đều đứng trên một chỗ đứng riêng: 10g30 vào phòng Liệu. Đúng
11 giờ trở ra. Gặp Liệu, giãi bày cặn kẽ với Liệu trong 30
phút, không hơn không kém. Làm thế nào nói hết đầu đuôi ngọn
ngành với Liệu trong 30 phút ngắn ngủi? Thừa thì giờ. Nhưng
có đủ thì giờ để Liệu hiểu, suy nghĩ, cân nhắc và ưng thuận?
Đường tự trả lời thầm: Liệu sẽ ưng thuận. Anh cũng không
hiểu tại sao anh có thể chắc chắn được ở điều đó, ở một
người khác dù người ấy là Liệu.
Anh tin ở anh. Nhưng anh lại phải tin ở Liệu, tin một cách
liều lĩnh như con người tin ở một cuộc phiêu lưu, tin rằng
bên kia đêm sẽ có cái ánh sáng rực rỡ của một ngày. Cả cái
chương trình tỉ mỉ, kết quả của bao nhiêu đêm suy nghĩ không
ngủ chỉ có 30 phút dành cho những lời anh sẽ nói với Liệu là
Đường không cầm nắm được. Cũng chẳng còn cách nào khác. Đành
là phải tin chết ở Liệu vậy. Ở đôi mắt Liệu nhìn anh một hôm
nào, ở một câu nói dịu dàng của Liệu với anh về Hà Nội, một
lần gặp mặt tháng trước, ở đôi tay thon nhỏ của người thiếu
nữ. Tin một cách trừu tượng mong manh ở những ngón tay thon
nhỏ, ở một đôi mắt hiền hậu, nhưng mà phải tin.
Vậy anh sẽ về phòng Liệu và đi ra lúc 11 giờ đúng. Bữa tiệc
sẽ kéo dài và sẽ bế mạc vào 3, 4 giờ sáng. Trước lúc đó
không được, vì sớm quá rượu chưa ngấm men, chúng nó còn tỉnh
táo thì dễ hỏng việc. Giữa bữa tiệc, anh phải khởi hành chậm
lắm là lúc 12 giờ 30. Muộn hơn sẽ không đủ thì giờ đến Văn
Điển trước 5 giờ sáng. Đường nhớ lại những vọng gác trùng
điệp ở dọc đường, những bốt canh rải rác đến tận cánh đồng
cỏ hoang vu sau quận Văn Điển. Đường sẽ nói mấy câu, chúng
nó sẽ uống sâm banh và anh sẽ vờ say. Con mắt anh sẽ nhíu
lại một vẻ đờ đẫn, bàn tay anh sẽ vung lên trong những dáng
điệu nghiêng ngả choáng váng. Chúng nó cười phá lên. Anh
nháy mắt với chúng nó, nhìn vào buồng trong. Chúng nó lại
cười phá lên.
Bây giờ là là một giờ đêm. Đường chỉ có thể ở phòng Liệu tới
1 giờ rồi phải trở lại bàn tiệc, lần thứ nhì, lần cuối cùng.
Đúng 2 giờ sáng lên đường. Đường đã tính đi tính lại, phải
ba tiếng rưỡi đồng hồ để đi một đoạn đường 15 cây số, men
theo bờ ruộng lầy lội, trong đêm tối nhoà nhạt trên những
lối đi tắt ngoài đồng xa cách những làng xóm và những bốt
gác. Phải tính cả đến việc đi bộ qua ruộng đêm sẽ mất nhiều
thì giờ hơn là đi trên đường lớn.
Đến Văn Điển, 6 giờ kém 30. Trời mùa đông lúc đó mới hé
sáng. Đúng 6 giờ thì Đường phải bước lên con đường số 1.
Ngày vừa lên thì chương trình cũng vừa thi hành xong.
