng không được lên, huống hồ không phải bài nào cũng một trăm điểm. Vương Thái bảo mình uống nước tiểu của mình, mình rất thích, lúc bấy giờ, có người chú ý đến mình là mình thích, bất kể chú ý kiểu gì.

Mình bảo, để mình thử xem. Mình nghĩ, mình có thể uống được nước đái của mình. Mình chĩa chim cứng ngắc lên trời rồi giặn mạnh, cộ nước bằng vàng vọt lên theo phương thẳng đứng cao quá đầu mình, mình chớp thời cơ vươn cổ ra, dùng miệng hứng một ngụm to, nuốt ực, lại uống một ngụm to nữa. Vương Thái cười khà khà, hỏi: “Thế nào, người anh em! Mùi vị nó thế nào?”

Mình nhớ lại mùi vị của nước đái, nói phịa: “Như nước trà.”

- Ai nữa có thể uống?

Đám học sinh đều nói chịu.

Trên sân vận động, các học sinh lớp dưới kháo nhau: Mau đến xem các anh lớp Sáu thi uống nước đái.

Vương Thái bảo một học sinh: “Lý huyên rụ, đi nhòm bọn nữ đi.”

Vương Thái hỏi nhỏ, vẻ bí mật: “Có biết bọn con gái đái như thế nào không?”

Bọn học sinh nói không biết.

Vương Thái ngồi giạng háng, miệng xoè xoè, nói: “Như thế.”

Bọn con trai ré lên.

Vương Thái xếp bọn con trai đứng mép chuồng, mặt quay về hướng tây, hắn nói: “Bây giờ chúng mình thi đái thật cao, đứa nào đái cao nhất, ông Hai có thưởng”.

Mười mấy đứa đứng hàng ngang, Vương Thái đứng đầu hàng, ra sức mà giặn, mười mấy cột nước, trắng có, vàng có, trong có, đục có, vọt lên cao, có đứa cao đến tường ngăn, chỉ hai đứa đái vọt qua tường san bên kia, trong đó có Vương Thái, mình thấy rất rõ.

Bên nhà xí nữ hét ầm lên, sau đó là chửi rủa.

Mình không ngờ Vương Thái lại đổ cái tội đó lên đầu mình.

Thầy hiệu trưởng lôi mình lên văn phòng, đánh mình một bạt tai thậ mạnh trước mặt các thầy cô giáo. Thầy nói: “Đúng là bố anh hùng con hảo hán, bố phản động con mất dạy.”

Hiệu trưởng sai mộ thầy trẻ tuổi: “Lưu Yếu Hoa, thầy xuống thôn Cao Đồn gọi bố Vương Thái và bố Cao Dương lên đây”

Mình khóc, mình sợ vì chuyện này bố mình càng khổ!

Lão phạm già nhặt cái màn thầu hấm nước đái Cao Dương ép mạnh giữa hai bàn tay, nước tiểu nhớp nhúa rỉ ra từ các kẽ ngón tay. Vắt xong, lão chùi bánh vào quần rồi bẻ ra ăn.

- Chú mày, lão ăn rồi. Chú mày uống đi, mình uống nước đái của mình, không bẩn! – Phạm đứng tuổi vừa nói vừa cười, hắn gằn giọng nên lính gác không nghe thấy.

Cao Dương căm thù nhìn tên giết người, lần đầu tiên anh cảm thấy mình là con người. Mày, tên giết người! Mày, hằng ăn cắp! Mày, quân súc sinh ăn cắp vợ của con trai! Bần nông và trung nông lớp dưới bắt tao uống nước đái, tao uống. Hồng vệ binh bắt tao uống nước đái, tao uống. Bọn tội phạm chúng mày bắt tao uống nước đái, tao không uống!

- Có thật là mày không uống? – Phạm đứng tuổi cười hì hì.

- Tao không uống! – Cao Dương nói. Anh trông thấy lão phạm già ăn ngon lành cái màn thầu chấm nước đái.

- Uống đi anh, ông ấy đã bảo không thể không nghe! – Phạm trẻ khuyên.

- Chính phủ bắt tao uống, tao đành chịu – Cao Dương nói – Nhưng bọn bay thì… tao trêu ghẹo gì bọn bay?

- Anh không trêu ghẹo bọn tôi – Phạm trẻ nói – Nhưng đây là luật!

- Uống đi – Lão phạm già cũng khuyên – Làm người phải biết nhẫn nhục, chú xem, chẳng phải tôi vừa ăn nước đái của chú mày đấy thôi!

Phạm đứng tuổi khuyên rất chân thành: “Ta cũng không muốn chơi ác với chú mày, làm vậy là khổ cho chú mày.”

Cao Dương do dự, thái độ thành khẩn của phạm đứng tuổi khiến anh cảm động.

- Uống đi, chú em! – Lão phạm già trong miệng vẫn còn bánh, nói lúng búng.

- Uống đi, anh trai! – Phạm trẻ nước mắt chạy quanh khuyên anh.

Cao Dương cay sống mũi, chỉ chực khóc. Anh nhìn ba phạm nhân như nhìn những người thân khuyên mình uống thuốc.

- Tôi uống… tôi uống… - Cao Dương giọng tắc nghẹn, nói không hết câu.

Cao Dương chậm rãi cúi xuống nền xi măng, xuống bãi nước đái anh đái ban nãy. Trong nước đái có mùi tỏi dễ chịu. Anh nhắm mắt, hình ảnh bố mẹ hiện ra trong đầu, bố đội chiếc nón mê, óc chui ra ngoài lỗ thủng trên chóp, rên rỉ khóc loc, mẹ vặn vẹo hai bàn chân nhọn, kéo xe ngược dốc đầy tuyết. Anh áp mặt xuống nền nhà, cặp môi khô nẻ chạm nước đái lạnh. Mùi tỏi, mùi tỏi. Anh rán sức hít một ngụm nước đái.

Phạm đứng uổi nắm vai anh kéo dậy, nói: “Người anh em, người anh em, không cần uống nữa!”…

Cao Dương được phạm đứng tuổi dìu về giường. Anh ngồi như bụt mọc, thời gian tàn nửa điếu thuốc không nói năng gì, họng có iếng òng ọc một hồi rồi thôi. Lại im lặng khoảng tàn nửa điếu thuốc, anh nhệch miệng vừ khóc vừa nói: “Bố… mẹ ơi… Hôm nay con lại uống nước đái của con…”

… … … Bố đội chiếc nón mê thủng chóp mất vành, mớ óc lòi ra ngoài chỗ thủng, bố rên rỉ, hai tay nắm chặt cây gậy gỗ, bộ điệu đáng thương nhìn thầy Hiệu trưởng đang nổi giận lôi đình: “Thưa thầy Hiệu trưởng, trẻ nhỏ dại dột…”

- Đâu phại dại dột? – Thầy hiệu trưởng đạp bàn, nói – Đúng là đồ lưu manh!

- Lưu… manh?

- Nó đái lên đầu các học sinh nữ – có phải lão bảo nó làm như vậy, đúng không?

- Thưa thầy, tôi đọc thiên kinh vạn quyển… nhân nghĩa lễ trí tín… nam nữ thụ thụ bất thân…

- Cất cái món cổ hủ phong kiến của lão đi! – Hiệu trưởng nói.

- Tôi không biết nó làm cái chuyện xấu xa đó… - Bố run bắn, giơ gậy lên – Tôi phải đánh chết nó!... Tao phải đánh chết mày, đồ giẻ rách… quân đốn mạt… Chuyện của bố mày đã quá đủ… mày lại còn sinh chuyện…

Bố đội chiếc nón mê… tóc lòi ra ngoài chóp nón… rên rỉ… gầm gừ… hai tay giơ cây gậy bằng gỗ liễu đã lột vỏ, nhằm đầu mình bổ xuống… Mình nghiêng đầu tránh… Cây gậy vụt trúng vai mình…

- Lão làm gì thế? Hiệu trưởng nghiêm giọng quát – Lão đến đây để giở trò này hả?

- Thầy Hiệu trưởng giằng cây gậy trong tay bố quẳng đi, tuyên bố: “Chúng tôi quyết định đuổi học Cao Dương. Lão đem nó về nhà đi, về nhà lão đánh chết nó chúng tôi cũng không can thiệp.”

- Thầy Hiệu trưởng, xin đừng đuổi em.

- Giữ lại để giở trò lưu manh à? – Thầy Hiệu trưởng trợn mắt nói – Về đi, về cùng với bố mày!

- Thưa thầy… - Bố cúi rạp, hai tay tì vào chiếc gậy, run bắn, nước mắt chảy dài, van xin: “Thưa thầy… tôi van thầy… xin thầy cho nó tốt nghiệp…

- Đừng lải nhải nữa! – Thầy Hiệu trưởng nói – Đội trưởng Vương đến rồi!

Mình trông thấy bố Vương Thái là Vương Sáu Bánh Xe đi đến. Sáu Bánh Xe lãnh đạo mình hai mươi năm. Lão to con, mình trần, chân đất, người đỏ au, xưa nay chưa hề thắt dây rút quần, chiếc quần lửng rộng đũng thắt nút ở cạp, lưng giắt liềm. Mình gọi lão là ông Sáu, bọn mình học mãi vẫn không biết thắt nút quần như lão. Giọng ông Sáu ồm ồm như tiếng chuông:

- Thầy Hiệu trưởng cho gọi tôi có việc gì vậy?

Thầy Hiệu trưởng nói:

- Ông Đội trưởng, nói ra ông đừng giận. Trò Thái nhà ta đái lên đầu các nữ sinh… Thế là không tốt!... Gia đình nên phối hợp với nhà trường giáo dục các em…

Sáu Bánh Xe hỏi: “Thằng mất dạy đâu rồi?”

Hiệu trưởng dẩu môi ra lệnh cho một giáo viên dẫn Vương Thái vào Văn phòng.

Sáu Bánh Xe nói: “Đồ khốn, mày đái lên đầu các nữ sinh hả? Đấy là chỗ để mày đái à?”

Vương Thái đầu cúi gằm, vặn chân vặn tay, không nói gì.

Sáu Bánh Xe hỏi: “Ai xui mày làm cái trò ấy?”

Vương Thái chỉ vào mình, nói luôn: “Chính nó”.

Mình kinh hoàng nhìn nó, đầu óc mình như mụ đi.

- Không những bản thân nó bậy bạ, mà còn xúi giục con em bần nông và trung nông lớp dưới làm bậy, sự việc không hề ngẫu nhiên.

- Nhà tôi vô phúc mới đẻ ra cái thằng khốn kiếp nay… tồi tệ hết sức! – Bố vừa nói vừa dẫm chân bành bạch.

- Mày mới tí đầu đã hư đốn, khi nào thì mày hỏng thật? – Sáu Bánh Xe chất vấn mình, rồi trách bố: Làm sao ông đẻ ra cái thằng khả ố này!

Bố đội chiếc nón mê… gào lên hai… giơ gậy lên… bất kể sống chết định vụt cho mình một gậy vào đầu… Mình hét lên một tiếng, mình có hét lên không nhỉ? Mình chỉ kêu: Bố… con uống nước đái của con… Con chỉ uống nước đái của con.

- Người anh em đừng buồn – Phạm đứng tuổi động viên – Qua được cửa này là ổn. Chú là con người kiên trì, nhẫn nhịn, bảo gì làm nấy, cuộc sống sẽ tố hơn. Từ nơi này ra về, chú không bao giờ phải trở lại đây nữa!

