Chút Phận Linh đinh   Hồ Biểu Chánh Pages Previous  1  2    
Chương 9
Thấy nhà lầu, lại không vô đặng,
Vào trại lá mà phải ở đây.


Tại đầu cầu Nha Mân người ta ở  đông nhưng trưa nắng kẻ mắc nghỉ ngơi, người mắc làm sau vườn, nên không có ai ở ngoài cửa. Có ba bốn đứa con nít đương giỡn chơi dưới gốc xoài dựa lộ thấy có một cái xe hơi tốt ngừng tại đầu cầu thì chúng nó áp chạy lại mà coi. Chừng chúng nó thấy mẹ con Thu Vân leo xuống, mặt mày sáng láng mà y phục lam lụ thì chúng nó lấy làm lạ nên chong mắt mà ngó, chẳng hiểu vì cớ nào người bận áo quần như vậy mà được đi xe tốt như vây. Có lẽ Thu Vân cũng hiểu tình ý mấy  đứa nhỏ nầy, song nàng không bợ ngợ chi hết.

Xe chạy rồi nàng liền bước lại hỏi đứa nhỏ đứng gần:
- Em biết nhà ông Hội đồng đạt ở chỗ nào không em?
đứa nhỏ ấy chỉ tay mà đáp rằng:
- Kia kìa! Qua cầu rồi tới khúc quẹo thấy có nhà lầu đó là nhà ổng.
- Ông có lò gạch phải không em?
- Ô, mà lò gạch ở trên một đỗi nữa.
- Cám ơn em.
Thu Vân với Thu Cúc qua cầu. Trời nắng gắt, ván cầu nóng như lửa đốt. Mẹ con Thu Vân nóng chơn quá chịu không nổi nên chạy riết đặng qua khỏi cho mau.
Sắp con nít thấy vậy thì cười rộ.
Qua khỏi cầu rồi, nhờ có cây hai bên che mát, nên mẹ con Thu Vân thủng thẳng núp bóng mà đi. Đi tới khúc đường quanh, bỗng thấy có một cái nhà lầu lớn và xinh đẹp ở dựa bên đường phía bên tay trái. Mẹ con Thu Vân đứng ngay cửa ngỏ nhìn vào thấy trong nhà mấy  cánh cửa đều mở hết, nhưng ngoài ngỏ thì đóng chặt.
Thu Vân đứng nhìn hoài, có ý chờ coi trong nhà có ai ra thì hỏi thăm lại cho chắc rồi sẽ vô. Nàng coi kỹ thì thấy ngôi nhà nguy nga thật; phía ngoài đường có xây hàng rào sắt, cửa ngỏ cũng bằng sắt. Trong sân trồng hoa quả, kiểng vật đủ thứ. Một bên trồng sa-bô-chê với măng cục. Còn một bên trồng ổi bồ  đào với quít đường. Chánh giữa có đúc một cái hồ bằng xi măng, trên cái hồ có xây một hòn non bộ. Dài theo đường vô cửa cái thì để hai hàng chậu, nào là kim quít, nào là bùm sụm, nào là bạch mai, nào là dần thăng 24, cây nào gốc cũng bằng bắp tay, mà nhánh lại uốn như lân như phụng. Nhà lớn để ghế bàn hực hỡ, nhưng không thấy ai nằm ngồi, nhà bếp cất ở phía sau, nên khuất nhà lầu không thấy rõ được. .
Thu Vân đương đứng ngóng bỗng có một người đàn ông đi ngang qua. Nàng hỏi thăm thì thiệt quả là nhà của ông Hội đồng đạt.
Thu Cúc nghe nói nhà ông Hội đồng đạt thì kéo áo mẹ và nói rằng:
- Kêu cửa đi má.
Thu Vân phủi tay con rồi lần bước mà đi.
Thu Cúc chạy theo hỏi nhỏ rằng:
- Phải nhà ông nội rồi. Má kêu thì trẻ nhỏ ra mở cửa chớ gì.
- Ê! đừng có nói bậy. Má đã dặn phải giấu mà cứ nói hoài. Ông nội, ông nội gì? Con muốn ông đánh đuổi đặng mang xấu hay sao?
- Bây giờ ông nội thương mình rồi má.
- Nói vậy chớ ai mà dám tin. Mình giấu hoài, để dọ tình ý coi như ông nội thương thiệt, rồi sẽ nói. Con đừng có chôn rộn, để cho má lo liệu. Má biểu làm sao con sẽ làm vậy, con đừng có cãi hư việc hết, nghe không.
Thu Vân bước lại gốc xây xoài lớn ở dựa cửa ngỏ mà ngồi. Thu Cúc cũng lại ngồi một bên mẹ. Nó suy nghĩ một hồi rồi nói với mẹ rằng:
- Lương đồ bị ăn trộm lấy thiệt là hại quá. Tiền bạc áo quần mất không sao, ngặt khai sanh của con với hôn thú của ba má mất, bây giờ biết làm sao?
- Nếu cần dùng thì mình gởi thơ cho thầy ba Thiện mượn sao lục cái khác, khó gì.
- Được hả má!
- Ừ.
- Còn khai sanh của chị Thu Ba má làm sao?
- Xin lục tại Xã Tây Chợ Lớn. Giấy tờ mất không hại gì, má buồn có một điều là mất mấy  bức thơ của ba con, bây giờ không còn dấu tích chi hết...
Thu Vân nói tới đó thì tủi lòng nên bệu bạo muốn khóc.
Thu Cúc cũng nhớ cha nên ngồi buồn hiu. Mẹ con khoanh tay ngồi dưới gốc cây xoài, bộ như người đi đường ngồi nghỉ chưn.
Cách chẳng bao lâu có một cái xe hơi phía Sa đéc chạy xuống. Thu Cúc đứng vậy mà nhìn, thấy quả cái xe đưa mình hồi nãy, chuyến nầy sốp-phơ mắc lo bóp kèn đặng qua khúc quanh nên không thấy nó.
Xe hơi chạy qua khỏi rồi bỗng nghe có tiếng người mở cửa ngõ lộp cộp. Thu Vân lật đật đứng dậy, men men đi lại. Có một người đàn ông, tuổi chừng 40, mặc quần đen áo vải đen, miệng rộng ngậm trầu bô bô, đầu tóc rối chôm bôm, lại có bịt cái khăn xéo trắng, xô cửa ngỏ rồi bước ra. Thu Vân lần lại hỏi rằng:
- Phải nhà ông Hội đồng đây không chú?
Người ấy lõ mắt ngó Thu Vân từ trên đầu xuống dưới cẳng rồi mới chịu đáp:
- Phải. Hỏi chi vậy?
-  Mẹ con tôi nghèo khổ không có chỗ làm ăn, nghe nói ông Hội đồng giàu có mà lại nhơn đức, nên đến đây xin làm công việc cho ông mà nhờ hột cơm tư. Không biết có ông Hội đồng ở nhà hôn chú?
- Có. Mà không được đâu. Ông nhơn đức thì nhơn đức, mà có phải ổng nuôi hết thảy thiên hạ được đâu. Nếu ổng nuôi hết người nghèo như chị vậy thì ông phải cất mấy  muôn cái nhà mới đủ cho người ta ở. Không được đâu. Chị đâu mà lại đây?
- Tôi ở dưới Vĩnh Long.
- Xa dữ hôn! Ở dưới không ai thèm mướn hay sao mà đi lên tới trên nầy lận.
- Cũng có, nhưng tôi nghe nói ông Hội đồng trên nầy nhơn đức, lại ông thiếu người nấu ăn, nên tôi mới lên đây.
- Ai nói thiếu người nấu ăn. Vậy chớ vợ tôi đó chi. Nó chết rồi hay sao? Cha chả? Chị nầy chỉ rủa vợ tôi chớ.
- Ai mà rủa. Tôi nghe họ nói như vậy chớ.
- Chị nghe lầm. Trong nhà thiếu gì người làm công việc. Vợ tôi nấu ăn, tôi làm vườn, thằng Hiếu quét nhà, lau bàn lau ghế, còn thiếu người làm việc gì nữa mà mướn. Chị không hiểu, tôi ở với ông tôi 20 năm rồi, ông tôi thương tôi như con ruột. Người lạ ông tôi không bao giờ chịu mướn đâu mà mong.
- Chú làm ơn cho tôi vô, tôi lạy ông, tôi ở ông bắt làm việc chi cũng được miễn là mẹ con tôi có cơm ăn một ngày hai bữa thì thôi.
- Không có được. Hễ tôi nói không được là không được. Chị đừng có cãi mà.
Ông lễ minh hổm nay, cho chị vô lộn xộn rồi ông rầy tôi sao? đi kiếm chỗ khác mà ở. Thôi, hai mẹ con dắt lên lò gạch ở mà làm gạch không được hay sao, khéo làm rộn.
Người ấy khép cửa ngỏ lại rồi đi xuống dưới đầu cầu. Thu Cúc muốn xô cửa vô đại, Thu Vân cản không cho, biểu để chờ nguời bận đồ đen ấy trở về. Thu Vân đón tại cửa ngỏ mà năn nỉ nữa:
- Chú làm phước cho mẹ con tôi vô ở dưới nhà bếp, chừng nào tôi giáp mặt ông tôi bẩm, nếu ông không chịu mướn thì tôi sẽ đi.
Người ấy trợn mắt đáp:
- Chị nầy nói nhây dữ kìa? Tôi nói không được mà cứ theo nói hoài, cho chị vô lộn xộn rồi ông rầy người ta làm sao.
- Ông đau sao đó vậy chú?
-  Hỏi chi vậy? Chị làm thầy thuốc, chị hốt thuốc cho mạnh được hay sao mà chị hỏi?
- Không mà, tôi hỏi cho biết vậy thôi.
- Chị nầy thiệt là nhiều chuyện. Đi đi, đừng có ở đàng trước đây nữa. Người ấy khóa cửa ngỏ lại rồi cầm chìa khóa đi vô. Mẹ con Thu Vân nhìn nhau ứa nước mắt. Tuy vậy mà Thu Vân không chịu đi, cứ đứng ngoài rào dòm vô, có ý muốn coi có ông Hội đồng đi qua đi lại trong nhà hay không.
Nàng chờ hơn một giờ đồng hồ mà không thấy tăm dạng chi hết, cùng thế rồi nàng dắt con đi lên kiếm lò gạch. Thu Cúc đi theo mẹ mà mặt nó bùng thụng lầm bầm nói rằng:
- Nhà của ông nội tôi mà họ không cho tôi vô, thiệt tức quá. Thu Vân đi chừng 5 khoảng dây thép thì thấy phía bên tay mặt có một cái lò bạch  thiệt lớn, hỏi thăm họ nói lò gạch ấy của ông Hội đồng. Đầu đàng nầy có ba cái lò đương hầm gạch nên khói lên ngun ngút. Đầu đàng kia củi chất đống nào đống nấy ngùn ngụt. Phía trong có hai tòa nhà dài, gạch ngói chất dẫy đầy.
Thu Vân coi bên đó rồi day ngó bên tay trái. Trên một miếng đất rộng lớn chừng hai, ba mẫu nằm từ đường lộ chạy vô ráp mé sông, đàn ông đàn bà con nít đương lao nhao lố nhố, chỗ thì xúm nhau đào đất chỗ thì gánh đất mà đi, chỗ thì xe bạch  ngói in rồi đem qua lò mà hầm, chỗ thì nhồi đất đổ vô khuôn mà in đặng phơi khô cho sẵn.
Dựa bên đường có hơn l0 cái chòi lá nho nhỏ cất rải rác để cho người làm gạch đụt nắng đụt mưa. Ở chánh giữa miếng đất lại có một cái trại lớn để chứa gạch ngói in rồi, hoặc để lúc nào trời mưa thì nhơn công vào đó nhồi đất mà in cho khỏi ướt.
Thu Vân đứng ngoài lộ ngó một hồi rồi dắt con đi vô miếng đất trống ấy. Nàng thấy có một đám con nít chừng 10 đứa với hai bà già đương lụi hụi in gạch, nàng men men đi lại đó mà coi. Con nít từ 10 đến 15 tuổi ôm đất mình mẩy tèm lem, bà già răng đã rụng, tóc đã bạc, mà in gạch coi lẹ làng lắm.
Trong đám con nít có một đứa con gái, trạc chừng 13, 14 tuổi, mặt mày sáng láng mà đầu tóc rối nùi, bận một cái quần vải đen sau đít vá ba bốn miếng, hai ống vo lên trên đầu gối, với một cái áo cụt tay cũng bằng vải, hồi trước thì là màu trắng, mà bây giờ màu ấy đã phai rồi coi như là màu xám.
Nó ở đàng xa ôm đất đi lại, vừa ngó thấy mẹ con Thu Vân thì nó ngó Thu Cúc trân trân, rồi nhăn răng cười và hỏi rằng:
- Đi đâu đây? Muốn làm chơi với mấy  đứa tôi hôn?
Thu Cúc nghe con ấy hỏi như vậy thì cũng chúm chím cười, song nó liếc mắt ngó mẹ nó, rồi day qua coi mấy  bà già in gạch, chớ nó không trả lời.
Con nhỏ ấy bỏ ôm đất gần một bên đó, rồi trở đi ôm nữa. Thu Vân coi một hồi rồi ôm gói đồ ngồi dựa bên bà già và hỏi:
- Tôi muốn làm gạch quá, không biết họ mướn không bà há? Bà già ấy day lại ngó nàng rồi đáp:
- Mướn, chớ sao lại không mướn.
- Không biết họ mướn một ngày bao nhiêu hở bà?
- Thuở nay có lò gạch nào mướn làm ngày bao giờ. Mình làm trăm làm thiên rồi tính tiền chớ.
- Làm một trăm là bao nhiêu?
- một trăm gạch là một cắc, đại tiểu gì cũng vậy. Còn ngói một trăm thì tính một cắc hai.
- một ngày bà làm được mấy  trăm?
- Không có chừng, ôm đất, nhồi đất thì lâu, chớ in mà bao lâu. Nếu trời nắng, một ngày làm tới hai, ba trăm.
- Không biết mấy  người làm đây họ ăn ngủ ở đâu bà há?
- Ai có nhà nấy chớ.
- Còn mấy  người ở xa, không có nhà tại đây họ làm sao?
- Kia kìa, có mấy  cái chòi đó, vô đó mà ở.
Thu Vân đứng dậy ngó mấy  cái chòi, thấy cái nào cũng cất vuông vức mỗi bề chừng 3 thước tây, trên lợp lá chầm đóp, ba phía thì dừng lá sơ sài, còn một phía thì chừa trống để làm cửa ra vô. Nàng đứng ngẫm nghĩ nếu bây giờ mình không ở đây thì biết đi đâu, mà đi rồi làm sao cho con Thu Cúc hiệp với ông nội nó được.
Nàng đương bàng hoàng, thình lình bà già hỏi nàng rằng:
- Cháu ở đâu mà muốn làm gạch?
- Tôi ở dưới Vĩnh Long. Chồng tôi mất, bỏ mẹ con tôi bơ vơ, không phương thế làm ăn, nên trôi nổi lên đây kiếm công việc làm.
- Chồng cháu hồi trước làm giống gì?
- Chồng tôi cũng làm nhiều nghề lắm. Nó làm... Hồi trước nó làm... lính mã tà... rồi sau nó lại làm sốp-phơ.
- Chết hồi nào?
- mới chết đây. - Nếu không có việc làm ăn, thôi ở đây mà làm gạch. Làm gạch không khá gì mấy song cũng đủ cơm ăn.
- Tôi muốn lắm, ngặt vì thuở nay tôi chưa làm, không biết có làm được hay không?
- Có khó gì đâu! Coi nguời ta làm sao, thì mình làm theo như vậy chớ gì.
Thôi, ở phụ làm với tôi, làm chung với nhau, chừng tính tiền tôi sẽ chia cho.
- Bà có lòng thương tôi, bà dạy như vậy thì tôi cảm ơn quá. Nhà bà ở đâu?
Bà làm phước cho mẹ con tôi ở đậu đặng làm với bà được không? Bà già buông đất, đứng dậy, lấy cánh tay quẹt mồ hôi trên trán rồi chỉ một cái chòi nhỏ gần đó và nói:
- Tôi có nhà cửa chi đâu. Tôi ở cái chòi của chủ cất kia. Cháu muốn ở thì ở với tôi.
Thu Vân thấy bà già hảo tâm thì nàng mừng nên nói rằng:
- Bà làm ơn cho tôi ở với. Thôi, bà làm đi. Để tôi coi bà làm gạch làm sao, tôi học lần, đặng sáng mai làm với bà.
Hai mẹ con ngồi cà rà một bên bà già. Thu Cúc bộ vui lắm, nó coi bà già làm một hồi rồi nói:
- Làm gạch coi thế không khó. Bà làm dễ như chơi. Để mai cháu làm với bà, nghe hôn bà.
Bà già gặc đầu. Nó lại day qua nói với mẹ nó:
- Nè má, để mai con ôm đất nhồi như bầy trẻ đó còn má coi theo bà đó mà in, nghe hôn má. Hễ má mệt má nghỉ thì con in chớ ôm đất lấm áo lấm quần hết.
Bà già thấy Thu Cúc còn nhỏ mà biết thương mẹ, biết lo mẹ mệt, biết sợ mẹ lấm áo, thì bà đem lòng thương, nên tay thì làm mà miệng thì nói chuyện với nó hoài.
Mặt trời gần lặn, bà già đi xuống vũng nước gần đó rửa tay rửa mặt rồi dắt mẹ con Thu Vân về chòi. Đứa con gái hỏi Thu Cúc hồi nó mới vô đó, thấy mẹ con Thu Vân đi với bà già, bèn chạy theo níu tay Thu Cúc hỏi rằng:
- về nhà bà Sáu ở đặng làm gạch phải hôn?
Thu Cúc day lại cười và đáp rằng:
- Ừ, tôi ở đây đặng làm gạch.
- Được a, ở làm chơi. Tôi dạy giùm cho. Mình ôm đất vô nhồi rồi in chớ có khó gì. Chị em mình chơi với nhau nghe hôn?
- Nhà chị ở đâu?
- Ở trên kia.
Con nhỏ ấy nói có mấy  lời rồi tẻ đường đi lên lộ. Về tới chòi, Thu Vân phải cúi đầu khum lưng, chun vô mới được.
Nàng dòm coi trong chòi trống trơn; phía tay mặt thấy có một cái chõng mà cái chõng lại khác hơn cái chõng của người ta: sáu cây nạng đóng xuống đất làm chơn, trên gác ba cây ngang rồi phủ vạt tre thưa thưa. Có một chiếc đệm cuốn bỏ trên chõng chớ không thấy mền mùng chi hết. Phía trong có dụm ba cục gạch làm ông táo. Gần đó có để một cái nồi, hai cái ơ, với vài cái chén, vài cái dĩa đá. Tài vật trong chòi chỉ có bao nhiêu đó mà thôi.
Thu Vân thấy quang cảnh như vậy thì nàng đau đớn trong lòng, song nàng chúm chím cười. Vì nàng nghe con nhỏ hồi nãy kêu bà già ấy là „Bà Sáu“ nên nàng dắt chước kêu mà nói rằng:
- Cha chả, chòi nhỏ quá như vầy mẹ con tôi ở đây thì cực cho bà lắm, bà Sáu há?
Bà Sáu day lại cười mà đáp rằng:
- Cực giống gì, ăn nhiều chớ ở mà hết bao nhiêu.
- Tối chỗ đâu mà ngủ?
- Có một cái chõng đó chi! Lo dữ hôn.
- Cái chõng nhỏ quá ngủ sao đủ?
- ngại gì. Như có chật thì tôi để cho hai mẹ con ngủ đó tôi ngủ dưới đất cũng được mà.
- Ai mà nỡ để cho bà ngủ dưới đất.
- Hai mẹ con ăn cơm rồi chưa? Như chưa ăn thì nói tôi nấu thêm, chớ tôi già
cả ở một mình trưa tôi nấu một nồi rồi ăn phân nửa, còn phân nửa để dành chiều.
- Mẹ con tôi chưa ăn cơm, nhưng mà không sao đâu. Tôi còn bánh mì đây, tôi ăn thế làm cơm cũng được bà đừng nấu nữa thất công.
Bà Sáu lại bếp bưng nồi cơm đem để trên chông rồi bà lấy hết chén dĩa mà sắp ra đó nữa. Thu Vân cũng mở gói lấy gói bánh ra. Hai đàng đều tưởng đàng kia có đồ ăn nhiều, té ra chừng dọn xong rồi mới hay bà Sáu ăn cơm nguội với muối tiêu, còn ẹ con Thu Vân ăn bánh mì với đường cát. Tuy vậy mà nghèo gặp khổ nên không ai cười ai, đã vậy mà ai cũng đói bụng hết thảy nên ngồi ăn coi ngon lắm. Hai đàng lại vời lẫn nhau, bà Sáu ăn thử khúc bánh mì, bà nói nhai không nổi. Con Thu Cúc ăn tại thử một chén cơm nguội, bị muối tiêu cay nên nó hít hà hoài.
  Ăn cơm rồi bà Sáu xách tĩn nước mưa ra lấy chén rót mà uống với nhau.
Trời đã tối; bữa ấy nhằm 12 âm lịch trăng đã mọc cao mú, nên dọi vô chòi sáng sáng.
Bà Sáu nói:
- Lúc nầy có trăng nên tôi không mua dầu, bất nhơn quá, bây giờ dầu đâu mà đốt.
Thu Vân trả lời:
- Thôi, đốt đèn làm chi. Nói chuyện thầm mà chơi một lát rồi ngủ, khách khứa gì hay sao mà bà lo đèn đuốc.
Bà Sáu quét chõng trải đệm rồi khuyên mẹ con Thu Vân lên nằm đó mà nghỉ. Thu Vân nhường lại cho bà và xin bà cho mượn nuột chiếc chiếu để trải dưới đất đặng mẹ con nằm.
Bà Sáu suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:
- Có chiếu líp gì đâu... Ờ, thôi hai mẹ con ở nhà chơi để tôi chạy lại đàng nầy mượn một chiếc chiếu đem về cho mà nằm đỡ.
Bà nói dứt lời rồi đi liền. Cách một hồi bà ôm về một chiếc chiếu rồi trải ngay rửa chòi. Bà lên nằm thử rồi nói:
- Được rồi. Để tôi ngủ đây cho, hai mẹ con lên chõng ngủ cho rộng. Thu Vân thấy vậy mới chịu lên chõng nằm. Nàng vừa đặt đầu xuống gối thì gối bay mùi hôi quá nên nàng phải lấy cái khăn mà bao lại rồi nằm mới được. Bà Sáu nói chuyện láp dáp một hồi rồi bà ngủ khò. Thu Cúc bị  đi nắng gió một ngày nên mệt mỏi, vừa nằm xuống thì nó cũng ngủ liền.
Có một mình Thu Vân bị vạt tre cấn lưng đau mình, phần thì trong trí óc lo tính buồn rầu nên nàng nằm thao thức hoài. Vách có lỗ, ánh trăng dọi vô mặt nàng. Nàng nhắm mắt lim dim, trong trí nhớ nỗi chồng, xét phận mình, thương thân con lăng xăng.
Hồi nào lên xe xuống ngựa, chơn vớ chơn giày, nằm gường sắt nệm gòn, ăn cá tươi thịt tốt, bây giờ tấm thân lao khổ, chồng mất con khờ, không có ai nương dựa. Cha chồng giàu có, nhà lớn cửa cao ở một bên đây còn mẹ con mình đã về tới rồi mà phải núp lén trong một cái chòi trống như vầy, mình không được nhìn cha, con mình không được nhìn ông nội!
đã biết khi trước vợ chồng mình lỡ quấy làm nhục tổ tiên. Mà cái lỗi ấy trong mười mấy  năm nay vợ chồng buồn rầu lo sợ hết sức, dường ấy há chưa đủ chuộc cái mội xưa hay sao, mà trời đất nỡ đoạn dây cang thường, còn nỡ đày thân bồ liễu như thế? Thôi, Trời Phật không thương muốn phạt mình cho cực thân khổ trí đáo để thì mình phải cam chịu, vì mình có lỗi nên mình không phép than phiền.
Mình cứ vái Trời Phật xui khiến cho con mình được về ở chung với ông nội nó rồi mình chết theo chồng cho trọn niềm chung thủy.
Nàng nghĩ tới đó rồi ngủ quên.