Đường kiểm điểm lại một lần nữa. Tất cả đều được sắp đặt ổn
định. Anh bắt đầu thi hành chương trình bằng cách mỉm cười
đánh diêm châm một điếu thuốc lá.
Tên Trưởng ty Công an ngó anh chăm chú hỏi:
“Cười gì thế Đường?”
Y ngồi ngay bên cạnh anh. Đêm nay cũng như từ ba năm, lúc
đứng lúc ngồi, bao giờ y cũng ở bên cạnh anh. Cái thân hình
cao lớn của Đường lại là cái bóng của nó, bé nhỏ, xiêu đổ.
Nó bám hút lấy anh như một loài đỉa như một con rắn độc nguy
hiểm lại như một loài mèo có đôi mắt lặng lờ giảo quyệt. Nó
vẫn luôn luôn dò xét anh từng cử chỉ bé nhỏ, từng câu nói
vụn vặt. Đêm nay nó lại ngồi ở chỗ cũ như một cái bóng,
nghĩa là ở bên cạnh anh. Đường nghĩ rằng anh sẽ thích thú
ghê gớm nếu bây giờ trước cái ánh sáng chói chang của năm
ngọn đèn măng sông, trước tất cả bọn chúng nó, anh được đứng
dậy, xoay người vào tên Trưởng ty, thu hết sức căm giận đấm
về phía trước mặt. Nắm đấm sẽ làm tối tăm một đôi mắt cú vọ
mở đến đứt kẽ vì kinh ngạc, và thằng Trưởng ty Công an sẽ
ngã sấp gập xuống mặt bàn. Thì anh sẽ giải thoát cho anh
được một thứ gánh nặng, một cái bóng tối, một ám ảnh bền
vững ma quái đã chứa nén quá lâu ngày.
Nhưng nắm tay không được phóng ra vì Đường vừa nghĩ tới
chương trình của mình. Anh nén lại, rồi nghiêng sang tên
Trưởng ty, thì thầm:
“Nghĩ gì thì anh biết đứt đi rồi. Anh chỉ được cái xỏ lá”.
Miệng nói anh khẽ đấm vào hông tên Trưởng ty, nháy mắt nhìn
vào trong buồng. Nó nhìn theo, nháy lại ra ý hiểu rồi cười
ngặt nghẽo:
“Thì chốc nữa tha hồ “dùng”. Đi đâu mà cuống lên thế”.
Nhân cơ hội, nó đùa nó thêm ngay một câu:
“Đẹp nhất Vân Đình đấy, cậu tư bản cậu tranh mất của chúng
tớ. Chán rồi cho chúng tớ mượn nhé. Cộng sản mà!”
Đúng rồi, cộng sản mà! Nó bảo Đường cho nó mượn Liệu, nó
đang làm sáng tỏ cái chủ nghĩa của chúng nó đấy. Đường nghẹn
thở vì câu nói thô bỉ mà vẫn phải cười đáp lại:
“Ờ, tháng sau tớ chán tớ cho cậu mượn”.
Tên Trưởng ty cười lớn. Mặt nó hồng lên rồi thẫm lại dần
dần. Men đang ngấm vào từng tí một. Đường yên lặng theo dõi
men rượu đang thấm lắng qua người nó từng tí một. Đường có
cảm tưởng như anh nhìn thấy những lối đi của men trong người
tên Trưởng ty. Những khuôn mặt khác cũng đã bắt đầu lên màu.
Những mẩu tàn thuốc 555 và 999 rơi vãi trên khắp mặt bàn
trắng tinh. Vỏ cam đổ ngổn ngang chung quanh những thành
đĩa. Một vài cốc rượu đổ nghiêng không có một bàn tay nào
buồn nhấc lên. Đường đưa mắt nhìn theo dọc bàn, tất cả những
tai to mặt lớn đều có mặt. Tên Chánh án Toà án Quân sự Liên
khu ngồi ở giữa, tên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến
tỉnh ngồi đối diện. Ngoài ra thì toàn là những cán bộ cao
cấp. Chúng nó ăn mặc áo nâu rách xơ xác nhưng chúng nó uống
hàng thùng sâm banh, ăn hàng chục cân cam, ăn hết chim đến
gà lại đến những món vây bóng Đường đặt mua từ trong Hà Nội.