Lão phạm già ăn hết cái màn thầu thấm nước đái, uống hết chỗ canh tỏi. Một cọng tỏi còn sót lại dưới đáy chậu, lão nhón đưa lên miệng, nuốt tớm. Lão thè lưỡi liếm thành chậu, vét nốt chỗ bọ canh và váng dầu bám ở đó, liếm như chó liếm.

Lại một hồi còi dài rít lên,một giọng mảnh như tơ cất lên dọc theo hành lang: “Buồng phạm chú ý, tắt đèn đi ngủ ngay lập tức. Kỷ luật ban đêm như sau: Một, không nói chuyện; Hai, không đổi chỗ nằm; Ba, không ngủ truồng.

Ngọn đèn vàng tắt phụt, buồng giam tối như hũ nút. Im ắng. Cao Dương nghe thấy tiếng thở phì phò của ba phạm, nhìn hấy ba cặp mắt toé lửa lân tinh cùng với tiếng thở. Anh ngồi trên giường, mệt rũ, ngửi thấy mùi tỏi trên chiếc chăn màu xám. Hàng đàn muỗi bay vo ve trong đêm tối.

Chương 8

Trở mặt là khỉ, cắn trả là chó
Vong ân bội nghĩa xưa nay có.
Vương Thái vừa thôi cầm liềm hái
Đã tỏ ra ngang ngược khinh người!

- Tỏi bị ế, Khấu mù hát chửi Phó Chủ Nhiệm Hợp tác xã cung tiêu Vương Thái. Trích bốn câu.

Xe tù khuất xa, bụi vàng cũng tan, con đường lại bóng, một con cóc bị xe cán chết tự bao giờ, mỏng như tờ giấy dán chặt xuống mặt đường, trông như một bức hoạ. Kim Cúc lồm cồm bò sang bên đường, chân run bắn, mồ hôi chảy ròng ròng, đầu trống rỗng. Cô như ngây như dại ngồi trên đống cỏ.
Hai bên đường là đồng ruộng mênh mông, gần là ruộng ngô hoặc cao lương, xa là sóng lúa. Đất trồng tỏi phơi bụng đen sì, đợi gieo ngô hoặc đậu. Trời hạn, nắng gắt, đất khô nẻ. Trời chiều, nắng màu vàng kim trùm lên cảnh vật, cảnh vật cũng màu vàng kim. Trụ sở Uỷ ban xã màu vàng càng rực rỡ: Hoa quì đang nở.
Cô ngồi thẫn thờ hồi lâu, mặt trời lặn, sương dâng lên từ mặt đất, tiếng ca thê lương trên cánh đồng. Về mùa hạ, khi bóng chiều bảng lảng, gió mát hây hây, nông dân lại hát. Họ cởi trần, bụi bám dày trên người, ánh sáng nhoà đi, cơ thể hình như to ra. Con trâu lại càng to. Một con bò đang cày đất trồng tỏi. Nhìn từ xa, đất đen liên tiếp lật lên dưới lưỡi cày như một làn sóng đen.
Kim Cúc sững sờ nhìn cánh đồng. Khi một lão nông đang cày ruộng cất tiếng hát, cô bật khóc.
Mặt trời khuất núi, trời dần tối – Ông vung roi, ngọn roi bay ngoằn ngoèo phía trên đầu con bò – [i]Cô Hai cưỡi lừa đi Dương Quan.[/i]Hát mỗi hai câu rồi lại im bặt. Lát sau, ông già lại hát: [i]Mặt trời khuất núi trời dần tối, cô Hai cưỡi lừa đi Dương Quan.[/i]Hát xong hai câu, lại không hát nữa.
Kim Cúc đứng lên dùng tay đãy phủi bụi đít quần, uể oải đi về nhà.
Bố chết rồi. Mẹ bị bắt rồi.
Bố bị xe của Bí Thư Đảng Uỷ Xã chẹt chết cách đây một tháng.
Mẹ bị công an lôi lên xe bịt bùng, không hiểu phạm tội gì.
Kim Cúc rẽ sang con đê chắn cát. Lúc xuống dốc đê, cái bụng nặng nề của cô xệ về phía trước, cô phải gồng người lên, thận trọng từng bước trên những đám cỏ xanh.
Hết dốc đê là bãi cát mọc toàn thuỳ liễu. Cát mềm, đôi chỗ rắn, chỗ rắn mọc cỏ mao màu vàng chanh. Cô vịn vào thân cây liễu đường kính chỉ bằng chén trà, ngắm cái vỏ lấm tấm những đốm xanh vàng. Một đàn kiến đỏ to con, lũ lượt trèo lên ngọn cây. Cô không biết mình nên nghĩ gì, vì đầu óc cô đang chống chếnh. Sau đó, cô cảm thấy bụng căng, lại cảm thấy cái thai đang tay đấm chân đá lục phủ ngũ tạng của cô. Cô hít vào một hơi rồi nín thở cúi xuống ôm chặt thân cây liễu.
Trán đẫm mồ hôi, mắt mọng nước, đứa con trong bụng đấm đá lung tung, như thể nó căm thù cô đến tận xương tuỷ. Cô tủi thân, cô nghe rõ tiếng khóc, tiếng chửi của nó, nhìn rõ hình hài nó, nó là con trai, nằm trong bụng mà mắt mở thao láo…
“Con ơi, con muốn ra phải không?...” Cô đờ đẫn ngồi xuống cát, sờ nắn cái bụng to tướng, căng như mặt trống:
“Con ơi, con chưa đủ ngày đủ tháng… đừng vội ra…” Cô khẩn khoản van nài cái thai trong bụng. Cái thai nổi cáu, tay đấm chân đá, hai mắt trợn trừng, gào lên inh ỏi. Xưa nay chưa hề thấy trẻ con mở mắt khi khóc… “Con ơi, đừng sốt ruột đòi ra!” Móng tay cô bấm thủng vỏ cây liễu. Một dòng nước âm ấm chảy giữa hai chân.. “Con ơi, con không được ra!”
Kim Cúc khóc rất to. Những con vàng anh trong rừng liễu kêu nháo nhác rồi bay biến.
“Anh Mã ơi, anh Mã!... Mau đến cứu em!” Cô khóc, rừng liễu im lặng, chỉ có tiếng khóc của cô.
Cái thai chẳng khách khí gì với cô, nó không có tình, mở hao láo cặp mắt đỏ như máu, gào thét: “Cho con ra!... Cho con ra!...”
Cô vịn thân cây đứng dậy, cắn chặt môi dưới. Mỗi cú đạp của cái thai lại khiến cô gập người lại rên lên một tiếng. Trước mắt cô chập chờn hình dáng nhỏ nhoi đáng sợ của thằng nhỏ. Nó gầy nhom, đen đúa, hai mắt rất to, miệng đầy răng.
“ Con ơi, đừng cắn mẹ… nhả mẹ ra!... Đừng cắn mẹ!...”
Cô gập người xuống, chân lết trên cát, nhích từng bước. Những cành liễu nặng nề rũ xuống, những con sâu bám đầy mặt lá. Đầu và vai cô đụng vào cành liễu, những con sâu bám đầy mặt, tóc và vai cô. Cái dòng nước âm ấm đã chảy vào trong giày. Sâu liễu phát sang vào lúc chạng vạng tối, lá liễu ánh lên như bôi mỡ.
“Con ơi, đừng trợn mắt nhìn mẹ như thế!... Đừng con… Mẹ biết, nằm trong bụng mẹ, con chẳng sung sướng gì… Con ăn không no, uống không đủ, con muốn ra…”
Kim Cúc vấp ngã, cái thai khóc, cắn rất đau vào thành dạ con, một cơn đau xé ruột xé gan khiến cô khuỵu xuống, gập người lại mà bò trên cát. Mười ngón tay thọc sâu trong cát mịn như những vuốt sắt, trườn đi
“Con ơi, cắn thủng bụng mẹ rồi!... Thủng rồi!... Mẹ bò bốn chân như chó đây này!...”
Cô bò cả chân lẫn tay, bụng miết trên cát, mồ hôi và nước mắt rõ từng giọt, bốc hơi khi gặp cát. Cô chịu không thấu, kêu thất thanh. Thằng con đen đúa nghịch ngợm như xé xác cô ra. Cô rất sợ bộ mặt dữ dằn của nó. Cô thấy nó ngọ ngậy như một con tằm, ra sức nới rộng không gian, nhưng bao bọc nó là một thứ dai như cao su, chỗ giãn ra chỉ một thoáng co lại như cũ. Thẹn quá hoá giận, nó đấm đá lung tung, lại cắn xé nữa, nó chửi: “Đồ khốn, mẹ là đồ khốn kiếp!”
“Con ơi, trời ơi, con tôi!… Tha cho me đi con… tha cho mẹ… me lạy con.”
Thằng nhỏ hình như cảm động trước những lờl năn nỉ của mẹ, nó nhả miệng ra, không cắn xé dạ con nữa, chân tay cũng tạm thời không quẫy đạp. Cơn đau dịu đi, Cô úp khuôn mặt đầm đìa nước mắt xuống cát, trong lòng vô cùng cảm kích vì sự độ lượng của thằng con.
Mặt trời đang lặn, ngọn cây tráng môt lớp vàng. Kim Cúc ngẩn lên, mặt cô bám đầy phù sa và cát , cô nhìn thấy khói bếp trong thôn màu sữa.Cô thận trọng ngồi dậy, chỉ sợ lại làm thằng nhỏ tức giận. Nó nằm co, trái tim bé nhỏ nhảy nhót như con chim sẻ.
Khi Kim Cúc về tới trước cửa nhà Cao Mã, mặt trời đã ở duới tầm ngọn liễu. Trên con đường lớn trong thôn, vang lên tiếng roi giục trâu bò bom bốp, lời ca được thấm bằng nước mắt cất lên, nhuốm hồng ca bầu trời.
[i]Mẹ xuống suối vàng sớm
Bỏ lại chị em cơ khổ lênh đênh!
Con mắt mẹ như ngựa không cương
Mười bốn tuổi bỏ nhà làm đĩ.
Xưa nay chê nghèo không chê điếm
Chị không nên dựng tượng tạc bia
Để xẩy ra vụ án mạng kia![/i]