Chương 10
đến nông nỗi kể chi tân khổ,
Nước gập ghình nhờ có chị em.


Trời vừa rạng đông, bà Sáu thức dậy lấy nồi vo gạo nấu cơm. Bà làm lộp cộp, Thu Vân giựt mình nên cũng thức dậy. Thu Vân thấy bà nhúm lửa lăng xăng bèn hỏi:
- Bà có gạo đủ nấu hay không bà Sáu?
- Có có đủ mà.
- Ờ, nếu có thì bà nấu cơm cho mẹ con tôi ăn với. Chẳng giấu bà làm chi, tôi nghèo quá, trong túi còn năm cắc bạc mà thôi. Để tôi đưa hết cho bà mua gạo. Bà làm phước nuôi giùm cho mẹ con tôi, tôi làm được bao nhiêu tiền tôi sẽ đưa hết cho bà cất.
Nàng vừa nói vừa móc túi đưa hết mấy  cắc bạc cho bà Sáu. Bà Sáu nghe lời nói thê thảm, bà lấy làm cảm động. Bà không chịu lấy tiền, mà nàng cứ theo năn nỉ hoài, bà sợ nàng ái ngại, nên cực chẳng đã bà phải lấy.
Cơm vừa chín thì mặt trời vừa mọc mà con Thu Cúc cũng vừa thức dậy. Bà Sáu ngó con nhỏ cười và nói:
- Dậy cháu, dậy ăn cơm rồi đi làm. Dữ, nó ngủ coi ngon dữ a.
- Thu Vân cũng cười và nói:
- Đi một ngày hôm qua, nắng gió nên nó mệt.
Thu Cúc cũng cười rồi đi kiếm nước rửa mặt. Bà Sáu bưng nồi cơm để trên chông, còn Thu Vân đi lấy chén đũa đem ra.
Bữa nay cũng ăn cơm với muối tiêu nữa chớ không có thịt cá chi hết, mà nhờ cơm nóng, lại cũng vì bụng đói, nên ba người ăn coi ngon lắm, ăn hết nồi cơm mà bộ còn muốn ăn nữa.
  Ăn uống xong rồi bà Sáu, mẹ con Thu Vân đi lại trại làm gạch.
Sắp nhỏ hôm qua đã tới trước rồi, đứa thì còn giỡn chơi, đứa thì đã cởi áo đi ôm đất. Con nhỏ làm quen với Thu Cúc hôm qua thấyThu Cúc vô trại thì lật đật chạy tại nắm tay và nói rằng:
- Đi đi ôm đất với tôi. Tôi dạy cho mà làm.
Thu Cúc bợ ngợ day lại hỏi mẹ:
- Con đi ôm đất cho má nhồi nghe không má? Mà phải cổi áo hay là để như vậy? Nếu ôm đất mà bận áo thì nó dơ hết còn gì.
Bà Sáu hớt mà trả lời rằng:
- Cháu để áo như vậy mà ôm, cổi làm chi? Nó có dơ thì chiều mình giặt nó chớ.
Thu Cúc vội vã đi theo sắp nhỏ kia mà ôm đất. Con nhỏ làm quen với nó đó bèn cặp kè với nó vừa đi vừa hỏi rằng:
- Chị tên gì?
- Tôi tên Cúc. Còn chị tên gì?
- Tôi tên Nuôi. Tôi năm nay 14 tuổi, còn chị mấy  tuổi?
- Tôi 13 tuổi, nhỏ hơn chị một tuổi.
- Hai đứa mình làm chị em với nhau chơi nghe không?
- Ừ, mà lớn hơn tôi thì chị phải kêu tôi bằng em, chớ đừng có kêu bằng chị nữa nghe.
- Ừ.
- Chị còn cha mẹ đủ hay không?
- Cha tôi mất rồi, tôi còn một mình má tôi thôi.
- Chị cũng như tôi. Má chị làm gì? Có làm gạch ở đây hay không?
- Hồi trước cũng làm gạch. Mấy tháng nay má tôi hay nóng lạnh quá nên không dám dầm nước, ở nhà làm bánh bán.
- Bánh gì?
- Không biết chừng, bữa thì làm bánh ích trần, bữa thì làm bánh xôi nước.
- lời không?
- lời chớ. Một ngày lời chừng vài cắc.
- Còn chị làm gạch một bữa được bao nhiêu tiền?
- một tuần tôi lãnh chừng một đồng hai.
- Tôi rán tôi làm; tôi cầu một tuần tôi lãnh chừng một đồng bạc thì cũng được đủ khá lắm.
- Sao lại không được. Chị làm có tôi giúp cho.
- Tôi đã nói chị kêu tôi bằng em, sao chị còn kêu bằng chị?
- À quên! Thôi kêu bằng em. Em rán mà làm. Em có má em. Em ôm đất cho má em nhồi mà in thì má em phải làm được nhiều lắm chớ.
- Ờ, má tôi làm chung với bà Sáu. Có bà Sáu nữa thì chắc lãnh tiền được bộn chớ, chị há?
Hai đứa nói chuyện với nhau mới có bao nhiêu đó thì đã tới đống đất rồi. Thu Cúc đứng ngó một người hình vóc cao lớn, ở trần đưa lưng đen thui, đương đứng dưới ruộng mà xắn đất. Có hai, ba người khác nữa ôm đất ấy để đống dựa một bên bờ.
Một đám đàn bà con nít bu nhau lại đống đất đó mà ôm, tốp đem qua trại nầy, dốp đem qua trại khác.
Con Nuôi a vô ôm đất và kêu Thu Cúc mà nói:
- Ôm đi em, ôm như chị đây nè.
Thu Cúc đứng bóng, chừng nó nghe con Nuôi kêu rồi lại thấy con Nuôi ôm nữa, nó mới bước tới đưa hai tay ra mà móc đất. Nó vừa thọc tay vô đống đất liền rút ra, rồi đưa hai tay lấm đất lên mà dòm. Con Nuôi thấy vậy đứng cười ngất rồi nói rằng:
- Ôm đại đi mà? Ôm đất mà em sợ lấm tay thì ôm sao đặng. Mấy đứa nhỏ kia thấy vậy cũng tức cười, nên đứng ngó Thu Cúc trân trân. Thu Cúc sợ chúng bạn cười nên thò tay vô đống đất nữa. Nó móc một cục chừng bằng cái tô, mà vì nó sợ ôm vô mình lấm áo, nên nó bụm hai tay mà đưa ra ngoài.
Con Nuôi liền biểu:
- Em ôm đại vô trong mình đi mà. Phải ôm mới nhiều chớ, sợ lấm áo em bụm như vậy thì có bao nhiêu đất.
Sắp nhỏ vùng cười rộ, làm cho Thu Cúc thẹn thùa cúi mặt xuống không nói chi hết. Thình lình không biết đứa nào rắn mắt, muốn khuấy chơi, nên liệng một cục đất ướt dính ngay ngực con Thu Cúc làm lấm áo một bệt bằng cái chén. Thu Cúc buông cục đất nắm trong tay rồi chừ bự muốn khóc.
Con Nuôi ngó sắp nhỏ hỏi lớn:
- Đứa nào chơi dại vậy há. Em tao còn mới nên nó bợ ngợ. Bây chọc nó tao đánh bây chết a.
Nó nói dứt lời rồi liền móc một cục đất lớn trao cho Thu Cúc mà biểu ôm. Vì áo đã lấm rồi Thu Cúc hết sợ lấm nữa, bởi vậy nó liền ôm cục đất ướt vào mình, không còn bợ ngợ như hồi nãy. Con Nuôi móc một cục đất khác mà ôm rồi biểu Thu Cúc đi.
Hai đứa nhỏ trở về trại, vì ôm đất nặng nên không nói chuyện được. Thu Cúc ôm đất chưa quen, đi dọc đường đất lọt rớt lợt đợt, bởi vậy về tới trại, nó bỏ cục đất của nó xuống thì còn chừng được một tô mà thôi.
Bà Sáu cười và nói:
- Cháu ôm như vậy biết đời nào mới đủ làm. Thu Cúc cười ngỏn ngoẻn rồi day lại kéo con Nuôi đi ôm nữa. Bà Sáu với Thu Vân nhồi đất của bà ôm sẵn bữa trước rồi bà dạy nàng in gạch với bà.
In được vài chục miếng, bà thấy nàng đã quen rồi, mà đất lại gần hết, con Thu Cúc ôm một mình không đủ làm, bà mới để cho nàng in, còn bà đi ôm phụ với Thu Cúc.
Thu Cúc ôm năm ba bận nó đã quen rồi nên lần lần ôm được nhiều hơn một chút. Đến chừng nó thấy bà Sáu đi ôm phụ với nó thì nó vui lòng nên làm sốt sắng lắm.
Bận vô mắc ôm đất, nó nói chuyện không được, bởi vậy bận ra không, nó đeo theo con Nuôi, hai đứa nói chuyện với nhau như két.
Mới gần nhau trong một buổi sớm mai, mà hai đứa nó đã dan díu thân thiết với nhau, ai mới thấy cũng tưởng chúng nó quen với nhau từ nhỏ chí lớn.
đến 11 giờ trưa, trong lò gạch đánh một hồi trống, những người ôm đất in bạch , già trẻ gì cũng đều kéo nhau về ăm cơm. Con Thu Cúc thuở nay không quen làm, bởi vậy ôm đất có một buổi mà nó đã mỏi tay mỏi cẳng.
Về tới chòi, bà Sáu lấy nồi nấu cơm. Thu Cúc giặt áo đem phơi trước sân, rồi mặc áo túi leo lên chõng nằm; mẹ nó mở gói đưa cái áo lụa cho nó mặc, mà nó không chịu, cứ nói mặc áo túi chơi cho mát. Nó nằm đó bụng đói, tay mỏi mà nó vui như thường. Nó thấy bà Sáu bưng nồi gạo đi vô nó vùng nói rằng:
- Lát nữa làm muối đặng ăn cơm, bà bỏ tiêu ít ít vậy nghe hôn bà Sáu. Bà bỏ tiêu nhiều cay quá cháu ăn không nổi.
Thu Vân nghe lời than của con, nàng động lòng vô cùng. Bà Sáu thấy vậy cũng thương nên nói:
- Cháu ăn muối tiêu không được, thôi để bà lại quán mua đồ về cho cháu ăn.
Thu Vân nhúm lửa xong rồi, bà Sáu bắt nồi cơm lên bếp. Bà biểu Thu Vân coi chừng cho bà đi mua đồ. Bà lấy một cái quãu nhỏ với một cái ve chai rồi xách đi. Thu Cúc muốn đi theo chơi, mà rồi nó mặc áo túi sợ đi ra đường coi kỳ nên nó không đi.
Bà Sáu đi rồi, Thu Vân hỏi con:
- Con ôm đất mệt không con?
- Mệt, mà làm vui quá má há? Hồi nãy má thấy chị Nuôi đó hôn? Chỉ thương con lắm, mà con cũng ưa chỉ nữa.
- Chị Nuôi nào?
- Chị mập mập dạy con ôm đất, cứ theo nói chuyện với con hoài đó.
- Ờ, té ra con đó là con Nuôi hay sao?
- Thưa, phải.
- Con của ai vậy?
- Thưa, không biết. Chỉ nói nhà chỉ ở trên kia, má chỉ bán bánh.
- Con phải nhớ, ai có hỏi thì con phải giấu, đừng nói thiệt là con ai nghe hôn. Con cứ nói cha của con hồi trước làm sốp-phơ.
- Hồi sớm mai thình lình chị Nuôi hỏi tên con.
- Con nói thiệt con tên Cúc. Có hại gì hay không má?
- Con nói tên Cúc không thì không hại gì, miễn là đừng có nói chuyện gì khác nữa thì thôi.
- Bà Sáu đây coi bộ tử tế quá má há? Mình ở đây mà làm, chắc nay mai mình lẽ gặp ông nội chớ gì?
- Nghe nói ông nội con đau, đi đâu được mà gặp.
- Ông đau rồi vài bữa ông mạnh chớ. Để ông mạnh ông lại lò gạch con theo o bế, ông thương con cho má coi.
Cơm vừa mới cạn thì bà Sáu lơn tơn đi về. Thu Cúc lật đật đứng dậy xem thấy bà mua một quãu gạo, trên có để bốn con khô sặt, còn trong chai thì có nửa chai nước mắm.
Bà cười và nói:
-  Mấy cắc bạc của mẹ cháu đưa hồi sớm mơi, bà mua đồ hết cho cháu ăn. Thu Cúc vụt nói:
- Nếu ăn hết đồ nầy rồi làm sao?
- Ăn hết đồ nầy thì tới lãnh tiền, lo gì. - Lãnh chừng bao nhiêu bà?
- một mình bà làm mỗi tuần bà lãnh một đồng ba, hoặc một đồng tư, có khi tới một đồng rưởi. Nay có hai mẹ con cháu làm phụ, thì lãnh ít nào cũng hơn hai đồng chớ.
Bà Sáu lấy một con khô sặt đưa cho Thu Vân và nói:
- Nướng đi đặng cho cháu nó ăn.
Bà đi trút gạo vô khạp, buộc chai nước mắm vô cột cho khỏi ngã đổ, rồi mới treo xâu khô lên mái nhà. Cơm chín rồi dọn ra bà lấy chén rót một chút nước mắm cho Thu Cúc chấm khô ăn cho mặn miệng.
Thu Cúc có khô với nước mắm nó ăn cơm coi ngon lắm, song nó sợ hết nên không dám ăn cho vừa miệng. Thu Vân liếc thấy ý con như vậy nàng đứt ruột, bởi vậy nàng để khô cho con ăn, cứ quẹt muối tiêu với húp nước mắm mà nuốt cơm.
  Ăn xong bữa rồi mà còn được nửa con khô. Bà Sáu cất để dành chiều cho Thu Cúc.
Cách chẳng bao lâu, con Nuôi đi lại chòi bà Sáu. Thu Cúc vừa thấy nó bước vô sân thì lật đật chạy ra mừng rỡ, rồi nắm tay kéo nó vô kêu mẹ mà nói:
- Chị Nuôi đây nè má.
Thu Vân dòm thấy con nhỏ mạnh dạn mà mặt mày sáng láng thì nói rằng:
- Con nhỏ nầy con của ai đâu mà coi ngộ quá?
Bà Sáu trả lời:
- Con nầy là con của chị Chín bán bánh ích trần ở trên kia. Nó có một mẹ một con, mẹ nó thì bịnh hoạn hoài, mà con nầy nó làm giỏi lắm. Con Nuôi lấy tay quào Thu Cúc, rồi hai đứa dắt nhau đi ra ngoài trước. Con Nuôi thò tay vô túi lấy ra hai trái mận đưa cho Thu Cúc. Thu Cúc cười và nói:
- Phải chia ra cho chị một trái em một trái, chớ chị  đưa hết cho em rồi chị còn đâu chị ăn?
- Qua ăn rồi. Cái nầy là qua để dành phần cho em. Em ăn hết đi.
- Mận đâu chị có vậy chị?
-  Mận của nhà qua trồng.
- Nhà chị có trồng mận hay sao?
- Có, nhà qua có quít, dừa, chuối nữa chớ. Bữa nào rảnh qua dắt em lên chơi.
- Ờ được a, mà má chị rầy hôn?
- Không. Mình chơi chớ có làm việc chi đâu mà rầy.
Tới giờ làm mấy  người kéo nhau ra trại. Hai đứa nhỏ cặp kè đi trước, bà Sáu với Thu Vân thủng thẳng đi sau.
Thu Vân hỏi bà Sáu:
- Lò gạch nầy của ai bà há?
- Của ông Hội đồng, nhà ở chỗ khúc quẹo đó.
- Tôi có thấy nhà đó. Chắc ông giàu lắm bà há? Mỗi tuần bổn thân ông ấy đi phát tiền hay là ổng sai ai?
- Khi thì ổng đi, khi thì ổng sai tài phú của ổng. Hôm tuần rồi tài phú phát tiền. Nghe nói ông Hội đồng ể mình, không biết bữa nay ông đã hết chưa.
- Không biết ổng đã già hay còn nhỏ?
- Ông cũng đã già rồi chớ, nhưng sức lực ổng mạnh lắm. Ối mà ở đời người giàu như ổng vậy cũng không hơn gì tôi đây.
- Sao vậy?
- Ông giàu mà quạnh hiu có một mình, không có con cháu chi hết, nghĩ ra thì thân ổng có hơn mình chỗ nào đâu.
Thu Vân cười rồi cúi mặt xuống đất mà đi, không hỏi nữa. Hồi sớm mai bà Sáu phụ với Thu Cúc ôm đất đã nhiều, bởi vậy buổi chiều khỏi ôm nữa. Bà Sáu với Thu Vân lo nhồi đất rồi in gạch. Thu Cúc chạy xớ rớ chung quanh, coi sắp nhà phơi. Con Nuôi buổi chiều cũng lo in chớ không ôm đất. Nó in cũng gần đó, lên vừa làm vừa kêu Thu Cúc nói chuyện hoài.
Bữa nào cũng vậy, hễ hết đất thì đi ôm, hễ ôm nhiều rồi thì lo in. Mà con Nuôi nó liệu thế nào không biết, hễ chừng nào Thu Cúc đi ôm đất thì nó cũng đi theo mà ôm.
đã vậy mà buổi trưa nào nó cũng đi làm sớm ghé chòi bà Sáu, kiếm Thu Cúc dắt đi, rồi ra ngoài đường nó cho đồ ăn, khi thì cho mận, ổi, chuối nấu, khi thì cho bánh ích trần, không lỏi một bữa nào.
Một bữa nọ lối 11 giờ trưa, con Nuôi lại xin phép bà Sáu với Thu Vân dắt Thu Cúc về nhà nó chơi. Thu Vân thấy hai đứa nhỏ trìu mến nhau nàng không nghi ngại chi hết nên bằng lòng cho con đi với con Nuôi.
Hai đứa nó đội khăn cặp kè mà đi coi bộ vui vẻ lắm. Ra tới lộ rồi con Nuôi dắt Thu Cúc đi lộn lên phía chợ Sa đéc. Thu Cúc hỏi:
- Nhà chị ở gần hay xa?
- Trước kia, chỗ có cây dừa cao đó.
- Chị dắt em về đây, má chị có rầy hôn?
- Không. Qua xin phép má qua trước rồi. Bữa nay má qua có làm một con vịt cúng cha qua. Hồi hôm, qua nói chuyện em thì má qua biểu trưa nay dắt em lên chơi đặng ăn thịt vịt.
- Ý! Té ra nhà chị có đám giỗ hay sao?
- Ừ.
- Cha chả! Nếu có đám giỗ thì em lên đó coi kỳ quá?
- Sao mà kỳ?
- Có khách khứa đông mà em ăn mặc dơ dáy quần áo lấm lem, em thẹn lắm chị à?
-  ổi thẹn cái gì? Họ giàu họ bận đồ tốt mình nghèo mình bận đồ xấu. Họ ở không đi chơi tự nhiên quần áo họ sạch, mình mắc làm công việc tự nhiên quần áo mình dơ; mình có làm điều chi quấy đâu mà sợ mắc cỡ. Mà em đừng có lo. Nhà qua tuy có đám giỗ nhưng má qua không có mời ai hết, em lên đó coi có gặp ai hay không.
Thu Cúc nghe nói như vậy thì yên lòng, nên không dục dặc nữa. Hai đứa vừa đi vừa nói chuyện với nhau, đi được ba bốn khoảng dây thép, con Nuôi đưa tay lên chỉ và nói:
- Nhà qua đó. Chỗ có cây mận lớn đó.
Thu Cúc ngó theo tay của con Nuôi thấy có một cái nhà lá thấp nhỏ, song trước sân sau hè đều có trồng cây bít bù. Nó không biết má con Nuôi có tử tế như con Nuôi vậy hay không. Bởi vậy nó ái ngại, tuy bước tới mà không nói chuyện nữa.
Cách chẳng bao lâu, hai đứa nó tới nhà, Thu Cúc dụ dự dừng ngoài lộ. Con Nuôi bước vô sân rồi ngoắc Thu Cúc biểu vô. Thu Cúc lỏn lẻn bước vô.
Trong nhà quét tước sạch sẽ, cửa mở sáng sủa song vắng tanh chẳng thấy ai hết. Chánh giữa nhà có dọn một cái bàn thờ, trên bàn có để một cái dĩa chuối lá xiêm, trái lớn bằng bắp tay, mà mới hườm hườm chớ chưa chín.
Thu Cúc mắc đứng ngó, con Nuôi đi thẳng ra phía sau, rồi nghe nó nói rằng:
- Con có dắt con Thu Cúc về đây má!
Có tiếng người đáp lại:
- Đâu dắt nó vô đây coi.
 - Con Nuôi chạy ra nắm tay Thu Cúc dắt vô trong. Má con Nuôi đương ngồi chặt thịt vịt, thấy hai đứa nhỏ bước vô thì ngước lên ngó Thu Cúc cười và nói rằng:
- Cháu tên Cúc phải hôn? Hổm nay con Nuôi bữa nào về nhà nó cũng nói chuyện cháu, nên dì biểu nó rủ cháu lên đây chơi cho biết nhà. Cháu ở đó chơi đợi cúng rồi ăn cơm với nhau.
Thu Cúc tưởng má con Nuôi gắt gao nghiêm chỉnh chừng nó nghe mấy  lời nó vui vẻ thì nó hết ái ngại nữa nên nó đứng dựa tấm vách lá mà coi chặt thịt. Nó thấy con Nuôi lấy chén dĩa lau, nó cũng bắt chước làm với con Nuôi, tay nó làm mà mắt nó cứ liếc ngó má con Nuôi hoài. Nó thấy người dình dàng, chừng lối 50 tuổi, da mặt chưa dùn mà hai hàm răng đã rụng hết.
đồ múc ra tộ dĩa xong rồi, hai đứa nhỏ bưng sắp lên bàn thờ. Hai mẹ con con Nuôi đốt nhang vái lạy, còn Thu Cúc đứng dựa cột mà ngó. Nó thấy con Nuôi cúng cha, nó nhớ tới cha nó cũng chết, mà nó không cúng được, nó bắt động lòng ứa nước mắt.
Má con Nuôi lạy rồi thấy cặp mắt Thu Cúc ướt rượt thì lấy làm lạ nên lật đật hỏi coi tại sao nó khóc.
Thu Cúc cứ chảy nước mắt, không chịu trả lời. Con Nuôi mới dắt Thu Cúc ra sau vườn rồi dỗ mà hỏi, chừng ấy Thu Cúc mới chịu tỏ thiệt tình riêng của nó, song nó cũng còn giấu, chớ không dám nói cha nó là ai. Má con Nuôi nghe chuyện ấy thì khen thầm Thu Cúc làm con có hiếu, bởi vậy chừng cúng rồi dọn đồ xuống chị ta theo ép Thu Cúc ăn cho no, sớt cháo, gắp thịt, vẽ cá cho nó ăn không ngớt.
Thu Cúc ăn cực khổ mấy  bữa, hôm nay sẵn có đồ ăn nhiều nên trí tuy buồn mà miệng ăn ngon lắm. Ăn uống xong rồi, đến xế hai đứa nhỏ mới sửa soạn đi làm. Má con Nuôi thấy tánh ý Thu Cúc thì thương, nên theo căn dặn nó hễ vài bữa đi theo con Nuôi lên nhà chơi một lần.
Tối bữa ấy Thu Cúc nằm với mẹ thỏ thẻ thuật chuyện nó đi ăn đám giỗ nhà con Nuôi hồi trưa. Nó cũng thuật luôn sự nó thấy con Nuôi cúng cha thì nó động lòng nên nó khóc. Thu Vân nghe con nói đến đó thì nàng lấy tay vuốt đầu nó mà nước mắt chảy ròng ròng, may nhờ nhà không có đốt đèn nên bà Sáu với Thu Cúc không thấy được.
Làm gạch mới có mấy  bữa thì đã tới kỳ lãnh tiền. Kỳ nầy tài phú cũng cầm sổ đi đếm gạch ngói rồi phát tiền cho nhơn công, chớ không thấy ông Hội đồng. Thu Cúc xúi con Nuôi hỏi coi ông chủ lò gạch đi đâu. Chú tài phú trợn mắt đáp:
- Mầy hỏi chi vậy? Ông Hội đồng bịnh nên nằm dưới nhà chớ  đi đâu mà hỏi.
Từ ấy về sau, bữa thì Thu Cúc thừa lúc nghỉ trưa đi theo con Nuôi lên nhà nó chơi, bữa thì con Nuôi xuống sớm rồi hai đứa dắt nhau đi xuống phía dưới nhà ông Hội đồng kiếm bông mà hái. Thu Vân thấy hai đứa nhỏ hòa hảo với nhau nên nàng để chúng nó chơi với nhau thong thả, không ngăn cản chi hết.
Mỗi lần Thu Cúc đi chơi ngang nhà ông nội nó thì nó có ý dòm coi, song không có lần nào nó thấy dạng ông nội hết, không biết ông nội đau thể nào nên nó nấy làm buồn.