Tháng trước, được tin Đường cưới vợ, mời chúng dự tiệc cưới,
thằng nào cũng giục Đường phải cho người vào Hà Nội mua vây
bóng, thuốc lá và rượu mạnh. Nhất là thuốc lá và rượu mạnh.
Bây giờ là vào cuối tháng Chín năm 1950. Con đường duy nhất
từ Vân Đình vào Hà Nội qua vùng La Khê ra chợ Văn Điển vừa
bị Công an cộng sản cắt đứt. Hàng trăm gia đình tới đó đều
bị bắt ở chung quanh La Khê rồi từ La Khê áp tải thẳng vào
trại số 5 của Lý Bá Sơ. Con đường độc đạo cuối cùng từ vùng
cộng sản vào Hà Nội thế là không còn nữa. Chúng nó đặt bốn
trạm kiểm soát ngoài La Khê, trong xóm, cả về phía bên kia
La Khê. Những bờ ruộng, cỏ mòn úa dưới những vết chân của
những đoàn người dời bỏ khu vực cộng sản qua đó, lại mọc lên
hoang rậm như cũ.
Đường quyết định trốn về Hà Nội cùng một lúc khi anh được
tin con đường về bị cắt đứt và những gia đình xấu số đã bị
bắt giải vào Liên khu IV. Nhưng anh cảm thấy anh không thể
trì hoãn được nữa. Trong Hà Nội đưa tin ra cho anh biết mẹ
anh bị đau nặng, bệnh tê của thầy anh lại tái phát, gần mười
đứa em nhỏ của anh không còn người trông nom, Chính phủ Quốc
gia trong đó cần một người thông thạo tất cả những đường lối
tổ chức ngoại thương để thiết lập những bang giao thương mại
rộng lớn với ngoại quốc. Anh phải về Hà Nội. Về bằng bất cứ
cách nào: đường bộ, đường thuỷ, nhưng phải về ngay.
Cộng sản cũng biết Đường cần phải về Hà Nội và anh sẽ về
bằng bất cứ cách nào. Lúc đó chúng đang mơn trớn những người
trí thức tản cư ra hậu phương, Đường lại quen biết nhiều, sợ
ầm tiếng, chúng không dám thủ tiêu anh ngay.
Nhưng chúng cho canh phòng anh hết sức chặt chẽ. Đường ở
dưới Sêu Đặng chúng ngầm cho nhân viên Công an đến ở nhà bên
cạnh. Thằng này ngủ thằng khác thức thay phiên nhau canh giữ
anh suốt ngày đêm. Anh lên Vân Đình chúng bỏ Siêu Đặng lên
theo. Canh gác ngày càng nghiêm mật vì chúng không thể để
cho anh đi thoát. Chính chúng cũng cần những người như anh,
vì giao thương với quốc tế, cả khu vực cộng sản chỉ có anh
là đủ năng lực và nhiều kinh nghiệm nhất. Để mất anh là một
sự tai hại ghê gớm. Đường cũng biết vậy. Ngày lại ngày những
cái mắt của một cái lưới vô hình cứ nhỏ lại mãi. Và những
cái bóng cộng sản lẩn khuất chung quanh khởi đầu chỉ thấp
thoáng, càng ngày càng hiển hiện rõ rệt thêm.