o0o

Vạch cây rẽ lá bước ra khỏi ruộng đay. Là lúc mặt trời đã cao ba con sào. Sương tan. đất trời sạch bong. Phía bên kia con đường đất là mấy nghìn mẫu ớt của nông dân huvện Thương Mã. Những quả ớt chín như những đốm lửa. Đỏ cả một vùng.
Ra khỏi cánh đồng đay. Kim Cúc ngượng chín người như cởi truồng trước mặt đám đông. Cô quay lại ruộng đay. Cao Mã đuổi theo. Giục: “Đi chứ quay lại làm gì?”
Cô nói: “Anh Mã, giữa ban ngày ban mặt em không dám đi”.
- Đây thuộc huyện Thương Mã. Chẳng ai quen biết chúng mình - Cao Mã hơi sốt ruột nói.
- Em sợ, lỡ gặp người quen thì làm thế nào?
- Không có chuyện ấy đâu – Cao Mã nói –Mà có gặp thì đã sao. Chúng mình danh chính ngôn thuận mà! Chúng mình không danh chính ngôn thuận. Anh Mã, anh biến em thành người nào thế này? - Kim Cúc ngồi phệt xuống đấ, khóc.
- Thôi, bà cô tổ – Cao Mã không biết xoay sở -ra sao - Đúng là đàn bà, sợ lên sợ xuống. Mỗi phút lại thay đổi ý kiến.
- Em đau chân, bước không nổi.
- Lại lười rồi!
- Em buồn ngủ...
- Cao Mã gãi đầu gãi tai - Chúng mình không thể ở trong cánh đồng đay suốt đời!”
- Em dứt khoát không đi vào ban ngày.
- Vậy đêm nay đi – Cao Mã kéo Kim Cúc, nói - Vào sâu trong kia, ở đây nguy hiểm lắm!
- Em...
- Anh biết em bước không nổi - Cao Mã ngoi xổm trước mặt Kim Cúc - để anh cõng!
Anh đưa cái đãy cho Kim Cúc, quài tay ra sau đỡ lấy khoeo chân của cô rồi xốc cô lên tấm lưng to bè của anh. Anh thở phì phò,cổ vươn dài. Cô thương anh, bèn lấy đầu gối thúc vào mông anh: “Anh đặt em xuốn, em đi được!”
Cao Mã không nói gì. anh dịch tay lên phía trên, bóp nhẹ bên mông cô. Một cảm giác lâng lâng như toàn bộ cơ quan nội tạng nở to, ập đến. Cô rên lên, đấm yêu vào gáy anh. Cao Mã bị vướng chân, cả hai ngã sóng soài đè lên những cây đay.
Những cây đay lắc lư tỏ ra không yên lòng. Lúc đầu là mười mấy cây, sau đó trời nổi gió, hàng triệu cây đay đồng loạt lắc lư, âm thanh dào dạt nhưng vô cùng dịu dàng do thân lá đay cọ sát vào nhau, át cả những âm thanh khác.
Tinh mơ hôm sau, Kim Cúc và Cao Mã ướt đầm sương đêm và lấm lem bụi đất, bước vào bến xe đuờng dài huyện Thương Mã.
Đây là một công trình kiến trúc to lớn, bề ngoài rất mĩ quan, đèn màu ngoài cổng chưa tắt, soi tỏ tấm biển chữ to sơn đỏ va bức tường bê tông quét vôi màu xanh nhạt. Hàng quán ban đêm bày dọc hai bên đường dẫn đến cổng lớn, hình thành một hành lang. Nguoi ban hàng có nam có nữ, tất cả đèu ngáy ngủ, nét mặt mệt mỏi. Cô trông thấy một cô bán hàng rong trạc hai mươi tuổi đang che miệng ngáp vặt, mỗi lần ngáp, nước mắt lại ứa ra. Dưới ánh sáng của chiếc đèn khí, cặp mắt đẫm nước của cô y hệt hai con nòng nọc.
“Lê đây.. lê đây… Ai mua lê nào!”… Chị bán hàng mời mọc. “Nho đây… nho đây! Ai mua nho nào!… "Anh bán hàng rao. "Táo đây, táo đây! Táo mật đây!" Đủ cac loại hàng rong. Họ rao không biết mỏi, các trái cây đã có mui ủng.Giấy loại vung vãi, mùi thối rửa của võ cây và mùi phân người.
Kim Cúc cảm thấy có điều gì đó ẩn sau cặp mắt của những người bán hàng rong ngoài miệng mời chào, nhưng trong bụng chắc là đang cươì mình. Ho đều biết mình là ai, hai ngày nay mình làm những gì? Cánh nữ chắc chắn nhận ra bụi đất và lá đay nhầu nát bám trên lưng mình. Còn lão súc sinh kia nhìn như lột mình ra, chắc nghì mình là loại người ấy. Kim Cúc ngượng đến mức run lẫy bẫy, không cất nổi chân, môi cứng đờ, đầu cúi gầm túm chặt gấu áo Cao Mã.
Một lần nữa cô lại hối hận, cảm thấy cùng đường. Cô sợ cho tương lai của cô.
Cô theo Cao Mã bước lên tam cấp. Nền nhà lát bằng đá rửa. Cô thở ra mot hồi khoan khoái vì không thấy những người bán hàng rong nói gì, họ đang ngủ gật. Cô nghĩ có lẽ mình quá lo, họ không phát hiện điều gì ở mình. Lúc này, một bà già đầu bù tóc rối mặt mũi nhem nhuốc từ trong cổng bứơc ra, sỗ sàng giương cặp mắt u tối nhìn như đóng đinh vào cô . Kim Cúc lại run lên trước ánh mắt của bà già, nhưng chỉ thấy bà ta bước xuống tam cấp và đi về hướng Bắc, tụt quần đái vào chân tường.
Tay nắm cửa dính đầy dầu mỡ, khôg biết có bao nhiêu người đã nắm vào đấy.Cô nhìn bàn tay hộ pháp của Cao Mã cũng nắm vào đấy, không hiểu sao cô bỗng run lên. Cáh cửa kẹt mỡ, một làn hơi nóng ùa ra phà vào mặt khiến cô suýt ngã.
Cô vẫn theo Cao Mã bước vào gian chính của bến xe. Một người có vẻ như nhân vên phục vụ, vừa đi vừa ngáp. Cao Mã kéo Kim Cúc chắn đường người kia. Ngườl ấy là nữ, bụng bự, có mấy nốt ruồi đen to bằng hạt đậu trên mặt.
“Đồng chí… xe khách đi chợ Lan mấy giờ chạy?”
Chị ấn bụng một cái, nhìn Cao Mã và Kim Cúc từ đầu đến chân, nói: “Tôi cũng không biết nữa, anh thử đến chô bán vé hỏi xem.” Chị rất đẹp, giọng ấm dịu, lại còn chỉ chỗ cho anh:”Nơi bán vé đằng kia!”
Cao Mã gật đầu, ba lần nói câu “Cám ơn”
Người mua vé không đông chỉ môt lát đa đến cửa sổ, một lát đã mua được vé.
Trong khi Cao Mã mua vé, Kim Cúc vẫn túm chặt gấu áo anh. Cô còn hắt hơi một cái.
Phòng đơi rộng bằng hai mẫu đất. Đứng chỗ cửa phòng Kim Cúc đâm hoảng, hình nhu mọi người đều nhìn cô. Cô cúi nhìn quần áo lấm lem và đôi giày đầy bụi, tiếc vì quá vội, không kịp đem theo quần áo để thay.
Cao Mã dắt cô vào trong phòng .Trên nền đá rửa đầy vỏ dưa hấu, giấy gói bánh kẹo, vỏ trái cây, có cả đờm rãi và nước. Không khí ngột ngạt, một tổng hợp các mùi rắm, mồ hôi và những mùi không gọi được tên, thoạt tiên thấy khó chịu, sau cũng quen. Kim Cúc nhận ra mùi đàn bà trong cái mớ hỗn độn đủ các mùi đó, vậy là cô hết e dè.
Cao Mã dắt cô đi tìm chỗ ngồi. Phòng đợi có ba dãy ghế dài không còn phân biệt đựơc màu gì .Tất cả đều đã có người nằm trên đó, cũng có người ngồi nhưng là giữa hai người nằm. Cuối cùng tìm được một ghế bên cạnh khung tin tức. Mặt ghế ướt mèm, hình như trẻ con vừa đái lên. Kim Cúc không định ngồi nhưng Cao Mã lấy tay gạt nước, bảo: “Ngồi xuống, xảy nhà ra thất nghiệp, ngồi xuống đi em!”.
Cao Mã ngồi xuống trước. Kim Cúc nhíu mày ngồi theo, hai chân tê dại. Lát sau cô cảm thấy ngồi vẫn hơn.
Ngồi ghế tưạ ,sau lưng có chỗ dựa, ngừơi thấp xuống, cô cảm thấy dễ chịu. Cao Mã bảo cô nên chợp mắt một tí, còn nửa giờ nửa xe mới chạy. Cô nghe lời nhắm mắt lại nhưng không hề buồn ngủ . Ngồi trên ghế phòng chờ mà cô tưởng như còn trên cánh đồng đay , xung quanh là từng từng lớp lớp những cây đay, trên đầu là lá đay thưa thớt và bầu trời lạnh lẽo , không ngủ được, cô đành mở mắt .
Khung tin tức sơn màu xanh xỉn, bốn miếng kính vỡ ba, hai tờ báo đã ố vàng lủng lẳng trong khung. Một ông khách đứng tuổi đi tới thò tay xé một mẩu báo. Ông ta ngó nghiêng, có vẻ sợ. Lát sau,khói thuốc khét lẹt bay tới,
Kim Cúc mớl hiểu ông ta xé báo cuộn thuốc hút.
Kim Cúc cứ nhìn đôi giày ở chân, bùn đất đã khô, nứt thành vết. Cô lấy móng tay cạo bùn trên giày. Cao Mã nhích lại gần khẽ hỏ:”Cúc, em đói không?”
Cô lắc đầu .
Cao Mã nói: “Anh đi mua chút gì ăn.”
Kim Cúc nói: “Đừng mua, sau này còn nhiều việc phải chi”
Cao Mã nói:”Người là thép, cơm là gang, chỉ cần có sức khoẻ thì lo gì không kiếm được tiền, em giữ chỗ nhé”
Kim Cúc để cái đẫy xuống bên cạnh chỗ ngồi,trong lòng lại bâng khuâng mơ hồ cảm thấy Cao Mã sẽ không trở lại. Cô biết đó là nghĩ bậy, Cao Mã không phải loại người tệ bạc, không bao giờ bỏ rơi cô. Ấn tượng ban đầu về Cao Mã, hình ảnh anh đeo tai nghe đứng giữa ruộng lúa mạch lại trở về trong đầu. Hình ảnh đó, mới như đang trước mặt, cũ như hàng trăm năm.
Cô mở cái đãy lấy cát sét ra để nghe nhưng sợ người ta cười, lại cất vào.