Chương 11
Bị đói cực nàng Vân nhuốm bịnh,
Thấy cùng khổ ông Hội thương tâm.


Mẹ con Thu Vân ở chung với bà Sáu làm gạch, tuy làm không giỏi, nhưng vì có sức mẹ con phụ, nên mỗi tuần bà Sáu lãnh trên hai đồng, đủ tiền mua gạo đắp đổi qua ngày. Hai mẹ con ở làm gần một tháng mà chưa thấy mặt ông Hội đồng.
Thu Vân đêm nào nằm cũng tính, song tính hoài mà cũng không biết chước chi gặp ông Hội đồng cho được.
Thu Vân thuở nay quen ăn có thịt có cá, ngủ có nệm có mùng, tuy trí thường hay buồn, chớ thân chẳng hề cực bao giờ. Gần một tháng nay ăn bữa nào cũng mắm muối sơ sài, chẳng hề có thịt cá, uống thì nước lạnh lẽo không được sạch chớ không có nước trà, ban ngày làm thì bùn đất dính đầy mình, ban đêm ngủ thì muỗi mòng áp cắn. Đã vậy mà trong lòng nàng lại thêm buồn rầu nên coi nàng càng, ngày càng ốm teo rồi bịnh rét của nàng phát lại nữa. Luôn trong hai ngày, hễ mặt trời mọc thì nàng ớn lạnh một hồi rồi nóng hầm cho tới trưa mới dậy được. Nàng đi làm gạch không được. Bà Sáu biểu Thu Cúc ở nhà với mẹ nó cho có bạn, mà Thu Vân không chịu, cứ ép con phải đi làm đặng phụ ôm đất với bà Sáu.
Một buổi sớm mai lối tám chín giờ Thu Cúc đương ôm đất với con Nuôi. Vì mẹ nó đau, trong lòng nó lo sợ, nên mặt nó buồn nghiến, không nói chuyện như mấy  ngày trước. Con Nuôi thấy như vậy cũng buồn cho phận của bạn nó, bởi vậy nó hỏi thăm rồi cứ việc lo ôm đất, không đành kiếm chuyện nói cười.
Hai đứa nhỏ ra tới đống đất, móc mỗi đứa một cục ôm trong lòng, rồi đi vô trại. Chúng nó vừa xây lưng đi thì thấy có một người mặc quần áo lụa trắng, đầu bịt khăn xéo đỏ, trên có che cây dù đen, đương xăm xăm ở ngoài lộ đi vô trại.
Con Nuôi vừa ngó thấy vụt nói:
- Úy! Ông Hội đồng hết đau rồi hay sao mà bữa nay ông đi vô trại kia. Thu Cúc nghe nói như vậy thì nó đứng ngó sửng, không đi được nữa, mặt nó biến sắc. Con Nuôi day lại ngó thấy tưởng Thu Cúc sợ ông Hội đồng, nên hỏi:
- Em sợ ổng hay sao? Ông đi coi vậy thôi. Chớ ổng có rầy rà chi đâu mà sợ.
Thu Cúc ôm đất thủng thẳng đi trước, vừa đi vừa chăm chỉ ngó ông Hội đồng. Ông Hội đồng đi mau hơn nên ông tới trại trước, ông sập dù rồi chống xuống đất đứng giữa trại coi làm gạch. Hai đứa nhỏ ôm đất vô tới, con Nuôi đi trước con Thu Cúc đi sau. Thu Cúc liệng ôm đất xuống, mặt mày buồn xo cặp mắt ướt rượt.
Ông Hội đồng ngó Thu Cúc trân trân, rồi bước lại vỗ vai nó mà hỏi rằng:
- Cháu là con của ai? Cháu làm ở đây được bao lâu rồi? Có đứa nào ăn hiếp hay sao mà cháu khóc?
Thu Cúc đưa cánh tay lên chùi nước mắt, rồi đứng tấm tức tấm tửi nói không được. Bà Sáu thấy vậy bèn hớt mà trả lời:
-  Bẩm ông. Nó có hai mẹ con, ở dưới Vãng lên kiếm công chuyện làm ăn.
Tôi thấy mẹ con nó nghèo tôi thương, nên tôi nuôi đặng phụ làm gạch với tôi gần một tháng nay.
Ông Hội đồng châu mày cúi xuống hỏi Thu Cúc rất dịu ngọt rằng:
- vậy chớ cha cháu ở đâu mà bỏ mẹ con cháu bơ vơ như vầy?
- Thưa, cha cháu chết.
- Chết hồi nào?
- Thưa, chết năm sáu tháng nay.
- Cha cháu hồi trước làm việc gì ở đâu?
- Thưa, làm sốp-phơ ở dưới Vĩnh Long. Ông Hội đồng vừa hỏi vừa ngó Thu Cúc không nháy mắt. Ông nghe nó nói nấy lời ấy thì ông đứng thở ra mà suy nghĩ. Cách một hồi lâu ông vịn vai nó mà hỏi nữa rằng:
- Cháu ôm đất cực khổ nên cháu khóc hay là có việc chi khác?
- Thưa, không phải ôm đất cực.
- vậy chớ tại sao?
- Thưa cháu khóc là vì cháu rầu má cháu đau nhiều mà không có tiền rước thầy cho má cháu uống thuốc, cháu sợ má cháu chết nữa rồi bỏ cháu bơ vơ một mình...
Thu Cúc nói tới đó rồi khóc rống lên. Con Nuôi thấy vậy liền chạy lại đứng một bên. Bà Sáu cũng đứng mà ngó. Ông Hội đồng nắm cánh tay Thu Cúc mà hỏi rằng:
- Má cháu bây giờ ở đâu?
- Thưa, ở đằng chòi bà Sáu.
- Chỗ nào đâu? Cháu dắt ông lại đó coi. Bà Sáu đưa tay chỉ cái chòi của bà cho ông Hội đồng. Con Nuôi đẩy Thu Cúc và nói:
- Em dắt ông đi đi.
Thu Cúc bước ra đi. Ông Hội đồng xách dù đi theo. Con Nuôi chạy vòng rồi nền vai đi trước với Thu Cúc và nói nhỏ:
- Em đừng có khóc nữa. Em khóc qua buồn lắm, không có sao đâu mà sợ.
Không biết chừng ông Hội đồng thấy má em đau, ổng cho tiền hốt thuốc dống vài bữa thì mạnh chớ gì.
Hai đứa nhỏ với ông Hội đồng bước vô chòi thấy Thu Vân quấn chiếu nằm rên hừ hừ trên chõng. Ông Hội đồng đứng phía dưới chòi, còn hai đứa nhỏ đứng hai bên. Thu Cúc vói tay kéo chiếu và kêu:
- Má ơi, má! Có ông lại đây, má ngồi dậy một chút, má.
Thu Vân tốc chiếu lồm cồm ngồi dậy, mình mẩy nóng hực, mặt mày đỏ au, thấy ông Hội đồng không biết là ai, song cũng cúi đầu chào. Ông Hội đồng thấy nàng lam lụ hình dáng ốm teo, nhưng gương mặt, nét mày, bàn tay, mái tóc không phải là người bần tiện, thì ông lấy làm lạ, nên ông đứng ngó nàng một chút rồi hỏi:
- Cô em đau sao đó?
- Thưa ông, con rét.
- Cô có cữ đã mấy  ngày rồi?
- Thưa năm bữa.
-  Mỗi ngày mỗi có cữ hay là ngày có ngày không?
- Thưa, bữa nào cũng có, hễ buổi sớm mơi thì nằm vùi.
- Có uống thuốc gì hay không?
- Thưa, không. Ông Hội đồng chau mày rồi bỏ  đi quanh trong chòi. Con Nuôi bước lại nói nhỏ với Thu Vân:
- Thưa dì, ông là ông Hội đồng, chủ lò gạch nầy.
Thu Vân nghe nói giựt mình biến sắc, rồi nhướng mắt ngó ông trân trân. Ông  Hội đồng đi giáp vòng rồi trở lại hỏi Thu Vân:
- Cô em gốc ở đâu?
- Thưa ông, con ở Vĩnh Long.
- Ở dưới Vĩnh Long mà lên trên nầy làm giống gì?
- Thưa, chồng con khuất rồi, mẹ con bơ vơ, nghe nói ông giàu có lại nhơn đức nên tính lên xin ở với ông làm công việc trong nhà nhờ hột cơm dư. rủi bữa con lên, ông ễ mình, người nhà không cho con vô, nên mẹ con của con phải dắt nhau lên đây ở đậu với bà Sáu mà làm gạch.
- Chồng cháu hồi trước làm nghề gì?
- Thưa, làm sốp-phơ.
- Làm sốp-phơ coi xe ai? Ông hỏi câu đó thình lình. Thu Vân không biết làm sao trả lời cho xuôi. May nàng cũng lẹ trí nên ngập ngừng một chút rồi đáp:
- Thưa coi xe quan lớn chánh. Ông Hội đồng dạy mặt ra sân suy nghĩ một hồi lâu rồi ông day vô và nói:
- Cháu rét mà ở chỗ như vầy, lại không uống thuốc thì không thế nào mạnh được. Ông muốn đem cháu về dưới nhà ông ở để ông rước thầy hốt thuốc cho uống, chừng mạnh rồi cháu muốn ở làm công việc trong nhà cũng được hay là muốn đi đâu thì đi, cháu chịu không?
- Thưa ông, thân con nghèo khổ lại đau ốm, chết sống không biết bữa nào. nếu ông làm phước cứu con khỏi chết, thì con nguyện trọn đời ở làm tôi tớ cho ông mà đền ơn đáp nghĩa.
Ông Hội đồng nghe nói như vậy thì ông chúm chím cười. Ông dặn hễ chiều hết cữ rét rồi thì mẹ con dắt xuống dưới nhà ông mà ở. Ông nói rồi liền từ mà về.
Hai đứa nhỏ đưa ông ra cửa rồi trở vô. Thu Cúc mắt liếc mẹ mà miệng cười ngỏn ngoẻn. Con Nuôi thấy Thu Vân nằm xuống lật đật đắp chiếu cho nàng, rồi rủ Thu Cúc lại trại ôm đất nữa.
Lại tới trại Thu Cúc liền thuật cho bà Sáu nghe chuyện ông Hội đồng biểu mẹ con nó xuống nhà ông mà ở. Bộ nó hớn hở, chớ không phải buồn rầu như hồi sớm mai nữa. Bà Sáu nghe bà cũng mừng cho mẹ con Thu Vân. Duy có một mình con Nuôi, nó dàu dàu bộ không vui. Thu Cúc thấy vậy bèn hỏi nó:
- Má em bây giờ có chỗ nương nhờ rồi, sao chị không mừng giùm cho em mà nãy giờ coi bộ chị buồn dữ vậy?
Con Nuôi thở ra và đáp:
- Qua buồn là vì hễ em về ở nhà ông Hội đồng thì chị em mình hết gần nhau nữa.
- Sao vậy?
- Em có ôm đất làm gạch nữa đâu mà gần.
- Đã biết em không có ôm đất làm gạch nữa, song em cũng lên xuống chơi với chị chớ.
- Em có việc khác vui hơn chơi với qua.
- Em không có chơi với ai mà vui hơn chơi với chị được.
- Chắc không?
- Để rồi chị coi em nói láo hay nói thiệt mà.
Con Nuôi cười ngó Thu Cúc rồi dắt nhau đi ôm đất. Buổi chiều Thu Cúc ở nhà sửa soạn đặng có đi với mẹ xuống nhà ông Hội đồng nên nó không đi làm.
Thu Vân hết cữ rét. Đến 4 giờ trời mát, nàng biểu con xách gùi áo quần rồi dắt đi lại trại từ giã tạ ơn bà Sáu đặng có đi. Con Nuôi đương in gạch thấy mẹ con Thu Vân lại lật đật rửa tay rồi đi theo đưa cho tới cửa nhà ông Hội đồng.
Hôm trước cửa ngỏ nhà ông Hội đồng đóng chặt cứng, bữa nay lại mở toang hoác. Mẹ con Thu Vân từ biệt con Nuôi rồi đi vô sân, không ai ngăn cản hết. Vô tới thềm rồi Thu Vân bợ ngợ, không biết phải đi thẳng vô cửa nhà lớn, hay phải đi vòng mà vô nhà sau. Thu Cúc ở sau lướt tới, cứ việc bước lên thềm vô nhà lớn. Nó vừa lên khỏi mấy  nấc thang thì ông Hội đồng ở trong cũng vừa bước ra. Ông thấy mẹ con Thu Vân liền biểu vô nhà. Ông kêu người đàn bà nấu ăn tên là Thị Két lên, rồi dạy dắt mẹ con Thu Vân xuống nhà sau chỉ cái phòng ông đã biểu dọn hồi trưa cho hai mẹ con ở.
Thị Két đi trước, mẹ con Thu Vân theo sau.
Anh Pho là chồng của Thị Két, tay cầm cái cuốc đương đứng tại cửa nhà bếp, ngó thấy mẹ con Thu Vân ở nhà trên bước xuống thì anh ta xụ mặt nói lầm bầm:
- Dữ hôn? Tưởng là ai ở đâu, té ra hai mẹ con con nầy mà! Thu Cúc ngó anh Pho mà cười. Anh tưởng nó kiêu ngạo nên giận đỏ mặt. Thị Két mở cửa một cái phòng nhỏ và nói:
- Hồi trưa ông biểu dọn cái phòng nầy cho chị đó.
Thu Vân bước vô phòng, thấy phòng tuy chật hẹp, song quét tước sạch sẽ, lại có lót một bộ ván dầu, và có để một chiếc chiếu trắng. Nàng biểu Thu Cúc đem để gói áo trên ván rồi mẹ con trở ra đi lại căn bếp coi Thị Két nấu ăn.
Thu Cúc được vào nhà ông nội thì nó mừng nên cứ ngó mẹ mà cười hoài. Nó đứng xớ rớ một lát rồi lần lần đi vòng theo nhà lớn coi kiểng vật bông trái chơi. Nó vừa ngó ra phía trước thấy ông Hội đồng đương đứng sửa kiểng nó lật đật thối lui; chẳng dè ông Hội đồng thấy nó rồi nên ông kêu nó:
- Con nhỏ đó lại biểu chút coi, chạy đi đâu vậy?
Thu Cúc xẻn lẻn đi lại.
Ông Hội đồng nói:
- Ông giao cho cháu làm việc nầy: từ rày sắp lên, mỗi buổi sớm mai và chiều cháu phải đi theo mấy  cây kiểng vạch lá bắt sâu nghe không?
- Dạ.
- Hễ cháu làm biếng để có con sâu nào cắn lá kiểng thì ông đánh đòn đa.
- Dạ.
- Cháu sợ sâu hôn?
- Thưa sợ.
- Như sợ không đám bắt tay, thì kiếm cây gắp mà bắt nó.
- Dạ.
- Cháu không có áo quần nào khác thay hay sao nên bận đồ lấm lem lấm luật như vậy?
- Thưa có, cháu còn một bộ đồ lụa, song bận sợ nó cũ đi nên cháu để dành.
- Phải thay bận đỡ, đặng giặt đồ nầy cho sạch sẽ chớ.
- Dạ.
- Bận đi. Nó có cũ ông mua đồ khác ông cho.
- Dạ, nếu ông biểu thì cháu bận.
- Hồi cha cháu còn, có cho cháu đi học hành gì hay không?
- Thưa, có.
- Học mà biết đọc, biết viết hay chưa?
- Thưa, chữ quốc ngữ cháu biết nhiều. Còn chữ Tây thì sức cháu gần đi thi "certificat".
- Chà, cháu học ngồi tới lớp nào?
- Thưa, lớp nhì.
- Nếu vậy thì học đã khá rồi. Thôi cháu đi chơi đi lát nữa rồi ăn cơm. Mà cháu tên gì?
- Thưa, tên Cúc.
- Tên Cúc... Còn mẹ cháu tên gì?
- Thưa tên... tên Thu...Tên... Thu... Thu...
- Cháu năm nay mấy  tuổi?
- Thưa 13. Ông Hội đồng đứng suy nghĩ một hồi lâu rồi ông day lại ngó Thu Cúc. Chẳng biết ông suy nghĩ việc gì, mà cũng chẳng hiểu tại sao ông ngó trân trối một hồi lâu rồi ông chau mày mà hỏi rằng:
- Còn cha cháu tên gì?
- Thưa cha cháu chết rồi.
- Ừ, ông biết, cháu có nói hồi sớm mai. Song ông hỏi tên gì chớ.
- Thưa, tên... tên Hai.
- Có lẽ thứ hai, chớ sao lại tên Hai.
- Thưa cha cháu thứ hai mà cũng tên Hai.
-  Hự, kỳ dữ hôn. Cháu nói cha cháu hồi trước ở dưới Vãng phải không?
- Thưa không, ở dưới Vĩnh Long.
- Thì Vĩnh Long họ kêu là Vãng chớ sao. Cháu ở Vĩnh Long sao không biết cái đó?
Thu Cúc bối rối, không biết sao mà trả lời. Nó sợ té mòi nói dối, nên biến sắc và gục mặt xuống đất không dám ngó ông Hội đồng. Lúc đó anh Pho ở ngoài mé vườn vác cuốc xăm xăm đi vô và nói:
- Thưa ông, tôi trồng mấy  bụi chuối chà rồi. Trồng chỗ  đó chắc mau phát lắm. Ông Hội đồng gật đầu. Ông khoát tay biểu Thu Cúc đi chơi. Thu Cúc nhờ anh Pho gỡ rối giùm cho nó thì nó mừng nên lật đật trở vô phía sau. Ông Hội đồng đứng ngó theo, chừng nó đi xa xa ông lại kêu và dặn vói:
- Nè, cháu phái nhớ mỗi bữa bắt sâu đa, nghe không?
Thu Cúc ngoái đầu lại dạ rồi men men đi vô nhà bếp. Thị Két dọn cơm rồi bưng một mâm lên nhà trên cho ông Hội đồng ăn. Thằng Hiếu là đứa ở quét nhà và lau bàn lau ghế trên nhà trên. Nó lo sớt cơm pha nước, chừng ông ăn rồi nó bưng mâm cơm xuống rồi nó và hai vợ chồng anh Pho với mẹ con Thu Vân mới xúm lại ăn.
Anh Pho thấy Thu Vân vào nhà ông Hội đồng thì đã không vui mà thấy ông Hội đồng lại có ý chiếu cố nữa thì anh ta phiền lòng nên ngồi ăn cơm mà không thèm ngó mặt mẹ con Thu Vân. Thị Két và thằng Hiếu tuy không thương không ghét, nhưng vì chưa quen nên hai người chỉ nói chuyện với nhau, chớ cũng không nói tới Thu Vân. Mấy người ăn vừa mới nửa bữa, thình lình ông Hội đồng bước vô. Ông ngó rồi nói:
- Ô, được. Tao tưởng bây không kêu mẹ con nó ăn cơm. Két nè, con nầy nó còn bịnh nên đừng sai nó làm việc chi hết nghe không. Để chừng nó mạnh rồi tao sẽ cắt phần việc cho nó làm. Tao nói cho bây biết, tao thấy hai mẹ con nó nghèo lại bịnh hoạn tao thương tao đem về tao nuôi, chớ không phải nó ở đợ đa. Đừng có làm thói ma cũ ăn hiếp ma mới tao không chịu. Ông nói rồi liền trở ra, Thị Két với thằng Hiếu ngó Thu Vân. Còn anh Pho thì sầm xuống mà ăn, coi bộ phiền lắm. Ăn cơm rồi Thu Vân phụ với Thị Két mà dọn dẹp.
Thị Két thấy vậy bèn nói:
- Cô qua bên phòng mà nghỉ. Để đó cho tôi làm. Cô dọn dẹp đây ông thấy ông rầy tôi đa.
Thu Vân cười và đáp:
- Làm lắt xắt chút đỉnh mà hại gì.
- Không được! Cô không hiểu ý ông khó lắm. Đây rồi ông rầy chết. Cô đi chơi đi. Tôi nói thiệt chớ không phải nói lẫy đâu.
Thu Vân cười rồi bỏ  đi qua bên phòng riêng. Thu Cúc chạy theo vô phòng khép cửa lại rồi thuật đủ đầu đuôi cho mẹ nghe những câu ông nội nó với nó nói hồi chiều. Mó mở gói áo ra, lấy quần áo lụa mà thay, nó lại nói mẹ nó phải thay đồ lụa đặng sáng mai giặt đồ vải mà phơi.
Thu Vân dụ dự nói rằng mình than nghèo khổ mà mặc đồ lụa thì làm cho người ta sanh nghi. Thu Cúc nói:
- Ấy má đừng có cãi mà, ý ông muốn mình ăn mặc sạch sẽ, không hại chi đâu má sợ.
Thu Vân nghe lời nên cũng thay đồ vải mà mặc đồ lụa. Trời đã tối. Mấy người gia đinh tản lạc đi đâu không biết. Mẹ con Thu Vân nằm trong phòng nói chuyện rầm rì với nhau. Thu Vân dặn con hễ ông nội có hỏi ở Vĩnh Long nhà ở chỗ nào thì phải nói ở trong nhà xe quan lớn chánh, chớ đừng nói vậy mà sái rồi làm cho ông nghi.
Thu Cúc cười và đáp:
- Má đừng lo. Con không có dại đâu. Để ít bữa đây con làm ông thương rồi ông đem mẹ con mình lên nhà trên cho má coi.
Thu Cúc mới nói tới đó bỗng nghe tiếng thằng Hiếu ở ngoài gõ cửa kêu:
- Em ơi, em? Ông biểu kêu em lên nhà trên cho ông biểu. Đi cho mau em. Thu Cúc lồm cồm ngồi dậy, bước xuống đất và nói nhỏ nhỏ rằng:
- Thấy không má?
Nó mở cửa chun ra thấy thằng Hiếu đứng ngoài cửa bèn hỏi:
- Ông kêu tôi phải không anh?
- Ừ ông kêu. Đi cho mau.
Thu Cúc lật đật chạy lên nhà trên. Ông Hội đồng nằm trên ghế nệm để dựa cái bàn cẩn, trên bàn để một cái đèn tọa đăng với bình trà hộp thuốc. Thu Cúc bước lại xá ông và nói:
- Thưa ông, cháu lên hầu ông. Ông Hội đồng day qua thấy nó mặc quần lụa trắng áo vân đen, tóc bới rẻn vang, mặt rửa sạch sẽ, coi ra vẻ con nhà thanh nhã chớ không phải con nhà bần tiện thì ông cười và nói rằng:
- Cháu có quần áo tốt quá, nếu có đồ đó thì có phải là nhà nghèo đâu. Mà sao áo của cháu bận coi vắn dữ vậy?
Thu Cúc cúi đầu nói ú ớ: - Thưa, đồ nầy của ba cháu sắm lâu rồi... nên bây giờ nó vắn. Ông Hội đồng cười nữa rồi nói:
- Thân thì vắn, mà sao tay với kích còn vừa. Bộ khi cháu lớn nội bề cao thôi hay sao?
Thu Cúc đứng lặng thinh không biết lời chi mà đáp. Ông Hội đồng thấy vậy bèn biểu đi lại bàn viết của ông lấy tờ nhựt báo để trên hết đem lại gần đèn đọc cho ông nghe.
Thu Cúc vâng lời đi lấy tờ "Nông cổ Mín đàm" đem lại và hỏi:
- Thưa ông, phải tờ nầy hay là tờ nào khác?
Ông Hội đồng biểu đưa cho ông coi. Thu Cúc đứng một bên, ngước mắt ngó lên trên vòng cửa giữa, thấy treo một khuôn hình lớn của ông, thiệt quả là khuôn hình nó đã thấy trong tiệm họa chơn dung trên Sài Gòn hôm tháng trước. Nó ngó hình ấy rồi ngó ông thì thấy nét mặt hàm râu tuy giống hịch, nhưng mặt ông bây giờ ốm thon, chớ không phải đầy đủ như trong hình vậy.
Ông Hội đồng day qua thấy nó ngó hình ông thì ông hỏi rằng:
- Cháu coi hình đó giống ông hay không?
- Thưa, giống lắm, nhưng mà mặt ông bây giờ coi ốm hơn.
- Ờ phải, hơn một tháng nay có chuyện nhà làm cho ông buồn rồi ông lại đau nữa, nên ốm hơn hồi trước.
- Ông giàu có quá, mà có chuyện gì buồn.
- Cháu tưởng giàu thì khỏi buồn hay sao. Ông giàu mà ông có biết vui hồi nào đâu. Mà từ rày về sau chắc là ông còn buồn rầu nhiều hơn trước nữa.
- Phải chi cháu có thể làm cho ông bớt buồm chút đỉnh được thì dầu chết mấy kiếp cháu cũng không nệ.
Ông Hội đồng vùng ngồi dậy chống tay lên trán suy nghĩ. Cách một hồi lâu ông đưa tờ nhựt báo cho Thu Cúc và biểu đọc bài luận đầu cho ông nghe.
Thu Cúc đi lại đứng dựa cái đèn tọa đăng mà đọc. Ông biểu nó leo lên ghế mà ngồi, đặng đọc cho dễ. Thu Cúc làm bộ ké né không dám ngồi, đợi ông biểu hai lần nó mới dám vưng lời. Ông nằm ngửa trên ghế nệm mà nghe.
Thu Cúc đọc chậm rãi, tiếng nào rõ tiếng nấy, tới chỗ ngừng thì ngừng, dễ nghe dễ hiểu, bởi vậy nó đọc hết bài rồi, ông khen nó đọc giỏi. Ông biểu nó đọc thêm cho ông nghe vài bài vắn nữa rồi nói:
- Được cháu đọc như vậy ông chịu lắm. Từ đây sấp lên cháu đọc nhựt trình và đọc truyện cho ông nghe chơi. Thôi, cháu xếp nhựt trình đem để lại chỗ cũ rồi xuống dưới mà ngủ đi.
Thu Cúc vâng lời, xếp tờ báo đem lại bàn viết để ngay thẳng rồi trở lại xá ông mà đi. Ông Hội đồng hỏi nó:
- Mẹ cháu có nóng lạnh hay không?
- Thưa, không. Sáng sáng mới có cữ.
- Để mai ông sai thằng Hiếu lên Sa đéc rước ông Mộng Liêm xuống coi
mạch . Ông hốt cho ít thang thuốc uống thì hết chớ gì. Ờ mẹ cháu có quần áo khác thay đổi hay không, hay là có nội đồ bận trong mình đó mà thôi?
- Thưa, có một bộ đồ hàng.
- Ờ, tưởng không có thì ông cho tiền mua bận.
- Thưa, có.
- Thôi cháu đi ngủ đi.
Thu Cúc bước ra khỏi cửa chạy riết xuống phòng rồi ôm ngang mình mẹ mà nói nhỏ:
- Ông bắt con đọc báo cho ông nghe. Bộ ông thương mẹ con mình rồi. Để bữa nào có dịp con sẽ nói thiệt nghe hôn má.
Thu Vân cười và dặn:
- Chậm chậm vậy! Con đừng có vội lắm mà hư việc.

Chương 12
Ở khéo khôn con mới được yêu,
Gặp danh y mẹ mau lành bịnh.