Những buổi tối ra ngồi bên sông Vân Đình nhìn về chân trời
Hà Nội đã sáng lên một vùng ánh sáng lung linh hư ảo, nghĩ
đến mẹ, đến một lũ em nhỏ, đến những dự định của anh trong
vùng Quốc gia, Đường mím môi nhìn xuống mặt nước tối, cố
nghĩ ra một lối trốn thoát khỏi thiên đường cộng sản. Con
đường có mấy chục cây số mà hiểm trở hơn hàng nghìn cây số
núi rừng. Anh nóng ruột tưởng chừng muốn phát điên lên. Anh
biết rằng ngồi đâu đứng đâu cũng có ít nhất là một tên công
an lẩn khuất gần gũi đâu đó. Mỗi hành động mỗi cử chỉ của
anh đều được ghi nhặt. Nhiều lúc Đường muốn đánh liều cứ đi,
phó thác hoàn toàn cho may rủi, nhưng rồi anh lại thôi, cái
lẽ giản dị là con người anh không bao giờ chịu hành động
hoàn toàn theo may rủi. Nhiều đêm muốn thử xem sao, anh giả
vờ mở cửa ra ngoài phố là y như rằng đã có một cái bóng đứng
gần nhà hoặc ở dưới một bóng cây, hoặc dưới một mái hiên
tối. Đường biết rằng chúng theo dõi anh từng bước, cả ngày
lẫn đêm.
Làm thế nào để có được một đêm không bị theo dõi? Chỉ cần
một đêm không bị theo dõi. Nhưng làm thế nào?
Bỗng nhiên một hôm Đường gặp Liệu.
Ý nghĩ vụt đến như một tia chớp. Đường quen Liệu từ ngoài Hà
Nội. Cùng tản cư ra hậu phương, họ gặp nhau ở Vân Đình,
nhưng lần nào hai người cũng chỉ hỏi thăm nhau qua loa. Cho
đến buổi chiều mà Đường nhất định đặt Liệu vào cái động cơ
chính trong dự tính trốn thoát của anh. Anh liền dành cho
Liệu một thái độ mới. Anh đến thăm Liệu nhiều lần. Những đêm
có trăng sáng anh đến đón Liệu đi chơi thuyền trên sông Vân
Đình. Liệu có một cửa hàng thuốc tây nhỏ ở cuối phố. Tên
Trưởng ty Công an vẫn mua thuốc sốt rét ở cửa hàng của Liệu.
Hơn một tháng trôi qua, hai người trở nên thân thiết nhau,
Đường hỏi Liệu làm vợ. Chờ tới lúc Liệu vừa chính thức nhận
lời, Đường liền tung cái tin anh lập gia đình ở hậu phương
trong khắp các giới bạn hữu thân thuộc.
Anh cho tên
Trưởng ty Công an biết trước nhất.
“Ố ố, anh mà cũng lấy vợ địa phương à? Nghe đồn anh có vị
hôn thê nào ở trong Hà Nội cơ mà? Tên Trưởng ty vừa hỏi vừa
do ý tứ Đường”.
Anh cười to:
“Ở đâu thì lấy vợ và lập nghiệp ở đó chứ? Phụ nữ Hà Nội lấy
Tây lấy Tàu hết rồi, chúng mình lấy cái hạng đàn bà trong
vùng bị chiếm ấy sao được anh?”
“Thật anh lấy vợ không?”
“Thật. Đêm 30 tháng này tôi mời tất cả các anh đến ăn cưới.
“Tại sao không cưới ngay đầu tháng, lại phải chờ đến 30?”
“À còn phải thu xếp cho linh đình chứ! Kháng chiến thì kháng
chiến cũng phải có ba con năm, ba con chín, mô-ét săng-đông
cho các anh hôm đó chứ không các anh lại cho đi an trí thì
hết đời”.
Câu này Đường chỉ nói đúng một phần. Thực ra, chọn ngày cưới
vào đêm 30 anh đã nghĩ đến cái bóng tối đen đặc của một đêm
cuối tháng. Đêm 30 không có trăng mới đi được.
Hôm nay đã là đêm 30 rồi. Đường nghĩ lại tất cả chuyện đã
xảy ra để anh có thể tới được cái quyết định cuối cùng này.