Ở ghế đối diện có một phụ nữ đẹp như tượng. Tóc mun thả chấm vai, da mặt trắng như tuyết, lông mày mảnh như sợi chỉ, cong như trăng lưỡi liềm, lông mi dài lạ lùng, môi đỏ như quả anh đào, bóng loáng, mặc chiếc quần màu đỏ cờ, hai đầu vú nhô cao. Kim Cúc ngượng thay cho bà kia, vì cô nghe nói phụ nữ thành phố độn vú giả. Cô nghĩ tới hai bầu vú nặng chịch của cô, mong nó đừng quá to để đỡ xấu thì nó cứ to tướng: ngoài thành phố mong nó to lên thì nó lại chẳng to, thật trái khoáy! Các bạn gái thường bảo, không cho đàn ông sờ vú, chỗ đó chạm tay đàn ông thì chẳng khác bột mì gặp bột nở, chỉ vài hôm là phình ra. Cô tin lời các bạn, vì bản thân cô đã được nếm mùi, nó lớn nhanh khủng khiếp!
Thuốc. Một nửa số phụ nữ trong phòng đợi cũng hút. Người hút tẩu, người hút thuốc điếu, người hút thuốc cuộn sâu kèn. Phòng đợi mịt mù khói thuốc, tiếng ho và tiếng nhổ đờm râm ran. Cao Mã trở lại với một túi ni lông đầy ắp trái cây. Anh nhìn mặt Kim Cúc, hỏi: “Không có chuyện gì chứ?” Kim Cúc trả lời không. Cao Mã ngồi xuống, lấy ra một quả lê đưa cho Kim Cúc, nói: “Hàng cơm chưa mở cửa, mua ít trái cây, em ăn đi!”
Kim Cúc trách anh: “Mua làm gì nhiều thế?”
Cao Mã chùi quả lê vào áo ngoài, cắn một miếng, nói: “Ăn nhanh lên, anh cũng ăn đây.”
Một thanh niên ăn mặc rách rưới đi dọc theo hàng ghế xin ăn. Anh ta dừng lại trước mặt một sĩ quan trẻ tuổi mắt hiếng, nhệch miệng ra vẻ đáng thương: “Ông sĩ quan, thưa quan lớn, xin quan vài đồng.”
Viên sĩ quan trẻ, khuôn mặt tròn vạnh, cặp mắt hiếng chớp chớp, nói: “Không có đồng nào.”
- Tiền nhân dân tệ cũng được – Chú hành khất nói – Xin rủ lòng thương… xin rủ lòng thương…
- Anh to xác, lao động mà sống chứ! – Viên sĩ quan trẻ nói.
- Tui hễ làm là chóng mặt – Chú hành khất nói.
- Viên sĩ quan trẻ lấy ra bao thuốc lá, bóc vỏ, rút một điếu ngậm trên miệng.
- Ông sĩ quan, không cho tiền thì ông cho một điếu thuốc cũng được!...
- Biết thuốc này không? – Cặp mắt hiếng của viên sĩ quan biến thành mắt lác, anh ta móc chiếc bật lửa sáng loáng, bật đánh tách một cái nhưng không châm thuốc, ngọn lửa ga rít xèo xèo.
- Thuốc lá ngoại, thưa ông sĩ quan, thuốc lá ngoại.
- Biết thuốc lá ngoại từ đâu tới không?
- Không biết.
- Thuốc này là của bố vợ tôi đem từ Hồng Kông về – Viên sĩ quan nói – Cả cái bật lửa này nữa.
- Thưa ông sĩ quan, ông có một nhạc phụ tốt. Ông có phúc tướng lộ rõ trên mặt. Nhạc phụ ông chắc là cán bộ có cỡ. Cán bộ có cỡ nhiều tiền, quà cáp cũng nhiều, xin ông sĩ quan cho tui một điếu.
Viên sĩ quan nghĩ ngợi một lúc, nói: “Không, tôi cho anh tiền.”
Kim Cúc trông thấy viên sĩ quan dùng hai ngón tay nhón ra một đồng hai xu bằng kim loại sáng bóng, đưa cho chú hành khất, chú lẩmbẩm, nét mặt đau khổ nhưng vẫn giơ cả hai tay đón lấy đồng xu, lại còn vái một vái thật dài, cảm ơn viên sĩ quan. Chú hành khất quay sang bên này xin ăn, chú ngó quanh, bỏ qua cặp Kim Cúc – Cao Mã, bước tới trước mặt cô váy đỏ và chàng tóc xoăn. Chàng tóc xoăn vừa ngồi dậy. Chú hành khất cúi chào. Kim Cúc trông thấy phía sau quần chú hở cả da thịt.
- Thưa ông, thưa bà, xin rủ lòng thương cho vài đồng!…
- Anh không biết xấu hổ sao? Khoẻ như vâm thì phải lao động chứ! – Cô váy đỏ nghiêm giọng nói – Người ta ai cũng phải biết tự trọng.
- Thưa bà, lời bà dạy tui không hiểu, xin bà cho hai đồng.
- Chàng tóc xoăn hỏi: “Anh có bằng lòng sủa như chó không? Sủa một tiếng, cho anh một đồng.”
- Tui bằng lòng, ông thích nghe chó gậc hay chó cún sủa?
- Chàng tóc xoăn nhìn cô váy đỏ cười, bảo: “Tuỳ anh sủa thế nào thì sủa.”
Chú hành khất đặng hắng một tiếng rồi sủa, tiếng sủa rất chuẩn :
óc óc ~ óc óc óc ~ óc óc óc óc óc óc óc óc óc ~ óc ~ óc ~ óc ~ óc óc ~ óc óc óc ~ óc óc óc óc óc …Đó là tiếng chó cún, tổng cộng hai mươi sáu tiếng.Gâu! Gâu gâu! Gâu gâu gâu! Gâu gâu gâu gâu gâu gâu gâu gâu gâu gâu ! Gâu gâu gâu! Gâu gâu! Gâu! Đó là chó gộc sủa, tổng cộng hai mươi bốn tiến, mỗi tiếng một đồng, vị chi năm mươi đồng, thưa ông bà.
Chàng tóc xoăn và cô váy đỏ nhìn nhau, mặt vàng như nghệ - Chàng tóc xoăn rút ví ra đếm, quay sang hỏi cô váy đỏ: “Em còn tiền không?” Cô váy đỏ đáp: “Chỉ còn vài xèng.”
- Chàng tóc xoăn nói: “Thưa ông anh, bọn tôi du lịch dài ngày, đây là chặng cuối cùng, chỉ còn có bốn mươi ba đồng, thiếu của anh bảy đồng. Anh để lại cho tôi cái địa chỉ, về nhà tôi sẽ gửi trả anh.”
Chú hành khất nhận tiền thấm nước bọt vào ngón tay đếm lại cẩn thận - Chú lôi ra một tờ loại một đồng màu gạch cua khuyết một góc, nói: “Thưa ông, tui không lấy tờ bạc này, ông cầm lấy. Tui đã nhận bốn mươi hai đồng, ông còn thiếu tám đồng.”
Cô váy đỏ nói: “Trông anh quen quá… Hình như đã gặp anh ở đâu thì phải…”
Chú hành khất cười khanh khách, nói: “Bà hoa mắt đấy thôi! Tui ăn xin ở bến xe này đã mười năm rồi.”
Chàng tóc xoăn bảo: “Anh ghi cho tui cái địa chỉ.”
Chú hành khất nói: “Tui không biết chữ! ông cứ gửi cho Tổng thống Mĩ, ông ấy sẽ chuyển cho tui, ông ấy là cậu của tui.”
Chú hành khất vái dài đôi nam nữ đẹp mã, cả hai thất kinh, nhảy dựng lên.
Chú hành khất rất nhiệt tình, nói: “Thưa ông bà, ông bà còn thích nghe chó sủa nữa thôi? Tui nhại được tiếng của tất cả các loại chó.”
Chàng tóc xoăn nước mắt chạy quanh, nói: “Không nghe nữa, đại ca. Anh cừ lắm!”
Chú hành khất cười rú, quay lại trước mặt Cao Mã và Kim Cúc, cúi chào: “Anh chị cho em một quả lê, em sủa khô cả họng.”
Kim Cúc cầm quả lê to nhất dúi cho chú ta. Chú cầm lấy qua lê, cúi chào lần nữa rồi ăn ngấu nghiến, mũi gẩy đàn, đầu ngẩng cao như dưới mắt không ai, đi thẳng.
Loa phóng thanh lại giục hành khách xếp hàng soát vé - Chàng tóc xoăn và cô áo đỏ kéo chiếc túi du lịch có bánh xe, vội vã rời chỗ.
Kim Cúc hỏi Cao Mã: “Sao mình chưa đi?”
Cao Mã xem đồng hồ, nói: “Còn bốn mươi phút nữa, anh cũng sốt ruột lắm!”
Lúc này không còn ai ngủ trên ghế dài nữa.Trong phòng kẻ qua người lại. Một ông già run lẩy bẩy xin ăn. Một phụ nữ dắt con ăn mày. Một người đứng tuổi đội mũ lưỡi trai, áo Tôn Trung Sơn, tay cầm lon bia còn một nửa, đứng bên bản tin múa may diễn thuyết. Vạt áo ông ta đầy vết bẩn, mũi tróc một mảng da để lộ thịt tai tái, túi ngực cài hai bút máy. Kim Cúc đoán ông này là cán bộ.
Ông ta tợp một ngụm, ghé mắt nhìn lon bia đầy bọt, lưỡi ríu lại, môi dưới lộ ra: “Bình luận thứ Chín… Thư ngỏ gửi Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô… Khơrútsốp nói… Đồng chí Stalin, đồng chí đã sinh ra tôi lần thứ hai… tiếng Trung Quốc nói là “Cha đẻ của tôi”… tiếng Thiên Đường nói là “Stalin, đồng chí là bố tui”… Ông ta lại tợp một ngụm bia, khuỵu chân, bắt chước Khơrútsốp quì lạy Stalin. Vậy mà đám con cháu lòng lang dạ sói, vừa đắc chí đã điên cuồng, Khơrútsốp vừa lên nắm quyền đã đem xác Stalin đi hoả thiêu!... Các đồng chí, phải chú ý kinh nghiệm lịch sử… - Ông ta lại tợp một ngụm bia – Các đồng chí lãnh đạo các cấp phải hết sức chú ý… nhất thiết không được lơ là… Oẹ!... Ông ta nôn ra một bụm nước. Lấy ống tay áo lau mệng, ông ta lại tiếp tục: “Bình luận số 9… Thư ngỏ gửi Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Liên Xô…”
Kim Cúc mê mẩn nhìn ông cán bộ diễn thuyết. Từ trước tới nay, cô chưa khi nào nghe những lời như thế. Cô rất thích ông ta dọn giọng, uốn lưỡi phát âm “Stalin”. Chợt tay cô bị Cao Mã túm chặt: “Toi rồi! Trợ lý Dương kia kìa!”
Cô ngoảnh nhìn, toàn thân ớn lạnh. Trợ lý Dương, anh Cả thọt, anh Hai lưng beo eo gấu, đứng choán cửa phòng chờ.
Cô túm tay Cao Mã, hoảng hốt đứng lên.
Ông cán bộ tợp một ngụm bia, vung tay lên: “Stalin!...”