Sáng bữa sau, ông Hội đồng thức dậy uống chun nước trà rồi đi dạo vườn. Ông vừa bước ra sau thì thấy Thu Cúc tay cầm một cái gắp, đương xẩn bẩn theo chậu quít tàu, vạch lá kiếm sâu, ông chúm chím cười lần lần đi lại gần mà coi.
Thu Cúc mắc chăm chỉ kiếm sâu, nên không thấy ông Hội đồng đi ra. Đến chừng nó ngước lên thấy ông đứng chần ngần trước mặt thì nó giựt mình, rồi lật đật chắp tay cúi đầu chào ông. Ông Hội đồng gật đầu và hỏi:
- Có bắt được con sâu nào hay không?
- Thưa ông, cháu có bắt được hai con đeo cây đàng kia. Cháu giết rồi.
- Giỏi đa? Kiếm nữa đi. Kiếm cho đủ mấy  cây kiểng hết thảy, đừng có bỏ sót cây nào nghe không.
- Dạ.
- Còn mẹ cháu làm việc gì ở đâu?
- Thưa ông, má cháu tới cữ rét nên nằm trong phòng.
- vậy hay sao? Có cữ sớm dữ hôn!
Ông nói vừa dứt lời thì ông vội vàng đi vòng vô phía sau. Ông kêu gia dịch vang rân, biểu Thị Két rót nước trà nóng cho Thu Vân uống, hối thằng Hiếu chạy lên trên lầu ôm cái mền nỉ cũ xuống đưa cho Thị Két đắp cho Thu Vân.
Ông làm chộn rộn một hồi rồi đi lên trên lầu. Ông mở tủ lấy một đồng bạc đưa cho thằng Hiếu và hối nó biểu ra đón xe đò lên Sa đéc rước danh y Mộng Liêm là bạn thiết của ông.
Thu Cúc bắt sâu xong rồi trở vô phòng thấy mẹ đắp cái mền nỉ đỏ thì mừng. Nó giở mền rờ đầu mẹ rồi ôm áo quần vải của mẹ thay ra hồi hôm đem xuống mé lạch  mà giặt. Nó đương lui cui phơi đồ, thình lình có vật gì rớt một cái thịch sau lưng nó. Nó giựt mình day lại coi thì thấy một trái mảng cầu xiêm chín rụng nằm dưới đất.
Nó mừng quýnh lật đật lượm đem vô nhà bếp lấy một cái dĩa bàn để vô tử tế rồi bưng lên nhà trên cho ông. Ông Hội đồng cầm trái mảng cầu mà hửi rồi biểu Thu Cúc đem để trên bàn ăn. Thu Cúc để xong vừa xây lưng đi thì ông kêu lại biểu:
- Cháu lại bàn viết của ông, sắp giấy tờ cho sạch sẽ tử tế lại một chút. Thằng Hiếu nó làm biếng nó không dọn dẹp để lộn xộn quá. Mà nó dốt, nếu nó thò tay vô đó thì còn lộn xộn hơn nữa.
Thu Cúc đi lại bàn viết, ôm hết đồ  đạc để qua bên bộ ván, lấy chổi lông gà quét bụi trên dưới sạch sẽ rồi mới sắp đồ lại. Mực để một bên, ống viết để một bên. Sách chữ nho nó để riêng một chồng; cuốn lớn để dưới cuốn nhỏ  để trên. Truyện quốc ngữ nó lựa riêng từng bộ, rồi sắp theo thứ tự. Nhựt báo nó cũng lựa số nhỏ sắp dưới, số lớn sắp trên. "Nông cổ Mìn đàm" để riêng một chồng, "Quốc dân Diễn đàn" để riêng chồng khác. Tới mấy  cuốn sổ nó sắp theo sổ, mấy  phong thơ nó để theo thơ, giấy trắng để riêng một chỗ.
Ông Hội đồng nằm trên ghế liếc mắt coi chừng. Ông dòm thấy con nhỏ làm kỹ lưỡng thì ông gục gặc đầu bộ vừa ý lắm. Thu Cúc dọn dẹp vừa xong thì thằng Hiếu ngoài cửa bước vô, lại có một người trạc chừng 50 tuổi mang cặp mắt kiếng gọng vàng, đầu bịt khăn đen, mình mặc áo lương đen, quần nhiễu trắng, chơn mang giày Tây da vàng cũng hăm hở đi vô. Ông Hội đồng lật đật ngồi dậy chào:
- Thưa thầy mới xuống. Mời thầy ngồi. Hiếu à, chế nước đem đây uống.
- Đứa nào đau mà anh cho rước?
- Hôm qua tôi đi lò gạch gặp một con nó nghèo mà lại bịnh quá. Tôi thấy vậy tội nghiệp nên tôi biểu nó xuống nhà tôi ở đặng tôi kiếm thuốc cho nó uống, chớ ở đó chắc nó chết. Nó rét mà sắc nó ốm quá.
- Còn anh, bữa nay thiệt mạnh hay chưa?
- Tôi mạnh rồi. Thuốc tể của thầy đưa bữa hôm đó đêm nào tôi cũng uống.
- Ờ, rán mà uống cho hết, anh còn ốm lắm. Ăn cơm biết ngon hay chưa?
- Vài bữa rày tôi ăn cơm được. Cha chả, mà ban đêm tôi ngủ ít quá.
- Tại anh buồn việc nhà nên ngủ không được chớ gì.
- Thầy nghĩ đó mà coi, làm sao không buồn được.
- Ai biểu hồi trước anh gắt gao quá làm chi.
- Không gắt thì trị việc nhà sao xong.
- Anh mạnh rồi anh nhơn ra một tháng chơi đặng kiếm con nhỏ thử coi.
- Tôi cũng tính đi kiếm đa. Để ít ngày trong mình cho thiệt giỏi rồi sẽ hay.
- bịnh nằm đâu? Tôi coi mạch rồi về, tôi còn đi đất Sét nữa.
- Thủng thẳng ăn cơm rồi sẽ về chớ.
Ông Hội đồng đi vô cửa sau. Thu Cúc nghe nói chuyện nãy giờ thì biết người khách ấy là danh y Mộng Liêm, song nó không hiểu ông Hội đồng nói rầu việc nhà là sầu việc chi mà cũng không hiểu ông đi kiếm ai.
Ông Hội đồng dắt ông Mộng Liêm đi xuống coi mạch cho Thu Vân. Thu Cúc hơn tơn chạy theo, có ý lóng nghe coi ông thầy thuốc nói bịnh mẹ nó nặng nhẹ thế nào.
Thu Vân đang nóng vùi, bỗng nghe tiếng người nói chuyện rồi lại nghe tiếng giày bước vô phòng, nàng bèn dở mền mà dòm. Nàng thấy ông Hội đồng với ông  Mộng Liêm, nàng lật đật tốc mền ngồi dậy.
Ông Mộng Liêm kéo cặp kiếng lên, ngó thấy Thu Vân một chút rồi mới biểu nàng nằm xuống cho ông chẩn mạch. Ông coi mạch đủ hai tay rồi đứng dậy bước ra rửa và nói với ông Hội đồng:
- bịnh không có chi lắm. Rét võ gia, cứ "Cảm mạo phát ban tán" mà uống riết thì nó tuyệt. Còn nó ốm đó có lẽ tại tâm bịnh nên khó trị một chút. Tuy vậy nếu anh cho nó tiền đặng nó uống thuốc, thì tôi chịu khó làm nửa tể cho nó uống.
Ông Hội đồng đáp:
- Thầy cứ việc làm. Tiền để tôi trả cho. Mà thầy nói nó ốm đó là tại tâm bịnh, tôi sợ không phải. Tôi tưởng tại nó nghèo nàn ăn uống bất thường, lại rét dây dưa hoài nên nó ốm chớ.
- Không phải đâu. Người tướng mạo thế mà nghèo nỗi gì. Chớ anh không coi tay chưn mặt mày đó hay sao? Người đó ở trong nhà phong lưu mà ra đa. Không biết tại sao mà bị gian nan đó. Để rồi anh hỏi lại coi.
- Nó nói chồng nó hồi trước làm sốp-phơ cho ông chánh Vĩnh Long. Chồng nó chết nên nó xiêu lạc lên đây.
- vậy hay sao? Ông Mộng Liêm ra tới cửa, ngó thấy Thu Cúc đứng xớ rớ tại đó, ông nhìn mặt nó rồi hỏi:
- Con nhỏ nầy là con ai?
- Con của con bịnh đó.
- Con nhỏ nầy có phải là con nhà nghèo đâu.
- Nó nói vậy thì hay vậy.
- Té ra bây giờ anh tính nuôi kẻ nghèo mà làm phước hay sao?
- Thưa phải. Tôi buồn quá, tôi tính cất một cái nhà để nuôi con nít mồ côi mà làm phước.
- Anh tính như vậy thì tốt lắm. Con cháu mất hết, bây giờ tiền bạc để dành làm gì.
Thu Cúc lén coi thì thấy ông Hội đồng ứa nước mắt. Ông Hội đồng kêu Thị Két biểu dọn cơm ăn. Ông Mộng Liêm cố từ, nói rằng ông đã ăn cháo hồi sớm mai rồi, để ông về  đặng có đi đất Sét. Ông Hội đồng cầm không được phải để cho ông  Mộng Liêm về song ông kêu thằng Hiếu biểu đi theo đặng lấy thuốc.
Vì thằng Hiếu đi khỏi, còn anh Pho mắc làm cỏ ngoài vườn, bởi vậy Thị Két dọn cơm rồi Thu Cúc phụ bưng lên cho ông Hội đồng ăn. Thu Cúc thế cho thằng Hiếu, đứng sớt cơm pha nước. Chừng ông Hội đồng ăn cơm rồi ông lấy dao xẻ trái mảng cầu chín cây của Thu Cúc lượm ngoài vườn hồi sớm mai ăn tráng miệng. Thu Cúc thấy vậy lấy làm vui lòng; mà ông ăn có miếng nhỏ, còn bao nhiêu ông cho nó hết, biểu bưng xuống mà ăn. Nó được ông yêu riêng lại càng mừng nhiều hơn nữa.
đến trưa thằng Hiếu đem về 10 bao thuốc Cảm mạo phát ban tán. Ông Hội đồng kêu Thu Cúc đưa một bao, biểu đem cho mẹ nó uống liền, Thu Vân uống một lát đổ mồ hôi dầm dề, trong mình mát rượi.
Lối 3 giờ chiều, ông Hội đồng biểu Thu Cúc lấy khăn đội đặng đi với ông thăm lò gạch. Thu Cúc mừng hết sức, chạy riết xuống phòng lấy khăn và cho mẹ hay rồi lên đi với ông. Ông cháu thủng thẳng vừa đi vừa nói chuyện, coi bộ thân thiết với nhau lắm.
Ông Hội đồng ghé bên lò, lật sổ của tài phú ra xem, rồi đứng coi thợ ra lò. Ông ở đó một chút rồi đi qua bên phía trại in gạch ngói, các tiểu công thấy ông Hội đồng đi vô mà có một đứa con gái mặc quần lụa áo vân đi theo, thì lấy làm lạ nên đứng mà ngó hết thảy. Chừng đi gần tới bà Sáu với con Nuôi nhìn biết đứa con gái ấy là Thu Cúc thì chưng hửng. Thu Cúc đi riết lại chào bà Sáu với con Nuôi. Hai người nầy hỏi áo quần đâu mà mặc đó vậy, thì Thu Cúc cười mà không chịu nói. Bà Sáu nói:
- Thôi, bây giờ mầy sung sướng rồi. Có phước quá?
Con Nuôi kéo tay Thu Cúc hỏi nhỏ:
- Má của em hổm nay còn nóng lạnh nữa không?
- Còn. Mà không sao. Hồi sớm mai ông có rước thầy thuốc coi mạch cho uống thuốc rồi. Từ hồi trưa cho tới bây giờ hết nóng nữa.
- Hồi trưa qua có xuống thăm, mà qua không dám vô, qua đứng ngoài cửa
một hồi rồi qua về.
- Bất nhơn dữ hôn? Em mắc ở đằng sau nên không hay.
- Em đi rồi, qua buồn quá. Từ hồi sớm mai cho tới bây giờ qua hết muốn làm.
Con Nuôi nói tới đó thì mặt nó buồn nghiến. Thu Cúc thấy vậy nên cũng buồn xo. Ông Hội đồng rình nghe hai đứa nhỏ nói chuyện, ông thấy tình chúng dan díu như vậy, ông bước lại bảo:
- Cháu có xuống nữa thì cứ việc đi vô. Ông không rầy đâu mà sợ. Ông nói rồi liền biểu Thu Cúc đi với ông qua trại khác. Thu Cúc từ giã bà Sáu với con Nuôi mà đi. Con Nuôi đứng ngó theo rồi ngó bà Sáu mà cười.
Bà Sáu nói:
- Phải lắm mà? Con nhỏ dễ thương quá, ông Hội đồng thấy nó tự nhiên ổng thương. Ô‹ng không có con cháu gì hết không biết chừng ổng bắt nó làm con nuôi rồi lớn ổng gả nó lấy chồng đa. Mới có một bữa mà ổng cho mặc đồ tốt rồi lại dắt đi chơi. Nó ở ít ngày đây rồi ổng chia gia tài cho nó chớ gì?
Con Nuôi đứng ngó con Thu Cúc hoài, ngó cho đến chừng Thu Cúc đi đủ mấy  trại rồi trở ra lộ mà về với ông Hội đồng nó mới chịu nhồi đất in gạch.
Tối lại ông Hội đồng cũng kêu Thu Cúc lên nhà trên nữa. Bữa nay ông không biểu đọc nhựt báo, ông lại đưa bộ truyện "Tái sanh duyên" biểu nó đem lại bàn ngồi đọc cho ông nghe.
Ông nằm ngửa trên bộ ván gõ gần đó, thằng Hiếu đứng quạt một bên. Ông nghe một hồi rồi chê Thu Cúc ngồi xa nên ông nghe không được rõ. Ông biểu lại ván ngồi cho gần ông. Thằng Hiếu được nghe đọc truyện thì nó đắc ý lắm nên lật đật chạy bưng một cây đèn đem để trên ván rồi nhắc một cái ghế để dựa ván đặng Thu Cúc ngồi đọc cho dễ.
Thuở nay Thu Cúc không biết truyện nầy, nay nó được đọc một lần đầu, mà tại đọc cho ông nội nó nghe nữa, bởi vậy nó lấy làm vui lòng mà đọc lắm.
Ông Hội đồng nghe truyện mê mẫn, nên cứ nằm lặng thinh để cho Thu Cúc đọc hoài. Đến chừng đồng hồ gõ hai giờ ông sực nhớ khuya rồi. Trước khi Thu Cúc đi ngủ ông lấy một bao " ảm mạo phát ban tán" biểu nó đưa cho mẹ nó uống thêm đặng chận cữ.
Sáng bữa sau Thu Cúc thay quần áo vải đi kiếm bắt sâu. Ông Hội đồng dòm thấy ông kêu ông rầy, một hai cũng biểu phải đi thay đồ hàng.
Thu Vân uống mới hai bao thuốc mà không có cữ rét nữa. Tuy vậy mỗi bữa ông Hội đồng cũng biểu uống thêm một bao hoài, uống cho đủ l0 bao đặng trừ căn cho tuyệt. Cách ít ngày ông Mộng Liêm gởi nửa tể thuốc xuống, ông Hội đồng cũng trao cho Thu vân và dặn mỗi đêm phải uống đặng lấy sức lại. Thu Vân hết rét rồi nàng mới bàn tính với con lập thế thử ông Hội đồng. Một buổi chiều ông Hội đồng ăn cơm rồi, ông nhắc ghế ngồi trước cửa hứng mát.