Tụi cán bộ vẫn nói cười ầm ầm chung quanh. Mặt chúng nó đỏ
gay. Những cái đầu ngả nghiêng xoả sợi trên những ly rượu.
Rồi giọng tên Chủ tịch tỉnh lè nhè:
“Này “đồng chí” Đường, cô dâu đâu gọi ngay ra đây!”
Mấy tên khác ùa lên phụ hoạ nhâu nhâu kêu la cô dâu phải ra
trình diện.
“Lại xấu hổ chớ gì! Đêm nay thì tha hồ mà xấu hổ”.
Cả bọn cười thét lên. Một đứa đập bàn:
“Dân chủ cộng hoà, thanh niên phụ nữ giải quyết sinh lý với
nhau là thường, xấu hổ cái cóc khô gì? Thôi cho đồng chí
Đường vào công tác với cô dâu vậy, nhưng phải lập tức ra
ngay”.
Đường nhìn đồng hồ. Nghĩ đến dự định, anh liền đứng ngay
dậy:
“Cả làng đã dạy, tôi xin tuân theo mệnh lệnh, nhưng xin được
công tác nửa tiếng nhé!”
Nói đoạn, Đường đứng dậy, giả vờ loạng choạng xô ghế, đi
thẳng vào phòng Liệu. Anh đóng cửa cẩn thận, rồi tiến lại
phía đầu giường. Liệu ngồi cúi đầu một vẻ e thẹn, khép nép.
Liệu giật mình khi Đường nói rất nhỏ nhưng rất rõ ràng câu
thứ nhất:
“Tôi muốn nói với Liệu một chuyện rất quan trọng. Xin Liệu
bình tĩnh…
Đường kể hết cho Liệu nghe. Anh chỉ định cưới Liệu để lấy cớ
trốn đi. Chúng nó canh gác anh đêm ngày. Sự canh gác này chỉ
có thể chểnh mảng trong một đêm tân hôn. Vì thế, anh phải
giả vờ hỏi Liệu làm vợ. Anh cho chúng nó ăn uống thật say.
Chúng nó vừa tưởng anh vào động phòng. Anh sẽ trốn thoát ngả
sau. Anh sẽ đi suốt đêm về Văn Điển.
Đường nói xong ngừng lại. Liệu ngồi nghe, chết lặng người
đi. Liệu bằng lòng lấy Đường vì yêu Đường thành thực. Không
ngờ Đường chỉ dùng nàng như một thứ nguỵ trang để che giấu
và thực hiện âm mưu của anh.
Đã gần hết nửa tiếng. Đường nói tiếp, vừa đủ cho Liệu nghe
thấy:
“Bây giờ thì tất cả sự thành bại nằm trong tay Liệu. Liệu có
thể ra báo thẳng cho tên Trưởng ty Công an ngoài kia để trả
thù tôi về cái việc đã làm tai tiếng và lỡ dở cả cuộc đời
của Liệu. Tôi bắt buộc hành động như vậy vì không còn cách
nào khác. Như thế là hèn nhát, là tàn nhẫn, nhưng mẹ tôi đau
nặng ngoài Hà Nội, các em tôi còn nhỏ cả. Bây giờ Liệu đã
biết tôi không có ý lấy Liệu làm vợ, Liệu có toàn quyền định
đoạt”.
Đường quay gót đi ra cửa.
Đến cửa buồng thì Liệu gọi tên anh. Đường quay lại.
“Bao giờ anh lại vào đây?”
Liệu hỏi thẩn thờ như trong giấc mộng.
“12 giờ đúng. Tôi đã dự tính, tiệc rượu sẽ kéo dài đến 3, 4
giờ sáng. Còn tám món nữa mới đến tráng miệng. Nhưng Liệu
hỏi để làm gì?”
Liệu đáp:
“Anh cứ làm đúng chương trình của anh đi”.
