Giờ Triết học. Thầy giáo bước vào lớp
và đặt lên bàn một chiếc bình rỗng, một hộp sỏi, một hộp đậu
đỏ và một hộp cát trắng. Trước tiên, thầy làm đầy chiếc bình
rỗng bằng hộp sỏi. Và giống như hành động của một diễn viên
xiếc khi đứng trước sân khấu, thầy giơ cao chiếc bình và hỏi
lớn: "Các em nghĩ chiếc bình này đã đầy chưa?". Cả lớp đồng
thanh: "Đầy rồi ạ!’’
Thầy giáo tiếp tục lấy hộp đậu đỏ vừa đổ vào bình vừa
lắc nhẹ. Các hạt đậu len lỏi qua những khe hở của các viên
sỏi và lấp đầy khoảng trống. Lần này, thầy giáo lại hỏi cả
lớp: "Các em xem bây giờ chiếc bình đã đầy chưa?”. Với một
chút thích thú và ngạc nhiên, cả lớp lại la to: "Đầy rồi
ạ!’’
|
|
Khẽ mỉm cười,
thầy giáo với tay lấy hộp cát trắng và từ từ đổ chúng vào bình. Cũng
như những hạt đậu đỏ, nhưng lần này những hạt cát bé nhỏ ấy lại len
qua những khe hở nhỏ hơn giữa sỏi và đậu. Khi thấy cát đã lấp đầy
những khe hở, thầy giáo lên tiếng hỏi xem liệu lần này chiếc bình đã
đầy chưa. Những con mắt mở to hơn lúc nãy nhưng câu trả lời vẫn là:
"Đầy rồi ạ!’’
Bất ngờ, thầy giáo thò tay vào hộc bàn và giơ lên hai lon
bia còn nguyên. Không ai đoán được thầy sẽ làm gì nữa đây. Chả lẽ
giải khát giữa giờ học (!?). Cả lớp vội cười ồ lên! Thầy giáo bình
tĩnh bật nắp 2 lon bia và đổ chúng vào bình. Bia sủi bọt thấm nhanh
qua cát, đậu đỏ, sỏi; lấp đầy những khoảng trống còn lại.
Đợi cho những tiếng cười ngừng hẳn, thầy giáo từ tốn: "Các
em thấy đấy, lần thứ nhất tôi làm đầy chiếc bình bằng những viên sỏi.
Những viên sỏi - chúng tượng trưng cho những điều quan trọng nhất
trong cuộc sống của các em. Đó chính là gia đình, là những người mà
các em yêu quí, là sức khoẻ, là con cái... Tất cả sẽ vẫn làm đầy
cuộc sống của các em nếu chẳng may các em không còn điều gì nữa để
thêm vào. Tuy nhiên, ngoài những điều chính yếu ấy ra, cuộc sống vẫn
còn nhiều những điều thứ yếu hoặc nhỏ nhặt khác nữa như nhà cửa, xe
cộ, những tiện nghi... mà tôi ví chúng như những hạt đậu đỏ, những
hạt cát. Tất cả sẽ cùng với sỏi làm đầy cuộc sống của các em. Và
điều mà tôi muốn các em quan sát thật kỹ, đó là: Nếu chúng ta bỏ cát
vào bình trước, thì có còn chỗ cho những hạt đậu đỏ không? Cũng như
cách ấy, ta bỏ đậu đỏ vào trước thì có còn chỗ cho những viên sỏi
nữa không? Hơn nữa, điều quan trọng là phải biết phân biệt đâu là
sỏi, đâu là đậu đỏ và đâu là cát. Khi đó, các em sẽ biết cách "lấp
đầy" cuộc sống của mình một cách trọn vẹn. Thầy giáo vừa dứt lời,
bỗng một sinh viên đặt câu hỏi: "Thế hai lon bia ngụ ý cho điều gì,
thưa thầy?’’. Thầy giáo mỉm cười hài lòng: "Tôi đổ cả hai lon bia
vào bình cùng một lúc để các em thấy rằng, trong cuộc sống của chúng
ta dù viên mãn đến mức nào chăng nữa thì vẫn luôn còn chỗ cho một
lon bia, hai lon bia hay nhiều hơn thế...’’.
o0o
|