Mẹ con Thu Vân mặc đồ sạch sẽ đi vòng ra phía trước dắt nhau bước lên thềm rồi ngồi ngay trước mặt ông mà lạy.
Ông chưng hửng, lật dật hỏi mẹ con Thu Vân muốn việc gì. Thu Vân đứng vậy rồi khép nép thưa:
- Bẩm ông, thân con nghèo đói bịnh hoạn, nhờ ông chiếu cố nên con mới còn sống được đây. Mẹ con không biết làm sao mà đền ơn đáp nghĩa, bởi vậy với dắt nhau lên đây lạy ông, xin phép làm trâu ngựa trọn đời mà đền ơn tái tạo. Nếu ông nhận lời thì mẹ con của con lấy làm có phước lắm.
Ông Hội đồng gải đầu đáp:
- Không, chuyện chút đỉnh mà đền ơn giống gì. Ông thấy cháu gặp lúc cùng khổ, ông động lòng, nên ông làm ơn mọn có đáng gì lắm mà nói. Nhưng cháu nói bây giờ mẹ con cháu bơ vơ, không có nơi nương dựa, vậy nếu cháu muốn ở đây thì ông nuôi. Phận ông có một mình, có một đứa con trai đây chết, rồi còn hai đứa cháu nội gái thì chúng nó lạc mất hết không biết ở đâu. Ông nuôi l0 đứa như cháu vậy cũng được, không luận là cháu. Sẵn dịp ông cũng nói luôn cho cháu biết: như cháu chịu ở  đây, ông không dùng cháu làm tôi tớ đâu. Tuy cháu nói mẹ con cháu bần tiện nhưng ông coi tướng mạo, ông thấy tánh tình thì ông nghi cháu nói dối lắm. Bộ cháu đó có phải là con nhà hàn vi đâu. Vậy cháu ở thì cháu coi sóc giùm việc trong nhà, nghĩa là coi miếng ăn miếng uống, manh quần tấm áo cho ông, còn con Cúc nó têm trầu, vấn thuốc, chế nước, giũ mùng, đọc truyện, viết thơ vậy thôi, chớ ông cũng không bắt làm việc chi nặng nề. Phần việc ông dắt như vậy đó. Áo quần thì ông cho bận. Còn tiền xài chút đỉnh, hễ có cần dùng thì xin, chớ ông không muốn trả tiền công như sắp tôi tớ trong nhà. Cháu chịu không?
Thu Vân thưa:
- Bẩm ông, mẹ con của con đây tình nguyện làm tôi tớ, mà ông quảng đại, ông muốn đãi như con cháu, có lý nào con không chịu. Bẩm ông, hồi nãy ông nói ông còn hai đứa cháu nội gái lạc mất, vậy ông không kiếm coi?
- Việc riêng của ông, cháu chẳng nên hỏi.
Thu Vân muốn thừa dịp ấy dò ý ông, ngặt ông trả lời cụt ngủn, lại lộ sắc giận, nên nàng nín khe không dám hỏi nữa. Ông Hội đồng chau mày ủ mặt, ngồi lặng thinh một hồi lâu rồi nói:
- Hai mẹ con ngủ dưới nhà bếp, ban đêm có việc cần dùng khó kêu lắm.
Thôi, để phòng đó cho hai vợ chồng thằng Pho nó ngủ. Để mai biểu bầy trẻ khiêng bộ ván gõ nhỏ trên lầu xuống rồi lót phía trong, dựa bên thang lầu, chỗ bước ra cửa sau đó, đặng ban đêm hai mẹ con giăng mùng ở đó mà ngủ với nhau.
Thu Vân nghe ông dạy như vậy liền đáp:
-  Bẩm ông, ông thương mẹ con của con ông hậu đãi như vậy, thiệt con cảm đức lắm. Nhưng vì con xét phận con hèn mọn quá, nên con không dám đèo bồng. Vậy xin ông cho phép con nhỏ ở trên nầy mà hầu trà thuốc cho ông, còn phận con thì ông để ở dưới bếp cũng được.
- Đừng có ngại. Để phòng dưới cho vợ chồng thằng Pho. Nhà trên nầy rộng quá, ban đêm ông rút lên lầu với thằng Hiếu, bỏ từng dưới vắng teo. Mẹ con cháu ngủ ở đó đặng coi nhà luôn thể.
- Dạ, nếu ông dạy ngủ đặng coi nhà thì con vưng.
- Ừ. Cháu biết may vá, biết nấu nướng hay không?
- Bẩm ông, con biết.
- Ờ, như biết nấu ăn thì coi phụ mà chỉ cho con Két nó làm, chớ con đó bây giờ nó làm biếng, nấu lấy có, nhiều bữa ăn không được.
- Dạ.
- Còn con Cúc, cháu biết làm toán không? Thu Cúc bước tới thưa:
- Bẩm ông, cháu biết.
- Ờ được. Vậy để mai mốt biểu tài phú đem sổ sách xuống rồi dượt lại giùm với ông. Một tháng nay ông mắclễ mình không coi sổ được, bỏ phú cho tài phú, không biết nó làm sao. Thôi, hai mẹ con đi ra sau mà chơi.
Hai mẹ con Thu Vân xá ông rồi bước xuống thềm. Mẹ con liếc mắt ngó nhau, cả hai đều chúm chím cười.

Chương 13
Thấy ông khóc, cháu liền khai thiệt,
Nghe tiếng than, dâu bắt động lòng.


Anh Pho thấy mẹ con Thu Vân được lên ngủ trên nhà lầu lại càng giận hơn nữa, nhưng giận thì giận thầm trong lòng, chớ chẳng hề dám nói tiếng chi. Còn mẹ con Thu Vân tuy được ông Hội đồng yêu dụng, song con chẳng hề xấc xược, mẹ chẳng hề kiêu căng, cứ giữ tánh ôn hòa, khiêm nhượng với kẻ trong nhà, bởi vậy Thu Vân chỉ biểu cho Thị Két nấu món nầy, nướng thứ kia, mà Thị Két không buồn còn Thu Cúc cậy mượn thằng Hiếu cũng không chống chỏi.
Mỗi bữa ăn Thu Vân bày nấu canh thứ nầy, chưng thứ nọ, chiên vật kia, món nào nêm cũng vừa, gia vị cũng đúng, ông Hội đồng ăn đẹp miệng, nên ông vừa ý lắm. Có bữa ông khen đến đỗi nói rằng nếu thuở nay mà có Thu Vân coi nấu ăn cho ông, thì chắc ông mập lắm. Thu Vân nghe như vậy lại càng rán sức lo lắng hơn nữa, đã lo tráo trở vật ăn cơm, mà trưa lại còn làm bánh, lại còn chưng trứng gà, đặng cho ông ăn giải lao.
Nàng đã lo miếng ăn miếng uống, mà còn lo dọn dẹp trong nhà nữa. Nàng bày cho ông mua vải mua ren, rồi nàng may màn treo theo mấy  cửa sổ, may nệm lót nấy ghế ngồi. Một buổi sớm mai nàng biểu thằng Hiếu đi bẻ bông rồi nàng lựa cặm vào mấy  cái lục bình nhỏ để theo mấy  cái bàn làm cho cái nhà lầu của ông Hội đồng rồi trước buồn bực quạnh hiu, bây giờ trở nên khoảng khoát hực hỡ.
Mỗi ngày Thu Vân dọn dẹp sửa soạn thêm một chút, mỗi ngày ông Hội đồng được vui vẻ thêm một chút, bởi vậy trong lòng ông càng thêm thơ thới mà ông không hiểu tại đâu.
Con Thu Cúc, phận sự của nó bắt sâu mấy  cây kiểng, nó chẳng hề dám sơ sót, mà khách tới nhà nó còn lo rót nước lấy trầu. Nó đọc nhựt báo, đọc truyện cho ông nghe, rồi nó phụ với ông lo cộng sổ sách của tài phú. Ở chưa mấy  ngày mà ông Hội đồng đã ghiền nó rồi. Ông muốn sao cho có nó ở một bên ông luôn luôn, hễ nó xuống nhà hoặc ra ngoài vườn liếp, ông thấy vắng mặt lâu, thì ông kêu chói lói.
Trời mát, ông đi dạo vườn phải có nó đi theo, bữa nào ông đi thăm lò gạch thì cũng phải có nó đi theo mới được.
Thu Cúc nhờ như vậy nên hễ ít bữa thì gặp con Nuôi với bà Sáu một lần. Mà lần nào cũng vậy, hễ hai đứa nhỏ gặp nhau thì chúng nó mừng rỡ cũng như cách nhau đã năm bảy tháng.
Có một bữa ông Hội đồng có dịp đi Sa đéc. Ông đi ngang qua tiệm bán hàng, ông sực nhớ mẹ con Thu Vân có một bộ đồ hàng mà thôi, ông bèn ghé vô tiệm mua bốn quần lãnh đen, bốn sắp xuyến bốn màu đen, trắng, tím và sô-cô-la. Ông ôm về đưa cho Thu Vân và nói:
-  Hổm nay ông tính mua áo quần cho mẹ con bận mà quên lửng. Nay có dịp ông mua cho đó. Cháu cắt rồi may hết đặng mẹ con bận với nhau. Bận đi, có rách ông cho cái khác.
Thu Vân thấy ông Hội đồng càng ngày càng thương mẹ con mình thì nàng lấy làm mừng. Đêm nào nàng cũng lo tính không biết làm sao tỏ thiệt với ông rồi giao con cho ông, đặng nàng đi tìm con Thu Ba, dầu được dầu không nàng cũng sẽ tự xử đặng cho tròn ước nguyện.
Có khi nàng thấy ông vui vẻ với nàng, nàng muốn lại thưa thiệt cho rồi, mà rồi nàng nhớ lại hôm nọ nàng vừa muốn hỏi thăm con cháu của ông thì ông nổi giận, cấm không cho hỏi tới việc đó, nên nàng dợm mấy  lần mà không có lần nào dám nói.
Mẹ con Thu Vân nương náu nhà ông Hội đồng đã gần hai tháng. Một buổi sớm mai, trời mưa lâm râm, cỏ cây mát mẻ nên đọt lá xanh tươi, còn người ta thì bị lúng túng ở trong nhà nên ai cũng buồn nghiến. Thị Két đi chợ mua đồ chưa về. Thu Vân không có công việc làm nàng mới lấy áo lên ngồi trên bộ ván gần cửa sau mà may, Thu Cúc đứng phía trước chống tay lên cửa sổ mà coi anh Pho vô phân đám bông huệ. Thằng Hiếu thì lum khum lau chưn ghế chưn bàn, miệng nói lầm bầm:
- Trời sao mới tảng sáng đã mưa. Làm sao giặt đồ cho được. Ông Hội đồng uống hết một bình trà rồi ông lần lần đi lại bàn viết. Ông đứng đó một lát rồi leo lên bộ ván lót khít một bên mà nằm. Ông kêu Thu Cúc và nói:
- Cúc à, cháu lại kéo hai hộc tủ bàn viết ra. Cháu soạn giùm giấy tờ coi cái nào đáng thì cất, còn cái nào không đáng thì bỏ đi để nhiều cái lộn xộn coi chật cứng.
Thu Cúc vưng lời đi lại bàn viết. Nó kéo hộc tủ bên tay mặt ra trước, rồi ôm hết giấy tờ đem để trên ván gần chỗ ông Hội đồng nằm. Nó thấy ở trên hết có một tờ viết bằng chữ nho, nó không hiểu tờ gì nên trao cho ông Hội đồng coi. Ông Hội đồng coi rồi nói rằng:
- Giấy của hương hào Khuê mướn ruộng, để  đây rồi ông đem lên lầu ông cất.
Thu Cúc lượm tờ kế đó viết bằng quốc ngữ, nó đọc cho ông Hội đồng nghe; ấy là tờ của tài phú lãnh tiền trước giao ở làm công một năm. Ông Hội đồng cũng biểu đưa cho ông cất. Kế đó nữa là tờ bố cáo hàng hóa của nhà hàng "Thạnh Phát" ở Sài Gòn. Thu Cúc đọc cho ông nghe rồi ông biểu xé bỏ. Thu Cúc lượm tới một cuốn "đại việt Tạp Chí". Nó vừa muốn hỏi ông Hội đồng coi nên cất hay bỏ, mà chưa kịp hỏi, kế thấy lòi ra một phong thơ ngoài bao thì đề tên họ chỗ ở của ông Hội đồng mà chữ đề thì giống hệt tuồng chữ của mẹ nó. Nó biến sắc, buông cuốn tạp chí rồi lượm phong thơ mà nhìn, nó coi con dấu nhà thơ, coi ngày tháng gởi thì quả là phong thơ của mẹ nó gởi hồi đương đau nặng ở nhà Hai Rỗ. Nó liền nói:
- Thưa ông có một phong thơ đây.
- Thơ của ai? Mở ra đọc thử coi.
Thu Cúc thủng thẳng rút thơ trong bao ra, rồi đứng đọc như vầy:
"Thưa cha,
Con dây là vợ của thầy thuốc Vinh, con vẫn biết cha không thương con, nên cha đọc thơ của con chắc là cha giận lắm.
Thiệt con chẳng muốn làm cho cha phiền lòng. Ngặt vì con mang bịnh nặng, chắc nay mai đây con phải chết, nên con phải ép lòng viết bức thơ nầy cho cha hay chồng con đi Tây bị tàu chìm nên chết rồi. Đứa con gái lớn của con lạc mất hồi nó được năm sáu tháng, mười nấy năm nay vợ chồng con tìm không ra mối. Con còn một đứa con gái nhỏ năm nay đã được 13 tuổi, con tính dắt nó về giao cho cha rồi con tự vận mà chết theo chồng.
Con ở ngoài Bắc về Sài Gòn bị ăn trộm lấy hết tài vật rồi kế con mang bịnh nặng. Nay mai đây chắc con phải chết. Thân con dầu chết con không tiếc chi, thảm cho con nhỏ bơ vơ không nơi nương dựa. Đã biết vợ chồng con trái ý cha nên cha không thương. Mà nay con đã chết rồi, còn dâu thì cũng sẽ chết, vậy trước khi nhắm mắt theo chồng, con gởi lại cha thuơng giùm hai đứa cháu nội gái vì tội lỗi của cha mẹ chúng nó, chớ chúng nó chằng có lỗi chi, nếu cha không thương thì tội nghiệp cho vong hồn của chồng con nơi chín suối lắm.
Vài lời tâm huyết,
Kính lạy cha đặng con từ biệt dương trần."