Chiếc com măng ca đít vuông lắc lư chạy dọc trên con đường bên rìa cánh đồng đay. Trợ lý Dương giơ tay vỗ vai lái xe, bảo: “Dừng ở đây!”
Lái xe hãm phanh, xe kít một tiếng, dừng lại.
Trợ lý Dương nhảy xuống: “Cả này, sao không xuống thư giãn một chút!”
Anh Cả đẩy cửa xe nhảy xuống, chúi một cái rồi gượng lại được, đứng lom khom. Anh Hai ẩy Kim Cúc, bảo: “Xuống!”
Ngồi ngoài Kim Cúc là Cao Mã, vai cô kề sát vai anh.
Cao Mã khom người nhảy xuống. Kim Cúc bị anh Hai ẩy xuống theo.
Lại vẫn là lúc mặt trời lên cao ba con sào, những ruộng ớt của nông dân Thương Mã đang độ chín, đỏ như một đám lửa. Cánh đồng đay bằng phẳng, chạy dài đến tận chân trời, chim chóc lặng lẽ chao cánh trên những ngọn đay. Nhìn cây đay, Kim Cúc bỗng thấy trong lòng trở nên bình tĩnh, hình như cô đã lường trước được có ngày hôm nay. Giờ thì đã rõ.
Hai tay cô bị trói quặt ra sau bằng thừng. Họ còn lịch sự với cô, chỉ trói hai cổ tay. Họ không lịch sự với Cao Mã. Họ trói anh kiểu ngũ hoa, thừng nhỏ xiết chặt hai cánh tay, khiến cổ anh vươn dài ra. Nhìn anh, cô buồn quá.
Trợ lý Dương bước hai bước về phía ruộng đay, vạch quần đái rất tự nhiên, vừa đái vừa ngoảnh lại bảo:
- Này, Cả và Hai nhà họ Phương, các cậu đều là đồ bị thịt!
Anh Cả ngớ người nhìn trợ lý Dương, không biết nói sao.
Trợ lý Dương nói: “Để nó dụ dỗ em gái bỏ trốn, các cậu là những thằng đần! Phải tay tôi thì… hừm!” Ông ta trừng mắt nhìn Cao Mã.
Không đợi trợ lý Dương nói tiếp, anh Hai vọt tới trước mặt Cao Mã, đấm anh một quả giữa tinh mũi.
Cao Mã rú lên một tiếng, giật lùi mấy bước mới gượng lại được, cánh tay lắc lắc định đưa lên lau mặt. Chắc hẳn anh đã mụ đi, quên mất tay đã bị trói.
- Anh Hai! Đừng đánh anh ấy… Anh đánh em đây này!... - Kim Cúc van xin, nhìn về phía Cao Mã.
Anh Hai giơ chân đá phốc Kim Cúc vào ruộng đay. Cô cùng những cây đay đổ rạp. Cô lộn một vòng, nút trói tuột ra. Cô ôm đùi, nó đau đến mức cô tưởng xương bị gãy.
- Tha cho mày hả? – Anh Hai chửi – Đồ giòi bọ không biết xấu hổ!
Cao Mã mặt trắng bợt, hai vệt máu chảy ra từ lỗ mũi rớt tong tỏng, chuyển từ màu đen sang đỏ tươi.
- Các ông… đánh người… là phạm pháp!... – Cao Mã nói đứt đoạn, thớ thịt trên mặt giật giật, miệng méo xệch.
- Mày dụ dỗ con người ta mới là phạm pháp! – Trợ lý Dương nói – dụ dỗ vợ người, phá đám ba cặp vợ chồng, đáng bị hai mươi năm khổ sai!
- Tôi không phạm pháp! – Cao Mã lắc đầu cho máu mũi chảy ra – Kim Cúc chưa làm đăng ký kết hôn với Lưu Thắng Lợi, cô ấy chưa phải là vợ ông ta. Các ông ép cô ấy lấy Lưu Thắng Lợi là vi phạm luật hôn nhân. Cần bỏ tù thì bỏ tù các ông!
Trợ lý Dương bĩu môi nói với anh em họ Phương: “Già mồm chưa kìa!”
Anh Hai thoi một quả vào bụng Cao Mã. Cao Mã kêu: “Mẹ ơi!”, người gập lại như con tôm, loạng choạng hai ba bước rồi gục xuống.
Anh Cả và anh Hai vọt tới bên Cao Mã. Anh Hai tung cặp chân rắn chắc đá vào sườn, vào lưng Cao Mã. Anh Hai có võ, đêm nào cũng tập ngoài sân phơi. Mỗi cú đá cũa anh Hai, Cao Mã lộn đến mấy vòng, người cuộn tròn, gào lên đau đớn. Anh Cả cũng muốn đá Cao Mã, nhưng cái chân dị tật khiến anh mất thăng bằng, khi gượng lại được thì Cao Mã đã bị anh Hai đá văng ra chỗ khác. Rồi thì anh Cả cũng đá được một đá, nhưng dùng sức quá mạnh, anh bị mất đà ngã lăn trên đường, hồi lâu mới dậy được.
- Đừng đánh anh ấy!... Chính là em rủ anh ấy chạy trốn!... – Kim Cúc bẻ một cây đay đã tuột vỏ bò dậy, chân vừa chạm đất đã buốt xói lên óc, cô lại ngã lăn ra. Cô gào khan, tay vẫn cầm cây đay, bò lên đường.
Cao Mã lăn lộn trên đường, mặt bết máu và bùn. Anh Hai đá không thương tiếc, như đá bao tải cát. Anh Hai đá một phát, anh Cả lại nhẩy lên một cái, miệng hò hét trợ oai: “Đá, đá nữa! Đá chết con lừa ấy đi!...” - Mặt anh Cả biến dạng, nước mắt vòng quanh cặp mắt mờ đục.
Kim Cúc bò lên vệ đường, chống tay đứng dậy, loạng choạng nhào về phía trước vừa lúc anh Hai xoay người đá vô lê một cú, trúng bụng dưới của cô. Kim cúc “Ôi” lên một tiếng, ngã lăn vào trong ruộng đay.
Cao Mã không còn hơi sức để kêu, nhưng vẫn lăn lộn. Anh Hai vẫn cú nọ tiếp cú kia, đá không ngừng. Mặt anh Hai ướt đẫm mồ hôi.
- Các người đánh chết anh ấy rồi! – Kim Cúc bò lên vệ đường.
Trợ lý Dương ngăn anh Hai: “Thôi đi, Hai! Đủ rồi!”
Cao Mã lăn xuống ruộng ớt, cắm mặt trong bùn, lưng chầu trời, hai tay trói chặt, các ngón tím bầm, màu sắc y hệt nấm độc.
Trợ lý Dương hơi cuống. Ông ta bước xuống ruộng ớt lật đi lật lại, vạch mép, thử hơi thở Cao Mã.
Họ đánh chết anh ấy rồi! Kim Cúc mắt nảy đom đóm, màu vàng bay vào, màu xanh bay ra, cơ man nào là đốm xanh dệt nên những vòng cung đẹp mắt nhảy múa. Cô giơ tay nắm bắt những đốm xanh đó nhưng không bắt được… Có lúc cô tưởng đã bắt được một chấm, nhưng vừa mở lòng bàn tay, nó lại bay mất. Cổ họng từ từ dâng lên vị tanh ngọt, cô mở miệng, một cục đo đỏ trào ra, rớt trúng cây đay khô trước ngực. Mình nôn ra máu rồi! Cô rụng rời. Mình thổ huyết rồi!... Cô sướng đến lịm người, tất cả nỗi sợ hãi, tất cả những lo âu, tất cả những phiền muộn phút chốc tiêu tan, chỉ còn lại nỗi đau ngọt ngào vương vấn trong tim.
Trợ lý Dương giận dữ quát tháo: “Đ. mẹ cái thằng hung hăng! Dạy nó vài cú là đủ. nó sắp chết rồi!”
Anh Hai lầu bầu: “Chẳng phải ông chê anh em cháu là đồ bị thịt hay sao?”
- Ta chửi anh em nhà anh không giữ nổi đứa em gái, không bảo anh em nhà anh đá cho nó chết! – Trợ lý Dương nói.
- Chết rồi à? Chết rồi à? – Anh Cả hốt hoảng – Ông Dương, cháu chưa đá nó cái nào!
- Anh Cả nói gì thế? – Anh Hai mắt đỏ lừ, chằm chằm nhìn anh Cả – Chẳng phải chuyện gả đổi cho anh thì đâu đến nỗi!
- Chú Hai, tôi không có ý ấy.
- Thế thì ý gì? – Anh Hai hỏi.
Trợ lý Dương nói: “Mẹ kiếp, đừng đấu khẩu nữa, mau khiêng nó lên mặt đường.”
Anh Cả và anh Hai bước xuống ruộng ớt, một phía đầu một phía chân, khênh Cao Mã lên đường. Vừa đặt Cao Mã xuống, anh Cả đã ngồi phệt xuống đất, thở dốc.
- Mau cởi trói cho nó – Trợ lý Dương ra lệnh.
Anh Cả và anh Hai nhìn nhau không nói gì, nhưng nét mặt thì muốn nói điều gì đó. Anh Hai lật Cao Mã lại, mặt úp đất, tay phía trên. Anh Cả ngồi xổm, cúi xuống cởi nút thừng trói tay Cao Mã. Qua những đốm xanh nhảy múa loạn xạ, Kim Cúc trông thấy hai bàn tay to bè như quạt ba tiêu của anh Cả run bần bật, không sao cởi được nút. Dùng răng mà cởi, trợ lý Dương quát. Anh Cả nhìn trợ lý Dương bằng cặp mắt đáng thương, quí xuống ghé răng cởi nút trói, điệu bộ giống hệt con chó đang gặm xương.
Rồi thì cái nút đã được cởi. Trợ lý Dương gạt anh Cả sang một bên, ra sức rút dây trói như rút gân khỏi người Cao Mã. Kim Cúc cảm thấy tim cô thắt dần lại, xương sống lạnh toát.
Trợ lý Dương rút dây trói, người Cao Mã lật lại. Ông ta đặt ngón tay trỏ và ngón giữa lên mũi Cao Mã, chắc là để xem anh còn thở không. Họ đánh chết anh ấy rồi! Vì mình mà họ đánh chết anh ấy! Anh Mã… anh Mã của em… Trái tim đau thắt của cô giãn ra, cô chìm trong hạnh phúc của nỗi đau ngọt ngào, cái dịch thể vừa tanh vừa ngọt lại từ từ dâng lên trong họng, vô vàn đốm xanh biếc nhẹ nhàng nhảy múa, chạm vào lá đay kêu soàn soạt, ánh nắng chan hoà, cánh đồng ớt phía bên Thương Mã, như có hàng triệu ngọn lửa nhỏ lay động,một chú ngựa hồng xinh xắn từ phía sau phi tới, vẫy đuôi vui vẻ hí lên một tiếng, phi trên những ngọn lửa, vó câu lấp lánh như châu ngọc. Tiếng lục lạc vang lên từng chuỗi, ròn tan.
Cao Mã mặt sưng vù, da thịt bết máu và bùn đất, nằm thẳng cẳng, chân tay buông xuôi. Trợ lý Dương rụt tay về, áp tai vào ngực Cao Mã nghe ngóng. Kim Cúc nghe rõ tiếng tim đập thình thịch của Cao Mã cùng với tiếng vó ngựa ròn rã, tiếng vó giống tiếng trống cơm, tiếng tim giống tiếng trống chầu.
- Anh Mã… anh đừng chết!... Đừng bỏ em một mình!... – Kim Cúc rên rỉ. Cô trông thấy con ngựa hồng men theo con đường chạy tới. Nó chạy nước kiệu trên cánh đồng ớt, vó như dẫm lên những ngọn lửa, lục lạc trên cổ vang lên tiếng sắt tiếng đồng ròn rã. Chú ngựa tuần tra dọc theo con đường, cặp mắt xanh nhìn không chớp nụ cười bình thản trên khuôn mặt Cao Mã.
- Các người còn gặp may! – Trợ lý Dương đứng lên, nói – Nó còn sống. Nó mà chết, cả hai anh em đi tù, đố chạy đâu cho thoát!
- Cậu Tám, cậu bảo làm gì bây giờ? – Anh Cả ba hồn bảy vía bay sạch.
- Tôi thật là rủi khi dính vào chuyện các cậu! – Trợ lý Dương lấy trong túi một chiếc lọ nhỏ màu trắng giơ lên trước mặt anh em nhà Phương, nói – Công phu lắm tôi mới mua được của bác sĩ Thương loại bạch dược của Vân Nam, trong đó có viên “Cứu mệnh đan” này, cho nó uống đi!
Trợ lý Dương ngồi xuống bên Cao Mã, mở nút lọ, lấy ra viên thuốc màu đỏ tươi, giơ lên khoe rồi bảo: “Cạy miệng nó ra!”
Anh Cả và anh Hai nhìn nhau, anh Hai ngoẹo đầu, anh Cả quì xuống giơ những ngón tay chuối mắn đen sì cạy miệng Cao Mã. Trợ lý Dương nhón viên thuốc, lại giơ lên khoe lần nữa, rồi bỏ vào miệng Cao Mã với vẻ tiếc rẻ.
- Chú Quách, đem bi đông nước lại đây!
Lái xe lười nhác chui ra khỏi xe, tay cầm chiếc bi đông quân dụng sơn vàng đã tróc một nửa. Má anh ta có một vết lõm hình máng, chắc là anh ta ôm vô lăng mà ngủ.
Trợ lý Dương đổ nước vào miệng Cao Mã, nước sặc mùi rượu.
Bốn người như bốn cái cột nhà cháy đứng xung quanh Cao Mã, tám con mắt nhìn chăm chắm vào mặt Cao Mã.
Con ngựa hồng phi nước đại, tiếng vó ròn tan, những tia lửa bắn lên dưới vó chảy dài, cộp cộp, cộp cộp! Con ngựa chạy vòng quanh nhóm người, có cả Kim Cúc trong đó. Khi nó chạy qua ruộng đay, những thân cây đay mềm mại như cành liễu, tự động rẽ ra cho ngựa chạy, những đốm sáng màu xanh lục chạm phải làn da bóng nhẫy của ngựa, nhẹ nhàng bật trở lại. Ngựa ơi…ngựa ơi!...Kim Cúc giang hai tay, muốn ôm cái cổ mịn như nhung của con ngựa.
Bàn tay Cao Mã động một cái.
- Tốt rồi! – Trợ lý Dương vui vẻ kêu lên – Quả thật bạch dược Vân Nam danh bất hư truyền, mẹ kiếp, được việc lắm!
Cao Mã hé mắt, Trợ lý Dương cúi xuống, vẻ thân tình: “Chú mày, không có viên linh đan cứu mệnh của ta, thì chú mày đã đi gặp ông Mác rồi!”
Cao Mã cười mỉm, nụ cười ngọt ngào thanh thản. Anh nhìn trợ lý Dương, hất cằm thay cho gật đầu.
- Cậu Tám, bây giờ làm gì? – Anh Cả hỏi.
Trong ngực Cao Mã rộn lên những tiếng òng ọc, anh chống tay xuống đất nâng đầu và cổ lên. Một vệt máu vẫn còn trê khoé mép. Anh Mã… Anh Mã của em… Con ngựa hồng dúi cái mõm mượt như nhung lên mặt anh, nó khóc… Đầu Cao Mã gục xuống nhưng lại từ từ ngẩng lên: cái lưỡi vàng hươm của con ngựa liếm trên mặt anh.
- Thằng cha chịu đòn giỏi! – Trợ lý Dương nhìn Cao Mã phục trên đất, khen thật lòng – Cao Mã, có biết vì sao bị đánh không?
Cao Mã cười, gật đầu.
Anh Hai giơ chân, lại định đá Cao Mã. Trợ lý Dương quát: “Thằng Hai khốn kiếp!”
Anh Cả nhặt cái đãy lên, dùng răng mở nút buộc, các thứ trong đãy rơi xuống đất. Anh Cả chồm tới, hai tay chụp chiếc phong bì bằng giấy dầu.
Trợ lý Dương nói: “Cả này, như vậy là không tốt!”
Anh Cả giơ tay lên miệng thấm nước bọt, đếm tập tiền.
- Cả này, như vậy không tốt!
- Cậu Tám, nó huỷ hoại đời em gái cháu, lại còn phí cả viên thuốc của cậu, phải bắt nó đền.
Anh Cả còn lục lọi các túi trên người Cao Mã, lòi ra mấy tờ một hào nhàu nát và mấy đồng xu bằng kim loại bóng loáng. Con ngựa hồng dùng mõm hất đồng xu, anh Cả vội chụp đồng xu đang lăn, nước mắt chảy dài.