Hai người nhìn nhau giây lát. Đường quay trở ra. Tiệc rượu
ồn ào bên ngoài.
10 đến 12 giờ. Ngồi ở buồng ngoài, giữa những tên cán bộ
cộng sản ăn uống, cười đùa như phá, giữa những vỏ chai,
những tàn thuốc, những màu khói, Đường nghĩ đến một cái đích
xa vời bé nhỏ lúc đó là Hà Nội, là tự do và đến một người
rất gần là Liệu, Liệu ở buồng trong, giữa cái đêm tân hôn kỳ
lạ nhất của đời người đàn bà.
12 giờ kém 5. Đường lại giả vờ. Anh ngã thật mạnh vào tên
Trưởng ty Công an.
“Ê, làm gì đấy! Chưa uống đã say hử?”
Đường tạo giọng nói ngất ngưởng nhất:
“Say thật đấy? Chẳng uống được… các anh ép tôi, các anh hại
tôi…”
Giọng anh bét nhè thêm:
“Đêm tân hôn của tôi… các anh hại tôi…”
Cả bàn tiệc rung chuyển trong những tiếng cười tiếng thét.
Tên Chánh án Quân sự hét thật to, cầm cả một vỏ chai đập
thẳng vào mặt tường. Tiếng thuỷ tinh vỡ tan tành trên mặt
đất.
“Thôi nó say, cho nó vào với cô dâu”.
“Cho vào! Cho vào!”
Đường đứng lên, càng giả vờ loạng choạng hơn:
“Thế còn các anh? Không, tôi ở lại…”
Chúng nó giậm chân, thét lên:
“Cho vào. Để mặc chúng tớ. Chúng tớ còn say tới sáng. Còn
rượu cứ đưa đây là được rồi. Rượu đâu? Rượu đâu?”
Đường chỉ vào góc buồng. Giữa một đống vỏ không, còn đến gần
20 chai sâm banh chưa mở nút.
“Tốt, được. Thôi vào đi”.
Đường đi loạng choạng thêm vài bước nữa. Vừa qua cửa buồng,
anh đóng nghiến cửa lại. Anh gục đầu xuống. Tấn kịch đóng
với chúng nó từ chập tối làm anh mệt lả. Anh dựa đầu vào
vách. Tiếng nút rượu mở lốp bốp bên ngoài. Tiếng cười, tiếng
đập phá, tiếng thuỷ tinh vỡ. Một lát, Đường ngẩng lên lo
lắng. Trước mặt anh, rất gần, Liệu đứng yên lặng. Liệu đã
thay áo đen từ bao giờ. Cái áo cưới màu hồng vứt dưới đất, ở
một chân giường.
Đường ngạc nhiên lại gần. Hai người nhìn nhau, rồi Liệu nói:
“Tôi bằng lòng để anh đi”.
“Tôi cám ơn Liệu”.
“Nhưng tôi cũng đi với anh”.
Đường mở mắt thật to. Điều này ở ngoài chương trình. Hai
người trân trân nhìn nhau một lúc nữa. Sau cùng họ mỉm cười.
Đường nắm lấy tay Liệu. Hai người cùng đi ra cửa sau.
Ra đến ngoài, vừa đúng 1 giờ đêm. Phố Vân Đình vắng tanh
vắng ngắt. Lần đầu tiên trong mấy năm trời, đêm ấy không có
cái bóng đen đứng rình ở bên kia đường. Chúng nó còn đang
canh gác mấy chai sâm banh.
Đường dắt Liệu đi xuống bờ ruộng. Hai người cứ men theo thân
lúa mà đi ra khỏi địa hạt Vân Đình. Tiếng cười nói từ một
bàn tiệc nào cứ xa, cứ nhỏ dần rồi mất hẳn. Đường và Liệu
đến một cánh đồng bát ngát. Đêm tối đen đặc chung quanh.
Liệu hỏi nhỏ:
“Ông Đường, mấy giờ rồi?”