Thu Cúc đọc thơ thảm thiết của mẹ nó thì nó cảm động nên nghẹn cổ, ứa nước mắt, nhưng vì sợ ông Hội đồng phát nghi, nên đọc ngập ngừng ngập ngữ mà phải gượng gạo đọc. Chừng nó đọc rồi nó ngó lại tính hỏi coi phải cất hay là phải bỏ, thì nó thấy ông Hội đồng nằm day mặt vô vách mà nước mắt chảy dấm dề. Nó đứng ngó sửng, trong trí lộn xộn, không biết liệu lẽ nào. Thình lình ông Hội đồng ngồi dậy chùi nước mắt và nói:
- Bây giờ biết ở đâu mà kiếm.
- Thưa ông, ông muốn kiếm vật chi?
- Kiếm hai đứa nhỏ, chớ kiếm vật chi.
- Ông thương hay sao mà kiếm?
- Giận thì giận cha nó, chớ chúng nó có tội gì mà giận. Bây giờ cha mẹ chúng nó chết hết rồi, phải kiếm chúng nó mà nuôi, chớ bỏ sao đành.
Thu Cúc vừa nghe ông nói mấy  lời, nó vừa mừng vừa khóc, chạy a lại ôm ông  hội đồng.
- Ông nội ơi! Cháu đây nè?
Nó nói có mấy  tiếng rồi ôm riết ông mà khóc rống lên.
Thu Vân đương ngồi may ở phía sau, nghe tiếng con khóc, không hiểu có việc chi, lật đật bỏ kim chạy ra. Nàng thấy ông Hội đồng ngồi trên ván, hai chưn thòng xuống đất, nước mắt chàm ngoàm, còn Thu Cúc thì úp mặt trong bụng ông mà khóc, nàng nghi việc đã lậu rồi nên nàng đứng khựng lại đó, có ý chờ coi việc trở ra làm sao.
Ông Hội đồng một tay vịn lưng, một tay vuốt đầu Thu Cúc, cặp mắt rơi lụy mà miệng cười ngỏn ngoẻn. Ông cứ ngồi như vậy một hồi lâu, rồi ông ôm đầu Thu Cúc nhẹ nhẹ đưa ra và cúi xuống hỏi:
- Té ra cháu đây, còn mẹ cháu đó hay sao?
Thu Cúc dạ nho nhỏ rồi đứng dậy day lại thấy mẹ nó, nó liền nói:
- Má ơi, con nói thiệt với ông nội rồi.
Thu Vân lật đật chạy lại ngồi bẹp xuống gạch trước mặt ông vừa lạy vừa khóc:
- Xin cha tha lỗi cho mẹ con của con. Cách mấy  tháng trước con tưởng đã chết trên Sài Gòn rồi, con Thu Cúc sẽ bơ vơ xiêu lạc cũng như con Thu Ba nữa nào dè Phật Trời phò hộ, nên cứu giúp rồi đưa mẹ con của con được vào đây. Xin cha thương giùm...
Thu Vân nói có bao nhiêu đó rồi khóc tấm tức tấm tưởi nói không được nữa. Ông Hội đồng thấy vậy ông động lòng quá nên ông cũng khóc theo.
Thằng Hiếu không hiểu có chuyện chi mà ba người bi lụy nên nó cầm nùi giẻ đứng ngó trân trân. Cách một hồi lâu ông Hội đồng lau nước mắt và biểu Thu Cúc đứng dậy:
- Vì cha giận thằng Vinh trái ý cha, nên hồi nó đi Tây nó có gởi thơ cho cha xin cha lên Sài Gòn đón nó đặng nó nói chuyện. Cha ghét cha không thèm lên. Vậy nó chết hồi nào, chết tại đâu, con nói cho cha nghe thử coi.
Thu Vân bước lại đứng dựa bàn viết rồi thủng thẳng tỏ hết đầu đuôi mọi nỗi cho ông nghe. Nàng tỏ tại cớ nào Hiển Vinh mới đi Tây, tại làm sao mà Hiển Vinh chết, tại làm sao nàng mới chịu dắt Thu Cúc trở về Nam. Nàng thuật luôn những chuyện nàng về đến sài Gòn phải ở nán kiếm con Thu Ba mà bị chúng giựt hết tiền bạc áo quần, kế nàng mang bịnh nặng, tưởng chết nên gởi thơ mà trối. Nàng ở đậu tiệm trà Mỹ Tho, nàng đi tàu hết tiền nên về tới Vĩnh Long rồi đi bộ, nàng gặp sốpphơ tử tế đưa mẹ con nàng đến đầu cầu Nha Mân, nàng xin vô nhà bị anh Pho cản trở nàng phải lên lò gạch nương náu. Nàng thuật từ đầu tới đuôi, không bỏ sót đoạn nào hết.
Ông Hội đồng nghe rõ khúc đó rồi ông lại biểu Thu Vân thuật lại khúc trước cho ông nghe nữa. Thu Vân mới bắt đầu kể chuyện nàng gặp gỡ Hiển Vinh tại nhà ông phán Kim, hai đàng dan díu rồi mới ra ân ái, Hiển Vinh đi Hà Nội rồi thì nàng có thai. Chừng bãi trường Hiển Vinh về thì nàng sanh con Thu Ba đã được ba tháng. Vì ông Hội đồng quyết tuyệt tình phụ tử nên nàng tính tự vận mà chết. Hiển Vinh rình thấy mới cứu nàng rồi dắt nhau ra Bắc. Vì con Thu Ba có bịnh, đi một lượt không được nên nó mới lạc mất.
Nàng kể khúc đầu cũng rõ ràng như khúc đuôi vậy. Thu Vân nói hết rồi ông hội đồng mới nói:
- Vì ngày trước thằng Vinh nó không để cho cha định đôi bạn cho nó, nó tự chuyên, làm cho sái gia phong, nên cha giận cha mới dứt tình phụ tử. Cha không dè vợ con nó mà được như vầy. Ngày con hay cha giận bỏ nó mà con quyết tự vận đặng cho nó khỏi mang tiếng bất hiếu đó, thiệt con là đứa biết điềnu lắm. Phải cha hay như vậy thì hồi đó cha xá tội cho rồi. Mà hai tháng nay con vào ở trong nhà đây, cha coi tình ý con, thì con thiệt là khôn khéo. Cha lấy làm tiếc lắm, bây giờ cha biết thì thằng Vinh đã chết rồi. Ông nói tới đó thì ông cảm động nên ông khóc nữa. Hai mẹ con Thu Vân cũng khóc. Đến chừng Thu Vân thấy ông Hội đồng đã lau nước mắt rồi, nàng mới bước ra lạy nữa và thưa rằng:
- Thưa cha, bữa nay cha đã rõ hết việc của vợ chồng con. Cha đã biết trong mười mấy  năm trời vì cha giận mà vợ chồng con buồn rầu lo sợ hết sức. Chồng của con vì muốn chuộc tội nên lướt biển băng ngàn mà phải vong mạng. Nay con đã đem con Thu Cúc về  đến đây rồi, vậy con cúi xin cha vui lòng nhìn nó đặng cho con rảnh rang tính phận của con.
Ông chưng hửng nên chận hỏi rằng:
- Con tính việc gì? Thôi thì ở đây, chớ con còn tính đi đâu hay sao?
- Thưa cha, tuy bây giờ cha xá tội cho con rồi, song con còn nhiều việc buồn khác nữa.
- Việc gì? Con nói thiệt hết cho cha nghe, con muốn việc gì cha cũng cho hết.
- Con còn buồn việc con Thu Ba không biết nó xiêu lạc xứ nào. Trước khi chồng của con ra đi có dặn con phải dọ tin tức luôn luôn. Nay chồng của con chết rồi, mà con lại biết con vú hồi trước nó bán con Thu Ba cho một người tên là chín Hô. Vậy con xin gởi con Thu Cúc đây đặng con đi tìm con Thu Ba. Con phải tìm cho được nó mà giao tới tay cha, rồi con chết mới yên.
- Con muốn kiếm con Thu Ba, để thủng thẳng rồi cha sẽ lo liệu. Con đi kiếm sao cho ra.
- Thưa cha, con thường vái Trời Phật hoài, có lẽ Trời Phật cũng giúp cho con chớ.
- Con đừng có cãi cha. Cha không cho con đi đâu nữa hết. Từ bữa cha được bức thơ của con, thì cha tưởng con đã chết rồi, bởi vậy cha thương hai đứa nhỏ cha buồn rầu đến đỗi sanh bịnh. Hôm bữa hai mẹ con tới đây mà thằng Pho nó không cho vô đó là tại cha bịnh đa. Hơn tháng nay cha mạnh rồi, cha cũng muốn đi kiếm, mà mắc việc nhà đa đoan nên cha đi chưa được. Cha buồn rầu ăn năn đến nỗi muốn cất nhà để rước nuôi con nít mồ côi. Thôi để vài bữa cha sắp đặt việc nhà, cha giao hết cho con coi, rồi cha đi chơi đặng cha kiếm con Thu Ba cho.
- Thưa cha, xin cha đừng có tính giao việc nhà cho con.
- Sao Vậy?
- Con không còn sống được đâu.
- Con đừng nói quấy, sao mà không sống.
- Thưa cha, bởi vì tình vợ chồng của con khác hơn tình vợ chồng của người ta lắm. Chồng của con là người quân tử, vì sợ con ô danh xủ tiết mà phải chịu sầu chịu thảm mười mấy  năm trời, rồi lại phải vong thân tuyệt mạng nữa. Có lý nào con ham thanh nhàn phú quý nhà quên ơn chồng hay sao.
từ ngày chồng con chết, con tự nguyện hễ  đem Thu Cúc về tới cho cha, cha hết giận mà nhìn nó rồi, thì con phải chết theo chồng đặng đền bồi nghĩa nặng. Ngày nay phận con Thu Cúc xong rồi thì phận của con, con phải tính.
- Thiệt là dâu hiền! đáng quá! Vậy mà thuở nay tôi ghét vợ chồng nó chớ? Hu! Hu! Con ơi, con đừng. Nếu con chết... hu hu... thì cha chịu sao được. Cha bây giờ già rồi... Cha ở có một mình...Hu... hu... Con phải sống đặng hủ hỉ với cha... Trời khiến thằng Vinh nó chết, thì con nuôi dưỡng giùm cha... chớ con chết nữa, thì lúc cha ươn yếu biết cậy nhờ ai. Con phải sống đặng giúp cha tìm con Thu Ba chớ... Hu, hu, hu...
Ông Hội đồng vừa khóc vừa nói nghe rất thảm thiết. Đã vậy con Thu Cúc lại khóc và nói rằng:
- Ông nội đã già yếu, còn con thì khờ dại, nếu má chết theo ba, bỏ ông nội với con rồi làm sao.
Thu Vân cảm tình cha chồng, lại thương nỗi con dại, bởi vậy nàng cũng đứng khóc ngay.
Thằng Hiếu nãy giờ tuy đứng xa, nhưng nó lóng nghe đủ mọi việc hết, nên nó lén đi tọc mạch nói cho vợ chồng anh Pho hay. Anh Pho, Thị Két, thằng Hiếu dắt nhau lên đứng núp dựa cột mà coi. Ông Hội đồng dòm thấy bèn kêu hết lại và nói:
- Bây biết mẹ con của con Thu Cúc là ai không? Dâu với cháu nội tao đó. Mấy đứa áp lại mà xá Thu Vân. Thu Cúc mặt mày còn nước mắt dầm dề song nó thấy anh Pho xá thì nó tức cười nên nói:
- Anh Pho, anh biết chưa? Hôm trước anh xô đuổi, không cho vô thì không!
từ rày sắp lên đừng có đuổi nữa nghe hôn.
Pho lỏn lẻn đáp:
- Thưa cô, hôm trước tại cô không nói thiệt nên tôi có biết đâu. Xin lỗi cô. Thu Cúc chạy lại vã mặt anh Pho một cái chách rồi cười xòa. Ông Hội đồng với Thu Vân thấy vậy cũng tức cười.
Ông Hội đồng kêu Thị Két mà biểu rằng:
- Két a, cơm nấu rồi thì con dọn ăn. Dọn trên nầy ba cái chén, ba đôi đũa nghe không.
Thị Két dạ rồi quày quả trở xuống nhà bếp với anh Pho. Thằng Hiếu múc nước cho Ông Hội đồng rửa mặt. Mẹ con Thu Cúc đi xuống nhà sau chỉ cho Thị Két nấu đồ ăn, mỗi người đều lăng xăng mà mặt ai coi cũng có sắc vui vẻ. Trời cũng đã dứt mưa và chói nắng sáng lòa trước sân.
Thu Vân coi nấu nướng rồi dọn cơm. Ông Hội đồng kêu dâu, kêu cháu lên ăn chung với ông. Ông ngồi giữa, Thu Cúc ngồi một bên, Thu Vân ngồi một bên, vừa ăn vừa nói chuyện, người thuật chuyện nầy, người hỏi việc khác, nói hoài không dứt.
Buổi chiều ông Hội đồng dạy mẹ con Thu Vân thay áo quần mới đặng đi với ông. Thu Vân tưởng ông Hội đồng dắt đi thăm bà con cô bác, nàng sợ bận đồ lòe loẹt người ta nói, nên mẹ con thay áo quần hàng cũ mà mặc. Ông Hội đồng không chịu, buộc mẹ con phải bận đồ mới của ông mua cho, cực chẳng đã Thu Vân phải vưng lời.
Ông Hội đồng đi trước mẹ con nối gót theo sau. Ông Hội đồng dắt lên lò hầm gạch  rồi dắt qua mấy  trại, đi tới đâu ông cũng nói cho người giúp việc biết Thu Vân là dâu của ông, còn Thu Cúc là cháu nội.
Vừa bước vô trại, chỗ bà Sáu làm, Thu Vân lật đật chạy lại nắm tay bà. Còn Thu Cúc thì a vô ôm con Nuôi, làm cho áo mới của nó dính hai ba bệt bùn. Ông Hội đồng ngó mà cười rồi ông nói với bà Sáu:
- Tôi nhờ có bà nên tôi mới gặp con dâu với cháu nội tôi đây. Tôi cảm ơn bà lắm. Vậy từ rày sắp lên bà làm mỗi trăm gạch tôi cho bà hai cắc còn mỗi trăm ngói hai cắc rưỡi. Thu Cúc cháu phải nhớ dặn tài phú tính giá ông định đó mà trả cho bà Sáu.
Bà Sáu với con Nuôi chưng hửng không hiểu chi hết. Ông hội đông cắt nghĩa lơ vài tiếng cho bà Sáu biết, rồi hối mẹ con Thu Vân đi qua trại khác kẻo tối. Thu Cúc níu tay ông lại mà nói rằng:
- Ông nè, cháu biết làm gạch cực khổ lắm. Ngày nay là ngày vui mừng của mình vậy cháu xin ông nhơn dịp nầy tăng tiền công cho người giúp việc hết thảy. Cháu xin ông từ rày sắp lên mỗi trăm gạch và mỗi trăm ngói ông cho thêm hai xu nữa cho ai nấy vui mừng chung với mình.
Ông Hội đồng gặc đầu lia lịa và nói:
- Được được, cháu muốn cho thêm bao nhiêu ông cũng chịu hết.
Ông kéo tay Thu Cúc biểu đi. Thu Cúc ngó ngoái lại và nói:
- Bà Sáu, chị Nuôi, trưa mai xuống nhà ông nội tôi chơi, nghe hôn?
Ông Hội đồng đứng lại nói tiếp:
- Cháu tôi nó mời có nghe hôn? Thôi mai làm một lát rồi đi xuống dưới nhà đặng ăn cơm chơi với nó một bữa. Bà Sáu đi, bà nhớ dắt con Nuôi theo, chớ đừng có quên a.
Bà Sáu dạ rân, bà với con Nuôi không thèm làm nữa, cứ  đứng ngó theo mẹ con Thu Vân rồi bàn luận, luận bàn sự ông Hội đồng nhìn dâu với cháu nội.
Sáng bữa sau, ông Hội đồng biểu Thu Vân dặn Thị Két đi chợ mua đồ ăn cho nhiều đặng nấu cho bà Sáu với con Nuôi ăn với.
Thu Cúc lấy làm mừng. Lối 9 giờ mẹ nó mắc coi cho Thị Két nấu nướng, nó bèn nói với ông nội nó rằng:
- Cháu sợ bà Sáu với chị Nuôi không dám xuống ăn cơm. Xin ông nội cho phép cháu đi lên trại kêu mới được. Cháu đi một chút rồi cháu về liền. Ông Hội đồng gặc đầu rồi kêu thằng Hiếu dắt Thu Cúc đi chơi. Cách chẳng bao lâu Thu Cúc trở về, có dắt đủ hai người. Bà Sáu với con Nuôi xẻn lẻn cứ núp vô trong nhà bếp mà đứng. Thu Cúc để cho bà Sáu nói chuyện với mẹ nó, còn nó nắm tay con Nuôi dắt lên trên nhà lầu, đi từ sau ra trước chỉ đồ đạc cho coi. Ông Hội đồng thấy cháu nội vui vẻ, ông nằm trên ghế ngó nó, bộ ông toại chí lắm.
đồ nấu xong rồi, ông Hội đồng biểu dọn một bàn lớn trên nhà lầu rồi kêu mẹ con Thu Vân, bà Sáu và con Nuôi lên ăn chung với ông. Ông ngồi trên đầu bàn, một bên thì Thu Vân với bà Sáu, còn một bên thì Thu Cúc với con Nuôi. Bà Sáu với con Nuôi thấy ông giàu sang mà tử tế quá nên không khép nép nữa, bởi vậy ăn cơm ngon, lại nói chuyện vui làm cho ông Hội đồng quên cái buồn hiu quạnh ngày xưa.
  Ăn cơm rồi hai đứa nhỏ dắt nhau ra trước chơi một hồi rồi Thu Cúc chạy vô xin phép ông nội với mẹ  đi thăm nhà con Nuôi. Ông Hội đồng không muốn làm buồn cháu, nên ông chịu cho đi, song ông dạy phải chờ thằng Hiếu ăn cơm rồi nó đi với, chớ không muốn để cho cháu đi chơi một mình.
Người ở trong làng ai nghe nói ông Hội đồng mới nhìn được dâu với cháu nội ở trong lò gạch của ông thì cũng lấy làm kỳ; người quen biết nhau thì lật đật đến hỏi thăm, còn kẻ không hay gần gụi thì đi qua đi lại trước cửa, có ý xem dâu, cháu nội của ông Hội đồng coi thể nào. Ông Hội đồng đương đắc ý, nên ai hỏi ông cũng nói thiệt, không giấu giếm chi hết.
Chiều bữa ấy, ăn cơm rồi sớm mà trời lại thanh bạch, ông Hội đồng biểu thằng Hiếu nhắc ba cái ghế  để trước sân rồi ông kêu hai mẹ con Thu Vân ra ngồi nói chuyện chơi với ông. Ông ngó dâu mà nói rằng:
- Thuở nay cha tưởng là cha vô phước, cha không dè ngày nay còn được như vầy.
Thu Cúc mừng nói rằng:
- Cha chả! Phải mà trời khiến cho ba sống lại, ba về  đây gặp má với con đương ở với ông nội chắc ba mừng lắm.
Thu Vân nghe con nói tới chồng thì nàng ngồi buồn hiu. Ông Hội đồng thấy vậy bèn nói rằng:
- Đường sá xa xuôi, dây thép nói mờ  ớ, không biết chừng thằng Vinh nó xiêu lạc đâu đó, để hết giặc rồi sẽ biết. Còn chuyện con Thu Ba để  đầu tháng cha sẽ đi Sài Gòn rồi cha mướn nhựt báo rao coi ai biết nó ở đâu chỉ cho cha chuộc. Làm như vậy chắc tìm được.