Chương 9

Xã hội cũ quan lại bênh nhau, dân tình khốn khổ
Xã hội mới nêu cao chính nghĩa, công bằng.
Nào ai ngờ xã trưởng Vương ngồi trên luật pháp
Chạy thoát lưới trời tên tài xế giết dân.


- Chú Tư Phương bị xe cán chết trên đường đi bán tỏi, Khấu mù kêu oan cho chú Tư trước cửa Cục Công an. Trích đoạn lời ca.

Khoảng giữa trưa, thím Tư đang nằm thiêm thiếp trên giường, cảm thấy có người nắm cánh tay thím, vội ngồi dậy dụi mắt nhìn khuôn mặt trái xoan đẹp ngời ngợi của nữ cảnh sát trẻ mặc cảnh phục, đội mũ lưỡi trai.

- Số 47, sao không ăn cơm? – Cô cảnh sát giám thị hỏi.

Cô giám thị có cặp mắt to đen láy, hàng mi chớp chớp, thím thực tình rất thích cô gái này. Cô quạt bằng mũ, vừa quạt vừa nói: “Vào đây phải thành khẩn, có sao nói vậy, thành khẩn được khoan hồng, ngoan cố phải xử nghiêm, đến bữa thì phải ăn.”

Thím Tư cảm kích ứa nước mắt, gật đầu lia lịa. Nữ giám thị để tóc ngắn, rẽ đường ngôi như con trai, tóc đen nhánh, càng nổi bật khuôn mặt trắng trẻo.

- Cô ơi… - Thím Tư miệng méo xệch định nói câu gì đó. nhưng nước mắt nghẹn họng.

Nữ giám thị đội mũ lên đầu, nói: “Thôi ăn đi! Phải tin chính phủ không xử oan người tốt, không bỏ sót kẻ xấu.”

- Cô ơi, tui là người tốt, tha cho tui về nhà! – Thím Tư vừa khóc vừa nói.

- Cái bà này lắm điều! – Nữ giám thị nhíu mày, hai lúm đồng tiền trên má – Tha hay không, tôi nói sao được!

Thím Tư dùng tay vắt nước mũi, lấy vạt áo lau nước mắt, hỏi: “Cô ơi, năm nay cô bao nhiêu tuổi?”

Nữ giám thị trừng mắt, lộ ngay vẻ nanh nọc: “Số 47, cái gì không nên hỏi thì đừng hỏi.”

- Cô xinh quá! Tui thích cô quá thì hỏi thế thôi.” – Thím Tư nói.

- Bà hỏi tuổi tôi làm gì?

- Chẳng làm gì cả, chỉ hỏi thế thôi.

Nữ giám thị bật cười: “Hăm hai.”

Thím Tư nói: “Cùng tuổi với con Cúc nhà tui, tuổi rồng. Con bé nhà tui hẩm hiu, chẳng bằng một nửa của cô.”

Nữ giám thị lại bảo: “Bà ăn ngay đi, ăn rồi ngẫm lại những chuyện mình đã làm mà khai báo cho thành khẩn!”

- Cô ơi, cô bảo tui ngẫm cái gì?

- Vì sao bắt bà, có biết không?

- Tui làm sao biết được? – Thím Tư lại nhệch miệng khóc, vừa khóc vừa kể – Tui đang ăn cơm trong nhà, bánh bột ngô thì phải ăn với dưa, liền nghe có tiếng người gọi tui ngoài cổng, vừa ra cổng, người ta liền túm tay tui, tui sợ quá nhắm tịt mắt, lúc mở mắt ra thì cổ tay sáng loáng, còng lại rồi! Con gái tui khóc trong nhà, nó sắp đẻ. Nói cô đừng cười, nó chửa hoang. Tui kêu lên, hai ông công an lôi tui chạy, lại còn một cô công an cao hơn cô, không xinh bằng cô. Cô ta dữ lắm, đá tui liền mấy đá…

- Thôi thôi! – Nữ giám thị sốt ruột – Bà ăn cơm đi!

- Cô ơi, cô bực hả? – Thím Tư nói – Cục công an nhà cô bắt những ai thì chẳng biết, lại bắt mụ già này làm gì?

- Bà không đập phá trụ sở của Chính phủ à?

- Thì ra đấy là chính phủ huyện, tui không biết. Tui đi kêu oan, ông lão nhà tui đang khoẻ mạnh chẳng ốm đau gì, vậy mà bị họ chẹt chết tươi!

Thím Tư oà khóc, vừa khóc vừa nói: “Cô ơi, oan cho tui quá!”

Nữ giám thị nói: “Không được khóc, cũng không được phép gọi là cô, phải gọi là bà giám thị, hoặc gọi là Chính phủ. Những người kia cũng phải gọi như thế.”

- Bà em kia cũng bảo vậy, phải gọi là Chính phủ, không được gọi “Cô”! – Thím Tư chỉ vào một phụ nữ đang nằm sấp trên giường, nói: “Già rồi hay quên, không nhớ được.”

- Mau ăn cơm đi! – Nữ giám thị nói.

- Cô… à Chính phủ… - Thím Tư chỉ cái màn thầu đen sì và tô canh tỏi, hỏi – Cơm này phải trả tiền không? Tem lương thực thì sao?

Nữ giám thị cười dở mếu dở, nói: “Ăn đi, không thu tiền, cũng không thu tem phiếu, hẳn là bà sợ thu tiền thu phiếu nên không ăn chứ gì?”

- Cô ơi, cô không biết, ông lão nhà tui chết, hai thằng con trời đánh gây sự ra ở riêng, tui không còn xu nào.

- Nữ giám thị đi ra. Thím Tư hỏi với theo: “Cô ơi, cô có chồng chưa?”

Nữ giám thị nói: “Đủ rồi, đủ rồi! Đúng là điên!”

Thím Tư nói: “Con gái bây giờ nóng như lửa, không cho người già nói nữa!”

Nữ giám thị sập mạnh cửa sắt, nện côm cốp giầy cao gót cho đến tận đầu đằng kia hành lang.

Trần hành lang có tiếng kêu kít kít như tiếng rít của bánh xe cọn quay nước. Trong sân nhà giam có cây, trên cây, chích choè đang hót.

Thím Tư thở dài, cầm cái màn thầu lên ngửi, bẻ đôi, cấu một mẩu nhúng nước canh rồi bỏ vào miệng nhai trệu trạo vì răng đã khuyết.

Phía giường đối diện, người phụ nữ đứng tuổi trở mình, ngửa mặt nhìn lên trần thở dài.

Thím Tư hỏi: “Chị cả này, chị không ăn nữa à?”

Người phụ nữ đứng tuổi mở cặp mắt vô hồn, cười buồn, lắc đầu mệt mỏi: “Tức ngực quá, nuốt không trôi!”

Nữ phạm đứng tuổi chỉ ăn một nửa cái màn thầu, nửa còn lại để trên cái bàn vuông màu xám, mấy con nhặng xanh đang đậu ở trên.

Thím Tư nói: “Đây là bột cũ, có mùi mốc, dù vậy vẫn ngon hơn bột ngô.”

Người phụ nữ đứng tuổi không nói gì nữa, chỉ nhìn trân trân trần nhà xám, nằm bất động rất lâu.

Thím Tư ăn xong cái bánh, húp hết canh tỏi trong bô, nhìn nửa chiếc bánh trên bàn đang bị lũ nhặng xanh gặm nhấm, rụt dè hỏi: “Chị Cả này, cái bô của tui còn dính một ít dầu, tiếc của quá. Hay là chị Cả cho tui tí vỏ bánh của chị để tui vét chỗ dầu ở bô?”

Nữ phạm đứng tuổi gật đầu: “Bác ăn hết chưa?”

Thím Tư nói: “Đây là suất của chị, tui ăn không tiện.”

- Bác cứ ăn đi! Tui nuốt không được!

- Vậy thì tui ăn – Thím Tư tuột xuống giường, đến bên bàn cầm lấy nửa cái bánh màn thầu dính đầy cứt nhặng xanh, nói với nữ phạm đứng tuổi: - Không phải tui tham, bột mì hẳn hoi mà bỏ thì phí của!

Nữ phạm đứng tuổi gật đầu, hai giọt nước mắt màu vàng ứa ra trên cặp mắt mờ đục.

Thím Tư hỏi: “chị Cả này, trông chị như khó ở phải không?”

Nữ phạm yên lặng, từng giọt nước mắt nối đuôi nhau rớt xuống thái dương.