“Thưa cô, ba giờ”.
Họ tự biết không còn là vợ chồng.
“Ở đây là đâu ông?”
“Lối về Văn Điển cô ạ”.
Hai người lại im lặng đi tiếp. Bàn tay Liệu nằm gọn trong
tay Đường. Anh dắt người thiếu nữ đi men theo những bờ đất
nhỏ. Yên lặng một đoạn thật dài.
Bỗng Liệu cất tiếng:
“Tại sao ông chờ mãi đến đêm nay mới cho tôi biết?”
“Tôi cũng thấy như vậy là không phải, nhưng tôi không dám
tin cô. Sợ cô biết trước, câu chuyện dễ bại lộ”.
“Đúng”, Liệu nói vắn gọn “nhưng nếu tôi không thoả thuận thì
sao? Tôi ở lại thì ông nghĩ thế nào?”
“Tôi chỉ định về một mình”.
“Ông có sự tính đến trường hợp tôi báo tên Trưởng ty Công an
biết không?”
“Có. Nhưng đến lúc vào buồng lần thứ nhất trở ra, tôi có cảm
tưởng cô sẽ không làm thế!”
“Ông tin ở cái gì chứ?”
“Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ ở cái nhìn, ở sự im lặng của
cô lúc đó”.
Họ nói chuyện thì thầm với nhau suốt đoạn đường còn lại. Họ
cũng cười khi nghĩ đến những tên công an cộng sản vẫn còn
ngã nghiêng, vẫn còn tuý luý trong bữa tiệc thâu đêm và
chúng vẫn yên trí rằng hai người còn ở buồng bên cạnh.
Đường thích thú về cái ý nghĩ chúng không thể nào ngờ được
anh lại bỏ đi, đúng vào đêm tân hôn, Đường đã bỏ đi, Liệu đã
giúp anh. Họ đã thoả thuận đổi một đêm tân hôn thành một đêm
đi tìm đời sống và tự do ngoài khu vực tăm tối. Chỉ có một
điều làm Đường băn khoăn là anh cho làm thế, anh đã làm hại
đời Liệu.
Tờ mờ sáng hôm sau, hai người đến quận Văn Điển bình yên vô
sự. Đường xin cấp giấy thông hành cho anh, cho Liệu. Xong
xuôi rồi, anh đưa Liệu ra bến xe.
“Thôi bây giờ Liệu có thể về Hà Nội một mình. Chúng ta sống
với nhau một đêm kỳ lạ nhất. Tôi cám ơn Liệu và tất cả. Tôi
sẽ giữ những kỷ niệm đẹp nhất về Liệu”.
Người thiếu nữ nhìn anh qua khung xe. Đường lặng người, vừa
ngạc nhiên, vừa cảm động. Nước mắt Liệu chảy ướt hai gò má.
Liệu mỉm cười qua nước mắt:
“Anh tưởng anh bỏ em được ư? Anh sẽ gặp mẹ anh, các em nhỏ
của anh. Nhưng em, em sẽ gặp ai? Anh đã làm xong xuôi kế
hoạch của anh. Nếu bây giờ là kế hoạch của Liệu thì anh nghĩ
sao?”
Đường sốt sắng:
“Tôi chịu ơn Liệu nhiều vô cùng. Liệu bảo gì tôi cũng làm.
Liệu cũng có kế hoạch ư?”
“Có. Anh lên đây. Anh cùng về với Liệu”.
Hai người nhìn nhau rưng rưng. Đường lặng lẽ lên ngồi bên
cạnh Liệu. Phía trước mặt họ, con đường số 1 chạy thẳng về
một hướng thành phố.
Đường đã vượt khỏi biên giới của cộng sản. Đường không vượt
được biên giới của tình cảm. Anh đã ở lại vĩnh viễn trong
biên giới của người thiếu nữ.
Hai người hiện có mặt ở
miền Nam.
Hết
|