Chương 14
Tưởng đã chết nào dè sống lại,
Thương hèn lâu, mới đặng nhìn nhau.


Thầy thuốc Lê Hiển Vinh đi Tây giữa đường bị tàu lặn đức bắn chìm tàu biệt tích, các quan cũng nói vậy.
Lê Hiển Vinh không chết. Khi chiếc tàu "Hải Phòng" bị bắn chìm, chàng đeo trái nổi thả lêu bêu trên mặt biển. Sáng ngày có một chiếc tàu buôn chạy ngang, quan tàu ngó thấy chàng, bèn thả ca nô đi rước. Chàng lên tới tàu thì đuối sức nên nằm ngay đơ. Dưới tàu cho thuốc trót nửa ngày chàng mới tỉnh dậy. Chàng coi lại thì chiếc tàu nầy là tàu buôn của nước Áo. Quan tàu xét giấy tờ, bắt chàng đem về nước cầm tù.
Hiển Vinh bị cầm tù bên nước Áo cho đến mãn giặc, nước Pháp với nước Áo bãi chiến đổi tù với nhau, chàng mới về được. Về tới nước Pháp chàng muốn đánh dây thép cho vợ, nhưng vì trong túi không có tiền dư nên chàng đánh dây thép không được. Chàng vừa viết thơ lại gặp kỳ tàu chạy qua Á đông, quan trên dạy chàng về kỳ tàu ấy, chàng nghĩ gởi thơ vô ích, nên viết rồi chàng xé bỏ. Về tới Sài Gòn chàng muốn đánh dây thép cho cha hay, mà rồi chàng nhớ bận đi có gởi thơ trước mà cha không thèm lên đón đưa, bây giờ đánh dây thép nữa, dầu cha có muốn lên Sài Gòn, lên cũng không kịp, nên chàng cũng bỏ qua.
Hiển Vinh đi thẳng ra Hải Phòng. Tàu tới rồi, chàng tưởng vợ con còn ở chỗ cũ, nên bươn bả chở rương lên đó. Nào dè đến nơi đồ đạc dọn trong nhà coi khác, mà người ở trong nhà cũng lạ. Chàng hỏi thăm vợ con thì không ai biết ở đâu mà chỉ, chàng lấy làm bối rối, bèn ngồi xe đi thẳng lại nhà thầy ba Thiện. Chàng bước vô thấy thầy ba Thiện đương ăn cơm, thoáng thấy chàng, thầy chưng hửng, lật đật buông đũa đứng dậy nhìn chàng trân trân, không nói tiếng chi được hết. Hiển Vinh cười và hỏi:
- Anh quên tôi rồi hay sao? Tưởng tôi chết rồi phải không?
Thầy ba Thiện chạy lại ôm Hiển Vinh cười mà chảy nước mắt:
- Trời ơi! Ai cũng tưởng anh chết chìm rồi! Sao mà về được? Hiền Vinh thuật sơ việc của mình cho thầy ba Thiện nghe, rồi hỏi thăm vợ con mình bây giờ  ở  đâu. Thầy ba Thiện thuật việc Thu Vân ở nhà nghe tin tàu chìm, chàng biệt tích, nàng rầu và nhuốm bịnh, ốm xanh xao như tàu lá. Nàng sợ chết xứ người, bỏ con bơ vơ, nên dắt con về Nam, giao cho cha chồng rồi tự vận chết treo chàng mà đáp nghĩa xưa.
 Rủi thay! Nàng về tới Sài Gòn ở đậu nhà người ta, bị ăn trộm lấy sạch trơn áo quần vàng bạc. Nàng lại mang bịnh nặng, có viết thơ mà trối rồi từ ấy biệt tích, sợ nàng đã chết rồi.
Thầy ba Thiện thuật tới đó rồi đi mở tủ kiếm bức thơ của Thu Vân gởi cho thầy trao cho Hiển Vinh xem. Hiển Vinh mở bức thơ ra thấy tuồng chữ của vợ thì tay run bây bẩy. Chàng coi thơ nói như vầy:
"Thầy ba ơi! Khốn nạn cho thân tôi lắm. Tôi về tới Sài Gòn bị ăn trộm lấy tiền bạc áo quần sạch  trơn. Mấy bữa rày tôi đau dậy không nổi. Không có tiền cho con ăn cơm hằng ngày, có đâu mà uống thuốc. Tôi biết trong mình tôi đau nhiều lắm, chắc không bữa nay thì qua ngày mai tôi phải chết. Vậy truớc khi nhắm mắt theo chồng, tôi viết ít chữ cho thầy hay. Tội nghiệp cho con Thu Cúc bơ vơ, không biết nó có đủ trí mà tìm về Nha Mân hay không, mà về đó rồi không biết ông nội nó nhìn hay không nữa.
Khổ lắm thầy Ba ơi! Thôi, chúc cho thầy mạnh giỏi, tôi chết..."

Hiển Vinh đọc thơ rồi, chàng gục đầu, hai tay bụm mặt mà khóc. Đã chết đi sống lại về tới quê nhà tưởng là vui, nào dè sống về  được lại còn thảm khổ hơn là chết chìm nơi đáy biển nữa! Phải dè như vầy thì thà là buông tay mà chìm phứt cho mát thân khỏe trí hơn.
Chàng khóc một hồi rồi nói với thầy ba Thiện:
- Anh cho tôi ở đậu ít bữa.
Thầy ba Thiện biểu trẻ trong nhà ra ngoài xe khiêng hành lý của Hiển Vinh vô. Hiển Vinh đến sở điều dưỡng trình diện. Ông quan năm, làm đầu Sở ấy đã hay tin Hiển Vinh khỏi chết rồi, bởi vậy Hiển Vinh bước vô thì ông mừng rỡ lắm.
Ông hối mấy  thầy giúp việc mau mau làm giấy cho Hiển Vinh lãnh lương; rồi ông lại nói Hiển Vinh muốn xin việc gì ông sẵn lòng cho hết thảy. Hiển Vinh tỏ thiệt với ông rằng lúc chàng vắng mặt, ở nhà vợ chết con xiêu lạc, nên chàng muốn xin phép nghỉ sáu tháng sắp đặt việc nhà. Ông làm giấy cho phép nghỉ liền.
Hiển Vinh được nghỉ rồi chàng từ giả thầy ba Thiện xuống tàu trở về Nam. Tàu chạy ra biển, lúc chiều mát, chàng đứng dựa lan can ngó trời, ngó nước, chàng ngắm cảnh chừng nào càng đau lòng chừng nấy. Có khi chàng dở thơ của vợ ra mà đọc, hễ  đọc đến đâu thì nước mắt chảy tuôn tràn đến đấy. Chàng trách ông trời sao chẳng công bằng, chàng làm tội lỗi gì mà mười mấy  năm nay khiến cho cha giận, để cho chàng chịu thảm đêm ngày, rồi bây giờ lại còn nỡ giết vợ chàng, nỡ bắt đứa con nhỏ của chàng cũng phải xiêu lạc như đứa con lớn nữa.
Từ ngày chàng vì danh dự mà xe tơ kết tóc với Thu Vân, cha của chàng không suy xét giùm cho chàng nên đoạn tình phụ tử.
Tuy chàng xét mình không có tội lỗi, nhưng buồn thì có buồn, chớ chẳng bao giờ chàng dám để ý giận cha. Hôm nay vợ chàng chết dọc đường, con chàng xiêu lạc mất. Trong lòng chàng ưu phiền thống khổ, nên chàng trách ông trời rồi chàng lại cố hờn cha. Con trong nhà chỉ có một trai, mà nay lại được hai đứa cháu nội gái. Gắt gao chi lắm vậy, sao chẳng biết thương con thương cháu, khiến cho con buồn thảm, làm cho cháu lạc loài? Mặt mày cũng da cũng thịt như người, mà lòng dạ sao cứng như đá vậy?
Hiển Vinh rầu quá cuồng trí, chàng tính cùng rằng để chàng đi riết về nhà tỏ cho hết cái ác của cha cho cha biết, rồi chàng tự vận mà chết trước mặt cha, cho cha thấy cái tánh khư khư giữ phong hóa hủ bại của cha đó đã làm tiêu tan hết hai đứa cháu nội, giết chết một con dâu, rồi bây giờ giết luôn tới thằng con trai nữa. Sống nữa mà làm gì? Lòng cố giữ chữ hiếu mà cũng mang tiếng thất hiếu?
Vợ hiền con thảo nay đều tiêu tuyệt hết, sống vui sướng gì mà sống? Hiển Vinh tính tới đó rồi đứng ngó mặt biển chơn trời mà khóc, thầm kêu trời kêu nước mà xin chứng minh giùm lòng cho chàng. Chàng khóc cho đến tối rồi trở xuống phòng nằm dàu dàu, trông tàu tới bến cho mau đặng có đi riết về Nha Mân nói cho hả hơi rồi chết.
Từ ngày ông Hội đồng Lê Hiển đạt nhìn được dâu với cháu nội đến nay, kể đã hơn sáu tháng rồi. Ban đầu ông lên Sài Gòn mướn hai tờ nhựt báo để lời rao, hứa chắc rằng ai biết tin tức con Thu Ba chỉ giùm cho ông thì ông thưởng năm trăm đồng bạc. Ông đợi hoài không nghe động tịnh chi hết, còn ở trong nhà thì Thu Vân ngày như đêm cũng nhắc nhở Thu Ba hoài. Ông thấy vậy nên ông dắt mẹ con Thu Vân đi Sài Gòn hai lần, lần nào cũng ở chơi một tuần lễ đặng dọ dẫm tin tức. Thu Vân đi kiếm nhà hai Thình đã dọn đi đâu mất, không còn ở Bàn Cờ nữa. Hai Thình mà còn trốn nữa thì có phương gì mà gặp chín Hô! đi Sài Gòn hai lần mà lần nào cũng ngơ ngơ ngáo ngáo đi không rồi về cũng không, chớ không nghe tin tức con Thu Ba chút nào hết.
Một buổi sớm mai con Thu Cúc đi với ông nội lên thăm lò gạch, nó thấy vắng mặt con Nuôi nó mới hỏi thăm bà Sáu coi con Nuôi đi đâu. Bà Sáu nói rằng „Má con Nuôi đau hơn nửa tháng nay. Vài bữa rày má nó bịnh nặng quá nên nó ở nhà, không thấy xuống làm gạch“. Thu Cúc nghe nói như vậy thì mặt nó buồn xo. Đến trưa nó xin phép với ông nội và má nó đặng đi thăm con Nuôi.
Ông Hội đồng thấy trời nắng quá; nên ông dục dặc cho đến xế ông mới chịu kêu thằng Hiếu biểu dắt con Thu Cúc đi.
Nhà con Nuôi đóng cửa sùm sụp trong ngoài vắng tanh. Lên tới đó, Thu Cúc biểu thằng Hiếu đứng trước sân chơi, rồi nó cúi đầu chun vô nhà. Nó nghe ở trong buồng có tiếng rên nho nhỏ, rồi lại nghe có tiếng khua lộp cộp. Nó đi nhẹ lại chỗ cửa phòng mà dòm, thấy con Nuôi đương sắc chén thuốc đặng bưng cho má nó uống. Con Nuôi thấy Thu Cúc thì gật đầu chào, tuy miệng nó chúm chím cười song mặt nó buồn bực lắm. Thu Cúc bước vô ngó má con Nuôi rồi hỏi:
- Má chị đau sao đó? Hôm trước chị có nói mà tôi tưởng ễ mình sơ sài vậy thôi. Hồi sớm mơi nầy tôi lên lò gạch, tôi không thấy chị tôi hỏi thăm, bà Sáu nói tôi mới hay. Bữa nay có bớt chút đỉnh gì hôn?
Con Nuôi chảy nước mắt mà đáp:
- bịnh của má chị một ngày một nhiều.
- Chị có rước thầy hốt thuốc cho uống không?
 - Có ông thầy thuốc Bảy, xóm trên, hôm trước ổng coi mạch giùm một lần và hốt cho hai thang thuốc. Chiều hôm qua, hốt thêm thang nữa uống còn một chút đây, mà coi bộ cũng không khá.
- Sao chị không rước ông Mộng Liên trên Sa đéc, ổng giỏi lắm, nhờ có ổng nên má tôi mạnh, mấy  tháng nay lại có da có thịt, chị không thấy hay sao?
- Thưa cô....
- Chị đừng kêu tôi bằng cô nữa! Nếu chị kêu tôi bằng cô tôi về đa! Tôi nói cứ kêu bằng em như hồi trước vậy mà, bày đặt kêu cô hoài.
- Nghèo quá có tiền đâu mà rước thầy giỏi.
- Tại gì! Ông nội tôi nói ông Mộng Liêm không phải làm thuốc kiếm tiền như người ta vậy đâu. Giàu thì ổng mới ăn tiền, còn nghèo thì ổng làm phước.
- Dầu ổng làm phước, mình cũng phải có tiền hốt thuốc chớ. Má tôi có chút đỉnh hổm nay hốt thuốc mua dầu hết rồi còn đâu nữa mà rước thầy khác.
- Để tôi về tôi thưa cho ông nội tôi hay, xin ông nội tôi sai thằng Hiếu đi rước. Như ông Mộng Liêm có ăn tiền bao nhiêu thì ông nội tôi trả cho.
Tuy hai đứa nói chuyện nhỏ nhỏ, song má con Nuôi nghe, nên nhướng mắt ngó. Chị ta thấy Thu Cúc bèn ngoắt nó lại đứng gần, và hỏi nhỏ nhỏ rằng:
- Cô lên thăm con Nuôi chơi hay có việc chi?
Thu Cúc lắc đầu đáp:
- Cháu nghe nói dì ễ mình, nên lên thăm dì, chớ có chuyện chi đâu. Má con Nuôi lặng thinh một hồi rồi nói:
- Cô là cháu nhà giàu, mà cô không kiêu căng, nghe tôi đau cô đi thăm, thiệt tôi cám ơn quá.
Chị ta nói mấy  là rồi chảy nước mắt rưng rưng.
Thu Cúc đáp:
- Có chi đâu mà ơn nghĩa. Bây giờ cháu giàu mà cách mấy  tháng trước cháu cũng nghèo vậy chớ. Hồi đó dì thương cháu, bây giờ cháu giàu rồi cháu quên dì với chị Nuôi hay sao.
Má con Nuôi nói:
- Thiệt đáng quá! Nhỏ mà ở như vậy hèn chi mới được phước. Con Nuôi phải bắt chước cô đó mà ở đời nghe hôn con.
Chị ta nói tới đó rồi coi bộ mệt nên nín mà nghỉ. Cách một hồi chị ta mới nói rằng:
- Thuở nay cô thương con Nuôi cô làm chị em với nó, đến chừng cô được giàu sang rồi cô cũng không phụ nó. Bữa nay nhơn có cô lên đây, vậy tôi xin tỏ với cô một điều. Tôi biết trong mình tôi đau nhiều lắm, sợ sống không lâu nữa. Vậy nếu tôi có theo ông theo bà rồi, thì xin cô làm phước thưa với ông Hội đồng đặng cho con Nuôi nó ở mà hầu hạ cô, chớ tôi chết thì nó bơ vơ, còn ai đâu mà nương dựa.
Con Nuôi nghe má nó trối như vậy thì nó động lòng nên ngồi ghé bên giường mà khóc, Thu Cúc thấy vậy cũng thảm thiết, song muốn làm cho yên lòng người bịnh nên đáp:
- Dì đừng nói như vậy, chị Nuôi chỉ buồn. Không có sao đâu mà sợ. Cháu mới nói với chị Nuôi để cháu thưa với ông nội cháu cho người lên Sa đéc nước ông Mộng Liêm hốt thuốc cho dì uống. Dì uống của ông vài thang thì mạnh chớ gì. Còn phần chị Nuôi thì xin dì cũng đừng lo. Cháu thương chỉ cũng như chị ruột cháu vậy. Nói cùng mà nghe, ví như trời khiến dì mất đi nữa thì cháu lo cho chỉ, hễ cháu sướng thì chỉ sướng, chừng nào cháu nghèo mạt, thì chỉ mới cực khổ. Dì đừng có lo, cứ an tâm mà dưỡng bịnh. Má con Nuôi nghe nói như vậy thì mặt có sắc vui. Chị ta nằm suy nghĩ một rồi nữa rồi nói tiếp:
-  Bữa nay nhơn có cô đây, tôi phải tỏ thiệt chuyện riêng của con tôi cho nó biết luôn thể. Nuôi ơi má nói thiệt cho con biết. Con không phải là con ruột của má đâu. Hồi con được năm sáu tháng má thấy con ngộ nghĩnh má mua má nuôi, nên má mới đặt tên con là Nuôi đó.
Con Nuôi với Thu Cúc nhìn nhau chưng hửng. Con Nuôi đứng dậy nói:
- Má bày chuyện chi vậy má? Má không thương con nữa hay sao mà má nói như vậy?
Má con Nuôi đáp:
- Má sợ má chết nên má nói thiệt cho con biết chớ.
Con Nuôi ngồi xuống khóc nữa.
Thu Cúc hỏi:
- Dì nói chị Nuôi là con nuôi của dì. Vậy chớ cha mẹ ruột của chỉ là ai đâu?
- Tôi không biết.
- Ô! Vậy chớ hồi trước ai bán chỉ cho dì?
- Hồi trước tôi ở trên Sài Gòn, ở gần con đó nó nuôi vú cho người ta. Không biết tại sao họ mướn vú nuôi rồi họ bỏ, nên con vú nó bán cho tôi mười đồng bạc.
- Hồi trên Sài Gòn dì ở chỗ nào?
- Tôi trở trong đường hẻm gần bên chợ Tân định.
Thu Cúc nghe nói như vậy thì run tay, biến sắc lật đật hỏi nữa:
- Người vú bán chị Nuôi cho dì có phải hồi trước lấy Săn đá hôn?
- Phải.
- Phải tên là hai Thình hôn?
- Phải. Sao mà cô biết? Con đó sau nó đụng một thằng chồng làm dưới hãng, mặt rỗ chằng, họ kêu là Hai Rỗ, rồi dọn nhà về ở đâu phía Chợ đuổi.
- Khi trước răng dì hô, nên lối xóm kêu dì là chín Hô phải không?
- Phải. Sao cô biết rõ như vậy?
Thu Cúc chạy a lại ôm con Nuôi vừa khóc vừa nói rằng:
- Trời đất ơi! Chị hai tôi đây mà tôi không biết, để đi kiếm xứ nào chớ. Chị hai ơi, em không dè ngày nay mà chị em gặp nhau như vầy, thiệt là phước lớn không biết chừng nào. Đi, chị đi với em xuống nói với má và ông nội hay. Đi mau mau, cha chả, tôi mừng quá?... Anh Hiếu a anh Hiếu, anh chạy riết về kêu má tôi chút... Mà thôi để hai chị em tôi đi. Đi, chị hai, đi. Thu Cúc bôn chôn quýnh quít, cứ níu tay con Nuôi mà kéo và thúc đi.
Con Nuôi không hiểu Thu Cúc làm việc gì kỳ cục như vậy, nên nó vịn thành giường trì lại mà mắt nó ngó má nó trân trân. Má con Nuôi thấy vậy cũng lấy làm lạ nên hỏi Thu Cúc:
- Cô nói cái gì vậy? Tôi không hiểu. Đâu cô nói cho tôi nghe thử coi tại sao cô kêu con Nuôi bằng chị hai?
- Để cháu nói cho dì nghe. Hồi trước má cháu ở trên Sài Gòn, đẻ chỉ đây rồi mướn dì hai Thình nuôi vú. Ba với má cháu có việc phải đi ra Bắc gấp, mà lúc ấy chị hai cháu đau, nên đem đi một lượt không được. Ba cháu để tiền bạc cho dì hai Thình và dặn, hễ chị hai cháu hết đau rồi mua giấy tàu đem ra sau. Dì hai Thìn ăn hết tiền bạc rồi bán luôn tới chị hai cháu mà trốn mất.
- Tôi có dè như vậy đâu? Phải hồi đó dì hai Thình bán cho dì hôn? - Phải. Nó bán cho tôi mười đồng bạc.
- Dì bất nhơn quá! Mười mấy  năm nay ba với má cháu tìm chị hai cháu không được rầu rĩ không biết chừng nào. Cách mấy  tháng trước má cháu nên tới sài Gòn thời may gặp dì hai Thìn. Má cháu hỏi, dì chối, nói cho dì chớ không phải bán. Má cháu có lên Tân định kiếm dì nhưng trong xóm dì ở hồi trước đó không ai biết dì đi đâu. Có dè dì tới đây đâu.
- Hồi con Nuôi được bốn năm tuổi, ở nhà tôi mất, vì ở Sài Gòn không có phương thế làm ăn, nên tôi phải trở về đây.
- Sao dì về ở một bên ông nội cháu đây, mà từ hồi đó đến bây giờ dì không nói thiệt?
- Tôi có biết con Nuôi là con của ai đâu mà nói.
- Phải. Dì có biết đâu. Mà mấy  tháng nay ông nội cháu rao trong nhựt trình hỏi ai biết chín Hô chỉ ra, ông nội cháu cho tiền sao dì lại không nói?
- Ông có rao nhựt trình hay sao? Tôi có hay bao giờ đâu mà nói. Phải tôi dè con Nuôi là cháu nội ông Hội đồng thì tôi nói liền đặng nó sung sướng tấm thân, chớ tôi để nó cực khổ làm chi. Cha chả, con tôi có phước quá? Nếu thiệt như vầy tôi hết lo cho phận nó rồi.
- Thiệt là may quá! Ông nội với má cháu chắc mừng lắm.
Thu Cúc nói mà hào hển, nó nói với má con Nuôi rồi day lại kéo con Nuôi nữa:
- Thôi đi chị hai, đi xuống dưới nhà một chút, đặng cho má với ông nội
rừng. Ba đi Tây chìm tàu chết rồi. Rủi quá, phải ba còn sống thì vui lắm. Thôi đi.
Con Nuôi nghe rõ đầu đuôi rồi thì nó chưng hửng, nửa mừng nửa nghi, nên đứng ngó Thu Cúc rồi lại ngó má nó. Thu Cúc thúc đi nữa, con Nuôi mới nói rằng:
- Chuyện em nói đó qua không hiểu. Bây giờ má qua đau qua bỏ mà đi sao được. Thôi em về thưa lại má em hay, coi má em liệu làm sao đã chớ. Thu Cúc gật đầu buông tay con Nuôi ra, rồi chạy ra sân, hối thằng Hiếu về. Nó vừa đi vừa chạy hào hển, thằng Hiếu chạy theo hỏi việc gì nó không thèm nói, cứ co giò chạy riết. Vừa bước vô cửa, Thu Cúc kêu rân:
- Má ơi má ! Con tìm được chị Thu Ba rồi. Má lên đem chỉ về cho mau má. Thu Vân đương đứng dưới nhà bếp, nghe con kêu om sòm, bèn chạy lên hỏi:
- Gì vậy con?
- Con tìm được chị Thu Ba rồi.
- Ở đâu?
- Trên kia.
- Trên nào?
- Chị Nuôi đó đa.
- Hả? Ai nói với con rằng con Nuôi là Thu Ba.
- Má chỉ, má chỉ là chị chín Hô đa.
- Úy, cha chả! Thiệt hôn?
- Sao lại không thiệt. Con hỏi rồi. Má lên hỏi lại mà coi.
Thu Vân mừng quýnh, nên rộn rực chạy đi kiếm ông Hội đồng. Ông đương lắm trong nhà tắm, nàng đứng ngoài kêu mà nói:
- Thưa cha, Thu Cúc nó nói con Nuôi đó là Thu Ba cha à. Cha cho con lên nhà con Nuôi hỏi lại coi, nghe hôn cha.
Ông Hội đồng ở trong đáp lại:
- Ừ con lên trển hỏi lại coi. Con đi trước đi, cha tắm rồi cha sẽ lên sau
Thu Vân với Thu Cúc dắt nhau mà chạy; trời còn nắng mà quên đội khăn. Ông hội đồng tắm rồi bước ra kêu thằng Hiếu lấy áo quần mau mau cho ông thay, đặng ông đi theo mẹ con Thu Vân. Ông thay đồ xong rồi, ông hỏi thăm thằng Hiếu coi nhà của mẹ con Nuôi ở chỗ nào rồi ông lấy dù đi. ông ra khỏi cửa ngỏ, ông sực nhứ bỏ quên xâu chìa khóa trên đầu giường của ông, ông bèn vội vã trở lại lấy.
Ông lên lầu coi tủ sắt, tủ cây đều đóng tử tế, ông bỏ chìa khóa vô túi, kêu thằng Hiếu mà dặn coi nhà rồi ông mới đi nữa.