- Phải nghĩ cho thoáng, chị Cả! – Thím Tư cũng nước mắt lưng tròng – Con người ta sống đâu có dễ! Nhiều lúc tui cứ nghĩ, con người không bằng con chó! Chó còn được người cho ăn cám, không có cám thì ăn phân. Chó có bộ lông, chẳng lo thiếu áo mặc. Còn con người thì lo ăn lo mặc, xoay như chong chóng, về già, con cái tốt còn khá, con cái không tốt thì còn bị đánh, bị chửi…

Thím Tư dùng mu bàn tay quệt nước mắt trên mặt.

Nữ phạm đứng tuổi lật sấp, úp mặt vào chăn khóc thảm thiết, hai vai rung lên.

Thím Tư bước xuống đất, ngật ngưỡng đến bên giường nữ phạm đứng tuổi ngồi xuống, khẽ vỗ vai chị ta, nói:

“Chị Cả này, đừng vậy! Phải nghĩ cho thoáng. cuộc đời này không dành cho loại người như chúng ta, âu cũng là cái số, sinh ra đã định sẵn cả rồi, người thì làm quan làm tướng, kẻ thì làm đầy tớ, người hầu, không thay đổi được. Chị em mình bị giam ở đây cũng là do ông trời đã sắp xếp. Ở đây còn được, có giường có chăn, ăn không cần tem phiếu, chỉ mỗi cửa sổ quá bé, ngột ngạt… Nghĩ cho thoáng đi, lúc nào đó quả thật sống không nổi thì đi tìm một chỗ rồng rộng một tí mà chết!...”

Nữ phạm đứng tuổi khóc càng to, lính gác ló mặt vào cửa sổ, quát: “Số 46, không được khóc!”

Lính gác lại vỗ song sắt cửa sổ: “Không được khóc, nghe rõ chưa?”

Nữ phạm đứng tuổi khóc nhỏ dần, hai vai vẫn rung.

Thím Tư lê về giường mình, tụt giày, ngồi xếp bằng tròn trên giường. Nhặng xanh bay khắp buồng, tiếng u u rộ lên từng đợt. Thấy ngứa trong quần, thò tay vào, thím lần ra một con vật béo núc, đưa lên gần mắt thì đó là con rận màu xám, đặt giữa hai móng tay cái, thím ép bẹp con rận mỏng như tờ giấy. Thím nhớ nhà thím không có rận, bèn nghi chăn chiếu nhà giam có. Giở chăn ra xem, quả nhiên rận vón cục từng đám, bò nhung nhúc. Thím phấn khởi kêu: “Chị Cả này, chăn có rận!...” Nữ phạm im lặng, thím Tư cũng không để ý, nhích đít về phía trước, chăm chú bắt từng con. Giết bằng móng tay rất phiền toái, thím cho rận vào miệng, răng cửa khuyết thì dùng răng hàm nhai lốp bốp, xác rận lép kẹp được nhổ ra ngoài. Những con rận có vị ngòn ngọt, thím rất thích.

Đau xót ư, phiền não ư, thím quên sạch.

Tiếng nôn oẹ của nữ phạm đứng tuổi đánh động thím Tư. Thím dụi cặp mắt mờ đi vì bắt rận, quệt cái xác rận ở mép lên mu bàn tay. Các xác rận được dán lên tường.

Nữ phạm đứng tuổi đang nôn khan, miệng há to nhưng không nôn được, thím Tư lết sang, đấm nhẹ lưng chị ta, luôn miệng than thở.

Nữ phạm đứng tuổi oẹ một hồi, giơ tay chùi nước dãi bên mép, mệt mỏi nằm xuống giường, nhắm mắt thở dốc.

Thím Tư hỏi: “Chị Cả này, phải chị đã “ấy” không?”

Nữ phạm giương cặp mắt vô hồn nhìn đăm đăm thím Tư, hình như không hiểu câu hỏi.

- Chị Cả, ấy là tui hỏi chị Cả, có tin mừng à?

Nữ phạm miệng méo xệch khóc hu hu, vừa khóc vừa nói: “Con ơi… con của tôi, Ái Quốc của tôi!...”

- Thôi nào, thôi nào! – Thím Tư khuyên giải – Có khổ cứ nói với bà già này, đừng để trong dạ mà khổ!...

- Bác ơi, thằng Ái Quốc nhà em chết rồi! Em mơ thấy nó chết rồi… Nó bị người ta đánh vỡ đầu, mặt đầy máu, chảy mãi chảy mãi… Lát sau, thằng bé béo tốt phương phi là thế mà lép kẹp như cái túi, y như bác giết con rận. Em bế nó, gọi nó, nó mở mắt bảo: “Mẹ, khi nào thì mình về thăm bà nội? Con chó nhà bà nội đã đẻ rồi phải không? Đẻ sáu con, chưa mở mắt. Mẹ xin bà nội cho con một con, con đực màu đen ấy, con không thích chó cái, chó cái hay dắt đực về nhà. Thằng Ái Quốc dắt con cún đen chạy trên đê, chiếc lục lạc trên cổ chó kêu loong coong. Thằng Ái Quốc nhà em mặt trái xoan, má đỏ hây, hai mắt đen đến nỗi thấy mình ở trong. Ven đê nở đầy hoa, cà dại màu tím, dưa dại màu trắng, diếp dại màu lòng đỏ trứng, lại còn phù dung màu phấn hồng… Thằng Ái Quốc nhà em là con trai nhưng tính nết con gái, rất thích hoa. Nó hái hoa tím, hoa trắng, hoa xanh, hoa vàng… đầy một chẹt tay, giơ trước mũi em, hỏi: “Thơm không, mẹ?” Em nói: “Thơm!” Thằng Ái Quốc ngắt một bông hoa màu trắng, bảo: “Mẹ ngồi xuống!” Em bảo: “Bảo mẹ ngồi để làm gì?” Nó nói: “Thì mẹ cứ ngồi xuống nào!” Thằng ấy tính con gái, câu trước câu sau là nước mắt chạy quanh. Em vội vàng ngồi xuống.Nó cài bông hoa màu trắng lên đầu em, nói: “Mẹ em cài hoa! Mẹ em cài hoa!” Em bảo: “Con ơi, người ta cài hoa hồng, sao con cài hoa trắng cho mẹ?” Nó bảo: “Hoa trắng đẹp hơn hoa hồng.” Em bảo: “Con ơi, hoa trắng rủi ro, để tang người chết mới cài hoa trắng.” Ái Quốc sợ quá, vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, mẹ đừng chết, sau khi con chết, mẹ cũng đừng chết!”

Nữ phạm đứng tuổi lại khóc hu hu.

Cánh cửa buồng giam mở ra, lính gác súng lắp lưỡi lê, tay cầm mảnh giấy, gọi: “Số 46 ra!”

Nữ phạm đứng tuổi nín khóc, hai tay vẫn rung, mặt đầy nước mắt.

Đứng bên lính gác là hai cảnh sát áo trắng, người bên trái cầm trong tay chiếc còng vàng choé như đúc bằng vàng, người bên phải là nữ, thấp đậm, mặt đầy mụn trứng cá, mép có nốt ruồi đen, trên nốt ruồi có mấy sợi lông màu đen.

- Số 46 ra!

Nữ phạm đứng tuổi xỏ giày, lê bước ra cửa. Vừa ra ngoài, chiếc còng vàng choé đã bập vào tay chị ta.

- Đi! – Cảnh sát nam nói.

Nữ phạm đứng tuổi ngoảnh nhìn thím Tư, ánh mắt vô hồn, nhìn mà không thấy gì. Thím Tư sợ đến nỗi ngồi chết lặng, chỉ nghe tiếng cửa đóng “sầm” một tiếng, thoắt cái đã mất hút cả lính gác, cả súng lắp lưỡi lê, cả cảnh sát áo trắng, cả nữ phạm áo xám. Mắt thím cay xè, phòng giam phút chốc tối như hũ nút.

Họ đưa chị ấy đi đâu nhỉ? Thím Tư đoán già đoán non, thím nghe ngóng. Tiếng kêu của con chích choè ngoài sân vọng vào, có cả tiếng va đập rất mạnh của sắt thép từ rất xa dội tới. Phòng giam sáng dần lên, nhặng xanh bay sát mái, màu xanh lấp loá như sao đổi ngôi.

Nữ phạm đứng tuổi đi rồi, thím Tư cảm thấy lẻ loi quá. Thím nhận ra thím đang ngồi trên giường số 46 thì đâm hoảng, nhớ tới lời dặn hôm qua của nữ cảnh sát đẹp gái, không được tuỳ tiện đổi giường. Thím miết chết một con côn trùng xanh lét bò trên tay, người nó rỉ ra một thứ nước vàng vàng, có mùi hăng như tỏi, đúng là mùi tỏi. Nữ phạm đứng tuổi bị giải đi, thím Tư nhớ lại cảnh chị ta khóc, cảnh chị ta cùng thằng Ái Quốc của chị hái hoa dọc theo con đê. Thím lật cái chăn của chị ta, mùi tanh xộc lên mũi. Chăn dính một thứ như phân hoặc máu khô. Thím lấy móng tay cạo soàn soạt. Ở các nếp gấp có rất nhiều rận, thím bắt vài con lên miệng cắn, mặt thím rúm lại, nước mắt ứa ra. Thím đang nhớ lại cảnh bắt rận của chú Tư.

o0o

Ngoài sân nắng chan hoà. Chú Tư dựa tường, cởi trần, áo bông trải trên đầu gối, bắt từng con rận bỏ vào cái bát vỡ có nước. Thím động viên chồng cố bắt cho đầy bát rận, đem chiên mỡ làm thức nhắm rượu.

Chú Tư nói: “Nghèo sinh rận, giàu sinh ghẻ.”

Chú Tư bắt một con rận kềnh bỏ vào bát. Kim Cúc đùa, lấy cọng cỏ khuấy đám rận lộn tùng phèo. Một con gà già khú đế ngoẹo đầu nhìn đàn rận trong bát.

Kim Cúc nói: “Bố ơi, con gà định mổ rận!”

Chú Tư xuỳ con gà đi chỗ khác, nói: “Bắt mãi mới được, tưởng bở!”

Kim Cúc nói: “Bố, cho nó ăn đi! Để nó đẻ nhiều trứng.”

Chú Tư nói: “Bố đang gom đây, ông Vương thôn Đoài đặt một nghìn con.”

Kim Cúc hỏi: “Ông ấy cần rận để làm gì?”

- Chế thuốc!

- Rận mà có thể làm thuốc?

- Dưới gầm trời này, muôn vật đều có thể làm thuốc – Chú Tư nói.

- Bố bắt được bao nhiêu con rồi?

- Tám trăm bốn mươi bảy con.

- Bố để con bắt cho.

- Không được, ông Vương đã dặn kỹ, không để đàn bà bắt, dính hơi đàn bà là thuốc hết công hiệu.

Kim Cúc vội rụt tay lại.

- Làm kiếp rận cũng không dễ – Chú Tư nói – Chưa nghe kể à? Có hai con rận, một con thành phố, một con nhà quê gặp nhau trên đường. Rận thành phố hỏi: “Đại ca nhà quê đi đâu thế?” Rận nhà quê nói: “Ra thành phố, còn anh đi đâu?” Rận thành phố nói: “Tôi về nhà quê.” “Về có việc gì?” “Về kiếm ăn.” “Đừng về nữa, tôi ở nhà quê đói quá, định ra thành phố kiếm ăn đây này!” Rận thành phố hỏi rận nhà quê sao lại đến nông nỗi ấy, rận nhà quê nói: “Áo bông rách nhà quê, một ngày ba lần bắt, mỗi lần bắt không thấy lại dùng chày lăn hoặc ghè răng cắn. Bọn tui đứa thì chày cán bẹp, đứa răng kẹp mà chất, tôi còn sống đâu phải chuyện đùa!” Rận nhà quê vừa khóc vừa kể. Rận thành phố thở dài, nói: “Tớ cứ nghĩ ở nhà quê khá hơn thành phố, ngờ đâu tệ hơn!” Rận nhà quê hỏi: “Thành phố sống thế nào, chắc là khá hơn nhà quê?” Rận thành phố nói: “Cứt, khá gì mà khá? Quần áo mớ ba mớ bảy toàn là ni lông với sợi tổng hợp, ba ngày hai lần giặt, một ngày năm lần thay, Nhìn thấy thịt đã khó, nói gì đến ăn thịt uống máu! Tránh hùm gặp hạm, thoát bàn là , lại bị nước sôi! Tớ sống sót chạy thoát về đây đâu có dễ!”

