Ni Cô và Lão Ăn Mày Thế Sự   

Ngày xưa, ở chùa Phước Thọ miền trung du đất bắc, có một ni cô pháp danh là Tuệ Không sắc đẹp lạ thường, lại có tài làm thơ hay, vẽ khéo, viết chữ rất đẹp. Ni cô học theo lối chữ viết của ông Triệu Tùng Tuyết nhà Tống mà vẽ tú nhuận diễm lệ lại có phần hơn nhà danh tự Trung Hoa. Tính thường dè dặt, ni cô không để một nét vẽ, một chữ viết, một bài thơ của mình lọt vào tay người ngoài. Tài danh đồn xa, những tay phong nhã, quyền quý đều đua nhau đến xin tranh, xin chữ không ngớt, cửa thiền cơ hồ không lúc nào vắng người. Hễ được bài thơ hay là một bức họa do tay Tuệ Không tặng, người ta coi như một vật chí bảo. Mà ni cô thì trước sau không hề lấy tiền thù tặng của ai, vì thế người ta lại càng ngưỡng mộ.

Một hôm, Tuệ Không đi ra ngoài vân du, ven đường gặp một lão ăn mày lên tiếng kêu than. Ni cô hẹn ông lão ngày mai đến chùa, sẽ bố thí cho. Lão ăn mày y hẹn mà đến, Tuệ Không chẳng bố thí tiền gạo gì cả, chỉ đưa cho mấy tờ giấy có ít nét vẽ, chữ viết của mình. Thấy ông lão tỏ ý ngần ngại không muốn lấy, Tuệ Không bảo rằng: "Cụ cứ cầm các mảnh giấy này đi đến các nhà giàu có, ai hỏi mua thì cụ bán đi để lấy tiền sống hàng ngày, hễ hết thì tôi lại cho".

Lão ăn mày nghe lời mang đi, kẻ hào phú tranh nhau mua, giá bán được rất cao. Người ta đều lấy làm lạ bởi đâu mà lão lại có được nét vẽ, chữ viết của Tuệ Không, có kẻ ngờ cho lão đã ăn cắp của ni cô. Chẳng bao lâu, lão ăn mày đã trở nên kẻ thừa ăn thừa mặc, trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiềng. Lão không biết đáp ơn Tuệ Không bằng cách nào, mới dựng một cái thảo lư ở ngoài tam quan chùa xin làm người thủ hộ.

Có kẻ thổ hào ở trong vùng manh tâm muốn chòng ghẹo Tuệ Không, mấy lần đều bị nàng nghiêm khắc cự tuyệt, đâm ra thù ghét, bèn thuê một bọn côn đồ thừa cơ làm ô nhục nàng cho bõ ghét.

Một hôm Tuệ Không đi chơi núi cách chùa đã hơi xa, lũ côn đồ theo gót đến nơi thấy ni cô chỉ có một mình liền vây lại bức bách, đùa cợt thô tục. Một mình liệu khó bề thoát thân, Tuệ Không chỉ còn biết van vỉ bọn vô lại xin tha cho kẻ tu hành, song chúgn nhất quyết ra tay. Đứa thì nắm chặt lấy tay, đứa giữ lấy chân, đứa toan giở trò cưỡng hiếp. Trong lúc nguy cấp, lão ăn mày bỗng đâu đến, thấy thế liền giơ gậy xông vào quyết liều mạng đánh nhau với bọn côn đồ để cứu thoát cho ân nhân trở về chùa.

Từ đó, Tuệ Không thường kế tiếp đưa tranh, thơ cho lão để tạ ơn. Ông lão ăn mày về sau trở nên một nhà tiểu phú, ở suốt đời trước cửa chùa không đi đâu nữa. Người đời cho rằng ni cô Tuệ Không là Quan Âm tái thế, và lão ăn mày kia là một vị hộ pháp tiền thân.


o0o