Chương 15
Cha con sum hiệp hết ưu phiền,
Chồng vợ trùng phùng quên khổ não.


Ông Hội đồng nghe nói con Nuôi đó là Thu Ba, ông muốn đi riết lên nhà nó coi có thiệt như vậy không.
Ông che dù đi dài theo hai hàng kiểng vừa ra tới nửa sân ông thấy có một cái xe hơi chạy chậm chậm rồi ngừng ngay trước cửa ngỏ. Một người mặc đồ tây nỉ ở trên xe leo xuống, tay xách một cái hoa ly. Xe liền mở máy chạy. Người ấy ngước mặt lên ngó vô nhà rồi lầm lũi đi vô, bộ đi mạnh dạn mà mặt mày hầm hừ lắm. Ông  hội đồng tưởng khách nào lạ nên nên ông khựng lại mà ngó.
Người lạ ấy vô cửa ngỏ rồi thì cứ lầm lũi đi riết. Chừng người ấy ngó thấy ông hội đồng đứng giữa sân thì vội vã đi lại. Đi gần tới, người ấy để cái hoa ly xuống đất, lấy nón cầm trong tay rồi nói châm bẩm:
- Thưa cha, con về đây.
Ông Hội đồng đứng nhìn trân. Chừng ông thấy quả là Hiển Vinh, con trai của ông, thì ông biến sắc lỡ khóc lỡ cười, không biết nói sao được, ông vùng la lớn lên:
- Ôi! Vinh! Mầy còn sống hay sao? Cha chả là may? Vậy mà nó nói mầy bị tàu chìm chết rồi chớ!
- Thưa cha, con dễ chết đâu! Con về đây mà chết trước mặt cha cho cha vừa lòng chớ.
- Ê! đừng có nói bậy? Chết đi sống lại tao mừng quá mà mầy nói cái gì vậy?
- Thưa cha, con nói thiệt chớ. Con sống lại đặng về mà chết cho cha thấy.
- Sao mà chết?
- vậy chớ sống làm gì? Sống mà sầu não, sống mà ngậm đắng nuốt cay, sống vui sướng gì đó mà sống.
Ông Hội đồng chúm chím cười. Ông định tỏ thiệt những việc nhà, mà vừa mở miệng thì Hiển Vinh lại nói:
- Cha ở với con thiệt là ác lắm. Vì cha mà con sầu thảm mười mấy  năm nay.
Vì cha mà vợ của con phải chết dọc đường dọc sá, còn con của con thì xiêu lạc mất hết. Cha giết con luôn nữa đi cho vừa lòng cha. Con nói thiệt, nếu cha không giết con thì con cũng đâm họng con mà chết cho cha coi.
Ông Hội đồng cười ngất. Ông bước lại vỗ vai Hiển Vinh và nói dịu dàng:
- Con giận cha lắm phải không? Con giận phải lắm. Bây giờ cha biết cha ở với con gắt gao thiệt. Thôi, chuyện cũ bỏ đi, đừng có nhắc tới nữa.
Hiển Vinh cười gằn và chận đáp:
- Bây giờ cha biết cha gắt thì đã muộn rồi, cha biểu bỏ chuyện cũ, bỏ sao cho được.
- Sao vậy?
- Làm sao con quên vợ con của con được. Con phải chết. Chết trước mặt cha bây giờ đây.
Hiển Vinh khóc dầm. Ông Hội đồng cười rồi kéo tay chàng mà nói:
 - Con vô nhà ngồi mà khóc. Khóc cho lung đặng hết phiền rồi một lát vợ con của con trở về đây gặp nhau cho vui.
Hiền Vinh nghe nói như vậy thì càng buồn nhiều nên nói:
- Con đau lòng xót dạ hết sức mà cha đành vui cười pha lửng chi vậy cha.
- Cha nói thiệt. Con vô nhà đi, rồi một lát nữa vợ của con sẽ đắt thêm một đứa con nữa của con về đây mà mừng con cho con coi.
- vợ của con bây giờ ở đâu? Kiếm được con Thu Ba rồi hay sao? Cha đã chịu nhìn chúng nó rồi hay sao? Chúng nó về đây hay là cha đi kiếm?
Ông Hội đồng kêu thằng Hiếu xách hoa ly cho Hiển Vinh còn ông nắm tay Hiển Vinh mà kéo đi vô nhà. Hiển Vinh ngơ ngẩn lỡ khóc lỡ cười, không hiểu vợ con ở đâu mà cha nói như vậy.
Vô nhà rồi, ông Hội đồng đè vai Hiển Vinh biểu ngồi trên ghế. Ông ngồi một bên mà tỏ cho chàng nghe rằng mẹ con Thu Vân ở Hải Phòng nghe tàu chìm chàng chết, bèn dắt nhau trở về Nam. Đến Sài Gòn bị ăn trộm lấy hết vàng bạc áo quần, rồi Thu Vân lại đau nặng, Thu Vân gởi thơ mà trối với ông, ông muốn lên Sài Gòn mà tìm ngặt vì trong thơ không có nói chỗ ở nên ông không biết ở  đâu mà kiếm. Ông buồn rầu ăn ngủ không được, nên ông mang bịnh hơn một tháng. Lúc ấy Thu Vân mạnh rồi nàng dắt con xuống đây vô ở trong lò gạch mà làm công. Ông thấy mẹ con nghèo khổ bịnh hoạn ông thương, nên đem về nuôi. Cách hai tháng sau tình cờ con Thu Cúc nói thiệt ông mới biết, chớ nếu mẹ con nó giấu hoài thì chắc ông cũng không dè.
Ông Hội đồng thuật chuyện, Hiển Vinh lóng tai nghe. Ông thuật tới đó rồi nói:
- Còn cái việc con Thu Ba thì cha mướn nhựt trình rao ai có biết nó ở đâu thì chỉ giùm, cha thưởng 500 đồng bạc. Cha với vợ của con có đi Sài Gòn hai lần, hỏi dò thì hồi trước con vú bán con Thu Ba cho một người đàn bà tên là chín Hô, mà tìm chín Hô không được. Hồi xế con Thu Cúc đi chơi tình cờ nó hỏi ra mối. Té ra con Thu Ba từ nhỏ chí lớn làm trong lò gạch của cha đây mà cha không hay. Con Thu Cúc chạy về kêu rồi mẹ con nó dắt nhau lên trển. Cha đi theo vừa mới ra gần tới cửa kế gặp con về đó.
Hiển Vinh nghe rõ đầu đuôi rồi thì mừng quýnh đứng dậy nói:
- vợ con của con đi chỗ nào, xin cha chỉ giùm đặng con lên đó coi. Ông Hội đồng cũng đứng dậy:
- Thôi thì đi với cha.
Hai người vừa bước xuống thềm thì thấy Thu Vân, Thu Cúc với con Nuôi ngoài bước vô cửa ngỏ. Hiển Vinh thấy vợ con thì quýnh quít trong lòng không thể dằn được, nên chàng chạy riết ra một tay nắm Thu Vân, một tay nắm Thu Cúc cười om sòm mà nước mắt chảy dầm dề.
Thu Vân và Thu Cúc thấy Hiển Vinh, tưởng trên trời mới rớt xuống, nên đứng sửng sốt, không nói được một tiếng. Thu Cúc ôm cha chặt cứng mà khóc. Thu Vân đứng một bên chồng cũng khóc òa.
Con Nuôi không hiểu chi hết nên đứng dang ra mà ngó. Thu Vân hỏi chồng tại sao còn sống mà về được. Hiển Vinh thuật sơ chuyện của mình trong ít tiếng cho vợ con nghe.
Thu Vân bước lại nắm tay con Nuôi và nói với chồng: „Con Thu Ba đây mình!“. Hiển Vinh thuở nay chưa thấy mặt con Thu Ba nay mới thấy nó đây tuy nó ăn mặc lam lụ, song chàng không nghi ngại chi hết, vùng cúi xuống ôm mặt nó mà hun và nói:
-  Mười mấy  năm nay cha mẹ thương con nên khóc gần hết nước mắt. Ai dè ngày nay về đây rồi lại gặp con!
Vợ chồng và hai đứa con dắt nhau vô nhà. Ông Hội đồng đứng trên thềm bạch  ngó con dâu, và hai đứa cháu nội thì ông lấy làm đẹp dạ, nên ông vuốt râu mà miệng cười chúm chím.
Vô nhà rồi Thu Vân thưa với ông Hội đồng:
- Thưa cha, chị chín Hô đau nhiều quá mà không có thuốc men chi hết. Chỉ có ơn nuôi con Thu Ba thuở nay, bây giờ mình làm sao đền ơn lại chỉ.
Ông Hội đồng chưa kịp nói, thì Hiển Vinh hớt mà nói rằng:
- Chỉ ở chỗ nào đâu, dắt tôi lên đó coi mạch thử coi. Như có thể cứu được thì tôi rán mà cứu chỉ.
Ông Hội đồng nói:
- Con đi với cha.
Ông Hội đồng với Hiển Vinh ra đi. Thu Vân, Thu Ba và Thu Cúc đi theo. Lên đến đó Hiển Vinh coi mạch cho chị chín Hô rồi nói:
- bịnh tuy nhiều, nhưng không thấy chỗ nào hại. Tôi có thể cứu được, song phải lâu lâu một chút bịnh mới mạnh.
Chàng ngó quanh quất trong nhà:
- Ở nhà chật hẹp thấp thỏi quá như vầy biểu đừng đau sao được. Mà chỉ ở đây có một mình rồi ai nuôi chỉ. Thưa cha, để biểu bầy trẻ  đem võng lên võng chỉ về dưới nhà mình đặng cho thuốc cho dễ.
Ông Hội đồng gặc đầu lia lịa:
- Được được, con muốn thế nào tự ý con.
Ông liền bước ra kêu lối xóm biểu hai người mạnh dạn lấy võng mà khiêng giùm chín Hô đem xuống nhà ông. Ông dắt vợ chồng Hiển Vinh về trước, để Thu Ba với Thu Cúc ở lại đặng đi một lượt với chị chín Hô. Về đến nhà, Thu Vân biểu anh Pho với thằng Hiếu dọn cái phòng dựa nhà bếp chỗ nàng nằm khi trước cho chị chín Hô nằm.
May Hiển Vinh có vài thứ thuốc để sẵn trong hoa ly, lại có kim để tiêm thuốc nữa, nên chừng võng chị chín Hô xuống tới nơi, chàng tiêm cho chị ta một mũi thuốc, chị ta khỏe liền. Thu Ba cứ rà rà một bên mà coi chừng, bộ nó thương yêu mẹ nuôi lắm. Thu Vân lấy một bộ áo quần mới của Thu Cúc đưa cho Thu Ba bận đỡ. Thu Ba ban đầu còn bợ ngợ mà rồi nó thấy cả nhà đều tỏ ý thương nó, ông nội thì ngồi ngó con cháu rồi vuốt râu cười hoài, cha thì đứng xẩn bẩn một bên mà vuốt ve, mẹ thì lo gỡ đầu, thay áo cho nó, em thì cứ theo nắm tay mà nói chuyện, bởi vậy nó mới dám chắc sự thiệt, nó mới mừng mừng trong lòng.
Anh Pho rượt bắt vịt làm thịt, vịt la om sòm.
Thị Két nấu cơm trong nhà bếp khói lên ngui ngút.
Thằng Hiếu chế trà rồi lấy thuốc, múc nước rửa mặt rồi rót dầu làm đèn, nó chạy lăng xăng chưn không bén đất.
đến chiều cơm cháo dọn đầy một bàn, Hiển Vinh cứ lo nói chuyện, không nhớ với việc ăn uống. Ông Hội đồng ngồi lại bàn ăn rồi nói lớn:
- Thôi, ăn cơm. Để thủng thẳng rồi mặc sức mà nói, không thiếu gì ngày giờ.
đi ăn cơm để đồ ăn nguội hết.
Hiển Vinh nghe cha biểu mới dắt vợ con đi ăn cơm. Ông Hội đồng ngồi trên đầu bàn, một bên thì Hiển Vinh với Thu Ba, còn một bên thì Thu Vân với Thu Cúc vừa ăn vừa nói chuyện.
Cha con sum hiệp, chồng vợ trùng phùng, một câu chuyện nghe mấy  tiếng cười, mặt người nào coi cũng tươi rói.
Thu Vân thuật rõ những việc tân khổ của mẹ con nàng ở nhà lại cho chồng nghe. Khi nàng thuật tới lúc vợ chồng Hai Rỗ  đoạt tài vật của nàng thì Hiển Vinh giận quá, nói để làm đơn gởi lên quan biện lý Sài Gòn mà thưa, đặng trừng trị cái lũ gian ác ấy
Ông Hội đồng can:
- Thôi con. Bây giờ mình có phước được sum hiệp một nhà rồi, mình cũng nên làm phước cho thiên hạ. Hại người ta làm chi. Đã biết con Thìn nó bán con Thu Ba. Bây giờ có chín Hô làm chứng thì con trị tội nó được. Còn thằng chồng nó âm mưu giựt của, nếu con xin sở mật thám xét cho hẳn hòi thì có lẽ cũng ra mối. Mà thôi! Làm cho ra lẽ mà ích gì. Mất vàng bạc bao nhiêu để cha thường cho. Cũng nhờ vợ chồng con Thìn nó làm như vậy nên bây giờ mình mới được vui vẻ như vầy.
Vợ chồng Hiển Vinh nghe cha dạy như vậy thì kính phục lắm, không có lời nào mà cãi được. Ai nấy còn ngồi suy ngẫm mấy  lời hiền đức của ông Hội đồng.
Vợ chồng Hiển Vinh ngồi ăn mà cứ liếc ngó con Thu Ba hoài. Cách một hồi Hiển Vinh nói với vợ:
- Tôi coi cái trán với cái miệng con Thu Ba nó giống con Thu Cúc quá, mà sao mình gặp con Thu Ba năm sáu tháng mà mình không biết? Dở quá. Thu Vân cười và đáp:
- Tại tôi không dè nên không để ý coi cho kỹ. Mà trời khiến cũng kỳ, hai đứa nó gặp nhau thì chúng nó thương nhau quá.
Con Thu Ba chúm chím cười hoài không nói chi hết.
Sáng bữa sau Hiển Vinh đánh dây thép lên Sài Gòn mua thuốc trị bịnh cho chị chín Hô. Chàng săn sóc điều dưỡng trong nửa tháng thì chị chín Hô thiệt mạnh.
Ông Hội đồng tỏ dấu cám ơn những người làm nghĩa với con cháu ông trong lúc hoạn nạn, nên ông kêu bà Sáu và chị chín Hô về nhà đặng ông nuôi.
Ông lại cho phép vợ chồng Hiển Vinh dắt con đi Trà Vinh tạ tội với ông đoàn Thanh Bạch và viếng mộ vợ chồng ông đoàn Thanh Long. Bận về vợ chồng Hiển Vinh dắt con đi thẳng lên Sài Gòn tạ ơn ông thầy thuốc làm nghĩa trị bịnh cho Thu Vân. Thu Vân lại xin chồng ghé Mỹ Tho đặng nàng thăm thím tiệm trà.
Hiển Vinh chơi trọn nửa tháng rồi mới trở về Nha Mân. Ông Hội đồng được hạnh phước, ông muốn chia cái phước của ông cho con nhà nghèo, bởi vậy ông dạy Hiển Vinh xin từ chức thầy thuốc rồi ông cất một tòa nhà ngói lớn phía bên kia đường ngay cửa ngỏ nhà ông, để rước và nuôi dưỡng con nít mồ côi và người già cả bịnh tật. Ông giao cho vợ chồng Hiển Vinh coi sở ấy làm phước cho kẻ côi cút nghèo nàn. Còn lò gạch với ruộng đất thì ông nói với hai đứa cháu nội hễ ông đi thăm lò gạch  thì có Thu Ba, hễ làm tờ lá mướn ruộng thì có Thu Cúc.
Một nhà vui vẻ, cha con chồng vợ thuận hòa.
Mỗi buổi chiều, ông Hội đồng nhắc ghế ra ngồi trước sân mà hóng mát. Thu Ba với Thu Cúc đi vòng theo mấy  cây kiểng mà kiếm sâu. Hiển Vinh với Thu Vân dắt nhau đi qua đi lại theo mấy  bờ sông mà nói chuyện. Ông Hội đồng nhìn con ngó cháu, trong lòng thơ thới ngoài mặt tươi cười. Nhiều khi ông nói nho nhỏ một mình: Hạnh phúc như vầy mà mười năm nay mình không biết hưởng.
 

Hết


 

Pages Previous  1  2