Hai con rận ôm nhau khóc một trận, nghĩ tới nghĩ lui thấy đã cùng đường, bèn ôm nhau nhảy xuống giếng tự vẫn!

Kim Cúc cười khanh khách: “Bố chỉ giỏi bịa chuyện!”

Tiếng cười của Kim Cúc vẳng bên tai thím Tư. Thím nhíu mày cắn một con rận. Thím không chịu nổi mỗi khi nhớ tới cuộc sống êm ái xưa kia. Thím không bắt rận nữa. Thím xuống giường, nhón chân đi ra chỗ cửa sổ. Cửa sổ rất cao, gờ cửa cao ngang trán. Thím trở lại đứng trên giường, qua cửa sổ nhìn thấy hàng rào dây thép gai, phía ngoài là cánh đồng rau, có dưa chuột, cà bát, biển đậu. Dây biển đậu đã úa vàng, cà đang nở hoa tím, đôi bướm màu xanh chấp chới trên ruộng rau, lúc khuất trong giàn biển dậu, lúc bay trên đám hoa cà.

Thím Tư ngồi xuống, lại bắt rận trong chăn.

o0o

- Ông lão, dậy thôi! – Thím dùng chân khoèo chú Tư.

Lũ vẹt nhà Cao Trực Lăng ở ngõ Đông kêu lần bốn, thím Tư dùng chân khều chú Tư, gọi: “Dậy thôi ông, vẹt kêu lần bốn rồi!”

Chú Tư ngồi dậy, khoác thêm chiếc áo chẽn, nhồi một tẩu thuốc, châm lửa, vừa hút vừa nghe lũ vẹt lải nhải như nói mê. Chú Tư nói: “Bà ra sân xem sao hộ tôi. Tôi không tin lũ vẹt, chim cảnh đâu phải gà trống mà báo thức!”

- Người ta đều bỏ giống vẹt rất linh – Mắt thím Tư loé lên trong bóng tối – Ông đã trông thấy đàn vẹt chưa? Lông xanh có, lông vàng có, lông đỏ có, đủ các màu, mắt trong như thuỷ tinh. Người ta bảo chúng là lũ tà ma quỉ quái, tiền Cao Trực Lăng kiếm được là tiền ma, theo tôi thì tiền đó chẳng chính đáng gì.

Chú Tư không bắt chuyện, chỉ rít tẩu đỏ lựng. Tiếng kêu của lũ vẹt vọng lại trong đêm tối, lúc rộ lên lúc lắng xuống. Trước mắt thím là những con vẹt sặc sỡ, vừa di chuyển vừa liếc nhìn thím.

Thím hơi hoảng, kéo chăn trùm chân, mong nữ phạm đứng tuổi sớm trở về. Ngoài hành lang có tiếng hô của lính gác, lại có tiếng chân bước.

Ra ngoài sân, thím cảm thấy lạnh. Một con mèo lông đen mượt vụt qua đầu tường, biến mất. Thím sợ, rụt cổ lại. Ngẩng nhìn trời, dải ngân hà sao dày đặc, hình như nhiều sao hơn năm ngoái. Thím tìm ba ngôi sao thẳng hàng hướng đông nam, vầng trăng khuyết một nửa vừa ló lên ở phía đông, mới nửa đêm. Thím đi về phía chiếc chuồng mới dựng ở chân tường đông, dò dẫm thêm cỏ cho con trâu chửa con so mới mua dạo mùa xuân. Con trâu nằm trên nền đất, đang nhai lại. Thấy động ở máng cỏ, nó vùng dậy xông tới, đụng sừng phải trán thím. Thím ôm đầu mắng: “Con chết toi! Thúc sừng phải tao rồi!”

Con trâu ăn cỏ rào rạo, thím Tư quành ra sau máng, sờ bụng con trâu, thím nghĩ: Ba tháng nữa, nó sẽ đẻ một con nghé.

- Giờ giấc thế nào? – Chú Tư hỏi.

- Mới nửa đêm, ông ngủ thêm lúc nữa? – Thím Tư nói – Tôi vừa thêm cỏ cho trâu.

- Tôi không buồn ngủ – Chú Tư nói – Hôm qua mất toi một ngày, hôm nay phải đi sớm, trâu đi không nhanh, cà rịch cà tang đến huyện thì cũng vừa sáng, năm mươi dặm kia mà!

- Tôi không tin có nhiều người bán tỏi đến thế!

- Bà không tin cũng phải tin. Người, xe trâu, xe ngựa, máy kéo, xe đạp, xe mô tô… chật đường, xếp hàng từ kho lạnh tới phía bắc đường sắt, đâu cũng là tỏi, đâu cũng thấy tỏi. Nghe nói kho lạnh sắp đầy rồi, chỉ thu mua hai hôm nữa thôi.

- Bây giờ bán cái gì cũng khó.

- Lát nữa, gọi thằng Cả và thằng Hai dậy đóng xe cho tôi. Tôi chịu đựng không nổi nữa. Con Cúc phá bĩnh khiến tôi đau tim, cứ nhắc mó một tí là tim lại đập rộn lên.

- Ông nó này, hai ngày nay thằng Cả và thằng Hai đòi ở riêng, ông biết chưa?

- Tôi có mù đâu mà không biết? Thằng Hai sợ thằng Cả ảnh hưởng tới chuyện lấy vợ của nó; Thằng Cả thấy Kim Cúc nhất quyết lấy Cao Mã, cuộc gả đổi tay ba đi tong, đòi ở riêng để sống độc thân. Đồ khốn kiếp! Bán tỏi xong làm thêm ba gian, cho ở riêng.

- Con Cúc ở với tôi và ông?

- Cho nó cuốn xéo!

- Cao Mã có đủ một vạn?

- Thằng ấy chịu thương chịu khó, năm nay nhận khoán sản bốn mẫu, nhà nó hai mẫu, tổng cộng sáu mẫu. Hôm nọ tôi đi qua ruộng nhà nó, tỏi nó tốt vào loại nhất, tôi tính cũng phải được sáu ngàn cân, sáu ngàn cân là năm ngàn đồng, ta nhận trước khoản này, còn năm ngàn cho chịu lại sang năm trả nốt, thằng ấy thế là vớ bở! Tôi không muốn con Cúc nuôi đứa con hoang trong nhà.

- Con Cúc đi rồi, tiền Cao Mã đưa hết cho mình, cũng đỡ bị hành…

- Bà còn thương xót nó? – Ông Tư gõ tẩu vào mép giường, nhẩy một phát từ giường xuống đất – Cho chết đói cái quân lộn giống ấy đi!

Thím Tư nghe thấy chú Tư ra thăm trâu ngoài chuồng, lại nghe thấy chú đập cửa gọi thằng Cả và thằng Hai:

“Cả và Hai dậy đi! Xếp tỏi lên xe cho bố!”

Thím Tư cũng bước xuống đất châm đèn treo dưới khong cửa, sau đó, thím múc một gáo nước trong ang đổ vào nồi.

Chú Tư hỏi: “Bà đun nước làm gì?”

- Nấu chút canh cho ông – Thím Tư nói – Đi cả một nửa đêm chứ ít đâu!

- Bớt cái khoản ấy hộ tôi – Chú Tư nói – Tôi ngồi trên xe, đi bộ đâu mà đi bộ? Cho con trâu nó uống!

Anh Cả và anh Hai ra sân. Trời lạnh, cà hai co ro, không nói câu gì.

Thím Tư múc thêm ba gáo nước vào cái liễn sành, cho vào liễn một nắm cám rồi khuấy đều bằng chiếc que cời lửa, để trên lối đi trong sân.

Chú Tư dắt trâu ra cho nó uống nước. Con trâu đứng yên, môi bập bập, không uống.

Chú Tư dỗ con trâu: “Uống… uống… uống nước đi!”

Con trâu vẫn đứng yên, hơi nóng trên mình nó có mùi khăn khẳn. Lũ vẹt lại kêu, tiếng kêu như một đám mây, bay tới rồi bay lui. Nửa vầng trăng đã lên cao hơn một chút, nhuộm vàng một mảng tường trong sân. Ánh sao hơi mờ đi.

- Cho nó thêm ít cám – Chú Tư nói.

Thím Tư bốc một nắm cát bỏ vào liễn.

Chú Tư vỗ sừng con trâu: “Uống đi!”

Con trâu cúi xuống xì mũi cho nước nổi bong bóng, rồi uống soàm soạp.

- Chúng bay còn đứng đấy làm gì – Chú Tư quở hai con – Mau khiêng xe ra, để rồi chất tỏi lên!

Anh Cả và anh Hai khiêng thùng xe ra, xách trục và bánh ra lắp vào xe. Trong thôn nhiều trộm, không dám để xe ngoài cổng. Ngồng tỏi thì chất đống tại chân tường phía nam, bó từng bó, đậy bằng tấm ni lông.

Chú Tư nói: “Xách thùng nước ra, vẩy cho tỏi một ít, đỡ hao cân.”

Anh Cả xách thùng nước, múc từng gáo giội lên đám ngồng tỏi.

Thím Tư nói: “Cho thằng Hai đi cùng chẳng tốt hơn sao?”

Chú Tư nói: “Không tốt!”

- Ông cứ ngang như cua – Thím Tư ca cẩm – Đến huyện mua cái gì ngon ngon mà ăn, nhà hết lương khô rồi.

- Nhà mình vẫn còn nửa cái bánh bột ngô phải không? – Chú Tư hỏi.

- Đã mấy bữa rồi! – Thím Tư nói.

- Bà đem ra cho tôi – Chú Tư dắt trâu ra cổng, quay lại mặc áo bông, giắt nửa chiếc bánh bột ngô vào bọc, kẹp chiếc roi bằng cành cây vào nách, đi ra cổng.

- Càng già càng lẩm cẩm – Thím Tư nói – Để thằng Hai đi bán không được?

Anh Hai cười nhạt: “Bố sợ con tham ô!”

Anh Cả thì lại bảo: “Bố thương chúng mình.”

- Ai cần thương? – Anh Hai lầu bầu, về buồng ngủ.

Thím Tư đứng trong sân thở dài, lắng nghe tiếng kin kít của xe trâu xa dần trong màn đêm mênh mông. Đàn vẹt nhà Cao Trực Lăng kêu như điên, thím bồi hồi không yên, đi tới đi lui trong sân, tắm trong ánh trăng vàng vọt.



Cửa buồng giam lại mở ra, cảnh sát tháo còng trên tay số 46. Chị ta chạy gằn hai bước, nhào lên giường, nằm yên như một xác chết.

Nhân lúc cảnh sát lúi húi đóng cửa, thím Tư van xin: “Chính phủ ơi Chính phủ, cho tui về nhà đi, sắp đến “Bốn chín ngày” ông lão nhà tui rồi!”



o0o

 

Pages Previous  1  2  3  4  Next